TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bát hương – nén nhang.

Chủ nhật - 30/01/2022 09:09 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1058
Bát hương là một vật linh thiêng nhất trong gia đình của người Việt. Bát hương tự nó không là gì, nhưng trở nên ý nghĩa khi nó là vật thể qua đó người Việt tỏ lòng tri ân với tổ tiên.
Bát hương – nén nhang.

Bát hương – nén nhang.


 Bát hương là một vật linh thiêng nhất trong gia đình của người Việt. Bát hương tự nó không là gì, nhưng trở nên ý nghĩa khi nó là vật thể qua đó người Việt tỏ lòng tri ân với tổ tiên.

Tín ngưỡng thờ kính tổ tiên, có khi được thu gọn rất nhỏ, mà gia đình nghèo đến cỡ nào cũng có thể có. Một chiếc chén ăn cơm còn nguyên lành, chứa trong đó lưng bát gạo, và có thể trở thành bát hương, để rồi trầm tư cắm trên đó vài nén nhang tỏ lòng thành kính.

Bát hương là chiếc bát đẹp nhất trong gia đình nghèo có được để bày tỏ lòng tri ân tổ tiên. Hành vi này cao đẹp biết bao, nó diễn tả bao điều suy tư trầm mặc trong cuộc sống: Chẳng phải vì nghèo mà oán trách tổ tiên, chẳng vì nghèo mà quên tiên tổ. Đã không trách cứ, đã không bao giờ để bát hương nguội lạnh, họ còn thành kính trước bát hương ấy để tri ân tổ tiên. Có hình ảnh nào đẹp hơn thế, cái bát hương không đẹp về hình thể, bởi vì thậm chì không có cái bát hương vẫn có thể từ một mẩu bẹ chuối, vẫn có thể lấy một ống tre thay thế cho bát hương ấy. Nó đẹp bởi vì tấm lòng của con cháu đối với tiên tổ, nó đẹp bởi vì dẫu cho nghèo vẫn giữ được sạch, dẫu rách vẫn giữ cho thơm cho nét gia phong mà tiên tổ để lại.

Bát hương một vật thể tầm thường nhưng không bao giờ tầm thường đối với con người có tấm lòng mà tiên tổ để lại cho họ là “sống trên đời cần có một tấm lòng”. Bao nhiêu giá trị của cuộc sống này có tấm lòng đã hoá vàng, trở nên những điều cao quý. Có tấm lòng nên yêu thương hết mọi sự kể cả những lúc nghèo túng nhất, gian khổ nhất. Họ được nung nấu bằng tinh thần yêu thương của cha ông, có yêu thương mới có hy sinh. Hy sinh như một hiến lễ mà truyền cho con cháu họ cái đức của đời thanh sạch, cái phúc của lòng thanh.

Cần có một tấm lòng nên không màu mè rực rỡ, chân thật và đơn sơ như hình ảnh người chân quê, mộc mạc và chất phác như cuộc đời chân lấm tay bùn. Chiếc bát hương bình dị mà cả tấm lòng thành kính, chỉ cần một bát hương mà có khi biểu hiện cả một chiều sâu tín ngưỡng. Họ không cách xa tiên tổ với hai cõi âm dương, như trong thực và như huyền ảo của bát hương và hương khói hoà quyện cõi tâm linh, “Đêm đêm con thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ ở đời với con”.

Thắp nén nhang lên, con người lúc ấy là lúc sống thành thực nhất, đắm chìm nhất trong lòng hoài nhớ công phúc của tiên tổ. Nén hương nói lên lòng thanh, biểu hiện ý hướng muốn sống trong sạch, bày tỏ được đạo lý của cuộc đời thanh cao giữa đục trong: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nó không là bản văn nhưng nó lại là bài học thiết thực nhất để dạy những bài học luân lý cao siêu.

Ta có thể quên bát hương - nén hương ấy khi ta giàu có, nhưng bao giờ tình cờ gặp vẫn nao nao một tình tự, vẫn gợi nhớ biết bao điều ngày xưa ông, bà, cha, mẹ dạy bảo. Rồi lại trở về với nguồn cội của mình thắp lên một nén hương và cắm vào trong bát để hâm nóng lòng trí không nguôi nhớ về tiên tổ. Nhớ bao lời khuyên dạy, nhớ bao ngày ấu thơ được nghe chuyện cổ tích bắt đầu bằng câu: “ngày xưa có mẹ”, “ngày xưa có ba”. Nhớ những lời dạy bảo thì không hết nhưng khi thắp nén nhang lòng như dịu lại giữa những bon chen.

Chiếc bát hương của một thời đang được thay thế bằng những chiếc lư đồng, bằng những bình lắc xông hương trong nghi thức phụng tự, nhưng dù sao vẫn không thể xoá nhoà chiếc bát hương của lòng thành kính thưở nào.

Thương lắm những hình ảnh quê hương mộc mạc!
Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây