TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

CÁI LÒ SƯỞI

Thứ năm - 15/04/2021 22:19 | Tác giả bài viết: Lm Vũ đình Tường |   925
Cái lò sưởi gợi trong trí tôi một ý chí kiên nhẫn. Nói đúng hơn là bài học về chí kiên nhẫn.
CÁI LÒ SƯỞI

CÁI LÒ SƯỞI

Chủ nhà quý hoá dành cho tôi một căn phòng rộng nhất nhà. Gia đình có năm người nhưng các con đều khôn lớn ra riêng còn lại hai ông bà trong căn nhà khổng lồ. Căn phòng tôi ngủ đêm nay là phòng đôi trước kia cho hai người nhưng lâu nay bỏ trống, không ai ở. Trước khi tôi đến gia chủ dọn dẹp, lau chùi bụi bặm sạch sẽ, lại xịt qua một lớp nước thơm cho khỏi mùi ẩm mùa đông.

Tôi thầm tạ ơn Chúa và cám ơn chủ nhà lo cho quá chu đáo. Nhìn quanh phòng không có gì chê trách được; ngó qua cửa sổ còn thú vị hơn vì cảnh trí trước mắt hết sức đẹp. Xa xa là rặng núi có mây phủ, nhìn gần thì hàng cây bìa rừng lá đang đổi màu, dưới đất lá khô đã nhiều nhưng trên cây vẫn còn vô vàn lá. Cảnh trí tuyệt vời. Chỉ có cái lạnh làm tôi run người. Cái lạnh ở thành phố này quái lắm. Với kẻ xa lạ chưa quen thì nó lạnh dằn mặt. Người mới định cư thì nó lạnh thù hằn. Ngay cả những người ở xứ lạnh nhất địa cầu đến đây cũng than cái lạnh dở hơi của thành phố này. Dân địa phương thì hãnh diện về cái lạnh kì quặc của họ. Họ biết thời tiết trong vùng và họ vẫn tự hào vì riêng họ có cái nóng, cái lạnh đặc biệt này, không nơi đâu có.

TỔ KÉN

Sau khi chào chủ nhà, tôi vội đóng cửa, kéo các màn gió lại, chừa cửa sổ có cảnh ưng ý nhất còn lại bao nhiêu đóng kín mít. Bật đèn tìm cái lò sưởi. Nhìn cái lò sưởi tí hon so với căn phòng tôi hơi lo ngại. Mọi sự trong phòng đều hoàn thiện riêng cái lò sưởi cần nhất thì lại quá khiêm nhường so với căn phòng. Nhìn vào cái lò sưởi tôi biết chủ nhà mới mua. Không ngần ngại định cắm điện. Đến gần thì thấy chủ nhà đã cho nó chạy từ lúc nào. Dù đã có lò sưởi tôi vẫn cảm thấy lạnh. Ngó qua cái nút vặn nhiệt độ tôi biết chủ nhà đã vặn hết cỡ rồi, không thể hơn được nữa. Tuy nhiên cái lạnh làm tôi tò mò muốn chắc ăn vì thấy không đủ ấm. Nghĩ rằng còn có nút nào đâu đó chưa vặn lên chăng. Tôi giơ cao lò sưởi lên quan sát thật kĩ, không còn cái nút nào khác. Nó đang sưởi nhưng với căn phòng khổng lồ như thế này thì bao giờ mới ấm?!

Ngồi trên ghế hai chân kê sát lò sưởi vẫn thấy không ăn thua gì. Kê chân sát lò thấy ấm hơn nhưng da chân khô bắt đầu ngứa. Cái lạnh dằn mặt là thế đó! Thấy không xong tôi lục tủ có bao nhiêu chăn mền ấm lôi ra hết trải lên giường. Lúc đầu vẫn thấy lạnh, lạnh đến từ cái chăn mền, từ cái gối, chỗ nào sờ vào cũng lạnh buốt, hàm răng bắt đầu nhảy từ nhẹ nhàng sang điệu loạn xạ của nhạc disco. Thấy không xong. Tôi kéo lò sưởi sát cạnh giường, vẫn chưa đủ ấm. Chết nóng hay chết lạnh cũng là chết, tôi thảy cả cái lò sưởi dưới lớp chăn ngồi trong đó ủ một lúc. Gần nửa giờ sau hơi ấm giúp cơ thể bớt run. Một cảm giác ấm nhẹ nhàng lưu chuyển châu thân thật thoải mái, dễ chịu. Biết là không thể để lò sưởi trong chăn mền lâu tôi kéo lò sưởi ra xa một góc phòng sợ lỡ đêm ngủ quên đạp chăn mền xuống phủ lò sưởi sẽ có hoả hoạn thì nguy.

THỨC GIẤC

Khoảng nửa đêm tôi giật mình thức giấc, tiếng quạt từ lò sưởi phát ra ban đêm thật rõ. Ban ngày tiếng đó nhỏ lắm, phải để ý mới nghe thấy nhưng ban đêm, cảnh vật yên tĩnh tiếng kêu rõ hơn. Tôi đặt chân xuống tìm đôi dép, không thấy dép nhưng chân chạm nền thảm nhà lạnh ngắt. Nghĩ bụng cái lò sưởi chẳng ăn thua gì, hết nửa đêm rồi mà phòng ốc còn lạnh tanh như thế kia thì bao giờ mới sưởi ấm căn phòng khổng lồ này. Nghĩ thế nhưng tôi hài lòng vì đám chăn mền ấm kia. Đến gần sáng tôi tung một lớp chăn mền ra. Nằm một lúc nữa tôi lại phải tung thêm một chiếc nữa. Vẫn còn ba cái trên mình. Thì ra đêm qua tôi đã dùng tới năm cái chăn mền giữ ấm. May mà chúng nhẹ nếu không thì sức nặng của năm cái chăn mền đè chắc chết ngộp thở quá. Một lúc nữa tôi lại phải tung thêm một cái nữa. Bây giờ cảm thấy nhẹ trên ngực và sức ấm thật dễ chịu. Nhìn đồng hồ đã gần năm giờ sáng nhưng nhìn ra ngoài trời vẫn tối đen. Thỉnh thoảng có tiếng xe từ xa vang vọng theo vách núi vang lại. Tỉnh ngủ rồi, không thấy cần ngủ nữa nhưng không muốn chui ra. Đầu óc bắt đầu làm việc nghĩ vu vơ. Mắt liếc nhìn cái lò sưởi tí hon vẫn chăm chỉ làm việc, chiếc quạt vẫn rè rè đều đặn.

NHÌN LẠI

Cái lò sưởi gợi trong trí tôi một ý chí kiên nhẫn. Nói đúng hơn là bài học về chí kiên nhẫn. Không biết chủ nhà bật lò sưởi lúc nào nhưng sau gần mười tiếng đồng hồ liên tục sưởi ấm, căn phòng trở nên dễ chịu hơn nhiều. Mười giờ của một đêm đông quả là dài, coi như hết đêm còn chi nhưng đạt mục đích sưởi ấm căn phòng. Nằm trên giường suy nghĩ mông lung về công việc mục vụ trong xứ. Nhìn lại mọi cố gắng bao năm qua với giảng giải, bài viết, tĩnh tâm, và các khoá huấn luyện, tất cả dường như đi vào thinh không và quên lãng, không biết sưởi ấm được bao tâm hồn. Thành quả thu đạt so như muối bỏ biển. Thấm vào đâu? Dường như tất cả những cố gắng đó đi vào sương gió mông lung, không để lại thay đổi trong lòng người. Đôi khi nghe người ta thuật lại trong các bữa tiệc toàn nhắc đến những câu chuyện vui cười để mua vui. Giáo huấn tốt lành biến đâu mất, ý nghĩa câu Kinh Thánh ít khi được nhắc đến, nếu có nhắc đến cũng chỉ để cãi lí với nhau, không nhắc đến để thực hành.

NẢN LÒNG

Chắc chắn tâm hồn của nhiều người vẫn lạnh như căn phòng khổng lồ kia. Tôi khẳng định như thế vì tôi nghe đủ tiếng xì xèo tứ phía. Không phải một phía mà tứ phía.

Gia đình lộn xộn dài dài, li dị kéo nhau ra toà chia của, nội chiến phe theo cha; phe ủng hộ mẹ.

Đoàn thể sống xập xình, lây lất, chậm tiến trên đường nhân đức vì tình trạng chia bè kéo phái, phe ta phe địch. Nhận người này phế người nọ, không cho lãnh đạo vì không rõ chủ trương phe phái.

Xã hội đầy tình trạng trộm cắp, hở ra là mất. Nạn buôn hàng quốc cấm vẫn thịnh hành, kín đáo hơn vì sợ luật pháp. Tình trạng bắt trộm tôm cua, hải sản bán lậu xảy ra nơi quen biết, tin tưởng và chợ đen tự tố cáo công việc đang làm là loại việc sợ ánh sáng.

Tổ chức tiệc chung vẫn còn cảnh ‘gác’ thức ăn, ngơ đi cả diã thức ăn không cánh bay ngay ra xe. Không phải nghèo, chẳng phải đói mà là thiếu ý thức chung, thiếu đạo đức tinh thần cộng đoàn.

Các buổi hội họp ai phát biểu mặc ai không cần biết, kẻ phát biểu lên giọng thì người nghe cũng cao giọng. Đàn hát nghe tai kêu đến lùng bùng mới thích.

Tệ nhất là tình trạng ngấm ngầm dùng bí tích thánh tranh giành nhau, các ngày lễ bổn mạng nhóm đoàn này phải tổ chức sao cho rầm rộ hơn, màu mè hơn nhóm kia.

Nơi phố xá, các nơi tụ họp đông người chờ được phục vụ các câu chuyện khen chê, phê bình, chỉ trích vẫn nổ ran. Đôi khi người nghe thấy ngượng quá nhưng người nói thì say sưa, mặc kệ ai nghe thì nghe. Thỉnh thoảng người kể lại lấy khủy tay thúc mạnh cạnh sườn người nghe cho họ thêm chú ý. Kín đáo hơn thì miệng ghé sát tai người nghe xì xèo, lâu lâu lại liếc nhìn người khác rồi tiếp tục câu chuyện đang bỏ dở.

Nhìn vào cảnh đó tôi cảm thấy việc mình làm không sưởi ấm được các tâm hồn, không mang lại ích lợi nội tâm. Cách sống đạo, cách giao tế xã hội vẫn nằm lì một chỗ. Bao giờ thì đức tin mới bám rễ trong lòng. Bao giờ đức tin mới trưởng thành để việc đạo đức không còn là thuần tuý bề ngoài mà phát xuất từ tấm lòng yêu mến.

Kêu gọi yên tĩnh đôi phút để suy gẫm trong các giờ kinh nguyện hầu như không ai nghe. Miệng không đọc không phải là cầu nguyện.

Cảnh đi lễ đứng ngoài tán gẫu khá thịnh hành, thông lệ riêng trong xứ. Người lớn chuyện lớn, trẻ em chuyện nhỏ, bé hơn nữa thì tha hồ chạy, la hét, sân nhà thờ rộng, lại sạch.

Lớp khác thì vội vã ra về như chạy đua với ca đoàn trong bản nhạc kết lễ. Họ vâng lời vô cùng. Linh mục chúc ‘Anh Chị Em ra về bình an’ là họ ra đi ngay, không chờ thêm lấy một giây! Khi linh mục xuống đến giữa thì phần cuối nhà thờ đã trống rỗng, còn lại thưa thớt dăm người. Rất thảm cho cách tính toán phút giây trong việc thờ phượng.

LẮNG NGHE

Cái lò sưởi tí hon kia vẫn phát ra tiếng kêu rè rè, hình như tiếng đó hơi kéo dài ra một chút nhắc tôi. Luồng tư tưởng hiện ra thật rõ trong đầu như những dòng chữ đậm ghi lại. Lời chiếc lò sưởi nhắn nhủ.

Anh thấy không tôi kéo suốt đêm sưởi ấm căn phòng. Một tiếng, hai tiếng ba tiếng, bốn tiếng, năm tiếng. Nửa đêm rồi, căn phòng vẫn lạnh. Tôi không nản, mệt mỏi thì có, tiếng kêu của tôi kéo dài ra thì có nhưng bỏ cuộc thì không. Việc chính của anh là rao giảng, chứng nhân, cứ làm hết mình, chân tình, để ý đến thành quả làm chi. Thành quả không phải cho anh nhưng cho Đấng dùng anh tác động trên họ. Chừng nào Đấng đó tác động là việc riêng của Đấng đó, làm chi mà đưa thời gian cho Ngài.

Anh biết không bên ngoài gió thổi ù ù, mây đen kéo đến. Nghĩ đến cũng nản lòng lắm. Thời tiết này, thân tôi nhỏ bé kéo sao cho vừa.

Căn phòng rộng lớn hơn tôi ngàn lần.

Bỏ cuộc sao? Không thể được. Tôi là cái lò sưởi. Không thổi hơi nóng là đồ bỏ.

Ra thùng rác, chắc chắn sớm muộn gì đời tôi cũng vào thùng rác. Vào thùng rác sớm có lợi gì. Chưa xong bổn phận không bỏ cuộc vì thế, tôi tiếp tục kéo, tiếp tục phà hơi nóng.

Gần hết đêm, phải gần hết đêm, tôi âm thầm phà hơi nóng. Tôi không thể đưa điều kiện kêu anh tung chăn ra sau mấy giờ thổi hơi. Không, tôi không có quyền đó. Khi nào tung chăn mền ra do anh quyết định. Tôi chỉ có nhiệm vụ thổi hơi nóng. Tôi cứ làm hết sức mình khi nào anh thấy cần thì tung chăn mền là do ý riêng anh.

Tôi vui khi thấy anh tung chiếc chăn mền ra. Thì ra việc tôi làm đã có kết quả. Phải mất suốt đêm. Tôi tiếp tục phà hơn nóng. Lúc sau anh tung chiếc chăn mền thứ hai ra. Tôi hãnh diện vì đã làm được công việc họ chế tạo tôi. Tôi tiếp tục phà tiếp và anh thấy đó, anh đã tung chiếc chăn mền thứ ba ra khỏi giường, như thế là tôi đã làm công việc sưởi ấm thành công. Mặc dù anh thấy căn phòng vẫn lạnh vì nó lớn hơn tôi ngàn lần. Tôi không đủ sức làm toàn căn phòng ấm nhưng ít ra đã làm cho anh tung ra ba lớp chăn mền. Hơi ấm trong phòng chưa đủ ấm cho anh nhưng chắc chắn dễ chịu hơn nhiều lần lúc anh mới bước chân vào phòng này.

Anh còn nhớ chứ. Mới đêm qua mà. Tôi phà hơi nóng một đêm, phải một đêm trường là coi như tôi đạt được mục đích.

Những ý tưởng cứ tiếp nối trong đầu, hết ý này đến ý khác xuất hiện kêu gọi, thúc dục, khuyến khích tôi can đảm lên, đừng bỏ cuộc. Hãy tiếp tục làm việc, kiên nhẫn, đừng đặt mốc điểm thời gian. Đặt mốc thời gian là tự kiềm chế mình, tự đóng khung, tự làm khổ. Chiếc lò sưởi tí hon kia làm việc suốt đêm, gần sáng căn phòng cũng ấm hơn tối hôm trước. Có kết quả dù kết quả nhỏ.

SAI LẦM

Càng suy nghĩ càng thấy sai trong tinh thần phục vụ. Từ trước tới nay cái hào quang thành công làm thước đo thành quả phục vụ. Thành công to hăng say nhiều, thành công nhỏ nản chí. Xây xong căn nhà cho đó thành công. Hãnh diện khoe với mọi người cái tài tháo vát, cái lanh lợi trong việc xây cất. Hai năm trước đây nó là miếng đất cỏ mọc bây giờ thành trung tâm giảng dậy giáo lí. Tự hào giải thích cho đó là tinh thần cầu tiến, phục vụ mọi người.

Bị cám dỗ bởi những lời chúc tụng, ca ngợi. Chúa được gì ở miệng đời ca, khen? Đời người vui buồn lệ thuộc vào miệng lưỡi người đời. Phục vụ mong nhận lời tâng bốc chính là phục vụ môi miệng, còn lòng thì xa Chúa. Lợi dụng Danh Cha cho sáng danh con. Căn nhà mới xây, tượng đài mới cất, bức tường vừa dựng không thể làm sáng Danh Chúa. Âm thầm vác thập giá theo Chúa, bị chửi rủa về đức tin, chịu thiệt thòi vì sống công chính mới là làm sáng Danh Chúa.

Ôi sai lầm, sai thậm tệ, mù quáng trong cái gọi là hiểu biết. Dùng Chúa tìm vinh danh mình. Dậy người tìm vinh quang Nước Trời; chính mình lại kiếm vinh hoa trần thế. Khuyên người tìm lẽ công chính; chính mình tìm cách thoả mãn cái tôi ích kỉ nấp sau bức màn phục vụ, sau bình phong cộng đồng dân Chúa.

Trong người dòng máu Adong Evà vẫn tuôn chảy, vẫn trào lên đòi bằng Chúa. Trái cấm thời đại chính là nguỵ biện. Nguy hiểm và ghê sợ vì sa chước cám dỗ mà không hay. Cái lò sưởi tí hon phục vụ vì nó được chế ra phun hơi nóng. Sang, hèn, sướng, khổ nơi đâu nó cũng phục vụ như nhau. Con người có trí khôn, trí thông minh và hiểu biết; kẻ có đức tin không làm công việc của mình nhưng muốn làm công việc của Chúa. Kẻ chối bỏ đức tin tự phong mình làm Chúa.

Tháng Sáu - Mùa Đông - Australia.
Lm Vũđình Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây