TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật - Lễ Chúa Hiển Linh

“Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2,1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

GIẢ HÌNH

Thứ năm - 15/04/2021 21:57 | Tác giả bài viết: Lm Vũ đình Tường |   907
GIẢ HÌNH

GIẢ HÌNH

Khoa nông nghiệp ngày nay chế được những hoá chất kích thích hoa trổ bông kết trái theo ý nông gia. Hạt giống được tuyển chọn tuỳ theo yêu cầu của nông gia và các nhà sản xuất hạt giống bảo đảm thành công trăm phần trăm. Nếu hạt nào hư thúi hãng sản xuất sẵn sàng thay thế miễn phí hạt khác. Chẳng những thế hạt giống còn được tuyển lựa có sức chống lại sâu rầy cao, thời gian gieo trồng ngắn hơn, kết quả thu hoạch cao hơn, phẩm chất tốt hơn, coi đẹp mắt, bóng bảy hơn và hương vị đậm đà hơn. Tất cả những điều kiện trên được định trước bởi các chuyên gia khoa học nông nghiệp.

XA RỜI THIÊN NHIÊN

Ngạc nhiên hơn nữa là các nông gia có hoá chất kích thích cây đâm bông, kết trái theo nhu cầu thị trường đòi hỏi. Khi thị trường tiêu thụ đòi hỏi cao nông gia rải thuốc kích thích cây ra bông sớm hơn dự định và khi kết trái, trái lại được kích thích lớn nhanh hơn bình thường và cuối cùng một loại thuốc khác nữa bắt trái phải chín trước kì hạn. Tất cả đều là chất kích thích đâm bông, kết trái trái mùa. Hoa trái chúng ta thưởng thức hàng ngày dù ngon ngọt, phẩm chất tốt đến mấy cũng là những hoa trái trổ sinh trong hoàn cảnh điều kiện hoá, ảnh hưởng bởi hoá chất, trái với thiên nhiên. Cây cối, hoa mầu không sinh sống theo luật tự nhiên mà sống theo quy hoạch hoá tuỳ vào nhu cầu người tiêu thụ.

AN BÀI ĐỊNH MỆNH

Dòng sông trước kia chảy theo mức độ mưa của thiên nhiên, mưa nhiều chảy mạnh; mưa yếu chảy ít. Đời sống dòng sông bị thay đổi bằng những đập ngăn nước khổng lồ do bàn tay con người điều khiển. Nhân danh thủy điện người ta ngăn sông, xẻ núi hướng dẫn nước nguồn chảy vào những hồ nhân tạo. Dòng sông bị thay đổi khác với thiên nhiên tạo dựng nên nó và tất nhiên đời sống tôm cá trong sông đó cũng bị ảnh hưởng. Cá tôm sống trong lồng khổng lồ, được nuôi ăn theo thời khoá biểu định sẵn, không còn phải vất vả kiếm mồi và tất nhiên giờ chết của chúng được quyết định trước khi chúng sanh ra. Tôm cá không còn tự do và thiên nhiên trở nên xa lạ với chúng. Không còn cảnh cá lớn ăn cá bé. Cả đời cá chúng không biết bắt mồi mà chỉ chờ được cho ăn những thức ăn công nghiệp chế tạo sẵn.

CÔNG NGHIỆP HÓA

Thịt gà, thịt heo và ngay cả thịt bò bày bán ngoài chợ cũng là những loại thịt được công nghiệp hoá. Tất cả các giống gia súc được chọn lựa cẩn thận, loại cho thịt nhiều, mau lớn và có mức sản xuất cao. Trứng gà bày bán nơi siêu thị ít nhiều cũng được nuôi dưỡng bằng hoá chất. Thịt bò cũng được vỗ béo bằng hoá chất và ngay cả cây cỏ cho bò ăn cũng được nuôi dưỡng bằng hoá chất nên sữa bò, thịt bò đều là sản phẩm của công nghiệp hoá. Trái với thiên nhiên quá đáng nên con người phải đương đầu với bò điên, heo long móng, cúm gà lây sang người và có lẽ tương lai sẽ có các loại dịch tôm, cá thay vì có vảy thì có loại cá bong vảy và tôm cụt râu.

QUẢNG CÁO

Xem ra chúng ta đang sống trong hoàn cảnh mà mọi cái đều là sản phẩm của hoá chất chế biến. Các em nhỏ ngay từ lúc mới sanh ra được dậy bú bình, hai tay ôm chặt bình sữa bột, kè kè chai sữa bò. Khoác vào người không biết bao nhiêu thứ mặt hàng, nhãn hiệu này nọ. Hàng hoá chúng ta mua nếu không khéo là mua phải hàng giả hiệu như chơi. Không phải tiền nào của ấy nữa mà là không tinh mắt sẽ bị lừa. Con người càng khôn mức lừa gạt càng tinh vi. Chẳng những mua hàng bị lừa gạt và ngay cả giá cả mua bán cũng đôi khi bị hớ to. Chúng ta biết các mặt hàng qua quảng cáo, hàng nào khéo nói, trình bày hay, nhiều người biết đến thì ăn khách, mặt hàng nào quảng cáo dở thì chìm mất.

CÒN GÌ ĐÁNG TIN

Xưa kia người ta vẫn tin tưởng ‘mắt thấy tai nghe’ đủ là chứng cớ cho sự kiện thật sự xảy ra. Ngày nay mắt thấy tai nghe chưa đủ, hình ảnh chưa đủ còn cần phải thử DNA mới chắc chắn, đáng tin. Các loại máy chụp hình tự động đều có thể làm biến dạng khuôn mặt, giọng nói của người nào đó. Thợ chụp hình khéo đến độ chụp xong chính người đó không nhận ra chân dung mình. Người ta có thể ghép vào môi miệng người khác tiếng nói, nhịp điệu, cử động múa khi nói với hình ảnh sống động trên màn ảnh truyền hình. Ghép vào thì còn gì đáng tin. Chính vì thế mà có tình trạng tiền giả, giấy thông hành giả, và ngay cả con người xinh đẹp kia rất có thể cũng là sản phẩm giả của những bác sĩ giải phẫu thẩm mĩ. Người ta còn giả dạng ông nọ, bà kia để gian tiền, lận bạc. Giả dạng có trăm ngàn cách và núp dưới bóng nhiều hình thức tinh vi.

Chúng ta sống trong thời đại mà khi đối thoại với con người sống động trước mắt kia mình không thể biết trong con người đó có bao nhiêu phần trăm thật, giả về cả thể chất lẫn tinh thần và lời nói. Bi quan quá đáng chăng? Con người trực diện với mọi thứ giả tạo từ lúc sinh ra đến trưởng thành, từ thực phẩm nuôi thân đến cách ăn mặc, mọi thứ giả tạo ít nhiều đó trở thành một phần của cuộc sống. Trong nhà đồ giả cũng lắm, ra ngoài người giả cũng nhiều. Nghèo thì giả mù què câm điếc, tàn tật để ăn mày. Khá hơn chút giả bệnh nhận tiền bồi thường. Khá hơn nữa giả cưới di dân, hoặc giả li dị thêm tiền trợ cấp.

Hàng ngũ tu sĩ cũng lẫn lộn giữa chân tu và tu giả hình. Như thế, lời kinh cũng có lời thật lời giả, tin tức tôn giáo cũng có tin thật tin giả. Phép lạ xảy ra đó đây có thật, giả. Chúng ta không lạ gì khi thấy ngày nay người ta coi thường nói dối vì cuộc sống của họ được nuôi dưỡng bằng toàn thực phẩm giả hiệu từ thức ăn, nước uống đến niềm tin. Tất cả đều là sản phẩm của khoa học hoá chất.

Điều chắc chắn là DNA bó tay khi phải phân biệt thật giả lời nói, tiếng cười, nói chi đến tinh thần và niềm tin.

CÒN GÌ ĐỂ TIN

Duy chỉ có tôn giáo là không, còn giữ được cái nguyên vẹn bản chất tôn giáo. Tin tưởng thế thì rất lầm. Chúng ta biết tôn giáo giả hiệu ngày nay rất nhiều. Chúng ta nhìn vào các hàng tôn giáo bày bán trên thị trường đủ biết. Nhà thờ trưng bông rực rỡ, đẹp mắt, đôi khi lấy tay sờ vào vẫn đinh ninh không chắc đó là bông giả. Tượng kia có trái tim hồng rực rỡ phập phồng theo nhịp thở nhờ làn chớp đèn điện phía trong phản chiếu gây nên cảm giác sống động. Người mua ảnh tượng với mục đích tốt lành, lòng đạo tốt. Vấn đề thật giả trong việc thờ phượng cần đặt lại. Cần xem lại cách sống đạo thực sự.

Tôn thờ Thiên Chúa cũng có cả hàng trăm giáo hội khác nhau, mỗi giáo hội tin một kiểu và mỗi nơi phụng vụ một cách. Nhìn vào các loại tôn giáo khác nhau mà chóng mặt. Làm thế nào để biết đâu là thật, đâu là giả. Đức tin hời hợt bị chao đảo bởi ảnh tượng bày bán khắp nơi. Có tượng thánh nhấp nháy mắt. Đừng lầm điện nháy chứ không phải thánh nháy.

Đêm đến thấy tượng thần sáng láng cứ ngỡ là sự lạ, thần thánh phải sáng chói như mặt trời. Thực tế không phải vậy, tượng đó có pha chất dạ quang, nhấp nháy khi ánh sáng phản chiếu.

Tràng chuỗi thơm ngày thơm đêm, không phải do ơn thánh mà là loại gỗ thơm, đạo đức hơn nữa là ngâm vào hoá chất nhờ mùi thơm thoang thoảng nhắc chủ xâu chuỗi đừng quên kinh sách.

Thánh Phaolô cảnh tỉnh chúng ta nên xa lánh những gì là giả hình: “Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Kitô” (Col 2,8).

Vì sao? Vì “họ sùng đạo tự ý” (Col 2,23).

Nên không có giá trị gì mà trái lại, chỉ làm cho thoả mãn tính xác thịt lăng loàn: “hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ. Anh em hãy xa lánh cả những người ấy”. (2 Tim 3,5).

Chúa Kitô dặn các Kitô hữu là hãy cẩn trọng tránh bị lừa: “Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo Danh Thầy đến nói rằng ‘Chính Ta đây là Đấng Kitô’, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người.” (Mat 24,4-6).

Lm Vũđình Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây