Câu chuyện của Maria Madalena ra mồ từ sáng sớm, thấy ngôi mộ trống. Những điều trông thấy không có gì đáng kể, duy một chi tiết quan trọng, Chúa gọi tên bà, bà nhận ra Chúa và Chúa đã nói với bà. Tại sao Chúa nói với bà trở nên chi tiết quan trọng?
Trong câu chuyện hai người bạn thân với nhau, sau thời gian xa cách, điều gì làm ta cảm kích nhất? Có phải chăng, ta sẽ huyên thuyên nói với người ấy những thương nhớ về họ. Ta kể cho họ những ngày tháng mòn mỏi đợi trông, ta nói cho họ những điều ta mong ước ngày gặp lại. Ta kể nhiều điều, có khi rơi những giọt lệ nhớ thương. Giống như bà Maria Madalena khóc khi ra mộ không còn thấy Chúa, bà than van, ai đã lấy mất xác Chúa tôi đi đâu? Ai có thể chỉ cho tôi, xác Người để đâu, để tôi đem về? Những kể lể ấy, chỉ là tiếng nói, tiếng than một chiều. Ta có cảm tưởng rằng, giống như những người thân đang đứng bên thi hài cha mẹ, khi các ngài mất. Ta khóc thương, ta nhớ lại những gì khi cha mẹ còn sống, ta thưa với cha mẹ những điều mong ước. Ta tiếc thương các ngài đã mất không sống đủ trăm năm bên con cháu. Bà Maria Madalena khóc thương Chúa như Chúa đã chết. Chúa đã sống lại và Người đang sống! Thiên thần hỏi: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24, 5).
Chúa nói với tôi?
Sự kiện Chúa đã sống lại và đang sống qua lời minh chứng của bà Maria Madalena và các bà khác: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó." (Mt 28, 10). Các bà nói: “Tôi đã gặp Chúa và Chúa đã nói với tôi” (Ga 20, 18), lời chứng của các bà không chỉ là gặp Chúa mà còn là Chúa nói với tôi.
Trong đời sống cầu nguyện của ta, ta nói với Chúa rất nhiều về những ưu tư suy nghĩ của ta với Chúa. Ta cũng kể cho Chúa nghe nhiều câu chuyện của ta với Người. Người luôn lắng nghe ta mọi chuyện huyên thuyên của ta, đến nỗi Chúa chẳng có thể xen vào câu chuyện của ta, ta mãi cứ nói và Người cứ mãi nghe. Trong kinh nguyện thường ngày của ta cũng thế, ta đọc hết kinh này đến kinh kia, ta cứ đọc như thuộc lòng kinh kệ. Chúa cũng cứ lắng nghe một chiều, ta nói với Chúa. Ta có biết Chúa chịu đựng để nghe kinh kệ của ta không? Ta thưa với Chúa, như Chúa đã chết. Chúa đã chết nên Chúa nghỉ yên đó để nghe kinh cầu của ta. Chúa đã chết nên Chúa chẳng có thể nói với ta điều gì nữa?
Tôi đã gặp Chúa và Chúa nói với tôi. Kinh nghiệm Chúa đang sống, là tôi đã gặp Chúa, Chúa nói với tôi. Chúa là một thực tại đang sống, đang hiện diện trong cuộc đời của tôi. Tôi cần sống một thực tại như kinh nghiệm của Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2, 20). Tôi sống với Chúa không giống như tôi sống trong niềm tin Chúa đã chết vì tôi; mà còn là Chúa đã sống lại và đang sống cùng tôi. Tôi cầu nguyện, tôi suy niệm không như suy niệm về một biến cố đã qua mà còn là tưởng niệm. Chúa đã sống và đang sống, Người đang cùng đồng hành với tôi với điều Chúa đã hứa: “Thầy ở cùng các con cho đến ngày tận thế” (Mt 28, 20)
Theo kinh nghiệm của Môisê trong sứ vụ mà ông lãnh trách nhiệm, một sứ vụ luôn có Chúa cùng đi:
Ông Mô-sê thưa với Người: "Nếu Ngài không đích thân đi, xin Ngài đừng đưa chúng con lên khỏi đây. Nhưng làm thế nào biết được là con và dân của Ngài được nghĩa với Ngài? Há chẳng phải vì có Ngài đi với chúng con sao? Như thế, con và dân của Ngài mới khác với mọi dân trên mặt đất." (Xh 33, 15 - 16)
Chúa đang sống, Chúa cùng đi với ta, Người nói với ta, hướng dẫn ta trong cuộc đời này, “Chúa đã gặp tôi và Chúa nói với tôi”. Hãy để tâm nghe Chúa đang nói với ta. Kinh nghiệm về Chúa đang sống là chính Tin Mừng Phục Sinh mà chúng ta làm chứng.
L.m Giuse Hoàng kim Toan