Con tự hiến thánh Con
Thập giá là một lịch sử phó nộp vì người mình yêu. Một tình yêu trao đi tất cả chính mạng sống mình để muôn người được sống. Lịch sử ấy muôn đời mới vì Chúa đã và luôn hiến thân vì người mình yêu: “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” (Ga 17, 19)
Như vết đinh muôn đời mới từng ngày, từng ngày đinh vẫn đóng vào trong thân phận người. Chiến tranh tàn bạo giết bao dân thường, bao người lưu lạc rời xa quê lánh nạn. Bao người đang đau thương vì bom đạn hận thù, ghen ghét. Bao người bị đẩy xa nơi quê cha đất tổ để lưu lạc mưu sinh. Những nẻo đường gian nan thập giá vẫn còn đó trên những con phố của những con người cô đơn không cửa không nhà, không nơi nương tựa. Bao người đang đau thương tinh thần chịu bách hại, cưỡng bức thể xác và tinh thần. Bao người chịu thương tật thể xác hành hạ từng giờ. Bao giờ mới kể hết đau thương của nhân loại. Một khối đau thương Chúa mang lấy, thập hình sao quá nặng, Chúa mang vác cùng bao người đang nâng đỡ.
Thập giá của chiều Thứ Sáu Chúa mang lấy vẫn là thập giá của hai ngàn năm qua. “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cor 5, 21). Chúa Con trao nộp mình cho nhân loại. Một Thiên Chúa toàn năng mà chúng ta tuyên xưng trong kinh tin kính, chiều nay biểu lộ trong con người tử tội đang vác thập giá đời trên đường nhọc nhằn mồ hôi và máu.
Có phải Giuđa nộp Chúa cho Thượng tế? (Mc 14, 10). Phải chăng công nghị Do Thái nộp Chúa cho Philatô? (Mc 15, 1). Dân Chúa bị ép phải nộp Chúa cho quân lính chịu đóng đinh? (Mc 15, 15). Tất cả đều không phải! Nếu Chúa Con không tự nộp chính Người chẳng ai có thể nộp Người.
Chúa tự nộp vì chúng ta, kinh tin kính một lần nữa chúng ta tuyên xưng: “Vì loài người chúng tôi và để cứu độ chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”. Tình yêu tự trao nộp, từ một khía cạnh nào đó chúng ta có thể thấy tình yêu tự phó nộp cho những đứa con mình được sống. Bà mẹ đang mang thai bị ung thư không hoá trị hay xạ trị để bảo đảm sự sống cho con. Một người cha chấp nhận lam lũ vất vả để lo cho con ăn học. Không thiếu những hình ảnh từ đời thường của người này người khác đang tự nộp mình, chịu hy sinh, chịu vất vả, chịu trăm bề khổ nhục vì thương yêu.
Tự nộp trong nhọc nhằn yêu thương, Chúa đón nhận những người của mình bỏ rơi, bị ghép tội tự nhận mình là Con Thiên Chúa, chịu chết vì bị kết án làm loạn. Bao công khó của người hy sinh bị coi thường, bao nỗi nhọc nhằn của những người hết lòng, hết sức vì việc chung bị coi là xa xỉ… Chúa chịu bỏ rơi với bao người bị bỏ rơi như thế, để Chúa nói với họ: “Ta ở bên con, Ta đang mang con trên vai của Ta, Đừng sợ!”
Tự nộp mình làm giá chuộc. Tại vườn cây Dầu, Chúa cầu nguyện cùng Chúa Cha, xin thêm sức cho Con. Chúa Giêsu đón nhận sự chết như nó phải đến theo như đã quyết định, thì không còn sự dữ nào còn có thể đe doạ được nữa. Sức mạnh của Tình Yêu hiến thân làm nên sức mạnh chịu đựng phi thường. Không than van, rên siết, kêu la, như sách tiên tri nói về người tôi trung: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng,Ta cho thần khí Ta ngự trên người; người đó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân. Sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được người chỉ bảo.” (Is 42, 1 – 4).
Tình yêu tự hiến thánh là tình yêu tự thân trao nộp cho người mình yêu. Một tình yêu kín múc từ Tình Yêu Thiên Chúa ban thêm cho sức mạnh phi thường để có thể chịu đựng cao nhất, lòng yêu thương tuyệt vời nhát. Hãy yêu như Chúa đã yêu.
Lm Giuse Hoàng Kim Toan