TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Linh mục, người là ai? -kỳ 5

Thứ năm - 03/02/2022 03:07 | Tác giả bài viết: Lm Lã Mộng Thường |   906
Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ.
Linh mục, người là ai? -kỳ 5

Linh mục, người là ai?

Linh mục, người là ai? Linh mục làm gì trong những ngày cách ly? Linh mục trở nên Alter Christus như thế nào? Luôn là chủ đề nhiều người quan tâm.

Tuần tĩnh tâm linh mục -2021 tại Giáo phận Ban Mê Thuột, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản xác định Linh mục là người xây dựng Giáo Hội. Linh mục là con người mới trong một Giáo Hội mới (Ga 1, 43-51).

Đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, nhiều linh mục đã có những sáng kiến nhằm phục vụ dân Chúa cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất bằng sự hy sinh quên mình. Nhiều linh mục tình nguyện dấn thân phục vụ tại các bệnh viện nơi tuyến đầu chống dịch.

Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ. Ngoài những khó khăn về giao tiếp, khác nhau về phong tục tập quán, Cha Lành (nhân vật chính) còn trải qua biết bao thách đố, cám dỗ, cạm bẫy giăng mắc trên bước đường linh mục nơi xứ người.

Linh mục, người là ai? do tác giả Lm Lã Mộng Thường phát hành vào năm 1991 tại Hoa Kỳ, nay được tái bản và lưu hành nội bộ tại Ban Mê Thuột với số lượng có hạn, ưu tiên cho các giáo xứ, dòng tu, đoàn thể.

Xin vui lòng liên hệ SĐT: 0905 266 328 (Vũ Đình Bình)
Hoặc email: binhbalme@gmail.com

Trân trọng giới thiệu.
 
LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI? I

(Kỳ 5)

Hai chiếc nhà di chuyển bằng bánh xe (trailler) được đặt đấu đầu vuông thước thợ nhưng cách nhau chừng 10 mét bởi hai cây oak già rợp róng mát lên mái cho đỡ nóng vào những ngày tháng hạ. Tàn cây vươn rộng che nắng luôn cả khoảnh sân nơi đó kê một chiếc bàn ọp ẹp như muốn khụyu xuống bởi muôn thứ dụng cụ; nào kìm búa, đinh, khăn lau, cả những bịch đồ ăn khô và nước ngọt. Dưới gầm bàn, đồ đạc bày biện như một kho chứa đồ cũ khiến người mới trông thấy tưởng rằng tiệm bán đồ lạp xoong. Một ông già ngồi nơi bàn trên chiếc ghế cũ kỹ không kém đang dùng muỗng ăn miếng bánh ngọt. Hai đứa nhỏ, một trai, một gái cỡ chừng 4 đến 5 tuổi, có lẽ hai anh em mặt mũi lem luốc đang vui vẻ rượt mấy con gà bu lại nhặt nhạnh những mẫu bánh rơi rụng... Mấy con gà kể cũng dạn người, chúng chỉ rướn lên nhảy ra xa vài bước khi đứa trẻ bước gần tới chụp... Con bé vồ hụt chú gà trống té lăn quay nhưng có lẽ dạn dày với những trò săn đuổi này nên không tỏ ra đau đớn gì, lồm cồm chống tay bò dậy phủi đất cát nơi đầu và cánh tay đoạn tiếp tục rón rén bước gần tới chị gà mái dang tay muốn vồ. Cô bé còn ngây thơ quá, vồ gà mà dang thẳng hai tay như chim bằng cánh thì sao mà chụp được nên may ra đụng phớt bộ lông đã lấy làm thích chí cười như nắc nẻ khi con gà nhảy cỡn lên chạy ra xa. Chú bé anh cô khôn hơn, không thèm chạy đuổi theo gà, đứng gần ông già; khi gà tới mổ những vụn bánh rơi xuống từ bàn mới cúi người, rón rén giơ hai tay về phía trước chụp cái đuôi. Con gà bị chụp giật mình kêu quang quác rồi nhảy dựng lên, bung hai cánh cố sức quạt kiếm cách thoát thân khiến chú nhỏ té nhủi vào chân bàn rồi lăn chổng kềnh trong tay vẫn còn nắm chặt hai chiếc lông đuôi trong khi anh gà cồ chạy thoát vài bước, ngơ ngác như vừa thoát nạn đoạn quay lại, chiếc đầu nghênh nghênh lắc qua bên nọ, liếc qua bên kia tỏ vẻ chiêm ngưỡng tác phẩm vượt thoát của mình...

- Chào cha...
Ông già vừa nhìn thấy cha Lành vội đứng dậy chào. Hai đứa trẻ cũng quên đuổi bắt gà, hướng về phía chiếc xe nơi cha Lành đang bước ra khỏi cửa, đưa tay vẫy vẫy miệng bi bô “chào cha” theo ông già.
- Chào ông cụ.
Ngài hướng qua hai đứa nhỏ...
- Chúng con bắt được con nào chưa?
- Chưa, chúng cứ chạy, - Nhỏ anh trả lời đoạn giơ hai chiếc lông đuôi gà tiếp tục bi bô - Nó khỏe lắm, nhảy lên cái vù và kéo con té kềnh ra, chỉ nắm được lông đuôi.
- Sao con không chụp cái đầu nó...
- Có chứ, lần trước con vồ được cái đầu thằng cồ kia, nó đá con lung tung rồi chạy mất.
- Nó đá đau không?
- Không đau mấy, đau vừa vừa thôi, nhưng cánh của nó đập vào đầu con rát lắm...
Quay qua bé gái, ngài hỏi:
- Con có chộp được con nào không?
- Nó nhanh lắm, con vồ hụt té cái đụi, lấm hết!
Con bé có vẻ tỉ mỉ hơn thằng anh; sau nét lem luốc là gương mặt bầu bĩnh vui tươi sáng sủa với cái miệng như muốn cười và cặp mắt biết nói.
- Khi nào con bắt được, kêu cha làm thịt nấu cháo nghen. Con thích ăn cái gì?
- Cái chân con gà mái kìa, nó chạy nhanh lắm...
- Con ăn cái chân thằng cồ, nó đá con lung tung... cả cái cánh nữa, nó đập và đầu con.
- Vậy còn mấy đứa choai choai kia...
- Chúng nhát thấy mồ - thằng anh nói - chưa tới gần chúng đã chạy... Nó cũng không dám mổ cherios ở tay nữa nên không nắm được cái đầu bao giờ.
- Đợi chúng lớn tí nữa, con sẽ nắm được cái đầu, thế rồi nó lại đá lung tung con có sợ không?
- Không, nắm đầu nó thích lắm, nó quạt cánh tối mù hà...
- Tụi con rượt gà tiếp đi để cha nấu cháo... - Cha Lành xoa đầu hai đứa nhỏ, hướng về phía ông cụ đang đứng đó mỉm cười nhìn hai đứa cháu líu lo.
- Bà cụ ở trong nhà?
- Thưa cha vâng; con đã nói với bà ấy là cha tới.
- Thôi, tôi cho bà cụ rước Mình Thánh.
- Thưa cha vâng.

Hai vợ chồng ông bà cụ kể cũng tội! Sống trong đất nước giầu có như thế này mà nghèo thật nghèo. Căn phòng hai ông bà cũng chứa đủ mọi thứ đồ cũ lỉnh kỉnh như một đống rác. Trời nóng như tạt vào mặt mà không có máy lạnh; chỉ một chiếc quạt vuông bám đầy bụi nơi khung sắt phần phật quay thổi hơi từ phía ngoài vô nơi cánh cửa sổ đầu giường. Cũng may, nhờ tàn cây oak không khí đỡ nóng được phần nào. Ông cụ người trung bình; còn bà cụ thì khá to lớn... Có mỗi mụn con trai lập gia đình được hai đứa con; khi đứa bé gái mới 1 tuổi, vợ chồng hục hoặc bỏ nhau rồi người nào đi đàng nấy để lại hai đứa trẻ một tuổi và hai tuổi cho ông bà già chăm sóc. Hơn nữa, nhà lại chẳng có phone nên lỡ có chuyện gì cũng thậm chí khổ... Tiền bạc hàng tháng chẳng được bao nhiêu bởi ngày xưa đi làm không đóng tiền an sinh xã hội... Cũng may, sống trên miếng đất cha mẹ vợ để lại nên không phải trả tiền thuê nhà; tất cả chi tiêu chỉ hạn hẹp đủ với số tiền già ít ỏi tạm cho qua ngày... Bà cụ mới bị mổ không đi nhà thờ được nên nhờ người nói cha đưa Mình Thánh... Dân Chúa thật thậm chí khổ, rồi khi có chuyện cần kíp biết tính sao đây... Cha Lành thầm nghĩ, khu đất lại tách biệt một nơi thưa thớt nhà cửa... Xin giúp họ tránh khỏi những chuyện cần kíp khó bề tránh thoát... Lòng ngài chùng xuống, ngậm ngùi nói lời chào, và đưa tay vẫy vẫy hai đứa bé lững thững bước ra xe tiếp tục mang Mình Thánh đến nhà khác.

***

Không những hàng rào sắt ọp ẹp nghiêng ngả mà chiếc cổng lại cứ như muốn đổ sập vô xe khi chạy ngang qua. Đường mương phía ngoài hàng rào sẵn sàng chờ đợi người lái vô ý đưa bánh xe xuống hố... Vài chiếc xe cũ kỹ không biết từ bao nhiêu đời ngự trị choán hết phần sân ngay cổng chỉ để chừa lại vừa đủ chỗ cho một chiếc xe đậu. Đám sân cỏ mọc cao lưng chừng đầu gối, chỗ xanh, chỗ héo úa giống miếng da beo như thể được con mắt thẩm mỹ cố tình sắp xếp cho hòa hợp với hàng rào nghiêng ngả, rỉ sét và những chiếc xe bong sơn loang lổ, e sợ được cắt xén sẽ làm cho mất bớt vẻ nghệ thuật.

Phía trước căn nhà được bọc lưới ngăn muỗi biến mái hiên thành một hành lang dài trong đó một chiếc bàn tròn ngổn ngang đủ mọi thứ chồng đống trên mặt. Có vài vật rơi cả xuống sàn gỗ ọp ẹp mà mỗi lần bước qua cứ rung lên khiến cho người ta có cái cảm giác sẽ bị rơi sập xuống bất cứ lúc nào. Bước qua cánh cửa trước, căn phòng khách tối om hiện rõ màn ảnh tivi luôn luôn ồn ào khiến vài chiếc nệm nâu thẫm nằm trong vùng tối lại càng như bị tối hơn, âm thầm chịu đựng cảnh cô độc không được ai đoái hoài. Ánh đèn néon 4 tấc nơi góc trần nhà mãi tận vách tường bên kia đối diện với chiếc tivi không đủ soi rõ bộ mặt bà cụ mập mạp đến độ đầy vẻ bệnh hoạn, suốt ngày ngồi đó hướng về những thay đổi trên màn ảnh giết thì giờ cho qua năm tháng chẳng biết làm gì.

Bước dọc theo phòng khách, cha Lành lên tiếng:
- Chào bà, bà khỏe không?
- Cũng thường vậy, thưa cha.
Mới gần tới chiếc bàn, một mùi hôi thối nồng nặc quất vô mũi khiến ngài muốn ngộp thở. Phản ứng tự nhiên chận chân dừng bước nhưng lý trí ra lệnh cha phải tiến tới. Chạy sâu về phía trái là khu vực bếp với cái thùng rác đen ngòm to tổ bố đặt kề ngay bên cửa ra phía sau; có lẽ mùi hôi thối bốc ra từ đó. Mặc dầu nơi vách tường bên tay phải ngài chiếc máy lạnh ồ ồ thổi vô nhưng mùi hôi thối vẫn nồng nặc đến nỗi khí lạnh cũng không thể nào làm giảm bớt. Bà cụ vẫn tỉnh như người tịt mũi bởi quá quen thuộc đến độ không còn cảm thấy mùi vị gì nữa, đưa tay đẩy vài thứ lặt vặt trên mặt bàn chờ đợi.
- Bà đã sẵn sàng chưa.
- Thưa cha rồi.
- Bà có cần xưng tội không?
- Thưa cha không, hôm ở nhà thương con đã xưng tội cách đây một tuần.

Sau khi cho bà cụ rước Mình Thánh, cha vừa quay lại bước trở ra thì một người đàn bà trẻ, có lẽ là con bà cụ, mở cửa tiến vô. Ngài bước vội tới chào và nói:
- Hình như chiếc thùng rác đã quá lâu rồi nên xông mùi khó chịu quá, từ lần sau, chị làm ơn bỏ thùng rác ra ngoài vào buổi sáng dùm...

Lần sau ngài đưa Mình Thánh tới, căn nhà được quét dọn tươm tất hơn nhưng mùi hôi thối vẫn còn; không hiểu vì lý do gì nhưng ngạt thở quá... Liếc nhìn sơ qua khoảng hở giữa tủ lạnh gần ngài xem có dự đoán được nguyên nhân gì chăng; vẫn không có được câu trả lời.
- Vài năm trước tôi đưa Mình Thánh cho bà ta cũng đã hôi thối như vậy. Không thể hiểu sao người ta có thể chịu được.
Cha tuyên úy nhà thương nói với cha Lành. Thật ngại ngùng khi phải bước vào đưa Mình Thánh cho bà cụ nhưng chẳng có cách nào từ chối... Nói với bà cụ ra phía trước nơi bộ sa lông, thì cũng chỉ được một lần, rồi bà cụ quên, vẫn ngồi yên chỗ cũ. Biết sao hơn! Có nhắc lại e phiền lòng, không nhắc phiền mình, cha Lành lẩm bẩm khi bước lên xe tới nhà một người bị bệnh ung thư mà bác sĩ cho biết chỉ còn có thể sống tối đa được hai tháng...

***

Về tới nhà xứ khi cây kim đồng hồ đeo tay chỉ vừa đúng 11 giờ trưa... “May mắn, không bị trễ...” ngài nghĩ, nhưng người hẹn vẫn chưa tới. Đi thẳng vô nhà bếp định lấy ly cà phê, bình cà phê không còn một giọt. Ngài lấy nước đổ vào máy...
- Cha để con pha cho... - Chị bếp vội vã...
- Không sao, tôi pha cũng được mà, chị lo nấu cơm đi.
Vừa bưng ly cà phê tới văn phòng đã có ai bấm chuông bên ngoài... thì ra hai mẹ con hẹn đến về vấn đề xin rửa tội đứa nhỏ.
- Mời vô, đi theo tôi...
- Con đến xin cha rửa tội cho cháu nhỏ mới sanh.
- Ở nhà gọi điện thoại cũng được đâu cần phải đến nhà xứ. Thế cháu nhỏ sanh được bao lâu rồi?
- Dạ 7 tuần.
- Vào mỗi tối ngày thứ 5 đầu tháng lúc 7 giờ có một tiếng học hỏi về bí tích Rửa Tội. Bà làm ơn nói cha mẹ đứa bé và cha mẹ đỡ đầu đến tham dự tại nhà xứ này.
- Sao mà đời bây giờ các cha khó thế, con theo đạo từ nhỏ tới lớn, rửa tội cho con cái ngay từ nhỏ, nào có bao giờ phải học hành gì đâu. Con không hiểu sao lại phải học, mà học cái gì cơ chứ?
- Vấn đề không phải là học; tôi không thích dùng tiếng học hỏi nhưng không biết chữ nào có thể dùng hợp lý hơn. Thật ra, tôi chỉ chiếu hai cuốn phim trên ti vi, một cuốn 15 phút và cuốn khác 25 phút mà thôi. Không có gì nặng nề cả. Có chăng chỉ là chữ dùng không đúng.
- Con không thể hiểu, nào có chi mà phải mất giờ...

Người ta theo đạo như thế đó! Theo đạo đâu phải chỉ đi nhà thờ và khi rời khỏi nhà thờ là hết, mạnh ai nấy sống. Đức tin đâu phải chỉ tơ lơ mơ nghĩ rằng có Chúa là xong. Chính bởi nghĩ như vậy đã có người hô lên: “Tin đạo chứ đừng tin người có đạo.” Biết bao nhiêu người không Công Giáo ở chung khu vực với người Công Giáo đã không bao giờ thèm đặt vấn đề Công Giáo là gì. Theo đạo, không muốn học hỏi về đạo, không hiểu để sống đạo, áp dụng đạo vào trong cuộc đời mình thì cũng như theo đạo cho vui, cho ra vẻ có đạo hoặc a dua cho giống kẻ khác. Nhưng biết sao hơn, trình độ họ như thế, đành chấp nhận trước để rồi cố gắng may ra có giúp họ thêm được chăng... Cha Lành chậm rãi:
- Không sao đâu, tôi nghĩ có lợi chứ không mất giờ. Nếu có chi thắc mắc, sau đó tôi sẵn sàng trả lời bà. Vậy đứa nhỏ con của chị này phải không?
- Thưa cha vâng.
- Chị này tôi đã tới thăm tại nhà thương kỳ sanh cháu nhỏ. Chị có thường đi lễ ở đây không và có thuộc về xứ này không?
- Má con thuộc xứ này, con ở với má con nhưng ít khi đi lễ.

Cha Lành thường thăm những người bệnh thuộc về giáo xứ đang được chữa trị tại nhà thương vào những chiều thứ sáu hàng tuần. Vì xứ quá đông không thể nhớ tên hết tất cả mọi người, cha đành đi thăm tất cả các phòng mà bệnh nhân mang địa chỉ thuộc khu vực giáo xứ. Mấy tuần trước gặp chị Hoan lúc cháu nhỏ mới chào đời được một ngày; sau khi hỏi thăm sức khỏe của đứa bé, ngài hỏi thăm về cuộc sống gia đình và chị ta cho biết chưa lập gia đình; hai người chỉ yêu nhau, có con với nhau và anh ta không có đạo... Hơn nữa, chị ta đã gần ba năm không đi nhà thờ chi hết... Nhớ lại như thế, ngài dịu giọng nhắc nhở:
- Một trong những điều kiện minh chứng đứa nhỏ sau có được nuôi dưỡng trong đức tin Công Giáo không là sự sống đạo, tham dự thánh lễ ít nhất tuần một lần vào chủ nhật của cha mẹ. Nếu linh mục không nhận thấy có gì chứng minh về tương lai đức tin đứa nhỏ sẽ được nuôi dưỡng trong tinh thần và đức tin Công Giáo, ngài không có quyền rửa tội. Chị làm ơn đi lễ ít nhất 8 ngày chủ nhật liên tiếp được không?
- Con sẽ cố gắng...
- Thật ra tôi nói thế không phải cố làm khó chị đâu nhưng là người Công Giáo, chúng ta có bổn phận và trách nhiệm nuôi dưỡng đức tin của những đứa bé được rửa tội. Cảm ơn bà và chị đã ghé qua; nhớ tối thứ 5 đầu tháng lúc 7 giờ tới coi phim và tôi sẽ nói chuyện sau. Riêng chị, chị làm ơn dự lễ chủ nhật; nếu không, tôi chẳng biết cách nào hơn. À, chị có điều gì ngăn trở để chịu phép hôn phối không? Tôi sẵn sàng làm bất cứ gì có thể giúp chị về vấn đề này. Bây giờ hãy về đã, suy nghĩ ít hôm và nếu chị muốn, gọi điện thoại cho tôi.
- Thưa cha con muốn chịu phép hôn phối mà...

Yêu nhau đâu phải cứ cưới nhau là xong, bao nhiêu sự mới lạ chưa bao giờ người trẻ có cơ hội kinh nghiệm trong cuộc sống hôn nhân đang chờ, rắc rối cũng như hạnh phúc. Yêu nhau chỉ một người muốn cưới đâu được mà phải cả hai cùng muốn sống chung, sống cho nhau và vì nhau. Người này coi người kia là trên hết và người kia coi người này không ai hơn. Để được như thế, cần sự học hỏi sao cho biết chấp nhận lẫn nhau, điều hay cũng như điều dở. Hơn nữa, trước khi cưới, nhiều người cứ nghĩ rằng mình sẽ thay đổi được người khác theo ý mình hay làm họ tốt lành hơn theo câu “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.” Chính mình có những điều muốn bỏ và cố gắng bỏ mà có khi cả đời vẫn không làm chi được thì sao có thể nói tới biến đổi người khác... Ngài nhẹ nhàng giải thích:
- Thế còn anh ấy. Chị hãy bàn với anh ấy đã rồi gọi cho tôi sau. Tôi không muốn chị cảm thấy bị ép buộc phải làm phép cưới. Lý do tôi nói chị gọi cho tôi sau chỉ là muốn biết chắc chắn hai người có thực sự muốn cưới nhau không thôi. Tôi sẽ gặp chị sau. Chào bà và chị.

Mới được hai tuần lễ, bà mẹ đã rối lên gọi cha xứ yêu cầu phải rửa tội cho cháu. Bà ta nói rằng không rửa tội cho cháu bà, bà sẽ đem đi nhà thờ khác rửa tội. Cha xứ vội vàng nói với cha Lành:
- Cha xem rửa tội cho đám ấy, nếu không lỡ họ gọi đức giám mục thì lại phiền cả đám.
- Cha coi, má đứa nhỏ không đi nhà thờ, không có hôn thú, không cưới hỏi, không chịu bí tích hôn nhân chi hết. Tôi đã phải năn nỉ họ đi nhà thờ ít nhất 8 tuần để rửa tội cho đứa nhỏ nhưng mới có hai tuần họ đã kêu rối lên; nào tôi biết làm sao bây giờ...
- Thôi thì cha đánh máy giấy hứa đi lễ chủ nhật, bảo cô ta ký vào đấy rồi rửa tội cho đứa nhỏ.
- May mắn, vậy mà tôi không biết. Linh mục này mới mẻ quá, nhiều chuyện chưa biết...

Cha Lành cảm thấy nhẹ hẳn cả người. Nó không chịu đi nhà thờ mà không rửa tội nó kêu đến giám mục cũng khổ. Nó hứa và ký giấy rồi không chịu làm theo, lỗi nơi nó, lại nhẹ mình... Bỗng ngài cảm thấy buồn buồn; con chiên bổn đạo không đi nhà thờ là lỗi nơi họ nhưng mình là linh mục; phải có lý do nào để họ không đi nhà thờ. Nếu nguyên nhân hoàn toàn nơi họ vì bất cứ lý do gì thì đó dĩ nhiên chuyện của họ; còn nếu bởi dù phần nhỏ nhặt nào nơi mình để họ không muốn đi nhà thờ, mình cũng bị lây trách nhiệm mặc dầu có nhiều trường hợp lạm dụng mượn cớ để chiều theo bản năng cá nhân hoặc vì ham vui mà bỏ bê thành thói quen. Linh mục đâu phải được truyền chức để làm quan theo kiểu ngoài đời, sống chết mặc bay, mà để thông cảm, khuyến khích và cùng họ sống đức tin, thể hiện đức tin trong cuộc đời. Dĩ nhiên, mình mới về xứ đạo hơn hai năm, chưa có chuyện gì để có thể gây nguyên nhân cho người bỏ đi lễ gần ba năm nhưng làm thế nào giúp họ trở lại cuộc sống đức tin phải được đặt ra. Các cha già ngày xưa nói linh mục là con chó nhà Đức Chúa Trời không hợp thời nữa rồi; bây giờ linh mục là kẻ ăn xin, năn nỉ thiên hạ sống đạo. Nói động đến họ, họ kêu lên giám mục; họ bỏ không đi nhà thờ. Không đi lễ nhà thờ này mà đi lễ nhà thờ khác là hãy còn phúc; đàng này họ bỏ luôn viện cớ tại ông cha. Cũng có thể nói, ngày xưa chó có quyền sủa, thời kỳ này chó câm; không câm cũng phải câm bởi năn nỉ còn khó hơn câm. Mà câm, tâm tư áy náy, thôi đành năn nỉ. Nào ai biết đấy là đâu; thiên hạ cứ tưởng làm cha oai lắm...

- Hello, tôi là cha Lành, làm ơn cho gặp chị Hoan.
- Thưa cha cháu Hoan không có ở nhà, con là má của Hoan đây.
- Chào bà, lâu nay bà mạnh giỏi?
- Cảm ơn cha, con cũng thường. Có chuyện chi gọi cháu Hoan đấy thưa cha?
- Vấn đề rửa tội cho cháu nhỏ ấy mà. Hai tuần nay chị Hoan có đi nhà thờ không?
- Dạ có đấy ạ, con nói với cháu và cháu cũng nói rằng cháu thấy cần phải đi nhà thờ trở lại.
- Hình như chị ấy gọi cho cha xứ thì phải...
- Con gọi cho cha xứ chứ không phải cháu Hoan. Từ hôm gặp cha về nhà tới giờ, cháu cứ muốn rửa tội cho đứa nhỏ ngay tức thì. Cháu định đưa đứa nhỏ tới nhà thờ khác...
- Thôi cũng được, vậy bà làm ơn khuyến khích chị ấy đi nhà thờ, và khi chị ta về, nói chị ta gọi cho tôi rồi ghé qua ký giấy hứa sẽ đi nhà thờ đồng thời đem giấy khai sinh của cháu nhỏ để tôi ghi vào sổ.
- Tại sao phải cần giấy khai sinh nữa cha?
- Bởi chị ta không có hôn thú nên cần phải có giấy khai sinh ghi đúng tên họ theo đó bởi nếu trật sẽ gây phiền toái sau này.
- Vâng vậy con sẽ nói cháu gọi cha sau.
- Cảm ơn bà, chúc bà mạnh giỏi, xin chào.
(còn tiếp)

Lm Lã Mộng Thường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây