TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Linh mục, người là ai? -kỳ cuối

Thứ năm - 02/06/2022 04:03 | Tác giả bài viết: Lm Lã Mộng Thường |   1049
Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ.
Linh mục, người là ai? -kỳ cuối

LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI? I
(Kỳ cuối)


- Mời cha ngồi lên đây.
- Được rồi, tôi thích ngồi đây. Ngồi chỗ này gắp được cả hai bên không sướng hơn ư!
- Nhưng cha phải ngồi lên đây, ngồi đấy ai coi cho được.
- Không cần biết, tôi thích ngồi đây, còn ai coi không được thì nhắm mắt lại, đâu có sao.
- Cha ngồi lên đây không người ta nói con không biết phép tắc.
- Ai cười thì bảo người ta rằng ghế tôi đang ngồi mới quan trọng. Thôi mà, hình thức làm chi. Nào chuẩn bị làm dấu...
- ...
- Cha ăn món này trước, để con gắp cho cha.
- Không, đừng làm thế; ông để tôi ăn theo ý thích.
- Nhưng món này ngon hơn...
- Thôi đừng ép nữa để tôi kể một câu truyện. Truyện kể rằng, có hai ông bà cụ người Mỹ cỡ bẩy mươi mấy tuổi. Ông thương bà lắm, ngày nào cũng chịu khó dậy sớm pha cà phê, chiên trứng, xúc xích rồi nướng bánh làm đồ ăn sáng cho cả hai người. Sáng hôm ấy, ông cụ cũng như thường lệ, làm hết mọi sự thì bà cụ cũng vừa ra tới bàn ăn. Ông cụ mới lấy hai miếng bánh mới nướng xong bỏ lên đĩa cho bà cụ. Bà cụ thoạt trông thấy hai miếng bánh cất tiếng: Ông xem, tôi lấy ông 50 năm trời, lần nào ông cũng bắt tôi ăn hai miếng bánh quỉ này. Ông cụ ngớ cả người, rưng rưng nước mắt đoạn nói: sao bà không nói cho tôi biết từ 50 năm về trước. Tôi thích ăn đầu miếng bánh nướng mà phải nhường cho bà...
- Cha kể chuyện gì chúng con đâu có hiểu.
- Thì món ngon đối với ông chưa chắc đã ngon đối với tôi chứ có chi đâu!
Chủ nhà cười ha hả ra chiều hiểu biết.
- Nào mời cha, cha con mình cụng ly...
- Cụng thì cụng nhưng ai muốn uống nhiều ít tùy ý.
Uống được vài hơi rượu, chủ nhà cảm thấy gần gũi với cha Lành hơn nên tỏ lời thân mật,
- Con thấy có nhiều cha khó quá, và làm những chuyện độc đoán; chẳng hạn cha Thuyết...
- Ông say chưa? Cha khó hay ông chẳng thèm mời rồi nói khó. Còn những chuyện về cha khác, các ngài không có mặt ở đây nên không có cái miệng để trả lời; tôi nghĩ mình không nên nói tới. Nếu muốn nói, muốn phê bình, nói ngay ông cha này. Ông ấy đang ngồi đây, có cái miệng trả lời xem thế nào. Dám không? Nói sao cũng được nhưng phải hợp tình hợp lý và dẫn chứng đàng hoàng, không được bày đặt hay phét lác.
- Đâu ai dám nói tới cha.
- Có phải vì cha đang ngồi đây không? Chốc nữa cha về thì ai mà chả dám. Kể cũng lạ, chính phủ đánh thuế hết mọi thứ mà không biết cách đánh thuế người nói khoác hay nói lung tung. Nếu bị đánh thuế, tôi nghĩ thiên hạ chừa hết.
- Thưa cha, con xin phép được nói, giọng một ông khác lè nhè, sứa rồi, cha thì cũng nhiều cha, mà mỗi cha một lý đoán chứ đâu phải cha nào cũng giống cha nào. Con xin nói thật lòng, chỉ có sang đến bên này chúng con mới được ngồi ăn với cha chứ như ở Việt Nam, muôn đời chúng con cũng chẳng bao giờ được ngồi gần cha. Ở bên này các cha không được kính trọng, bị mất giá trị. Con thấy bên này người ta coi rẻ các cha quá.
- Ông nói hết chưa?
- Thưa hết rồi đó cha.
- Có gì đâu mà coi rẻ và mất giá trị. Có chăng thì đất lề quê thói thôi chứ đâu phải gặp cha cứ khúm núm mới là kính trọng hoặc là để ông cha ngồi một mình một mâm buồn thỉu buồn thiu nuốt không nổi là có giá trị. Thôi, chuyện mấy ông cha bỏ qua một bên, nào mình nâng ly...

Làm việc cho giáo xứ Mỹ nên thỉnh thoảng được người Việt mời đi ăn là cả một cảnh thiên đường hạ giới. Buổi sáng, cha Lành đã lười ăn; đến trưa, ăn đồ Mỹ cũng chỉ nuốt cho qua mặc dầu đã quen nhưng khẩu vị đâu không thấy. Thịt và thịt, giỏi lắm vài miếng rau xà lách trộn cà chua thái sống, khoai tây, cà rốt, thiếu hẳn mùi vị quê hương. Ăn thịt bò mà cứ nấu chín tơi ra với khoai hoặc steak; thịt heo chỉ tẩm bột chiên lên; còn gà thì mua chợ nấu sẵn đem về hấp lại với vài thứ đậu hộp, thì con tì con vị cũng chán ngán, ngủ tuốt luốt. Cứ thử tưởng tượng; thịt bò xái tái chấm nước mắm gừng nổi mùi thơm phức pha lẫn mùi mè rang hay thính xay thì người có no cách mấy cũng đưa được vài lon bia. Tôm hay cá đem thái gỏi kèm theo lá mơ và ít lá thơm đủ thứ, mới ngửi thấy có phải đã tỉnh táo rồi không! Người Mỹ làm sao biết thưởng thức những món ăn đơn giản như dấm mẻ ăn gỏi, hoặc thịt bò xào rau muống đập vô củ tỏi làm kẻ đứng xa cả cây số cũng phải rệu nước miếng.
 
Bẩy ngày một tuần, bà bếp nấu năm bữa trưa, còn tối lục tủ lạnh hoặc chạy ra McDonald hay tiệm khác. Mà nào có rẻ gì, hèn cũng gần năm đồng. Thứ bảy và chủ nhật càng tệ; những món cũ còn lại trông phát ớn. Chẳng trách chi người Mỹ họ mập, mập vì đồ lạnh chứa mỡ khó tiêu, có lẽ vậy! Vấn đề ăn uống nơi nhà xứ Mỹ là thế nên thèm đi ăn rông muốn chết mà có biết nơi nào có thể tới đâu. Một năm 365 buổi tối, 104 ngày cuối tuần chứ đâu có ít gì! Thế mà không thiếu người nói cha khó mời! Có mời đâu mà chả khó! Nhưng không sao, cơm mời, có “ăn được bát cháo thì cũng đã phải chạy ba quãng đồng.” Một lần đi ăn cơm mời thì ít nhất cũng tiêu mất hai tiếng đồng hồ. Đến muộn người ta chờ, đến đúng giờ mình chờ người ta; rồi chẳng lẽ tới nơi lo cắm cúi ăn và về? Nó kỳ làm sao ấy! Ngồi thêm chút nói dăm ba câu chuyện, và rồi cũng có kẻ nói hay đi ăn nhậu lang thang. Lắm lúc cha Lành nghĩ, thiên hạ cũng kỳ thật; người mời không nói; kẻ chẳng bao giờ cho ăn lại bày ra rậm lời. Ôi! Đâu phải muốn nói ngoa làm cha mà nói nhưng ngược lại, muốn nói ngoa làm con cha mà nói. Chẳng khác gì làm dâu muôn người; cuộc đời mình ai cũng có quyền xía vô!

Nào đã hết đâu, cái đầu mình từ ngày chui lọt lòng mẹ ra không được thẳng với cái thân người như cây tăm; người ta nói mình nghênh nghênh ngạo đời. Cặp mắt lỡ Chúa bắt tội nhìn không được ngay; họ nói nhìn đời rằng nửa con mắt! Nhìn cả còn chưa được phương chi nhìn nửa! Hai chân chẳng may không đều; mà nào có ai hai chân đúng thước tấc bằng nhau; họ nói dáng đi nghênh ngang, kênh kiệu. Làm dâu trăm họ thì chỉ có bới bèo ra bọ bởi đâu có ai là người hoàn toàn vừa lòng được hết mọi người. Được lòng kẻ nọ lại mất lòng người kia. Người thích cha mặc áo dài cho có vẻ thánh thiện; kẻ ưa cha bận áo cộc. Người quan niệm cha phải mặc áo đen; kẻ khác lại muốn nhìn màu trắng. Có lẽ chỉ còn cách mặc áo vá, tà ngắn tà dài mới gom đủ được mọi ý thích; mà nếu thỏa mãn được ý mọi người kiểu này, ông cha trở thành dị kỳ; lại càng biến thành nguồn gốc cho muôn ngàn ý kiến mới. Đàng nào cũng có những người không ưa; cha Lành đôi khi nghĩ, mà không ưa thì dưa có dòi. Thêm nữa, một điều nhân gian khó thể hiểu là đa số những người tốt lành thì chẳng thấy nói chi; chỉ những người lôi thôi, chẳng ra gì cái miệng lại cứ toang toác như loa phóng thanh, làm như con cái loài người khôn ngoan hơn con cái Thiên Chúa.

Tuy nhiên, nói cho cùng, thánh giá nào chẳng khó mang; mà nếu dễ mang đã chẳng là thánh giá. Cuộc đời nào không lắm chông gai trắc trở, và nếu không có chông gai, trắc trở thì anh hùng hào kiệt đâu hơn chi người bình thường. Ngày xưa, Chúa xuống thế cũng đâu có thể làm hài lòng được hết mọi người. Nếu Chúa có thể làm hài lòng được hết mọi người thì đâu có chuyện khổ hình, và đã không có khổ hình sao có thể có phục sinh. Thêm nữa, xét ra, những gai nhọn “phê bình nhăng cuội” đâu đến nỗi chua cay bằng cảnh Chúa trốn lánh thiên hạ vác đá ném. Người ta mới ném mình bằng lời nói đâu ăn nhằm gì, mà còn có thể giúp mình sửa đổi được những điều không để ý bất lợi cho vai trò của mình trong cuộc sống. Người ta vác đá ném Chúa thì chắc chắn rằng Chúa đã bị kêu ca, xỉ vả không sao kể xiết. Thánh giá lời nói còn nhẹ chán, bước chân theo Thầy hãy còn thênh thang. Thử hỏi nếu Chúa không dám sống với chính con người của Ngài mà chỉ ráng làm sao cho đẹp lòng “nhân loại” đâu ai kết án Ngài. Lời đức giám mục dặn dò còn văng vẳng bên tai ngày nào chịu chức: Con hãy tin những gì được dạy dỗ, giảng giải những điều con tin và thực hành trong đời sống những điều con giảng giải. Mình đề nghị người khác sống thực với tâm tình, với con người của họ trước mặt Chúa mà mình không theo, không dám, có thể chỉ là giả dối. Tuy nhiên sống thực lại bị ném đá! Lời Kinh Thánh khuyên đi con đường hẹp mà đường hẹp nào dễ đi! Đi đường hẹp chắc chắn vướng chông gai. Những nhức nhối mục vụ đòi hỏi lòng một tâm hồn chịu đựng biết xót thương. Những lời phê bình không đúng chỗ, nếu nhìn theo khía cạnh khác, sẽ tạo thêm cho mình sự kiên trì trên bước đường sống thực với niềm tin.

o o o

“Cái gì” của ngày xưa mơ ước cho cuộc đời không rập khuôn buồn tẻ đang trải dài trước mặt. Công việc mục vụ không kinh nghiệm nào giống kinh nghiệm nào bởi bá nhân tá tánh. Dân Chúa chẳng ai giống ai, và ngay cả đối với một người, hôm nay đâu giống hôm qua. Kinh nghiệm mục vụ giúp cha Lành nhận rõ hơn bàn tay Chúa đang trực tiếp dẫn dắt dân Ngài, biến đổi dân theo ý Ngài muốn, và linh mục chỉ là người nối nhịp cầu để chiêm ngưỡng. Có người, cả năm trước, mang đầy sự giận hờn vì bất bình bởi vài chuyện nhỏ nhen; thế mà chỉ vài câu thăm hỏi, khuyến khích, tâm hồn cay đắng đổi vị ngọt ngào để rồi bỏ giờ giấc, công sức giúp việc nhà thờ. Chúa dùng con người để chữa lành những vết thương nơi dân Chúa, cha Lành thầm nghĩ. Mình chỉ là kẻ giương mắt ra mà xem.

- Tôi không biết cách nào để kiếm được người dẫn hát cho nhà thờ. Kêu gọi mấy lần sau Thánh Lễ nhưng chẳng thấy ai gọi điện thoại...
- Con vẫn dẫn hát cách đây một năm nhưng ông Thoa đánh đờn rối um lên làm con hát bể hoài nên thôi.
- Bây giờ ông Thoa đâu có đánh đờn nữa. Thế ông có biết còn ai có thể đánh đờn nhà thờ được không?
- Có chị Ngọc mà chị ấy đâu có chịu đánh.
- Đã ai nhờ chị ấy chưa?
- Đâu có ai nói gì với chị ấy. Hơn nữa, cha xứ không bằng lòng cho ai đụng đến cái đờn phong cầm bao giờ, chỉ một mình bà Thanh mà thôi.
- Vậy nếu tôi nhờ chị Ngọc đánh đờn ông có bằng lòng giúp dẫn hát nhà thờ không?
- Để con về xếp lại chương trình đã, con sẽ gọi cha sau.
- Tôi sẽ gọi ông ngày mai; số phone của ông bao nhiêu?
- ...
- Ông có biết số phone của chị Ngọc không?
- Chút nữa chị ấy đi lễ, con sẽ chỉ chị ấy cho cha.

Ông ấy hát bể thật nhưng cũng không đến nỗi tệ lắm; có điều hát theo đờn nên chẳng ai để ý. Hơn nữa, sau một thời gian hát lại, ông ta có vẻ tiến bộ hơn. Chị Ngọc thì đờn không mấy giỏi giang chi, lại không dám đụng đến đờn bởi nghe nói cha xứ không muốn cho người nào khác ngoài bà Thanh. Cha Lành thầm nghĩ, đâu ai chế đờn cho chỉ một người sử dụng. Cũng như chiếc xe, ai lái không được. Nếu đến thời hạn nó hư, cho dẫu có giữ gìn cách mấy cũng phải sửa.

Hai ngày đầu, cha Lành đánh đờn ầm cả nhà thờ lúc rảnh. Cha xứ thấy cha phó đụng vào chiếc phong cầm nên chẳng dám nói chi. Ngày thứ ba, có thêm chị Ngọc và rồi suốt hai tuần lễ, chị Ngọc dợt lại ngón đờn cùng ông già chuẩn bị cho lễ chủ nhật. Sáu tuần cha xứ đi nghỉ, bà Thanh đánh đờn cũng nghỉ. Chị Ngọc cùng ông già kéo 5 lễ cuối tuần. Mặc dầu ông già hát không hay nhưng được Chúa ban cho thích hát, thế nên nhờ hát mà hăng say.
- Hình như dạo này ông hát hay hơn lúc trước.
Ông già phổng mũi, chỉ sang chị Ngọc.
- Chị ấy đánh đờn con dễ hát. Thế mà đôi khi vẫn còn lạc giọng!
- Có thấy ai nói gì đâu hay chỉ mình ông nói. Ông thấy không, mọi người cũng muốn hát ca tụng Chúa. Họ chỉ cần người xướng chứ đâu ai để ý mình hát bể hay không.

Theo đạo đâu phải chỉ là theo lấy lệ cho giống những người khác, chỉ đi nhà thờ rồi sống tách biệt, ai lo phận nấy. Hơn nữa, đến nhà thờ cùng nhau thờ phượng Chúa, cùng hiệp dâng Thánh Lễ thì nếu có thể giúp được gì để nâng tâm hồn mọi người lên tới Chúa lại là điều cần thiết nên làm. Công Đồng Vatican II nhóm họp cách đây gần 30 năm trước xem ra ảnh hưởng đối với các nhóm tách rời từ Công Giáo không phải là nhỏ. Ngược lại, một số người Công Giáo cho đến giờ vẫn còn chưa nhận ra ít nhất là giá trị mục vụ lẫn phụng vụ của Công Đồng nổi tiếng được mọi giới ca tụng này. Thế nên cứ còn những lời ca thán có thể nói ngây ngô; chẳng hạn Hội Thánh càng ngày càng rộng, hoặc Giáo Hội thay đổi, hay lễ Latinh mới sốt sắng v.v... Đối với các cha thì giáo dân muốn phải thế nọ, phải thế kia chứ như vầy không oai, không làm cho người ta kính nể. Làm linh mục của thời hậu công đồng không còn tính cách “cha oai hơn quan” của thời xưa; mà cha dám sống cởi mở thì đôi khi cũng phiền.


o o o


Trong một bữa gỏi, cha Lành đang kiếm mấy thứ lá thơm:
- Ban nãy tôi thấy có mớ ngò ôm mà nó biến đâu mất rồi?
- Ngò đây cha.
- Không, đó là mùi.
- Ngò mà cha gọi là mùi.
- Tôi nói theo dân Hà Nội mà...
- Thì ăn ngò rồi ôm sau cũng là ngò ôm...
Một chị sồn sồn, cứ mỗi lần cha Lành nói là xía vô đấu. Ngài chỉ còn nước lặng thinh bởi nói lại chẳng được ơn ích gì mà chỉ thêm phiền hà do cái miệng của chồng chị ta.

- Nhà thờ Mân Côi.
- Chào cha, cha khỏe không?
- Cảm ơn bà, tôi vẫn thường.
- Sao cha lại gọi con là bà, bộ con đã già lắm sao?
- Ai đó, nghe tiếng hơi quen mà không thể bói được là ai.
- Ối “giời” ơi! Cha có thèm để ý gì đến con đâu.
- Để ý làm sao được, tôi đi tu mà. Có chuyện chi thế?
- Thưa cha phải có chuyện mới gọi được hay sao! Thăm hỏi có phải là chuyện không?
- A! chị Hiền, cảm ơn chị đã có lời thăm hỏi. Tôi nói chỉ có thế mà sao chị bới ra cả dây vậy?
- Hình như dạo này cha khó tính ra, khinh người nữa!
- Có chi đâu, tôi vẫn như thường; còn khó ra hay khó vô đâu tôi có để ý. Vậy có chuyện gì mà chị nói tôi khó tính và khinh người.
- Thì tối hôm thứ năm ăn ở nhà ông Bình, sao cứ mỗi lần con nói là cha im tịt, không thèm nói năng chi hết.
- Không ngờ có người bực lên vì sự im lặng của mình để rồi kết án là khinh người. Chị thông minh đấy nhưng thông minh trật. Chị có để ý đến thái độ của anh ấy và nghe được những gì anh ấy nói mấy ngày trước hôm thứ năm không?
- Sao cha, nhà con nói gì?
- Tôi hứa với người nói cho tôi hay là sống để dạ chết đem đi nên không nói được, chị thông cảm. Chỉ biết rằng hơi phiền hà đến tôi thôi. Vậy từ nay, chị làm ơn đừng đấu tôi nữa bởi tôi không muốn anh ấy nghĩ lôi thôi, trật duộc.
- Vậy à, con chỉ nói giỡn thôi, đâu có để ý. Được rồi, từ nay tha cho cha.
- Cảm ơn tấm lòng đại bác tha thứ của chị. Thế chuyện khó tính và khinh người giải quyết xong chưa?
- Con hiểu lầm.
- Bây giờ ai tha cho ai?
- Thì cha tha cho con.
- Với điều kiện.
- Điều kiện gì vậy cha?
- Từ nay chị đừng đấu tôi nữa.
- Cha yên trí! Con tưởng nhà con ghen với những người đàn ông khác thôi còn cha là người tu hành thì anh ấy phải hiểu là con giỡn chơi mà!
- Anh ấy đã như thế, tôi không muốn bị dây dưa vô chuyện quýt làm, cam chịu.
- Cha nói chuyện gì mà quýt làm cam chịu?
- Thì chị diễu cho vui, tôi trở thành cái bia cho anh ấy nhắm tới tấn công.
- Vâng, từ nay có lẽ con chỉ còn nước trở thành câm là xong hết.
- Chứ chị không cần tha nữa à?
- Tha được đâu mà tha, câm rồi còn biết nói sao đây!
- Chị đang đứng gần cái lồng chim phải không?
- Đâu, nhà con làm gì có lồng chim.
- Thế con chim nào đang hót.
- Cha muốn đấu con đấy à? Người đàn bà cười vui vẻ. Cha mà không đi tu, tán đào chắc ăn khách lắm đó, khối kẻ chết mê chết mệt vì cái miệng.
- Chưa tán đã phiền còn nói gì đến tán.
- Thôi con bắt đầu câm nghen.
- Chị cần băng keo không.
- Băng keo làm gì cha?
- Để không cho con chim hót nữa.
- Con sẽ ngậm tăm, dễ hơn. Dán băng keo không ăn được. Cảm ơn ý tốt lành khó thực hiện của cha. Con chào cha.
- Chào chị.

o o o

Đôi khi những chuyện nhỏ nhặt coi bộ không ra gì mà linh mục phải để ý. Người ta thích được nghe lời nói cảm ơn từ miệng ông cha mà vô tình quên mất cũng là đầu mối cho sự chán nản giúp việc nhà thờ hoặc tâm tư phiền hà.
- Cảm ơn ông nhiều, có ông chuẩn bị đồ lễ, tôi không phải lo lắng gì.
- Không có chi thưa cha. Con làm việc cho Chúa mà cha cảm ơn làm chi!
- Dĩ nhiên, ông cũng như những người khác, giúp việc nhà thờ là giúp việc thờ phượng vinh danh Chúa và giúp cho dân của Ngài. Tuy nhiên, nếu không có ông những buổi sáng sớm như thế này, tôi sẽ gặp nhiều rắc rối, lập cập. Nào mới mắt nhắm mắt mở đã phải vội ra mở cửa nhà thờ, lại phải trở về nhà xứ làm những chuyện cá nhân, rồi sau đó ra lại nhà thờ sắp chén lễ, lật sách, thay khăn bàn thờ v.v... Thấy không, có ông tôi có tất cả. Cảm ơn ông là đúng quá rồi.
- Cha quá khen.
- Không biết lý do gì mà ông Thuận lâu nay không thấy đâu?
- Con nghe hình như ông ấy có chuyện bất bình.
- Với ai và về vụ gì?
- Ông ấy nói cha xứ coi ông ta như một đứa trẻ con.
- Chuyện gì vậy?
- Nghe đâu hôm ông ấy dẫn hát, ông Hoành dẫn lễ nói sai số trang sách hát. Ông Thuận nói lại, và sau lễ cha xứ nói với ông chuyện gì đó làm ông ấy giận.
- Để tôi gặp ông ấy xem sao. Tôi nghĩ chắc có chuyện gì hiểu lầm.
- Hôm ăn tại nhà ông Dương, ông Thuận nói cha xứ đã chẳng có được lời cảm ơn mà lại còn trách ông ấy về chuyện nhỏ nhoi mà đâu phải là lỗi tại ông ta.
- Chắc chẳng có chuyện gì lớn lao đâu bởi cha xứ ngài rất dễ thương, nhưng lối nói của ngài đôi khi làm người khác hiểu lầm đó thôi. Tôi sẽ giải thích cho ông ta hiểu. Nếu cần, tôi nói cha xứ gọi điện thoại cho ông ta. Thôi chào ông. À, chừng nào ông đi thăm bà cụ gọi tôi đi với; tôi không nhớ đường.
- Mai con sẽ đi thăm má con; cỡ 10 giờ con sẽ gọi cha.
- Nếu ông đi 10g, gọi nhắc tôi lúc 9g45 để tôi khỏi quên. Gặp ông ngày mai; chào ông.
- Xin chào cha.

Càng ở vị thế cao, người ta lại càng đòi hỏi mình phải trở thành toàn hảo hơn. Mà toàn hảo theo quan niệm riêng của họ nghĩa là không được dùng những lối nói bình thường giống họ mà luôn luôn phải nhẹ nhàng, biết tỏ ra lắng nghe. Họ nói mình nghe thì không sao, nhưng mình nói đôi khi bị cho là ra lệnh hoặc độc tài; không nói thì nhu nhược v.v... Đàng nào thì cũng như cái lưỡi giữa hai hàm răng muôn đời đối diện với điều trái ngược.


o o o

Công việc mục vụ lắm khi dồn linh mục vào những cảnh cười ra nước mắt dù muốn tránh thoát cũng không được. Bạn bè thân quen, càng có dịp gặp gỡ tâm sự, càng thân thiết và hiểu nhau hơn. Tương tự như thế, khi người ta có chuyện phiền hà rắc rối khó nói cần người thông cảm để chia vơi đi những gánh nặng tâm tư, người ta thường tới gặp linh mục. Họ biết rằng những gì nói với linh mục sẽ không bao giờ bị lộ ra ngoài vì linh mục được học hành, đào tạo để chia sẻ, thông cảm những gánh nặng khó mang nơi tâm hồn con chiên bổn đạo. Đối với đàn ông, có lẽ bởi không để ý đến những tiểu tiết nhỏ nhoi, câu chuyện dễ được giải quyết dứt khoát. Riêng về phía các bà, lắm chuyện tình “như mơ” dễ dàng được ươm đầy đôi khi gây cho linh mục nhiều cảnh khó ăn khó nói. Cầu nguyện thì cứ muốn Chúa làm phép lạ ngay tức khắc do đó những lúc mang tâm tình đau khổ lại thấy Chúa chẳng thèm nghe. Thế nên, nói chuyện với cha được thông cảm, an ủi dễ sinh lòng quí yêu, cảm mến. Nào ai có chịu hiểu cho rằng cuộc đời này mỗi người đều mang nỗi khổ riêng mà chỉ nghĩ mình là người mang nhiều chuyện đau khổ nhất. Thế nên, được nghe từ miệng cha những lời thông cảm, người ta dễ có cảm nghĩ mình được đặc biệt để ý và từ đó phát sinh lòng yêu thương “thánh thiện.” Đến Chúa cũng biết ghen tương, không chấp nhận cho dân Ngài tôn thờ bất cứ thần thánh nào khác thì các bà, các chị với “lòng yêu thương thánh thiện” ghen “với cha,” coi cha như của riêng là chuyện bình thường. Chuyện bất thường mới sinh nhiều rắc rối. Dĩ nhiên, đối với cha thì ai chẳng như ai; trong vị thế linh mục, thái độ của ngài với mọi người cần được đối xử một cách đồng đều. Như vậy, dưới con mắt “đặc biệt quí mến” thì cha đã bị âm thầm lên án vì đã không coi mình đặc biệt hơn những người khác.
- Nhà xứ Mân Côi.
- Cha ngủ chưa?
Vừa chợp mắt thì chuông điện thoại đánh thức, Cha Lành vung tay chộp ống nghe, giọng nhừa nhựa. Những lúc đang ngủ tiếng reo điện thoại thật khó chịu; nó chát chúa như những nhát vồ đập mạnh vào màng tang. Chẳng lẽ người bên kia đầu giây nặng tai đến nỗi không phân biệt được giọng nói bình thường với giọng ngái ngủ? Chiếc đồng hồ điện hiện rõ 4 con số màu xanh 12:36 nổi bật trong bóng tối. Mới ngủ được 15 phút khiến cha Lành bực mình vì câu hỏi. Nếu là trường hợp khẩn cấp thì không nói chi, đàng này lại còn đưa ra câu hỏi ngang như cua.
- Có chuyện gì thế?
- Cha đã ngủ rồi à! Con tưởng cha chưa ngủ; nếu vậy... thôi, xin lỗi cha.
- Có chuyện gì thì nói đi chứ; ngủ mà trả lời điện thoại được sao?
- Thôi, con không muốn làm phiền cha nữa.
- Lạ đời, không muốn thì đã làm phiền rồi còn nói gì nữa!
- Cha có muốn nói chuyện với con đâu! Bây giờ cha có thiếu gì người khác nên chưa chi đã nhăn nhó với con...
- Chị gọi tôi để dạy bảo phải ăn nói đàng hoàng hơn đó phải không?
- Con đâu dám dạy bảo cha. Cha muốn bông đùa, cười cợt với ai con đâu có quyền.
- Chị nói cái chi? Cái gì mà bông đùa, cười cợt?
- Thì tối hôm thứ bẩy cha không bông đùa là gì!
- Chị lấy quyền gì mà đòi lên án tôi bông đùa!
- Nhưng cha giỡn như thế làm mất tư cách linh mục.
- Chuyện gì mà lại dính thêm tư cách linh mục; tôi có hiểu chị đang nói chuyện chi đâu!
- Cha không nhớ là cha đã nói gì à?
- Nói gì? Có chi đụng chạm đến chị mà vòng vo tam quốc vậy?
- Con đâu có nói cha đụng chạm đến con, nhưng cha không nên nói thế.
- Nói thế nghĩa là nói làm sao? Vậy chứ tôi đã nói gì chị nói lại coi!
- Cha nói làm người ta thích thú cười như nắc nẻ, tít cả mắt lại mà cha không để ý à!
- Để ý chuyện gì? Sao chị cứ càng lúc càng đưa ra lắm thứ hỏa mù vậy?
- Con hỏi cha có để ý chị Thanh Giao, tên đẹp như người vậy.

Mãi đến lúc này cha Lành mới biết chị ta ghen vì tối hôm thứ bẩy vừa qua trong lúc ăn tại nhà ông sáu Thông cha Lành thêm mắm thêm muối vào vài câu chuyện làm mọi người cười như pháo rang... Ngài thầm nghĩ, chắc chồng chị ta qua mười mấy năm chung sống đã bị đay nghiến bởi những chuyện vô tình kinh khủng lắm! Phục các ông quá chừng; có phong cho các ông làm thánh sống thì cũng không ngoa chút nào. Chúa ơi! Vừa bắt đầu ngủ mà bị dựng dậy phân giải mối ghen tương của tình “như mơ”... Cõi nhân gian lắm chuyện không thể hiểu...

Có lẽ hơn 11 giờ khuya, khung cảnh vắng lặng nơi nhà thờ như khuyến khích ngài trầm tư suy nghĩ tìm kiếm thái độ phải thế nào đối với phái nữ để tránh bị coi như của riêng đối với một số người. Không tỏ ra nhã nhặn thì bị phê bình là khinh người, coi rẻ hoặc khinh con chiên bổn đạo. Khó tính, sống theo một mẫu mực cố định lại là điều trái ngược với công việc mục vụ. Tỏ ra dễ dãi, thông cảm, năng thăm hỏi thì bị hiểu lầm là mình để ý cách đặc biệt. Mình đâu có được chọn làm linh mục để trở thành của riêng một người mà là của cả dân chúng nơi mình được sai tới, cha Lành lẩm bẩm thành tiếng, nhưng phải như thế nào; ngài thở dài vì lâu nay vẫn chưa tìm được giải đáp...

... Tiếng động nơi cửa hông nhà thờ gần chỗ cha Lành ngồi làm ngài quay lại; Cha xứ bước chân trong chân ngoài,
- Thấy xe cha mà gõ cửa phòng ngủ không nghe tiếng trả lời... Có điện thoại cấp cứu gọi từ nhà thương Ocean Springs yêu cầu gặp cha ngay.
- Chuyện gì thế?
- Một vụ đụng xe, đứa nhỏ 12 tuổi phải mổ óc. Gia đình muốn cha xức dầu.
- Để tôi đi ngay; cha làm ơn khóa cửa nhà thờ.

Lm Lã Mộng Thường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây