TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lột xác

Thứ bảy - 24/04/2021 04:18 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   913
giakeu[1] 0
giakeu[1] 0

Lột xác

Câu chuyện của ông Giakêu là một tiến trình lột xác hoàn toàn, để nhận ra lòng thương xót của Chúa và cũng là để thay đổi chính mình.

Gặp Chúa.

Ước mong gặp được Chúa không chỉ riêng của người Công Giáo hay nói cách khác là của người có đạo. Ông Giakêu là một điển hình, vì ông cũng được gọi là con cái của Abraham thôi, chứ không phải là chính thức. Ước mong gặp được Thiên Chúa được ghi trong tâm khảm của mỗi con người, khi họ tìm về Chân, Thiện, Mỹ. Ta có thể nghe lời tự sự của Tagore về Thượng Đế của mình: “Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi”. (Bài số 34, Lời dâng, R. Tagore) Hay ta có thể nghe những khắc khoải của con người tìm đến chân lý rạng ngời: “Nếu số phận không để tôi gặp người, trên cõi đời này, thì xin cho tôi luôn luôn cảm thấy thiếu vắng bóng người – đừng để tôi quên dù quên giây lát, mà xin để tôi gánh chịu buồn này day dứt trong những giấc mơ hay những giờ thao thức, người ơi.” (bài 79, Lời dâng).

Giakêu ông đã bỏ mọi danh giá của mình để trèo lên cây. Ít nhất ông cũng là trưởng ty hay phòng thuế, ông đâu kém cỏi gì? Thế giá và quyền lực trong xã hội đâu dễ bỏ như cách ông trèo lên cây, đợi nhìn được Chúa đi qua. Ông có thể đều xe siêu sang tới đón Chúa vào nhà mình, hay ông có thể sai lính của mình mời Chúa đến một nhà hàng sang trọng để gặp gỡ. Uy tín danh giá của ông đâu phải là trẻ con, đi tới đâu đều có cận vệ, tiền hô hậu ủng; vả lại với Chúa Giêsu lúc ấy, ông chỉ nghe là một người uy tín trong dân, còn đối với quan chức thời bấy giờ chỉ xem như người gây rối. Vậy mà ông đã khiêm nhường vất hết mọi điểm trang, những nghi thức rườm rà, những lối kiêu hãnh để trở nên như con trẻ đợi trông thấy Chúa đi qua.

Có lẽ vì ta còn nặng nề nhiều hình thức bên ngoài, về địa vị, về danh vọng, về của cải, nên ta chưa tìm kiếm gặp được Chúa trong cuộc đời?

Gặp gỡ và hoán cải

Gặp được Chúa không phải để khoe khoang. Có nhiều người, dùng ảnh hưởng của mình với quan chức thần quyền hay thế quyền, chụp vài tấm ảnh, rồi khoe mình trên các trang mạng xã hội, hay phóng to, lộng kiếng đặt nơi phòng tiếp khách. Có ý khoe khoang hoặc dùng làm lợi thế cho địa vị. Gặp Chúa như cách của ông Giakêu, có một cái nhìn khác: “Chúa không biết là Người vào trọ nhà một người tội lỗi?”  hay cách ông Giakêu “Tôi xin bố thí một phần nửa gia tài”. Đối với ông Giakêu, gặp Chúa không phải là để cho lợi nhuận của mình tăng lên, khách hàng đông thêm; nhưng trước tiên là nhận ra điều quý giá nhất trong cuộc đời: “Được Chúa đến cư ngụ vào nhà”. Sự chữa lành của Chúa không chỉ để cho chính mình nhưng còn là để chia sẻ cho người khác. Bởi vậy ơn hoán cải không chỉ đến với một cá nhân mà còn đến với người khác qua các tương quan của cá nhân.

Hoán cải là thay đổi lối nhìn về anh chị em của mình. Trước kia, đối với Giakêu, người khác là món lợi cho mình, khi chỉ nhìn thấy túi tiền của người khác. Được gặp gỡ Chúa, hoán cải là nhìn ra nhu cầu thiết yếu của anh chị em, đặc biệt người nghèo khó. Ơn hoán cải nên rất cần thiết để xây dựng tính hiệp thông trong xã hội. Chia sẻ và tạo những điều kiện tốt đẹp cho người nghèo có thể vươn lên, sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn.

Hoán cải còn là thay đổi chính mình, trước đây chỉ thấy cái bên ngoài cần thay đổi, nay cần thấy thay đổi chính mình. Ông Giakêu, là một người lương dân, người ta không kết tội ông về điều bất chính, người ta chỉ nhìn chung ông là người tội lỗi theo cách nhìn gán ghép. Thế nhưng, lòng tự trọng của con người, với lương tâm trong sáng của mình, ông vẫn thấy cần sám hối. Sám hối vì những điều ngay thật trước đây mình thờ ơ, thấy mình không liên quan, vô cảm trước những nỗi đau của người khác. Hoán cải tự đáy lòng là một cảm nghiệm thúc đẩy để thực hành đức yêu thương đến mọi người.

Gặp gỡ Chúa để xây dựng sự công bằng xã hội.

Nếu có làm thiệt hại ai điều gì, xin đền gấp bốn. Đây là lời nói quyết tâm xây dựng tính công bằng trong xã hội hơn là thực tế ông đã gây phương hại cho ai. Công bằng, nếu không xuất phát đi từ con tim của người công chính, thì công bằng chỉ là một phương cách lấy điểm, giả hình để xây dựng bất công. Hành động của con tim chân chính của ông Giakêu đã bộc lộ ra ngay từ lúc đầu: Gác bỏ địa vị, danh vọng, hình thức để đến gặp Chúa – Tự nguyện chia nửa gia tài cho người nghèo khó  - quyết tâm xây dựng công bằng xã hội cho mọi người được sống như phẩm vị Chúa ban.

Trong xã hội khi con người đánh giá nhau qua khả năng tài chính, con người cũng gác bỏ tính công bằng theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa mời gọi. Họ tự xây dựng tính công bằng theo lối bất công. Họ vẫn nói đến công bằng trong khi con tim họ lại bất chính. Thi hành những điều ngay thật trong gian dối, sử dụng của cải công ích cho cái riêng tư. Hoán cải thật sự đòi hỏi sự quyết tâm xây dựng tính công bằng phát xuất từ con tim: phục vụ con người trong địa vị của mình vì lợi ích chung chứ không phải riêng tư, chu toàn trách nhiệm của mình một cách ngay thẳng, chứ không phải vì lợi lộc thấp hèn, dùng khả năng Chúa cho để làm lợi ích cho anh chị em mình chứ không phải là đứng trên người khác và tìm kiếm lợi lộc.

Lột xác theo cách gặp gỡ Chúa theo cách ông Giakêu mới thật sự là hành vi hoán cải. Xin Chúa đến cứu vớt những gì chúng con đã làm hư mất trong ý nghĩa của đời sống với mọi người và cho chúng con gặp gỡ Chúa để hoàn toàn lột xác theo ý muốn của Chúa.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây