TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tết Sài gòn và tết quê

Thứ tư - 17/01/2024 05:51 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   807
Hình như Tết trong ký ức mới là cái Tết làm cho ta nhớ ngày Tết ở quê và ước mong về quê để ăn Tết.
Tết Sài gòn và tết quê
Tết Sài gòn và tết quê

 Chỉ nghe nói về quê ăn Tết thôi đã thấy lòng nao nao muốn nghỉ việc, thu xếp về ngay. Ấy vậy mà mấy đứa lớn trong nhà lại tỏ ra không vui khi lại về quê ăn Tết, sao không ăn Tết ở Sài Gòn. Năm nay gia đình quyết định khác đi một chút, cả nhà cùng vui.

Cũng phải thôi, ký ức tuổi thơ của các con đã lớn trong gia đình. Chúng sinh ra và lớn lên ở đất Sài Gòn này. Các cháu có nhiều bạn bè, kỉ niệm, có nhiều trải nghiệm hơn qua từng mùa Tết ở đăt Thành này. Mấy năm trước các cháu cũng về quê với cha mẹ ở quê, đa phần các cháu chỉ thấy những ngày ăn uống, no say, ồn ào ca hát của người lớn. Các cháu chẳng biết đi đâu, loanh quanh câu cá, ra vườn, tối tối có vài buổi họi chợ quê, chẳng gì vui lắm. Trò chuyện của các cháu ở thành phố, cũng không hợp với các cháu lớn lên từ vùng quê. Những câu chuyện qua lại cụt lủn, vì không nắm bắt được câu chuyện của nhau nên mau nhàm chán.

Ngày xưa thời của cha mẹ, dù có ở Sài gòn hay vùng quê, chẳng khác gì lắm về những cách biệt văn hoá, những câu chuyện tắm sông, bắt cá, lội mương. Ngày ấy ngăn sông, cách chợ, không về quê được, ở quê cũng gửi lên những trái cây nhà vườn chưng Tết. Rồi ở Sài Gòn cũng gửi về quê ít bánh kẹo cho vui ngày xuân. Tết xưa nghèo nhưng tràn đầy tình quê, hương vị xuân Sài gòn ngày Tết. Ở Sài gòn không có dịp đổ bánh xèo với bếp củi lửa như quê, nhưng mỗi khi nhớ tới lại cũng phảng phất mùi vị bánh xèo tôm, tép, hay thịt trứng, rau xanh, nước mắm ngọt mùi quê hương. Chỉ cái nhớ thôi đã thấy hương vị Tết ngày xưa, bên bếp lửa, bánh tét, bánh ít, bánh trôi nước, cái mùi gừng thoang thoảng cay cay đôi mắt.

Hình như Tết trong ký ức mới là cái Tết làm cho ta nhớ ngày Tết ở quê và ước mong về quê để ăn Tết. Ngày nay Tết quê không còn nghèo như xưa, cái mong về quê ăn Tết là những ngày nghỉ ngơi, gặp gỡ anh em, bạn bè xưa, ôn lại thời thơ ấu bên sông nước. Mấy cháu nhỏ sinh ra lớn lên ở sài Gòn làm sao hiểu được những tình cảm ấy. Các cháu lớn lên không muốn về quê ăn Tết là điều dĩ nhiên, nhưng vẫn có cách hài hoà cho cả gia đình.

Ở lại thành phố ngày Tết cũng có cái hay. Ngày Tết ở Sài Gòn hầu như trả lại cho thành phố sự yên tĩnh lạ thường rất hiếm khi có được. Những ngày giáp Tết, chợ hoa, chợ đêm, mở ra ở nhiều công viên là những nơi có thể đến ngắm hoa, check in, thưởng thức những món ăn bình dị các vùng quê. Ngày ba mươi vào buổi sáng chạy tới chạy lui mua vội về mấy chậu hoa thêm trang trí cho ngôi nhà. Buổi chiều tà tà cả nhà ra quán cà phê ngắm nhìn thành phố trong thanh vắng, thoảng nghe vài bài “Tết này con không về” lòng buồn nao nao. Ngày mùng một Tết, sau khi lễ về, ăn sáng xong, cả nhà tụ họp đọc kinh, chúc tết và đi thăm vài nhà chú bác, kể như xong mùng một Tết. Mùng hai các cháu đi chơi Tết cùng bạn bè trang lứa, chỉ có đứa nhỏ ở nhà cùng cha mẹ đi thăm vườn hoa, ăn ngoài, chiều về nghỉ ngơi. Mùng ba Tết thu xếp về quê. Thế cũng hài hoà, người lớn trẻ nhỏ đều có niềm vui riêng và niềm vui chung.

Về quê lần này cả nhà cùng vui. Vui vì ở thành phố cũng đã hết xuân, nhưng lại nối tiếp xuân ở quê. Anh em chú bác, các cháu ở đâu gần hay xa cũng quy tụ về nhà ngoại ăn Tết. Vui vì gia đình này mang bánh trái, gia đình kia mang gà, vịt, heo, dưa món đủ cả. Ông bà ngoại năm nay đã yếu, chị hai, anh ba, chị tư thay nhau vào bếp người làm gà, làm vịt, pha bột làm bánh xèo, xào nấu rôm rả vui vẻ. Người lớn ngồi tám chuyện xưa bên ông bà, đứa này kể đứa khác nói. Có một điều ghi nhớ nhất, mấy chị về quê nhớ đeo vàng nhiều nhiều. Có lần bên nhà, quên chẳng đeo nhiều vòng vàng, chỉ có một sợi chuyền trên cổ. Bà ngoại nói với ông ngoại, chắc nhà con bé tư năm nay làm ăn không tốt, nên chẳng mua sắm gì nhiều, tội nghiệp nó. Ông bà cứ theo cái nhìn quen thuộc nhìn vào số vàng con gái, con dâu đeo, rồi vui hay buồn cho nó.

Mấy cháu xum họp về đông vui, mấy cháu miền quê rủ mấy cháu thành phố ra chợ ăn vặt, vui xem vườn trái, xem con trâu, con bò, câu cá. Những thú vui quê cũng phần nào cho các cháu thành phố biết cây này, cây kia. Có cháu đã ngoài ba mươi ở thành phố riết, rất ngạc nhiên khi thấy các cháu dưới quê giải thích khi chặt buồng chuối thường chặt luôn cây chuối đó. Rồi bao điều ngạc nhiên khác khi thấy cây dừa nước mà chúng thường được uống ở những xe bán dừa nước nơi thành phố.

Mấy ngày ở quê Tết, trở lại thành phố đông đúc, tiếp tục chờ mùa xuân tới. Tết rồi mỗi năm một khác, ít dần đi những tết xưa, nhưng vẫn còn mong Tết.
 
L. m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây