TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

VÁC THUỐC

Thứ tư - 14/04/2021 05:27 | Tác giả bài viết: Lm Vũ đình Tường |   968
VÁC THUỐC

VÁC THUỐC

Nghe nói về vác thuốc, nó ước ao được ai thuê vác mướn kiếm tiền sống trong lúc túng đói này. Vẫn biết vác thuốc không phải là việc làm dễ dàng. Một nghề cực khổ, nguy hiểm, vào tù như chơi vì là vác thuốc lậu. Biết thế nhưng lúc túng quẫn đâu còn đường nào khác ngoài con đường sống. Từng nghe nhiều chuyện kinh hoàng về vác thuốc lậu. Có đứa mang tật suốt đời, có đứa thành công trên đời, có đứa dỡn với cái chết. Riêng nó có một mục đích rõ ràng, mượn cơ hội để tiến thân thành người đàng hoàng. Không phải ai vác thuốc lậu cũng chết; nếu thế thì làm gì còn người vác thuốc lậu. Con số chết rất hiếm, rất đông người tù tội nhưng số chết hình như chưa tới một phần trăm. Có nghĩa là số người chết vì hút thuốc cao hơn số người chết vì vác thuốc lậu. Nó tình nguyện đi vì tin là nó nằm trong số 99 người may mắn. Nếu vào tù thì cũng là bình thường vì nó đang sống ngoài vòng pháp luật. Vào lao tù còn được pháp luật trong tù bảo vệ. Ngoài xã hội nó không có lấy một chút bảo vệ vì kẻ bán nó chối không biết nó là ai. Muốn về lại quê hương cũng không xong vì người ta đã phủi tay, chối bỏ việc họ đã làm. Lao vào con đường vác thuốc lậu là con đường cùng, con đường không lối thoát, con đường tìm sự sống nơi cái chết. Lao vào con đường chết mà nếu không chết có nghĩa là sống, còn cơ hội tiến lên và rút chân ra khỏi con đường chết.

BÁN MẠNG

Phải nói là bán mạng mới đúng vì vào con đường này không chết nơi đêm tối, rừng hoang thì cũng bỏ mạng trong tù. Túng quẫn quá, có người dám mua mạng thì cũng có kẻ dám bán mạng. Coi như đổi chác vì đàng nào cũng lâm vào cảnh dở sống dở chết. Người ta mua bán mạng, mua sống sức lao động. Kẻ mua xong biến mất làm giầu trên mạng người khác. Kẻ bán mạng nếu sống có tiền xoay đổi thời cuộc. Có tiền có tiếng nói, không tiền đừng bàn thảo, không ý kiến. Có tiền đổi vận mạng. Không tiền chẳng ai lấy. Có tiền ít ra cũng cưới được con nhỏ lọ lem, không ra gì nhưng nhờ cưới nó mà đang trong tình trạng sống ngoài pháp luật, được pháp luật công nhận, bảo vệ. Càng suy nghĩ càng thấy sức mạnh đồng tiền và cái sức mạnh ấy thúc đẩy phải liều một phen. Một thắng hai thua. Cũng vì tiền mà người ta bán rẻ nó với mỹ từ hợp tác lao động. Bây giờ làm không ra tiền kẻ trước kia bán nó nay vất nó vào sọt rác. Khi tiễn nó ra đi gia đình tổ chức bữa cơm giã biệt. Gọi là giã biệt nhưng thực chất gia đình tổ chức bữa ăn để cám ơn kẻ đã giúp nó cơ hội đi hợp tác lao động. Nó đâu ngờ người mà gia đình nó thọ ơn lại là kẻ mang con bỏ chợ, vất giữa chợ đời. Nó nhớ rất rõ lần đầu tiên mẹ nó đi chợ mua khăn ăn vì có khách quý. Trong bữa ăn người khách quý đã sài tới hai cái khăn ăn, dùng xong người đó vo gọn cái khăn lại vất ngay vào sọt rác. Hình ảnh cái khăn ăn sống lại trong đầu. Bây giờ đời nó ví như chiếc khăn dơ, họ cũng vất nó vào sọt rác. Xã hội coi nó như rác lại thảy sọt rác đó ra đường cho gió muốn cuốn đi đâu thì cuốn.

VÀO NGHỀ

Nghe kể vác thuốc lậu cũng đủ tưởng tượng ra công việc nó ước ao, mong mỏi. Thằng bạn đi chung với nó đã làm được mấy chuyến, mỗi chuyến được gần ba ngàn. Nó tự nhẩm đi ba đêm kiếm ba ngàn như thế một tháng kiếm tới ba chục ngàn. Nếu nó làm được một tháng nó sẽ trốn sang tỉnh khác, sống đàng hoàng. Nhẩm trong bụng số tiền ba chục ngàn nó ham, nghĩ có chết nó cũng phải thử một phen. Nó tự an ủi, thiên hạ làm được mình làm được. Đường cùng rồi, đâu còn cách nào khác. Người ta đã phản bội, đã mang con bỏ chợ, đã phủi tay. Miệng họ đã chối, loa phóng thanh của họ đã bai bải cãi không hề biết gì đến chuyện hợp tác lao động. Trước khi ra đi nó được dậy dỗ đàng hoàng, được khuyến khích, được giải thích về công việc, về quyền lợi. Chưa đầy hai năm sau, mọi sự thay đổi, người ta chối không biết nó là ai, không bao giờ nhúng tay vào hợp tác lao động. Đời khéo thiệt, có quyền, nói chi cũng có kẻ hót theo. Chỉ những đứa nằm trong thế kẹt như nó chịu thiệt cho cái guồng máy tuyên truyền, khi sáng mắt ra cũng là lúc nó sắp chết. Người ta bịp nó đã đành còn bịp luôn cả đàn anh họ, bịp cả cái xã hội nhận nó đến hợp tác lao động. Đã lỡ nhận đó, phủi tay không sạch, đuổi thì đuổi đi đâu vì nơi gởi nó đi chối không biết nó, nơi nó xuất phát xác nhận không biết nó. Chỉ có con đường một chiều đó là sống dật dờ bên lề xã hội. Họ cố tình lơ đi cho nó sống, miễn sao đừng làm xáo trộn quá. Cứ tạm giải quyết như vậy. Cái thế của nó là thế tạm thời, nó sống cũng sống tạm thời và nó có đi vác thuốc lậu cũng là vác tạm thời. Nó đâu có biết người ta muốn cầm giữ nên không cho nó vác mỗi ngày. Một tháng nó được đi vài chuyến là may lắm rồi. Bình thường mỗi tháng chỉ được đi một lần vì chủ nó biết nếu có tiền người ta sẽ phản, bỏ nghề, hay nhất là không cho làm nhiều, cho làm vừa đủ xài như thế còn cần tiền còn sai bảo được. Khi vào nghề nó mới biết người ta cũng cao cơ lắm, cũng tính toán đường đi nước bước trước khi cho nó cơ hội cao bay xa chạy. Kế hoạch nó tính bị lủng nhưng không nản, trước kia nó tính làm một tháng là bỏ chạy làng, nay biết rõ sự việc hơn nó tính làm một hai năm, tiết kiệm sài dè sẻn cũng đủ số tiền ba chục ngàn để mua cái quốc tịch, sống cho ra sống lại được pháp luật bảo vệ. Tính toán cẩn thận thế nó vẫn quên câu đi đêm thế nào cũng có ngày gặp ma. Con số những kẻ vác thuốc lậu đạt kỉ lục hai năm không phải nhiều lắm đâu, khó lắm. Cứ tưởng tượng 24 lần mà lọt lưới cả là một chuyện khó lắm, cần may mắn lắm mới thoát lưới. Thực ra có hai lớp lưới. Lớp một nhiều quyền lực hơn nhưng nhân đạo hơn đó là lớp công an, họ chỉ lùng bắt và cùng lắm khi phải tự vệ họ mới nổ súng. Lớp lưới thứ hai là lớp sơn tặc, nhóm này chuyên đi ăn cướp thuốc lậu. Nhóm này mới đáng sợ vì chúng giết người cướp của, chúng được tranh bị bằng súng máy và sẵn sàng nhả đạn để cướp giật. Mấy vụ vác thuốc bị chết đều do nhóm này bắn, cướp của giết người quân sơn tặc. Còn một mối nguy nữa cầm chân đó là món nợ phải trả. Vác thuốc lậu đôi khi phải bỏ của chạy lấy người, đó là kinh nghiệm của những tay lão luyện trong nghề. Kẻ vác chuyên nghiệp luôn vác hai ba bao thuốc, đeo trước ngực, đeo sau lưng, khi bị sơn tặc rượt ráo riết quá họ liền vất thuốc lại chạy thoát thân. Bọn sơn tặc chỉ muốn lấy thuốc mà không bắt người, khi được thuốc chúng không rượt theo nữa như thế là thoát chết. Thoát chết nhưng mất một phần thuốc, không đủ giao cho Anh Hai như thế là mắc nợ vì phải tiếp tục vác để trừ nợ. Anh cũng chơi đẹp với đàn em cho vác thiếu trừ nợ hàng tháng. Nếu mất một chuyến coi như làm sáu tháng sau mới trả hết nợ. Đây cũng là cách khôn khéo cầm chân kẻ muốn chạy làng. Tất cả những mánh khoé này nó chưa học qua, nghe qua nên nó vẫn còn mơ mộng chạy làng. Thực ra tra tròng vào cổ không dễ gì tháo ra.

ĐIỂM HẸN

Người ta hẹn gặp nó nơi công viên công cộng, nơi có đông người qua lại. Ba người ngồi ghế đá công viên nói chuyện làm ăn cũng là chuyện tạm thời vì sau này nếu có gì xảy ra thì không thể tìm kiếm người thuê nó vác thuốc lậu. Rõ ràng là công việc tạm thời. Ngay cả tên người nó đang nói chuyện cũng là tên tạm thời vì có thể lát nữa nói chuyện với người khác thì người đó lại mượn tạm một cái tên khác. Sau khi đồng ý trên cái bắt tay là nó sẽ vác thuốc lậu đến nơi chỉ định và tiền huê hồng nhận được là ba ngàn. Nghe đến con số ba ngàn nó mừng ra mặt vì ít ra nó có thể tạm trú qua mùa đông không ai đuổi hay mắng nó vì nó có tiền chung cho họ trả tiền lò sưởi, trả tiền cơm và như thế là không ai có quyền mắng chửi nó. Tạm thời là như vậy. Xã hội của nó có tiền là có tiếng nói và tiếng đó có người nghe và ủng hộ, vào phe. Thế lực đồng tiền nó nằm ở chỗ đó. Suốt đêm nó không ngủ chỉ mong cho chóng sáng còn đi đến điểm hẹn. Từ tảng sáng nó đến điểm hẹn, chẳng có ma nào. Nó nhìn thằng bạn giới thiệu nó, hai đứa nhìn nhau tự an ủi. Có lẽ có chuyện không êm nên anh hai chưa tới đó thôi. Cố gắng chờ thêm chút nữa coi. Nó thấy lạnh cả thể xác lẫn tâm hồn. Nó lẩm bẩm nói gì nghe không rõ. Bạn nhìn nó hỏi nói gì thế, nó không đáp. Anh lên tiếng, trời lạnh quá. Khí trời lạnh nên hơi thở biến thành khói. Hai người đang nói một chiếc xe dề tới nó vội chạy theo, gần tới nơi nó nhận ra là xe công an, nó biến mất sau gốc cổ thụ nơi công viên. Chiếc xe dừng lại một lát rồi đi tiếp có lẽ cái lạnh sáng sớm họ ngại xuống xe nên nó thoát.

Một lát nữa một chiếc xe lại gần, trong xe đưa ra cái nón vẫy vẫy. Nhìn chiếc nón vẫy vẫy nó yên tâm hơn vội phóng nhanh lại chiếc xe, mở cửa chui vô rồi chiếc xe biến mất trong làn sương mù buổi sáng.

THÀNH CÔNG

Chuyến hàng đầu tiên thành công, nó nhẹ nhàng để món hàng rồi đi thẳng. Thỉnh thoảng ngoái lại xem có ai đến lấy món hàng không. Tuyệt nhiên không thấy gì, tuy thế nó cũng không có cách nào khác. Nó lầm lũi đi và chiều trở lại công viên hôm trước gặp lại người giao việc. Cầm phong bì trong tay nó mừng húm vì có tiền, có sức sống mới. Người kia biến nhanh sang phía trái công viên; một chiếc xe phóng ngang đón đi mất. Nóng lòng nó mở phong bì ra xem, đếm đi đếm lại chỉ có hai ngàn, còn một ngàn nữa đâu không thấy như đã đồng ý trong cái bắt tay. Về đến nhà nó chửi ngậu lên. Thằng bạn chờ nó chửi, rủa, xài xể cho đã rồi nhỏ nhẹ bảo. Tuỳ mày, nếu muốn tiếp tục thì cứ câm miệng đi, còn như đòi hỏi mày sẽ được chiều ý, mày sẽ có ngàn bạc và đó là ngàn bạc cuối cùng trong đời mày. Muốn chọn đường nào cũng được. Nó thắc mắc tại sao lại là ngàn bạc cuối cùng. Bạn nó giải thích vì người kia sẽ không bao giờ thuê mày nữa, ngoài xã hội có bao nhiêu thằng chờ chực như mày. Chúng nó cũng đói, cũng khổ, cũng mong có ai cho nó vác thuê, gánh mướn. Có ai cần đến chúng nó đâu. Họ thuê mày vì mày là bạn tao, do tao giới thiệu. Tiền của tao thì đủ còn của mày thì thiếu tao cũng biết tại sao nhưng mày không cần biết. Nếu mày câm miệng mày có việc làm dài dài, còn như há miệng thì mắc quai. Nghe đến mất việc là nó sợ, vẫn còn tức tối lắm nhưng đành câm họng nhịn nó trong lúc này. Bạn nó lên tiếng, chuyến đi vừa qua mày may mắn thôi. -Sao vậy?

Thực ra chuyến đi vừa qua một là Anh Hai thử tài mày hai là mày sẽ lọt bẫy nhưng số mày lớn, may mắn trong chuyến đầu tiên. -Sao vậy?

Chuyến vừa qua Anh Hai đánh hơi được là công an mở chiến dịch bố ráp tuyến đường đó. Họ chuẩn bị từng chặng gác hết rồi, toán nào nằm trạm, toán nào tuần hành, toán nào coi tù binh, toán nào giải vây khi gặp nguy. Đúng ra thì Anh Hai không bao giờ liều như thế vì tổn nhân mạng lại mất vốn nhưng vì lỡ hứa với một mối kia rất uy tín, mồi làm ăn lớn nên Anh Hai đánh liều một cú, nếu có gì xảy ra báo chí làm rùm beng lên, anh mất hàng nhưng giữ đưọc uy tín làm ăn. Số mày may mắn là vì chiến dịch đó bị huỷ bỏ vì theo dự báo thời tiết thì có mưa to, gió lớn vào cuối tuần đó nên công an bỏ chiến dịch. Chính vì thế mà mày thành công trong chuyến hàng đầu tiên. Là chuyến hàng dễ ăn nên mày bị bớt một ngàn thù lao vì lí do đó. Có trong nghề mới biết mánh lới của nghiệp. Thực ra nếu chuyến đi kia Anh Hai lợi dụng để tuyển nhân sự, tuyển những người có bản lãnh. Chỉ những tay lắm mưu lược mới thoát được bố ráp. Kẻ nào lọt lưới thì kẻ đó Anh Hai không tin dùng và thưởng gấp bội. Thưởng để nó trung thành, để nó ham tiền mà sống chết với anh. Nghe bạn phân tích nó vỡ lẽ. Dù hiểu nhưng nó vẫn khinh cái chó má trong việc con người đối xử với nhau. Anh Hai cũng không phải là ai xa lạ mà là một người trong cùng hoàn cảnh như nó, cùng hành nghề ngoài pháp luật và được một tay chó nào đó tin tưởng, đỡ đầu cho làm ăn. Có lẽ tay chó kia cũng là một người Việt đang tâm đè nén, bóc lột người Việt tận xương tuỷ. Làm sao người cùng màu da, làn máu có thể hại nhau đến thế? Những tay cứ ru rú với người bản xứ đè nén lẫn nhau là những tay không thể chen chân được với người nên về đè nén đồng hương. Nghĩ đến đó nó khinh bỉ kẻ đè nén đồng hương, dựa vào đồng hương để sống, ăn bám và làm hại đồng hương.

THOÁT NỢ

Chương trình của nó là đi dăm bảy chuyến đủ tiền câu một con bé lọ lem làm gốc, lấy quốc tịch, bỏ nghề để sống đời sống lương thiện, sống cho ra sống. Nó chịu cách này vì ngoài ra không còn cách nào khác giúp nó trở về với xã hội có thời cưu mang nó, rồi thì xua đuổi nó. Lập gia đình là cách duy nhất trong tầm tay với, dù lập gia đình bằng mua chuộc, bằng tiền, không phải bằng tình mà là tiền. Dùng tiền phi pháp làm điều hợp pháp là cách duy nhất cho phép nó làm. Nó không xấu hổ vì công việc nhưng cầu mong thành công là đời nó coi như bắt đầu tự lập từ đây. Vỏ quýt dầy có móng tay nhọn. Cái khoá nào cũng có chìa mở được. Người ta biết tính, nó cũng biết toán. Sau ba bốn chuyến hàng nó để dành được một món tiền khá lớn, đủ làm vốn sinh nhai. Nó quen đường đi nước bước và quyết định đánh một ván lớn. Nó dùng tất cả số tiền để dành được đến điểm hẹn tìm cách mua thuốc lậu, tự mua, vác cho mình. Nó thành công và lời được hơn ba chục ngàn. Nó bị cám dỗ làm một chuyến nữa làm vốn trước khi thực sự bỏ nghề. Suy nghĩ cả tuần lễ vẫn không sao quyết định được. Nó ngã bệnh khá nặng, bị cơn sốt rét hành hạ, chỉ nằm rên mà không có thuốc uống. Sau gần hai tuần lễ chịu sốt rét người nó xanh như tàu lá, sức khoẻ nó xuống thấp thê thảm, không đủ sức lê gót nói chi đến vác thuốc. Anh Hai vẫn chưa biết nó tự đi lén một chuyến kiếm ăn. Anh đến thăm và cho nó ít tiền uống thuốc. Cơ hội đến nó nhỏ nhẹ với anh xin lỗi và xin nghỉ việc. Nhìn khuôn mặt tiều tụy và nước da xanh lét kia, anh nghĩ đời nó đến đây là chấm dứt nên anh tươi cười an ủi nó cho có lệ rồi ra về.

Nó tự nhủ đây là cơ hội ngàn vàng trời cho nếu không mau dời khỏi tỉnh này thì không biết bao giờ mới có cơ hội lần thứ hai. Lấy cớ mùa đông sắp đến cần đi tỉnh khác dưỡng bệnh một thời gian cho lại sức. Bạn bè thấy thế là phải khuyên nó nên đi nghỉ cho lại sức rồi tính sau.

Trước khi xe lăn bánh nó vẫy tay chào bạn. Không ai ngờ đó là cái vẫy tay vĩnh biệt nghề vác mướn.

Lm Vũ đình Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây