TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

VỀ TRỜI

Thứ tư - 14/04/2021 05:17 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   906
VỀ TRỜI

Trời theo chiết tự chữ Hán là cái vòm vô hạn đội trên đầu người. Con người ra khỏi trái đất, đi vào không gian vẫn đội trên đầu mình một bầu trời mênh mông. Trời vì thế không thuộc thế giới con người, con người chỉ có thể đầu đội trời, chân đạp đất. Trời là một thực thể bao la, bao trùm cả hoàn vũ, một nơi con người ước mong để đến và chỉ có một người về trời đích thực vì người ấy từ trời mà đến.


Kêu trời

Trời là cõi thiêng, thần linh cư ngụ, và thường khi được hiểu là uy lực của Trời. Trong dân gian, người Việt kêu trời, khi bị nhiều bất công áp bức, khi bị oan ức không thể than thở với ai, khi bị nhiều tai ương không thể tránh… Trong đau thương cùng cực người ta kêu trời, để mong trời thương đoái, nhưng cũng khốn thay, Trời cũng bị hạ thấp xuống bậc phàm nhân, khi người ta lợi dụng ý niệm của trời để xưng mình là thiên tử. Với nhãn quan, trời là người vận hành trật tự vũ trụ, trời bị lấy làm chiếc nón bù nhìn cho kẻ xưng vương, tự xưng mình là con trời, muốn làm gì thì làm. Sự chuyển dịch từ siêu hình sang hữu hình thành một mắt xích: Trời - Thiên tử - quân chủ - độc tài. Người ở chức vị cao gọi là ông chủ, có quyền phân phối quyền lợi cho người khác. Trời trong hệ thống độc tài trở thành ân nhân cho người khác. Trong chiếc nhẫn của Thành Cát Tư Hãn khắc lên dòng chữ: “Một Thượng Đế trên trời, một Thành Cát ở dưới đất. Chiếc nhẫn của chúa đất”. Con Trời, là chúa tể dưới đất vẫn bắt người ta xem mình như là ân nhân, ngay cả khi ông ta cướp bóc của dân, làm hại những người khác, gian lận để giữ chỗ của mình. Ông vẫn bắt người khác xem mình là cha, khi ông ta hy sinh quyền lợi của những đứa con của mình để vươn lên chiếc ngai ông ta mong ước, khi ông ta làm ngơ trước nỗi đau khổ của con cái mình để giữ lấy chiếc ghế của ông. Ông vẫn muốn được gọi là thiên tử khi ông ta ngang nhiên thực hiện những điều gian ác, thoả hiệp với sự xấu xa. Những hủ bại ấy, con người quyền thế đã nhào nắn ông trời để bảo vệ cho sự bất chính của mình; nhưng dầu sao, tiếng kêu trời của dân đau khổ vẫn thấu tới trời, trời vẫn không thuộc thế gian trần thế, để có ngày, ông Trời có mắt, ban thưởng cho kẻ lành và trừng phạt kẻ gian ác.

Người từ trời

Không ai sinh ra trong trái đất này thuộc về trời ngoại trừ một Đấng từ trời xuống thế làm người. Điều này đúng với ngạn ngữ: “Không ai có thể cho cái mình không có”. Con người không thể tự xưng mình là con Trời, nếu Trời không ban cho. Bởi thế, Chúa Giêsu nhắc với những người đang nắm giữ vương quyền: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19,11). Quyền bính là một cám dỗ, nó trở thành tai họa cho người khác khi không theo lời Chúa dạy: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,26). Chúa Giêsu dầu Ngài là Con Trời đích thực, Ngài dạy một cách sống chính danh của một thiên tử: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Con đường của Chúa Giêsu trong vương quyền đích thực của Ngài, có lẽ chẳng ai muốn tranh giành nhau, thoả hiệp để chiếm giữ vị trí trong vương quyền.

Là thiên tử trong nghĩa được Chúa trao ban, là những con người xả thân vì phần cứu rỗi cho anh chị em mình, là những con người đi dựng xây công bình, bác ái, dù việc đó mang nhiều hiểm họa cho chính mình. Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn những người tá điền bất lương, giao quyền trông coi cho họ mà họ cứ tưởng đó là mình có quyền sinh sát tất cả, bọn họ giết hết người này, người nọ của ông chủ sai đến để thu lợi từ vườn nho, sau cùng ông chính người con đến, bọn tá điền bất lương cũng giết luôn người con thừa kế ấy mà chiếm đoạt gia sản của chủ. Sau cùng, ông chủ lấy lại vườn nho và trừng phạt đích đáng những tá điền vườn nho (x. Mc 12,1-12). Được giao phó quyền hành mà không thi hành theo gương của Chúa thì đáng bị phạt.

Về trời

“Nếu từ trên cao không ban xuống cho ông” là một câu nhắc nhở những người đang nắm giữ quyền hành trên trái đất này. Xin Chúa ban cho chúng con những mục tử như lòng Chúa mong ước.

Trong khi lời cầu nguyện của dân chúng vẫn đang đau thương kêu lên Chúa, những con người khốn khổ này, những khát mong hướng về Trời nơi Chúa đang ngụ, đón lấy tất cả những khổ nhục, đau thương của những phận người bé mọn này. Chúa về Trời, Ngài đã mang lấy cuộc sống khổ cực, đau đớn, xót xa của những con người về trời. Khi dân chúng không thể kêu cứu những thiên tử ở trần gian, thì xin Chúa đoái thương đến dân chúng đang lầm than, khốn khổ như đoàn chiên không người chăn.

Ước mong về trời, là một khát mong khôn cùng đặc biệt trong lúc đau thương cùng quẫn, không lối thoát, xin Chúa lấy lòng nhân lành từ trời cao đoái thương trợ giúp những con người đang đau khổ lầm than dưới thế và quy hướng mọi tấm hồn về trời, để nơi đó, những con người đang nắm quyền dưới thế, sửa lại những sai lầm cuộc đời thiên tử của mình cho đúng nghĩa, và cho những con dân được hưởng bình an, an vui, sống cuộc đời đúng nghĩa với con người.

Về trời, Chúa đã về trời là một Tin Mừng cho nhân loại, vì nơi đó trong Chúa Giêsu Kitô, con người được chính Chúa mang lấy tất cả những gì thuộc về con người về trong gia đình Thiên Chúa. Và một điều chắc chắn, tiếng kêu của dân chúng được Chúa đoái thương và Ngài thi hành theo Thiên ý yêu thương của Ngài cho chúng con.

Trong những khát mong về trời hôm nay, chúng con gởi lên Chúa những tâm tình này, Xin Chúa chúc lành những hy sinh của những mục tử tốt lành và sửa lại những gì sai trái của những mục tử giả hiệu. Xin cho chúng con những đoàn dân của Chúa có những mục tử như lòng Chúa mong ước, mang lại thái bình, an vui, sống trong ân nghĩa Chúa cho dân chúng.

Lm Giuse Hoàng kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây