TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Các Giáo hội sống Mùa Chay

Thứ năm - 10/03/2022 18:47 | Tác giả bài viết: |   760
“Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6,9-10a).
Các Giáo hội sống Mùa Chay

Các Giáo hội sống Mùa Chay

Dưới ánh sáng sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha, các Giáo hội địa phương đã đưa ra các chỉ dẫn và hoạt động cụ thể cho Mùa Chay thánh năm 2022.

Mùa Chay 2022 đã bắt đầu được hơn một tuần với Thánh lễ và nghi thức xức tro hôm thứ Tư 02/3 vừa qua. Để giúp các tín hữu sống Mùa Chay, Toà Thánh đã cho công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô với chủ đề “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6,9-10a).

Dưới ánh sáng của sứ điệp, các Giáo hội địa phương đã đưa ra các chỉ dẫn và hoạt động cụ thể cho Mùa Chay thánh năm này.

Giáo hội Trung Quốc

Trước hết là Giáo hội Trung Quốc. Trong thư mục vụ “Sống Mùa Chay bằng cầu nguyện, chay tịnh và bác ái”, Đức Tổng Giám mục Giuse Lý Sơn của Tổng Giáo phận Bắc Kinh nhắc các tín hữu nhớ rằng Mùa Chay là thời gian để canh tân tương quan với Chúa, với chính mình và với người khác. Trong khi thế giới đang cố gắng vượt qua khủng hoảng nghiêm trọng của đại dịch và các hậu quả tiêu cực của nó, “chúng ta càng cần hơn nữa sức mạnh của đức tin”. Do đó, Đức Tổng Giám mục khuyến khích tất cả các gia đình cùng nhau cầu nguyện, bởi vì như Đức Thánh Cha đã dạy chúng ta trong Thông điệp Amoris Laetitia - Niềm vui của Tình yêu, khi “gia đình cùng nhau cầu nguyện thì sẽ hiệp nhất” .

Tiếp đến, Đức Tổng Giám mục mời gọi các tín hữu thực hành thói quen “mỗi ngày đọc một đoạn Tin Mừng”, và “luôn mang Kinh Thánh theo trong túi hoặc trong điện thoại”. Và về việc chay tịnh, ngài lưu ý không chỉ dừng lại ở mức độ tuân giữ theo giáo luật hay nhịn ăn vì sức khoẻ, nhưng  chay tịnh phải mang lại ý nghĩa “dành chỗ trong tâm hồn cho Thiên Chúa để ân sủng và sức mạnh của Người lấp đầy, và để chúng ta có thể kiểm soát cái tôi ích kỷ, tránh tội lỗi và thực hành bác ái”. Và bác ái này bắt đầu từ gia đình, mở rộng hướng đến người lân cận, cộng đoàn và xã hội, như thế tất cả tiếp tục tiến trình hiệp hành cùng với Giáo hội hoàn vũ.

Cuối cùng, Đức Tổng Giám mục Giuse Lý Sơn nhấn mạnh đến sự dấn thân trong mùa phụng vụ này, đó là “đồng hành với các dự tòng, giúp họ sống thánh, theo hình ảnh Chúa Giêsu, như thế niềm vui của chúng ta sẽ nên trọn vẹn”.

Giáo hội Nigeria

Tại Nigeria, một quốc gia vẫn đang xảy ra những cuộc xung đột. Vì thế trong sứ điệp Mùa Chay, các Giám mục mời gọi mọi người “Xây dựng hoà bình qua sự tha thứ và giáo dục hỗ tương”.

Đức Tổng Giám mục Matthew Man-Oso Ndagoso của Tổng Giáo phận Kaduna, thuộc phía bắc Nigeria, nơi phát sinh phong trào Boko Haram, tình hình hiện vẫn đang bất ổn và giáo dục phương tây bị cấm, lưu ý rằng: “Thay vì tranh giành quyền lực, các nhà lãnh đạo ở đây phải ưu tiên giáo dục”. Ngài tố cáo: “Cuộc nổi dậy của Boko Haram bắt nguồn đơn giản từ sự thiếu giáo dục”.

Đức cha Peter Ebere Okpaleke, Giám mục của Ekwulobia, phía đông nam đất nước cho biết tình hình bạo lực cũng đang gia tăng ở đây. Ngài nói: “Sự hung hăng và hăm doạ đang trở thành lối sống và một kỹ thuật để sống còn. Tuy nhiên, trọng tâm ơn gọi Kitô phải là một nền văn minh tình thương, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định. Vì thế, chúng ta cần phải nhìn lại thái độ của chúng ta đối với bạo lực. Chúng ta phải hướng đến sự hoà giải, tôn trọng lẫn nhau, liên đới với người khác. Một sự hoán cải bắt đầu được thể hiện qua cách nói, bởi vì lời nói là cửa sổ của tâm hồn”.

Cùng với tư tưởng này, trong buổi phát sóng đầu tiên cho những suy tư Mùa Chay với tựa đề “Một hành trình trở về”, Đức Tổng Giám mục lfred Adewale Martins của Lagos, đã mời gọi các chính trị gia thống hối, và yêu cầu các quan chức tham nhũng và những người phạm tội bắt cóc hãy ăn năn.

Giáo hội Uganda

Uganda là một quốc gia cũng đang trong tình trạng xung đột, vì thế tinh thần sống Mùa Chay mà các vị chủ chăn mời gọi các tín hữu là sự hoà giải. Trong một Thánh lễ, Đức cha Francis Aquirinus Kibira của Giáo phận Kasese đã nhắc nhở các tín hữu về vai trò của họ như là kênh truyền lòng thương xót Chúa và bảo vệ những người mà họ coi như kẻ thù. Đức cha mời gọi những người theo Chúa Kitô giúp những người phạm tội nhìn nhận tội đã phạm, trong khi chính mình tránh phán xét nhưng trở thành ánh sáng cho người khác.

Ngài cũng mời gọi mọi người sẵn sàng đối diện với sự bách hại ngay cả khi họ đang làm điều tốt. Bởi vì chính Chúa Giêsu, mặc dù bị chống đối nhưng không bao giờ từ bỏ sứ vụ cứu nhân loại.

Đức cha Kibira còn cảnh báo các tín hữu không được trả thù. Trái lại hãy mang những gánh nặng đến với Chúa trong cầu nguyện.

Giáo hội Malaysia

Vì nhằm mục đích chăm sóc sự sống và thụ tạo, chương trình sống Mùa Chay của Giáo hội Malaysia không chỉ giới hạn trong 40 ngày nhưng được kéo dài trong 3 năm (2022-2024).

Tập trung suy tư về chủ đề “Chúng ta cùng nhau canh tân và tái xây dựng”, Giáo phận Penang hướng đến mục tiêu cho Mùa Chay năm 2022 là “khôi phục niềm hy vọng những ai cảm thấy thất vọng, trở nên muối và ánh sáng cho tất cả mọi người và làm sống lại sự trong lành của Mẹ Trái đất”.

Đức cha Sebastian Francis của Giáo phận Penang nói: “Trong hai năm đại dịch qua, tất cả chúng ta đã thực hiện một hành trình đặc biệt, một hành trình với những do dự nhưng cũng được năng động bởi đức tin sâu sắc.  Chúng ta đã trải qua những điều tốt nhất cũng như những điều tồi tệ. Tuy nhiên, chúng ta đã cùng nhau vượt qua những tình huống khó khăn nhất và đã chứng tỏ rằng chúng ta kiên cường”.

Theo Đức cha, hành trình Mùa Chay 2022 phải là thời gian canh tân chính mình, tái sắp xếp mọi sự theo trật tự, theo đúng thứ tự ưu tiên. Ngài nói: “Chúng ta phải canh tân chính mình, gia đình, cộng đoàn và môi trường. Vì vậy, chúng ta phải tập trung vào ba thực tại: gia đình, cộng đoàn và môi trường. Chúng ta thực hiện điều này bằng cách tập trung vào Chúa Giêsu và hiểu kế hoạch của Người dành cho chúng ta. Như thế, chúng ta có thể giúp những người ở xung quanh chúng ta canh tân. Chúng ta làm điều này qua việc dành thời gian cho cầu nguyện, chay tịnh, và bác ái”.

Đề cập đến môi trường, Đức cha giải thích: “Nhiều người đã mất tất cả và cảm thấy tuyệt vọng. Chúng ta, môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta phải là những tác nhân của hy vọng và bình an. Chúng ta cũng phải là những người quản lý cho Mẹ Trái đất. Do đó, chúng ta phải gìn giữ môi trường của chúng ta. Quá nhiều thứ đã bị mất và bị ô nhiễm, nhưng nhờ ơn Chúa, và nhờ thời gian giãn cách xã hội môi trường phát triển mạnh mẽ. Giờ đây, chúng ta có trách nhiệm duy trì sự tự do và vẻ đẹp cho tất cả công trình sáng tạo của Chúa”.

“Chúng ta cùng nhau bước đi trong một Giáo hội hiệp hành. Đó là một nỗ lực hợp tác. Mọi người thuộc mọi chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, thành phần kinh tế. Chúng ta sẽ làm việc cùng nhau. Đã đến lúc gạt sự khác biệt sang một bên và cùng nhau tiến bước. Điều này phải bắt đầu từ chúng ta. Trong Mùa Chay này, chúng ta là nhịp tim của Chúa Giêsu Kitô”.

Đức cha kết luận, hành trình Mùa Chay là “cơ hội cho công lý, bác ái và hoà bình, cầu nguyện cho sự thay đổi bằng những tấm lòng khiêm tốn và biết ơn”.

Giáo hội Brazil

Đại diện cho các Giáo hội vùng châu Mỹ Latinh là Giáo hội Brazil. Chủ đề Mùa Chay của Giáo hội “Tình huynh đệ và Giáo dục”, với khẩu hiệu Kinh Thánh “Khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói và dịu hiền khi dạy dỗ bảo ban” (Cn 31, 26). Chủ đề này là một phần của Chiến dịch Huynh đệ của Giáo hội.

Đây là lần thứ ba chủ đề giáo dục được đề cập trong Mùa Chay. Hội đồng Giám mục quyết định như thế vì theo các Giám mục, hơn bao giờ hết, với tình hình thực tế hiện nay được đánh dấu bởi đại dịch và nhiều xung đột, khoảng cách và sự phân cực, thì việc thúc đẩy một tình huynh đệ và một nền giáo dục tốt là điều rất cần thiết.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục giải thích trong phần giới thiệu tài liệu Chiến dịch Huynh đệ rằng: đây là một chiến dịch, thay vì đào sâu một khía cạnh cụ thể của vấn đề giáo dục, chiến dịch sẽ phản ánh những nền tảng của hoạt động giáo dục theo quan điểm của Công giáo. Theo đó, giáo dục không chỉ được hiểu với một hoạt động mang tính học thuật, với việc truyền tải nội dung hoặc chuẩn bị kỹ thuật cho thế giới việc làm, nhưng còn là một quá trình liên quan đến một “cộng đoàn” mở rộng tới gia đình, Giáo hội, quốc gia và xã hội.

Chiến dịch Huynh đệ là một cử chỉ cụ thể Lạc quyên Liên đới, được tổ chức vào Chúa nhật Lễ Lá tại các cộng đoàn trên khắp Brazil. Số tiền quyên góp này được dành cho các Quỹ Liên đới Quốc gia và Giáo phận, hỗ trợ các dự án xã hội liên quan đến chủ đề của chiến dịch. Trong năm 2021, 80 dự án đã được hỗ trợ nhờ chiến dịch này.

Chiến dịch Huynh đệ 2022 được lấy cảm hứng từ Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu, do Đức Thánh Cha đề xuất. Trong sứ điệp gửi đến Chiến dịch trong tuần qua, Đức Thánh Cha cầu chúc các tín hữu sống Mùa Chay như là cơ hội để “hoán cải thực sự” và những hạt giống gieo trên con đường này sẽ sinh hoa trái một cách cụ thể nhằm hỗ trợ một nền giáo dục toàn diện và chất lượng. Về chủ đề của Chiến dịch Huynh đệ năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải suy tư về tương quan giữa Tình huynh đệ và Giáo dục, nền tảng cho việc nâng cao toàn diện con người, tránh văn hóa vứt bỏ - đặt những người dễ bị tổn thương sang bên lề xã hội, và thức tỉnh tầm quan trọng của việc quan tâm đến thụ tạo.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Khi nhìn vào xã hội ngày nay, chúng ta có thể thấy rất rõ tính cấp thiết của việc áp dụng các hành động biến đổi trong lĩnh vực giáo dục để có một nền giáo dục thúc đẩy tình huynh đệ phổ quát và chủ nghĩa nhân văn toàn diện”.

Ngọc Yến - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây