TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bế mạc Đại Hội Dân Chúa: Đêm Hạnh Ngộ

Thứ năm - 10/06/2021 03:36 | Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Thương |   861
Bế mạc Đại Hội Dân Chúa: Đêm Hạnh Ngộ

Tường thuật Lễ hội bế mạc Đại Hội Dân Chúa: Đêm Hạnh Ngộ

Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã diễn ra buổi diễn nguyện mang tên "Đêm Hạnh Sau ngày làm việc cuối cùng với Thánh Lễ Bế Mạc vào lúc 15g30, tối Thứ Năm 25/11/2010, tại Ngộ", qua đó công bố Sứ điệp Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010. Đêm diễn đã khai mạc trễ hơn 30 phút, lúc 19g30, sau khi Sài Gòn mưa rất to gần cả giờ đồng hồ. Tuy nhiên, ngay từ lúc 17 giờ các thành phần Dân Chúa Sài Gòn đã đến hơn nửa khoảng sân rất rộng của Trung Tâm Mục Mục Vụ. Khi các công việc lau dọn sân khấu sau cơn mưa hoàn tất, cũng chính là lúc các chỗ ngồi đã chật kín, cả các khoảng hành lang của các dãy nhà, từ dưới trệt lên đến lầu đều kín người.               

Xem hình ảnh lễ bế mạc - Photos by daihoidanchua.net

Bắt đầu chương trình, Cha Giuse Tiến Lộc đã chào mừng quan khách và mọi thành phần Dân Chúa đến tham gia đêm diễn nguyện, ngài cũng không quên nói lời xin lỗi vì chương trình bắt đầu khá trễ so với dự định.

Sau phần biểu diễn hợp ca “Hợp Nhau Trong Khúc Hát” do Ca đoàn Tổng Hợp trình bày, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Giáo phận Phan Thiết, Chủ tịch Ủy Ban Văn Hoá của HĐGMVN, đồng thời là Trưởng ban Tổ chức Lễ Hội đã tuyên bố khai mạc đêm diễn nguyện với chủ đề “Đêm Hạnh Ngộ” trong tràng pháo tay cổ vũ của mọi thành phần Dân Chúa tham dự. Đến tham dự đêm hội còn có đại diện của Lãnh sự quán các nước và đại diện các cơ quan nhà nước thành phố và trung ương. Sau lời khai mạc, bài hát chủ đề “Một Chút Duyên, Một Chút Tình” được dàn đồng ca hát bằng tâm tình thắm thiết trong điệu múa cử điệu của các bạn trẻ.

Theo Ban Tổ Chức, “Đêm Hạnh Ngộ” được gợi hứng từ câu chuyện Chúa Giêsu gặp gỡ người phụ nữ Samari bên giếng Giacóp trong Tin Mừng Gioan 4,3-42. Khác với sự khinh bỉ và thù địch của người Do Thái đối với người Samari, thái độ lắng nghe, chấp nhận và cảm thông của Chúa Giêsu không những mở đường cho người phụ nữ bộc lộ tâm tư và khát vọng, mà còn giúp chị thay đổi và canh tân cuộc sống. Nhờ cuộc gặp gỡ ấy, chị trở thành con người mới: cởi mở và trung thực hơn với chính mình cũng như với mọi người.

“Đêm Hạnh Ngộ” còn được gợi hứng từ hình ảnh Giáo Hội như giếng nước đầu làng. Giếng nước không chỉ là nơi cung cấp nước, mà còn là nơi dân làng hò hẹn, chuyện trò. Giếng nước cũng là nơi khách bộ hành dừng chân nghỉ ngơi sau chặng đường dài, mỏi mệt. Như giếng nước đầu làng, Giáo Hội muốn là điểm hẹn, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau.

“Đêm Hạnh Ngộ” mong thể hiện phần nào ước muốn của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam: xây dựng Giáo Hội của Chúa Giêsu giữa lòng Quê hương Việt Nam, một Giáo Hội thực sự là dấu chỉ và là khí cụ hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, cũng như giữa con người với nhau, một Giáo Hội nỗ lực thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng qua gặp gỡ và đối thoại với những người nghèo, với nền văn hóa dân tộc và với các tôn giáo bạn.

Tiểu phẩm “Bên Giếng Giacóp” đã minh họa cho đoạn Tin Mừng Gioan 4,3-42 của 2.000 năm trước, được chuyển thể bằng cách hội nhập vào văn hóa Việt Nam với vai diễn Chúa Giêsu trong trang phục áo dài khăn đóng như những ông đồ xưa, còn các môn đệ trong những bộ áo dài như các sĩ tử khăn gói lên đường và người dân trong những trang phục bà ba chân chất.

26 giáo phận của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã cử đại diện để quy tụ về Đại Hội Dân Chúa để chia sẻ, thảo luận những ưu tư và đồng thời học hỏi từ Tài Liệu Làm việc, từ những bài tham luận nhằm có kinh nghiệm giúp thăng tiến Giáo Hội trong tương lai. Những đóa hoa Hướng Dương với tên của các giáo phận được các em thiếu nhi rước ra trước lễ đài bằng trang phục đặc trưng của 3 miền mà 3 giáo tỉnh tọa lạc: áo tứ thân, áo dài khăn đóng, trang phục bà ba. Tu phục của các dòng tu tại Việt Nam cũng được các em thiếu nhi trình bày trong đêm hội nhằm cổ võ cho ơn gọi tu trì được triển nở.

Phần đỉnh điểm của đêm hội, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Trưởng Ban Thư Ký của Đại Hội Dân Chúa 2010 đã long trọng công bố Sứ điệp Đại Hội Dân Chúa gởi toàn thể Giáo Hội Việt Nam. Phần mở đầu, Sứ Điệp khái quát thành phần tham dự Đại Hội Dân Chúa gồm 32 giám mục, 300 đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước. Ngoài ra, tham dự Đại hội còn có những khách mời là các vị đại diện đến từ các Giáo hội Canada, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, và đại diện các cộng đoàn công giáo Việt Nam hải ngoại.

Sứ Điệp nhấn mạnh sứ mạng của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam: “Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam có sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, góp phần kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên quê hương đất nước này”.

Sứ Điệp cũng kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hợp tác chặt chẽ với nhau, tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội bằng khả năng chuyên môn của mình, kêu gọi các gia đình, giới trẻ, các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân dấn thân làm tròn trách nhiệm của mình để góp phần xây dựng và canh tân Giáo Hội Việt Nam.

Để dấn thân xây dựng xã hội trần thế, Sứ Điệp khẳng định Hội Thánh “không hề muốn thay thế Chính Quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Hội Thánh có thể góp phần mình vào đời sống của Đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân”.

Nhấn mạnh đến nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trong bối cảnh đất nước ngày nay, Sứ Điệp nói đến các vấn nạn trong xã hội đáng lo ngại cho tiền đồ của dân tộc: “Nạn phá thai, ly dị, ma túy, mãi dâm, sự gia tăng cách biệt giầu nghèo, tình trạng bất công, bóc lột, tham nhũng, tàn phá môi sinh… tất cả đang có chiều hướng gia tăng và là những dấu hiệu cụ thể của “nền văn hóa sự chết”. Xác tín rằng Tin Mừng là “men của tự do và tiến bộ, nguồn của tình huynh đệ, của khoan dung và hòa bình”, nên hơn ai hết, người Công Giáo Việt Nam có sứ mạng kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên đất nước này, đồng thời sẵn sàng đối thoại chân thành và cộng tác lành mạnh với mọi người thiện chí, không phân biệt tôn giáo hay chính kiến, nhằm phục vụ sự phát triển toàn diện của mọi người trong xã hội, nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi”. Sứ Điệp thiết tha lặp lại nguyện vọng bấy lâu nay của Giáo Hội đối với Nhà Nước: “chúng tôi đề nghị Chính quyền Việt Nam mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo tham gia vào việc giáo dục học đường và y tế cộng đồng, vì ích lợi của người dân và của cả dân tộc”.

Sứ điệp đi đến kết luận: “Đại hội Dân Chúa Việt Nam kết thúc nhưng lại mở ra cho những bước chân hy vọng, niềm hy vọng được khơi nguồn và hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Tất cả những ý kiến của đại hội sẽ được đúc kết thành những đề nghị, là chất liệu chính của văn kiện hậu đại hội, nhằm đưa ra những định hướng và kế hoạch mục vụ của Hội Thánh Việt Nam trong những năm sắp tới”. Sứ Điệp đưa ra lời cầu xin Chúa: “Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến (Kh 22,20)” để xin Chúa ngự đến và biến đổi tâm hồn mỗi người Công Giáo Việt Nam trở thành môn đệ đích thực của Chúa, hiệp nhất yêu thương nhau và cùng nhau làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời nhằm xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương, để dung nhan Chúa bừng sáng trên quê hương Việt Nam.

(Xin xem toàn văn Sứ Điệp Đại Hội Dân Chúa Việt Nam 2010 tại đây: http://vietcatholic.org/News/Html/85570.htm)

Sau khi Sứ Điệp được công bố, ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đã đại diện chính quyền phát biểu chúc mừng Đại Hội Dân Chúa. Trong phát biểu của mình, ông đã nhấn mạnh đến việc đồng hành cùng dân tộc của người Công Giáo Việt Nam. Ông mong muốn người Công Giáo tiếp tục thực hiện Thư Chung năm 1980 của HĐGMVN, huấn từ và Sứ Điệp của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI gởi HĐGMVN để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông cũng không quên nhắc nhở người Công Giáo phải thực hiện tốt chính sách pháp luật của nhà nước, ông cũng hứa hẹn điều mà nhà nước từng hứa hẹn là sẽ thực hiện tự do tín ngưỡng tôn giáo để tạo điều kiện cho Giáo Hội Công Giáo đóng góp cho đất nước.

Chương trình đêm hội được tiếp tục với hợp xướng “Lưu Danh Thiên Thu” để nhớ đến và ca ngợi các vị Thánh Tử Đạo Việt Nam đã anh dũng bảo vệ đức tin, nêu gương trung kiên vào Thiên Chúa Hằng Sống. Tiết mục “Anh Em Một Nhà” với phần múa minh họa trong sắc phục của 54 dân tộc Việt Nam đã cho cộng đoàn Dân Chúa thấy được sự đa dạng của người dân Việt để từ đó hội nhập và tìm cách truyền bá Tin Mừng cho mọi dân tộc anh em. Sự đa dạng đó còn được thể hiện nơi tiết mục “Lý Mười Thương” mang đậm âm hưởng Huế do nữ ca sĩ Hồng Vân trình bày, “Lý Kéo Chài” với bản sắc Nam Bộ do hai nghệ sĩ Văn Tài và Ngọc Điệp biểu diễn, tiết mục múa cồng chiêng và hát ngợi khen Chúa bằng tiếng dân tộc của người Công Giáo đến từ Tây Nguyên, cùng với vũ điệu Hân Hoan Hiệp Thông của Nhóm múa Giáo xứ Phaxicô Xaviê (Nhà thờ Cha Tam) mang đậm nét dân tộc Hoa.

Chương trình được nối tiếp bằng Video clip phóng sự về hoạt động đối thoại trong cuộc sống đời thường, sau đó là bản hợp xướng Hồn Tông Đồ của Liên dòng Mến Thánh Giá Việt Nam. Cũng nhân dịp này các Dòng Mến Thánh Giá có dịp để giới thiệu các địa điểm mà các dòng có mặt trên khắp Việt Nam. Vở kịch Trái tim Việt Nam nói về cuộc đời của linh mục Cardière đã làm lay động lòng người, với những minh hoạ sống động cho đời sống và cung giọng của người dân xứ Huế. Tiếp đến là Nhạc kịch Giếng nước Sài Gòn, tiết mục này đã kép lại phần văn nghệ.

Đức Hồng Y Gioan Baotixita - Trưởng ban tổ chức Năm Thánh đã thay mặt Đại Hội cảm ơn mọi giới đã đến tham dự bế mạc Đại Hội Dân Chúa. Sau đó, các Tổng Giám Mục đứng đầu ba giáo tỉnh tặng quà cho các vị khách quốc tế, các vị đại diện chính quyền và ngoại giao đoàn, các vị ân nhân đã giúp đỡ của cải vật chất, tinh thần cho công việc tổ chức Đại Hội Dân Chúa.

Để hướng về La Vang, cộng đoàn Dân Chúa đã xem Video clip về La Vang và thưởng thức tiết mục Thánh vụ La Vang do các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán thể hiện. Kết thúc đêm hội, Đức Tổng Giám Mục Huế đã đại diện Ban Tổ Chức mời cộng đoàn Dân Chúa hội ngộ tại La Vang để tham dự Lễ Bế Mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam vào các ngày từ 04 đến 06/01/2011.

Những ngày Đại Hội Dân Chúa đã kết thúc, các đại biểu đã sống và làm việc trong ân sủng Chúa. Đêm hội bế mạc là dịp để nhìn lại những thành quả mà Đại Hội mang lại qua Sứ Điệp đúc kết, các thành viên Giáo Hội sẽ ý thức được phần việc của mình trong một Giáo Hội của Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ.

Sài Gòn, ngày 26 tháng 11 năm 2010
Nguyễn Hoàng Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây