Nhà thờ Chính toà Armenia ở Lviv được coi là một trong các Nhà thờ đẹp và cổ nhất ở Đông Âu. Nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ 14, là một địa điểm rất được yêu thích và cũng là nơi đã chứng kiến những cuộc bách hại tôn giáo và xung đột chính trị. Vào giữa những năm 1940, linh mục chánh xứ và các tu sĩ ở đây đã bị trục xuất đến trại tập trung ở Siberia và bị giết. Trong nhiều năm, Nhà thờ phải đóng cửa, và chỉ được mở trở lại vào tháng 5/2003. Bên trong nơi thờ phượng này có nhiều bức hoạ và tác phẩm nghệ thuật thánh quý giá.
Tượng Chúa Cứu Thế ở trong Nhà thờ là một phần của biểu tượng thời Trung cổ, không chỉ được các tín hữu của Giáo hội Chính thống tông truyền Armenia tôn kính, nhưng cũng được các tín hữu của các Giáo hội Kitô khác bày tỏ lòng tôn kính cách đặc biệt.
Ông Tim Le Berre, người đang làm việc cho viện bảo tàng quân sự Pháp cho biết, lần gần đây nhất là vào Thế chiến thứ hai, tượng Chúa Cứu Thế phải di chuyển. Còn bà Lilia Onyschenko, Giám đốc bộ phận bảo vệ di sản lịch sử của Lviv thì xác nhận: “Chúng tôi đang bọc các tác phẩm điêu khắc bằng những tấm chống cháy, nhưng đối với tượng Chúa Cứu Thế thì không thể làm như vậy. Vì nếu bị đánh bom với sự rung chuyển mạnh tượng sẽ bị hư”.
Cha Jakub, linh mục chánh xứ giải thích thêm: “Chúng tôi đã quyết định đưa Thánh Giá đến một nơi an toàn. Vì đây là quyết định cho toàn thành phố: dân chúng và những gì thuộc về lịch sử phải được bảo vệ. Và giờ đây tượng Chúa đã được đặt ở một nơi an toàn”.
Trước đó, khi hay tin tượng sẽ được đem đi, rất đông các tín hữu đã ngay lập tức đến Nhà thờ để cầu nguyện cho các nạn nhân và các binh lính đang chiến đấu.
Ngọc Yến - Vatican News