TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chương trình THĐGM tại TGP Huế

Thứ ba - 11/01/2022 18:08 | Tác giả bài viết: TGP Huế |   868
Chương trình hiệp hành Thương Hội đồng Giám mục Thế Giới lần thứ XVI cấp giáo phận tại TGP Huế
Chương trình THĐGM tại TGP Huế

CHƯƠNG TRÌNH HIỆP HÀNH

 

 

THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI LẦN THỨ XVI

CẤP GIÁO PHẬN - TGP. HUẾ
 

 

A. Tài liệu

·        12 Video Clip (sẽ được đưa dần dần vào trang mạng của TGP: tonggiaophanhue.org)

- Video Clip 1 - Giới thiệu về Synod (dài chừng 8 phút, phục vụ cho việc học hỏi tại Nhà Th, trong các lớp Giáo lý, các buổi cầu nguyện, các buổi sinh hoạt chung…).

- Video Clip 2 - Giáo lý về Synod 16 (dài chừng 10 phút, có cả dạng PowerPoint, gồm 25 câu hỏi-thưa ngắn gọn, được minh họa bằng hình ảnh sống động, dùng để dạy Giáo lý).

- 10 Video Clip, từ Video 3 đến Video 12 - Về 10 chủ đề cốt lõi của Thượng Hội Đồng GM (mỗi Video tập trung 1 chủ đề, dài chừng 4-7 phút, theo sát nội dung của TÀI LIỆU CHUẨN BỊ, trang 29-33, dùng để đào sâu các chủ đề cốt yếu về hiệp hành).

·        1 tập giáo lý bỏ túi (dành cho thiếu nhi,  gồm 25 câu hỏi vắn gọn, đi đôi với Video Clip 2, dùng để dạy giáo lý, hoặc làm nội dung của các cuộc thi đua Giáo lý (vd: « Rung chuông vàng »).

·        1 tập « Tài liệu chuẩn bị và Cẩm nang » (do TGP Huế phát hành, có 25 Câu hỏi Giáo lý về Synod và 10 Câu hỏi gợi ý, đặc biệt dành cho các chủng sinh, tu sĩ, Giáo lý viên…).

·        2 tập « Tài liệu chuẩn bị » « Cấm nang » (in rời từng tập, do Văn phòng Tổng thư ký THĐGM phát hành, dành cho các Linh mục, đã phân phối đến từng Cha trong giáo phận).

 

B.  Thực hiện

I. Cấp cá nhân, giáo xứ, cộng đoàn

I.1. Diễn đàn chung: chúng ta có một facebook mang tên: « Giáo Hội Hiệp Hành TGP. Huế » như diễn đàn chung để nhiều người, thuộc nhiều thành phần có thể tham gia, góp ý (do Dòng Thánh Tâm Huế phụ trách).

I.2. Các giáo xứ (do quý Cha Quản Xứ tổ chức, tùy hoàn cảnh dịch bệnh của địa phương)

a.     Tổ chức một Thánh lễ, hoặc buổi cầu nguyện chung cho giáo xứ, để cầu cho THĐGM.

b.     Thăm viếng (Cha Quản xứ + Cha Phó xứ, Thầy xứ, các Nữ tu…): đích thân gặp gỡ, lắng nghe khoảng chừng 1/4 sĩ số các gia đình trong giáo xứ (số lượng thay đổi tùy xứ lớn nhỏ, có thể qua điện thoại, Zalo, Viber..). Ưu tiên gặp gỡ các cá nhân, gia đình đã bỏ Nhà Thờ, thờ ơ với các bí tích, người nghèo, thiểu số, neo đơn,…(xin Cha Quản xứ gửi đúc kết).

c.      Một cuộc họp chung gồm nhiều thành phần trong giáo xứ (xin Cha Quản xứ gửi đúc kết).

d.     Mỗi hội đoàn (Phan Sinh tại thế, Chung sự hiếu đạo, Legio Mariae, Thiếu Nhi TT, Hướng đạo,…) tổ chức ít là một cuộc họp chung (gửi bản đúc kết về Cha Quản xứ).

e.      Thi đua có thưởng (dạng « rung chuông vàng »), nếu tình hình cho phép, dành cho giới trẻ, sinh viên (do 2 Cha Bênêdictô Ngô Văn Hài và Vinh Sơn Nguyễn Văn Hanh phụ trách)

I.3. Các cộng đoàn (Tiền/Đại Chủng Viện, các Dòng tu, Tu đoàn): tùy mỗi cộng đoàn, dựa theo các câu hỏi gợi ý sẵn (xin quý Bề Trên gửi đúc kết).

I.4. Các linh mục: Theo ý Đức Tổng, trong kỳ tĩnh tâm tháng, xin mỗi hạt cùng lắng nghe, phân định, dựa theo các gợi ý gửi kèm theo Chương Trình này (mỗi kỳ 3-4 câu, xin Cha Quản Hạt đúc kết).

 

II. Cấp giáo phận

II.1. Thánh lễ khai mạc (trực tuyến, đã thực hiện ngày 18/11/2021, tại Đại Chủng Viện Huế).

II.2. Hội Nghị Tiền-Thượng Hội Đồng (sẽ tổ chức sau tháng 5/2022, xem Phụ lục C, Cẩm Nang).

 

C. Phân bố thời gian và nhân sự

I. Thời gian thực hiện: từ 10/01/2022 đến cuối tháng 5/2022. Đúc kết gửi VP/HĐGMVN: 30/6/2022.

II. Ban Linh Hoạt TGP: Lm. Đaminh Phan Hưng, Lm. Antôn Huỳnh  Đầy, Lm. Giuse Hồ Thứ, Nữ tu Agata Bùi Thị Mến, Nữ tu Anna Nguyễn Bảo Uyên, Nữ tu Têrêxa Phan Diệu Trinh, Cô Maria Mađalena Đỗ Thị Lợi, Ông Phêrô Đặng Văn Hoàng, Ông Phanxicô Assisi Phạm Ngọc Tăng.

 

10 CÂU HỎI GỢI Ý

“ĐỂ CÙNG NHAU CẤT BƯỚC HÀNH TRÌNH”

Hiệp thông - Tham gia - Sứ vụ

Lưu ý: 1/ Đây chỉ là những câu hướng dẫn (guidelines), không thuộc dạng câu hỏi “có-không” (yes/no questions). 2/ Những câu trong ngoặc đơn cũng chỉ mang tính gợi ý, không nhất thiết phải trả lời tất cả 3/Mục đích của Synod 16 là muốn lắng nghe, đối thoại, nên cần thêm nhiều ý kiến ngoài các câu gợi ý này. 4/ Chính lúc suy nghĩ, cầu nguyện, thảo luận trong đức ái là đã sống tinh thần “hiệp hành”.

 

A. HIỆP THÔNG

1. Là Kitô hữu (linh mục, tu sĩ, giáo dân), tôi có quan tâm, cầu nguyện và hành động cách cụ thể trong việc tìm kiếm những “con chiên lạc” ? (ai là người bị tôi và cộng đoàn loại trừ hoặc bị bỏ quên ? tôi quan tâm đến những người xa rời Hội Thánh, di dân, tật nguyền, cô độc,…thế nào ? tôi có mang tâm tình của Đức Kitô Mục Tử khi lắng nghe họ? tôi đã đọc kỹ Tông huấn Amoris Laetitia, chương 8, để có hành động cụ thể với những trường hợp hôn nhân “bị rối” hầu giúp họ phân định và hiệp thông hơn với Hội Thánh ?).

2. Cơ cấu và mọi sinh hoạt của cộng đoàn tôi phản ảnh mô hình “Giáo hội kim tự tháp” hay “Giáo hội vòng tròn với Đức Giêsu Kitô là trung tâm”? (giữa Giáo hội cơ chếTriều Đại Thiên Chúa, tôi quan tâm tới cái gì nhiều hơn? việc “hiệp hành” hiện đang diễn ra thế nào trong cộng đoàn tôi ? Thần Khí đang mời gọi thực hiện những bước đi cụ thể nào? những nẻo đường mới nào đang mở ra? đã đến lúc nên trao thừa tác vụ đọc sách, giúp lễ cho nữ tu hoặc giáo dân ?).

3. Phải chăng tính ích kỷ, cục bộ, phe nhóm vẫn còn tồn tại nặng nề trong Giáo hội ? (điều gì thường gây chia rẽ, bất hòa trong cộng đoàn? “vết thương” nào cần được chữa trị ? việc tương thân tương ái có được thực hành cách cụ thể và thường xuyên, nhất là đối với người lâm nạn, cô thế cố thân,…không? cần làm gì để cổ võ tinh thần hiệp hành giữa các gia đình, giữa các hội đoàn, các giáo xứ trong hạt, trong giáo phận?).

 

B. THAM GIA

4. Phải chăng Giáo hội tại Việt Nam vẫn còn mang nặng tính “giáo sĩ trị” ? (cách hành xử về quyền bính trong cộng đoàn tôi thế nào? những cách thức và quy trình nào được dùng để đưa ra quyết định chung? phương tiện và thủ tục nào cần có để thúc đẩy tính minh bạch, bình đẳng, tự do? tôi có sẵn sàng đối thoại với những người khác để tìm tiếng nói chung hay chỉ để “hợp thức hóa” quyết định của tôi ? tôi có chấp nhận để người khác chất vấn ? tôi xử lý thế nào khi ý kiến của cộng đoàn trái với dự kiến của tôi?).

5. Khả năng lắng nghe của tôi thế nào trong tư cách thành viên hoặc người lãnh đạo cộng đoàn? (tôi cần lắng nghe và hiệp hành với chính mình thế nào? điều gì làm tôi dễ lắng nghe hoặc ngăn cản tôi lắng nghe người khác ? người già và giới trẻ được cộng đoàn tôi lắng nghe ra sao? cộng đoàn tôi hiện có những phương thức hoặc những“kênh”đặc biệt nào để những người khác chính kiến, người đã rời bỏ Giáo Hội, người khuyết tật, bị bỏ rơi,… có thể tự do phát biểu ?).

6. Tôi có tạo điều kiện và khích lệ người khác tham gia vào đời sống của Giáo hội? (tôi có xu hướng ôm đồm nhiều việc, vì sợ người khác làm không trôi chảy ?các đoàn thể hiệp hành, trong đó có tôi, đang hoạt động trong tinh thần đồng trách nhiệm, tôn trọng đặc sủng, hay tập quyền và độc tài ? tôi và cộng đoàn tôi tham dự các cử hành phụng vụ - bí tích cách tích cực và được thêm cảm hứng để truyền giáo, hay chỉ làm theo thói quen, chiếu lệ ? việc đào tạo “giáo dân hiệp hành”, nhất là trong việc quản trị tài sản, tiền bạc,… của cộng đoàn, được thực hiện thế nào?).

 

C. SỨ VỤ

7. Làm thế nào để gây ý thức và gia tăng nhiệt huyết loan báo Tin Mừng nơi bản thân tôi và các tín hữu khác? (tôi có lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần và khám phá những cách thức mới mẻ để loan báo Tin Mừng ? lĩnh vực nào của sứ vụ truyền giáo đang bị bỏ quên: sự hiện diện, cầu nguyện, đầu tư và đào tạo kỹ năng ? tôi hướng dẫn, khích lệ người khác dấn thân vào việc loan báo Tin Mừng cách ý thức không? việc thăm viếng lương dân được thực hiện thường xuyên, hăng hái, hay nhất thời, tùy hứng? tôi có kinh nghiệm thành bại nào trong việc truyền giáo cần chia sẻ cho người khác? ).

8. Công cuộc đối thoại với các kitô hữu ngoài Công giáo và các tôn giáo bạn thế nào? (cần xét lại điều gì trong thái độ của tôi đối với tín đồ các tôn giáo bạn, nhất là với anh chị em Phật tử đang sống quanh tôi? chùa chiền, thánh thất, đình miếu,…thường gợi lên cho tôi điều gì? tôi và cộng đoàn đã có những kinh nghiệm nào trong việc đối thoại và hợp tác với anh em Tin Lành, hoặc với tín đồ của các đạo khác, hay với người vô thần?).

9. Tôi có giúp người khác quan tâm và dấn thân hơn vào các lãnh vực đa dạng của xã hội không ? (tôi và cộng đoàn chỉ dừng lại ở việc quản trị nội bộ hay can đảm đi đến vùng “ngoại biên”? tôi làm gì để cộng tác, hỗ trợ các thành viên khác dấn thân phục vụ xã hội, bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy công bằng, nhằm thăng tiến đời sống con người ?cộng đoàn tôi có xem những người thuộc các tổ chức xã hội như những bạn hiệp hành hay như người xa lạ? tôi có thể làm gì cách cụ thể để thúc đẩy mọi người biết tôn trọng và bảo vệ môi trường theo Thông điệp Laudato si của ĐTC Phanxicô?).

10. Tiến trình hiệp hành cuối cùng sẽ giúp chúng ta thực hiện những gì ? (tôi hiểu thế nào về lời mời gọi“hoán cải mục vụ” mà ĐTC Phanxicô thường khuyên bảo (x TH. Niềm Vui Tin Mừng (EG)số 25-32) ? tiến trình hiệp hành này giúp canh tân não trạng cá nhân và cộng đoàn tôi thế nào? cơ cấu nào của Hội Thánh hoàn vũ và Hội Thánh địa phương cần được đổi mới, và đổi mới cách nào ? những quyết định mục vụ thực tiễn nào có thể được đưa ra nhằm thúc đẩy công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam quê hương tôi ?)./.

Nguồn: tonggiaophanhue.org (10.01.2022)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây