TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kinh Truyền Tin ngày 09/01/2022

Chủ nhật - 09/01/2022 19:18 | Tác giả bài viết: |   876
ĐTC khuyên các tín hữu hãy tìm biết và nhớ ngày Rửa tội của mình, và nhớ nó như một ngày lễ.
Kinh Truyền Tin ngày 09/01/2022

Kinh Truyền Tin (09/01): Cần biết và nhớ ngày rửa tội của mình

Trưa Chúa Nhật 9/1, Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, sau khi dâng lễ với việc ban bí tích Rửa tội cho 16 em bé tại Nhà nguyện Sistine, lúc 12 giờ, ĐTC đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. ĐTC khuyên các tín hữu hãy tìm biết và nhớ ngày Rửa tội của mình, và nhớ nó như một ngày lễ.

Bài huấn dụ của ĐTC trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay cho chúng ta thấy khung cảnh nơi cuộc đời công khai của Chúa Giêsu bắt đầu: Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Mêsia, đến bờ sông Giođan và được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Sau khoảng ba mươi năm sống ẩn dật, Chúa Giê-su không xuất hiện với một phép lạ nào đó hay ngồi trên ghế giảng dạy. Người xếp hàng với những người đến lãnh nhận phép rửa từ Gioan. Bài ca phụng vụ hôm nay nói rằng dân chúng đến để chịu phép rửa với linh hồn và đôi chân trần, một cách khiêm tốn. Và Chúa Giêsu chia sẻ số phận của chúng ta là những kẻ tội lỗi, Người bước xuống về phía chúng ta: Người xuống sông như trong lịch sử thương tích của nhân loại, Người dìm mình trong dòng nước của chúng ta để chữa lành nó và Người dìm xuống với chúng ta, giữa chúng ta. Người không đi trên chúng ta, nhưng bước xuống về phía chúng ta. Người không đi riêng, cũng không với một nhóm đặc quyền. Nhưng Người đi với dân chúng, thuộc về đoàn dân đó và đi cùng với dân chúng để chịu phép rửa với đoàn dân khiêm tốn đó.

Chúng ta hãy dừng lại ở một điểm quan trọng: vào lúc Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa, bản văn cho biết “Người đang cầu nguyện” (Lc 3,21). Thật tốt khi chúng ta suy ngẫm điều này: Chúa Giê-su cầu nguyện. Nhưng bằng cách nào? Người, là Con Thiên Chúa, có cầu nguyện như chúng ta không? Có, Chúa Giê-su – như các sách Tin Mừng lặp lại điều này nhiều lần – dành nhiều thời gian để cầu nguyện: vào đầu mỗi ngày, thường là vào ban đêm, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng... Lời cầu nguyện của Người là một cuộc đối thoại, một mối tương quan với Chúa Cha. Như vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể thấy “hai thời điểm” của cuộc đời Chúa Giêsu: một đàng, Người bước xuống về phía chúng ta, xuống nước sông Giođan; đàng khác, Người hướng tầm nhìn và con tim lên khi cầu nguyện với Chúa Cha.

Đó là một bài học lớn cho chúng ta: tất cả chúng ta, đều đắm chìm trong những vấn đề của cuộc sống và trong nhiều tình huống phức tạp, được kêu gọi đối diện với những khoảnh khắc và chọn lựa khó khăn vốn kéo chúng ta xuống. Nhưng, nếu chúng ta không muốn bị đánh bại, chúng ta cần phải nâng mọi thứ lên. Và đây chính là tác dụng của việc cầu nguyện. Cầu nguyện không phải là một lối thoát, không phải là một nghi thức ma thuật hay lặp đi lặp lại những câu kinh đã thuộc lòng. Nhưng cầu nguyện là cách để Chúa hành động trong chúng ta, để chúng ta nắm bắt được điều mà Người muốn truyền đạt cho chúng ta ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, để có sức mạnh tiến về phía trước. Cầu nguyện giúp cho chúng ta vì nó liên kết chúng ta với Thiên Chúa, mở ra cho chúng ta cuộc gặp gỡ với Người. Cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa, lắng nghe Lời Người, là thờ lạy Người: ở đó trong im lặng, phó thác cho Người những gì chúng ta sống. Và đôi khi, cầu nguyện cũng là kêu lên với Người như ông Gióp, thổ lộ ra với Người.

Cầu nguyện sẽ “mở cửa trời” (x. c. 21) như lối dùng một hình ảnh đẹp của bài Tin Mừng hôm nay: cầu nguyện cung cấp dưỡng khí cho sự sống để hít thở ngay cả khi đang gặp khó khăn và giúp cho chúng ta nhìn mọi sự với một tầm nhìn rộng lớn hơn. Trên hết, cầu nguyện cho phép chúng ta có kinh nghiệm giống như Chúa Giêsu tại sông Giođan: làm cho chúng ta cảm nhận mình là những người con được Thiên Chúa yêu thương. Khi cầu nguyện, Chúa Cha cũng nói với chúng ta, như đã nói với Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Con là con yêu dấu của Cha” (x. câu 22). Việc chúng ta trở thành con cái bắt đầu từ ngày Rửa tội, cho chúng ta được dìm mình trong Chúa Kitô và làm cho chúng ta trở thành những người con yêu dấu của Chúa Cha. Chúng ta đừng quên ngày Rửa tội của chúng ta! Nếu bây giờ tôi hỏi anh chị em: ngày rửa tội của anh/chị là ngày nào? Có thể một số sẽ không nhớ. Một điều đẹp là hãy nhớ ngày rửa tội của mình, bởi vì đó là ngày tái sinh của chúng ta, giây phút chúng ta trở thành con Thiên Chúa với Chúa Giêsu! Nếu không nhớ, khi trở về nhà, hãy hỏi mẹ, dì, ông bà: “Con rửa tội ngày nào?”, và học cách mừng lễ ngày được Rửa tội, để tạ hơn Chúa.

Và hôm nay, trong giây phút này, chúng ta tự hỏi: việc cầu nguyện của tôi thế nào? Tôi có cầu nguyện theo thói quen, miễn cưỡng, chỉ như đọc những công thức không? Hay tôi nuôi dưỡng sự thân mật với Chúa, đối thoại với Người, lắng nghe lời Người? Giữa bao nhiêu việc chúng ta làm hằng ngày, chúng ta đừng bỏ qua việc cầu nguyện: chúng ta hãy dành thời gian cho cầu nguyện, hãy dùng những lời khẩn cầu ngắn để lặp lại thường xuyên, hãy đọc Tin Mừng mỗi ngày. Cầu nguyện sẽ mở cửa trời.

Và bây giờ chúng ta hướng về Đức Mẹ, Đức Trinh Nữ cầu nguyện, người đã làm cho cuộc đời của mình trở thành một bài ca ngợi khen Thiên Chúa.

Vatican News

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây