Niên trưởng ngoại giao đoàn chúc mừng và cảm ơn Đức Thánh Cha
Mở đầu cuộc gặp gỡ, ông Georges Poulides, đại sứ của Cộng hoà Sýp cạnh Toà Thánh, niên trưởng ngoại giao đoàn, đã đại diện chúc mừng năm mới và cầu chúc Đức Thánh Cha được nhiều sức khoẻ. Ông cũng cảm ơn Đức Thánh Cha với sự can đảm Tin Mừng đã trở thành nguồn cảm hứng cho họ trong một năm khó khăn vừa qua. Ông cảm ơn Đức Thánh Cha về sức mạnh ngài thông truyền cho họ, về hoạt động không mệt mỏi của ngài, nguồn hy vọng của nhiều người nam nữ.
Ngỏ lời với ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh, Đức Thánh Cha nói rằng cuộc gặp gỡ của ngài với các đại sứ là cuộc quy tụ gia đình “để giúp giải quyết những bất đồng trong cuộc sống chung của nhân loại, để thúc đẩy sự hòa hợp và nhận ra rằng, một khi vượt qua xung đột, chúng ta có thể khôi phục cảm giác về sự hiệp nhất sâu xa của tất cả thực tại.”
Chăm sóc sức khoẻ là nghĩa vụ đạo đức
Sau khi cảm ơn các đại sứ đã quy tụ để thể hiện sự quan tâm của đất nước của họ đối với Toà Thánh và vai trò của Toà thánh trong cộng đồng quốc tế, Đức Thánh Cha đề cập đến cuộc chiến chống đại dịch mà mỗi người đều có vai trò quan trọng. Ngài kêu gọi tiếp tục nỗ lực tạo miễn dịch cho người dân nói chung càng nhiều càng tốt. Điều này cần sự dấn thân ở cấp độ cá nhân, chính trị và quốc tế. Trên bình diện cá nhân, Đức Thánh Cha nói rằng mỗi người có trách nhiệm chăm sóc cho chúng ta và sức khoẻ của chúng ta và điều này được thể hiện qua việc tôn trọng sức khoẻ của những người xung quanh. “Chăm sóc sức khoẻ là nghĩa vụ đạo đức.”
Libăng - gương mẫu của sự chung sống hoà bình và huynh đệ giữa các tôn giáo
Nhắc lại những cuộc gặp gỡ với các nguyên thủ và các chính phủ trong năm qua, Đức Thánh Cha đặc biệt đề cập đến cuộc gặp gỡ suy tư và cầu nguyện cho Libăng vào ngày 1/7/2021. Ngài lặp lại sự gần gũi và cầu nguyện cho quốc gia này và hy vọng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế giúp cho Libăng kiên trì trong việc gìn giữ căn tính của họ như gương mẫu của sự chung sống hoà bình và huynh đệ giữa các tôn giáo khác nhau.
Vấn đề di dân
Trong bài nói chuyện Đức Thánh Cha cũng đề cập đến vấn đề di dân khi nhắc lại chuyến viếng thăm đảo Lesbos của Hy Lạp, nơi ngài tận mắt chứng kiến lòng quảng đại của những người đón tiếp người di dân, nhưng trên hết là gương mặt của họ, với đôi mắt nói lên những nỗ lực trong hành trình, nỗi sợ hãi về tương lai bất định, nỗi đau rời xa người thân và nỗi nhớ quê hương. Đức Thánh Cha nói: “Trước những gương mặt đó, chúng ta không thể thờ ơ hay núp sau những bức tường và hàng rào kẽm gai với lý do bảo vệ an ninh hay một phong cách sống.”
Ngài nói tiếp: “Vấn đề di cư, cùng với đại dịch và biến đổi khí hậu, đã chứng minh rõ ràng rằng chúng ta không thể được cứu một mình và tự mình: những thách thức lớn của thời đại chúng ta đều mang tính toàn cầu.” Từ đó Đức Thánh Cha bày tỏ lo âu về tình trạng bất đồng trong các giải pháp. Ngài nhấn mạnh rằng cần phải phục hồi ý thức của chúng ta về căn tính chung như một gia đình nhân loại duy nhất.
Khủng hoảng lòng tin trong quan hệ ngoại giao đa phương
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha lưu ý về cuộc khủng hoảng lòng tin trong quan hệ ngoại giao đa phương do sự giảm sút uy tín của các hệ thống xã hội, chính phủ và liên chính phủ. "Các nghị quyết, tuyên bố và quyết định quan trọng thường được đưa ra mà không có quá trình đàm phán thực sự mà ở đó tất cả các quốc gia đều có tiếng nói. Sự mất cân bằng này, hiện đã rõ ràng một cách đáng kể, đã gây ra sự bất bình đối với các cơ quan quốc tế từ phía nhiều quốc gia; nó cũng làm suy yếu hệ thống đa phương nói chung, với kết quả là nó ngày càng trở nên kém hiệu quả hơn trong việc đương đầu với các thách thức toàn cầu."
Theo Đức Thánh Cha, "ngoại giao đa phương được kêu gọi phải thực sự bao trùm, không hủy bỏ nhưng tôn trọng những khác biệt và nhạy cảm đã ghi dấu ấn trong lịch sử của các dân tộc khác nhau." Như thế nó sẽ tìm lại được sự tin tưởng và hiệu quả khi đối mặt với những thách đố đang đến. Điều này cần có sự tin tưởng lẫn nhau và sự sẵn sàng đối thoại.
Đối thoại và tình huynh đệ
Đối thoại và tình huynh đệ là hai trọng tâm thiết yếu trong nỗ lực của chúng ta để vượt qua khủng hoảng của thời điểm hiện tại. Tuy nhiên chiến tranh và xung đột trên thế giới đang gia tăng. Đức Thánh Cha mời gọi “toàn thể cộng đồng quốc tế phải giải quyết nhu cầu cấp thiết là tìm ra giải pháp cho những cuộc xung đột bất tận mà đôi khi xuất hiện như những cuộc chiến tranh ủy nhiệm thực sự. Ngài nghĩ đến các nước đang chịu chiến tranh xung đột như Syria, Yemen, Libăng, Myanmar, vv.
Đức Thánh Cha nói rằng "những xung đột này càng trở nên trầm trọng hơn do lượng vũ khí dồi dào trên tay và sự vô lương tâm của những người luôn cố gắng cung cấp chúng. Đôi khi, chúng ta tự đánh lừa mình khi nghĩ rằng những vũ khí này dùng để xua đuổi những kẻ xâm lược tiềm ẩn." Đức Thánh Cha nói: "Tòa thánh tiếp tục kiên định khẳng định rằng trong thế kỷ XXI, vũ khí hạt nhân là phương tiện phản ứng không đầy đủ và không phù hợp trước các mối đe dọa an ninh, và việc sở hữu chúng là trái đạo đức. Hoạt động sản xuất của chúng chuyển hướng các nguồn lực dành cho sự phát triển toàn diện của con người và việc sử dụng chúng không chỉ gây ra những hậu quả thảm khốc về nhân đạo và môi trường, mà còn đe dọa sự tồn tại của nhân loại."
Giáo dục và việc làm
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc lại Sứ điệp của ngài cho Ngày Hoà bình Thế giới năm 2022, trong đó ngài nêu bật những yếu tố để cổ võ một nền văn hoá đối thoại và huynh đệ, đó là giáo dục và việc làm. Đức Thánh Cha khuyến khích các đại sứ cạnh Toà thánh “đừng sợ dành chỗ cho hoà bình trong cuộc sống của chúng ta bằng cách nuôi dưỡng đối thoại và tình huynh đệ.” (CSR_79_2022).
Hồng Thủy - Vatican News