TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Vài nét hướng tới một Giáo hội hiệp hành

Thứ ba - 11/01/2022 18:12 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Đỗ Quang Khang |   1185
Giáo phận Bắc ninh chúng ta đã long trọng khai mạc thượng hội đồng giám mục lần thứ XVI cấp giáo phận với chủ đề: Hướng tới một giáo hội hiệp hành.
Vài nét hướng tới một Giáo hội hiệp hành

VÀI NÉT GỢI Ý ĐỂ HƯỚNG TỚI MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

WGPBN (09.01.2022) - Vào Chúa nhật I Mùa Vọng năm C – 28/11/2021, cùng với toàn thể giáo hội tại Việt nam, giáo phận Bắc ninh chúng ta đã long trọng khai mạc thượng hội đồng giám mục lần thứ XVI cấp giáo phận với chủ đề: Hướng tới một giáo hội hiệp hành.

1. Thuật ngữ ‘hiệp hành’ trong câu chủ đề xem ra là một ý niệm còn khá mới lạ đối với mỗi Kitô hữu chúng ta. Vậy ‘hiệp hành’ nghĩa là gì? Theo tài liệu hướng dẫn thực hiện thượng hội đồng do Tòa thánh ban hành, khái niệm ‘hiệp hành’ hiểu đơn giản là ‘cùng nhau trên một hành trình.’ Nhưng hành trình đó dẫn chúng ta đến đâu? Để làm gì?

Tài liệu giải thích tiếp, chúng ta cùng nhau trên hành trình để thực hiện ba điều: hiệp thông, tham gia và sứ vụ.

1.1. Hiệp thông: Đây có thể là một từ ngữ đã khá quen thuộc với nhiều Kitô hữu, nhưng không dễ để đưa ra một định nghĩa cho thỏa đáng. Khái niệm ‘hiệp thông’ đơn giản có thể được hiểu như kiểu nói: ‘thuận vợ thuận chồng…’, hay ‘bằng mặt và bằng lòng nữa…’. Còn theo kiểu diễn tả của sách Công vụ tông đồ, hiệp thông chính là ‘một lòng một ý’ hay ‘đồng tâm nhất trí.’ Điều ấy được diễn tả rõ nét qua nguyên tắc sống nền tảng của cộng đoàn giáo hội sơ khai như sau: ‘Không ai trong các tín hữu phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, đem số tiền thư được đặt dưới chân các Tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu.’ (Cv 4,34-35) Như thế, giáo hội thời sơ khai đã lấy nguyên tắc ‘làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu’ như nền tảng tất yếu để xây dựng sự hiệp thông.

1.2. Tham gia: khái niệm này khởi đi từ xác tín nền tảng: cộng đoàn giáo hội là của mọi người, gia đình giáo phận là của mọi người, cộng đoàn giáo xứ là của mọi người, hội đoàn cũng là của mọi người, và gia đình là của mọi thành viên… Như thế mọi người được mời gọi tham gia xây dựng giáo hội, giáo phận, giáo xứ, hội đoàn, gia đình trong tư cách là người thuộc về.

Mỗi người có một phận vụ khác nhau để chu toàn, nhưng mọi phận vụ khi được chu toàn đều nhắm đến một mục đích chung: là xây dựng cộng đoàn. Ai có tiền của thì góp tiền của, ai có công sức thì góp công sức…làm như thế là chúng ta đang xây dựng một cộng đoàn giáo hội tham gia ở mọi cấp độ và bởi mọi thành phần dân Chúa.

1.3. Sứ vụ: Đâu là sứ vụ của mỗi Kitô hữu? Chắc chắn sứ vụ của mỗi Kitô hữu chính là được tham dự vào sứ vụ của Đức Kitô như các bản văn Tin mừng đã trình bày: ‘Người đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ và trừ quỷ.’ (Mc 1,39). Như thế, rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa bằng lời nói và bằng đời sống chính là việc làm chính yếu giúp người Kitô hữu chu toàn sứ vụ được ủy thác cho mình khi lãnh nhận bí tích rửa tội. Cụ thể, tối sáng mỗi người Kitô hữu dành ít phút để cầu nguyện với Chúa, xưng tội rước lễ, sống bác ái yêu thương, thật thà… Người Việt nam nói: ‘Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.’ Nguyên tắc ‘nội công ngoại kích’ ấy chắc chắn sẽ giúp người tín hữu chu toàn sứ vụ khi trở nên khí cụ sắc bén của Chúa Thánh Thần.

Làm được ba điều đó là chúng ta đang một hướng tới một giáo hội hiệp hành:

Cùng nhau hiệp thông: sống thuận hòa với nhau, sống bằng lòng với nhau.

+ Cùng nhau tham gia: mọi sinh hoạt trong gia đình, nơi giáo xứ và ngoài xã hội.

Cùng nhau sứ vụ: khi nỗ lực làm cho gia đình mình trở thành một tổ ấm yêu thương, làm cho giáo xứ trở thành một cộng đoàn sốt sắng, đạo đức, làm cho xã hội nơi mình đang sống được lành mạnh hơn.

2. Đâu là phương tiện để giúp chúng ta hướng tới mô hình một giáo hội hiệp hành như thế?

Tài liệu của Thượng hội đồng lưu ý chúng ta ba động từ:

2.1. Gặp gỡ: Để làm gì? Để tạo ra tương quan giữa chúng ta với nhau. Vậy nếu thời đại bây giờ gọi cho nhau bằng Viber, hay nhắn tin trên Zalo cho nhau đã là gặp gỡ chưa? Có lẽ đó mới chỉ là liên lạc hay trao đổi! Bởi sẽ rất khác, nếu chúng ta có thể diện đối diện trong ánh nhìn, trong sẻ chia, trong những tâm tình mà chỉ tương quan trực tiếp mới thể thực hiện được. Chúng ta có kinh nghiệm rất rõ thế nào là gặp gỡ trong những ngày dịp lễ Tết. Việc đến tận nhà để gặp nhau, diện đối diện, tay bắt mặt mừng – mới cho chúng ta một kinh nghiệm của gặp gỡ đúng nghĩa.

2.2. Lắng nghe: chúng ta dễ gặp gỡ để nói, chứ ít gặp gỡ để lắng nghe. Nhưng lắng nghe mới là điều Đức giáo hoàng Phanxicô muốn chúng ta thực hiện trong Thượng hội đồng lần này. Nên biết nghe người khác hơn là nói cho người khác nghe; vì biết nghe thì khó hơn là nói. Vì chính lắng nghe sẽ giúp ta hiểu người khác để cảm thông với họ, hơn là chỉ muốn nói để mong người khác hiểu và cảm thông với mình.

2.3. Phân định: Một từ khác quen thuộc trong linh đạo Kitô giáo, nhưng xem ra cũng còn lạ lẫm với anh chị em Kitô hữu. Vậy phân định nghĩa là gì?

Thông thường, chúng ta tới gặp nhau để họp bàn điều gì đó, rồi biểu quyết để thực hiện theo ý kiến của đa số. Các tổ chức xã hội dân sự vẫn quen làm như thế. Tuy nhiên, đây có thể là cơn cám dỗ cho các sinh hoạt trong mỗi cộng đoàn giáo xứ hiện nay. Vì đấy không phải là phân định.

Cộng đoàn giáo hội nếu không cảnh giác sẽ có nguy cơ thực hiện như thế trong mọi hoạt động của mình. Nghĩa là sau khi mọi người đã gặp gỡ và lắng nghe nhau, cộng đoàn sẽ đi đến biểu quyết để lấy ý kiến chung cuộc. Nhưng nhiều khi việc lấy ý kiến chung cuộc chỉ mang tính hình thức. Vì cuối cùng, ý chung cuộc cũng vẫn là ý của đức cha, hay ý của cha xứ, hoặc ý người đứng đầu hội đoàn! Điều ấy hoàn toàn có nguy cơ dẫn cộng đoàn giáo hội đi đến chỗ trở thành một tổ chức độc tài nhưng với vỏ bọc tôn giáo mà không dễ ai có thể phản kháng lại được! Bên cạnh đó, cũng có những cộng đoàn đang nỗ lực xây dựng mô hình lấy ‘giáo dân làm gốc’ như các tổ chức dân sự đang thường làm. Cha xứ, dù là người đứng đầu, nhưng chỉ đóng vai là người thừa hành mọi ý kiến chung. Tuy nhiên, cách làm này lại có nguy cơ dẫn giáo hội đi đến một mô hình xem ra lý tưởng của nhiều thể chế dân sự chủ trương dân chủ, nghĩa là mọi quyết định được thực hiện luôn là ý kiến của đa số.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu không hề dạy chúng ta xây dựng một cộng đoàn giáo hội theo kiểu một tập thể xã hội độc tài hoặc dân chủ như mọi thể chế mà nhiều quốc gia vẫn thường làm. Không!

Một cộng đoàn giáo hội của Chúa Kitô không thể là một tập thể dân chủ, càng không phải là một tập thể độc tài!

Nói như thế ta mới hiểu tầm quan trọng của từ phân định – nghĩa là sau khi mọi người đã gặp gỡ và lắng nghe nhau, chúng ta cần có thời gian để suy xét xem, dựa trên những điều chúng ta đã nghe nhau, đâu là ý Chúa? Và khi đã nhận ra được ý Chúa, cộng đoàn dốc lòng thực hiện cho bằng được. Làm như thế mới gọi là phân định.

Bộ ba chân vạc – gặp gỡ, lắng nghe và phân định – chính là phương thế giúp mỗi Kitô hữu chúng ta hướng tới một giáo hội hiệp hành: nghĩa là cùng nhau hiệp thông, cùng nhau tham gia và cùng nhau sứ vụ.

3. Chủ đề ‘hướng tới một giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ.’ của thượng hội đồng giám mục thế giới lần XVI không nhằm khích lệ chúng ta cố gắng tìm cách giải thích để hiểu hết các ý niệm được đưa ra, nhưng là một cơ hội giúp chúng ta rà soát lại lối sống đức tin của mỗi người, cũng như cách thức và nguyên tắc xây dựng trong cộng đoàn, nhiều khi đã thành thói quen, nhưng cũng tồn tại không ít những khuất tất, đang khi không dễ trong một sáng một chiều mà có thể nhận ra và giải gỡ hết được.

Thời gian thực hiện thượng hội đồng giám mục thế giới lần XVI cấp giáo phận, nếu nhìn trong lăng kính của Thánh Phaolô, thì ‘Đây là lúc thuận tiện… đây là ngày cứu độ…’ (2Cor 6,2).

Hãy đi và hãy làm như thế.’ (Lc 10,37) Lời Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta điều gì? Đã đến lúc, mỗi chúng ta hãy xắn tay áo lên và làm cho giáo hội tại mỗi địa phương mình đang sống trở thành một ‘giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ.’

Bắc Ninh, 9 tháng 01 năm 2022

+Giuse Đỗ Quang Khang

Giám mục phó Bắc Ninh

Nguồn: giaophanbacninh.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây