Trong sứ điệp, trước hết Đức Thánh Cha nhắc lại rằng, khi thực phẩm không được sử dụng đúng cách, bị thất thoát hoặc lãng phí, là người ta đang sống một "nền văn hóa vứt bỏ". Đây chính là biểu hiện của sự không quan tâm đến những gì có giá trị cơ bản.
Đức Thánh Cha viết: “Cả sự thất thoát và lãng phí lương thực đều là những sự thật đáng trách, vì chúng chia rẽ nhân loại giữa những người có quá nhiều và những người thiếu những thứ cần thiết, làm gia tăng bất bình đẳng, tạo ra bất công và từ khước người nghèo”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, tiếng kêu của những người đói khát, phải được vang lên ở các trung tâm nơi đưa ra quyết định. Tiếng kêu này không thể bị im lặng hoặc bị bóp nghẹt bởi những lợi ích khác. Ngài nhắc lại: “Cần phải thu gom để tái phân phối, không sản xuất để vung vãi. Tôi đã nói điều này, và tôi sẽ không mệt mỏi nhấn mạnh, lãng phí thực phẩm là lãng phí con người”.
Để điều này không xảy ra, theo Đức Thánh Cha toàn thể cộng đồng quốc tế phải dấn thân hành động để chấm dứt “nghịch lý của sự dư thừa”, mà Thánh Gioan Phaolô II đã tố cáo tại Hội nghị Quốc tế về Dinh dưỡng vào năm 1992. Thực tế, thế giới có thực phẩm cần thiết để không ai đi ngủ với bụng đói. Tuy nhiên, vấn đề là sự công bằng xã hội, nghĩa là cách thức quản lý các nguồn lực và việc phân phối của cải phải được điều chỉnh.
Thực phẩm không thể là đối tượng của đầu cơ. Sẽ là điều gây tai tiếng khi các nhà sản xuất lớn khuyến khích tiêu dùng để làm giàu nhưng không quan tâm đến nhu cầu thực sự của con người. Mặt khác, lãng phí hoặc thất thoát thực phẩm còn góp phần đáng kể vào sự gia tăng phát thải khí nhà kính, do đó, gây ra biến đổi khí hậu và các hậu quả tai hại của nó.
Đức Thánh Cha kết luận: “Điều cấp bách hiện nay là các quốc gia, các hiệp hội và mọi người phải phản ứng một cách hiệu quả và trung thực với tiếng kêu đau lòng của những người đói khát đòi công lý. Mỗi người chúng ta được mời gọi định hướng lại lối sống của mình một cách có ý thức và trách nhiệm, để không ai bị bỏ lại phía sau và mọi người đều nhận được lương thực cần thiết, cả về số lượng và chất lượng. Chúng ta mắc nợ những người thân yêu của chúng ta, các thế hệ tương lai và những người đang bị ảnh hưởng bởi sự khốn cùng về kinh tế và hiện sinh”.
Ngọc Yến - Vatican News