Trích lời thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha nói rằng: “ngay cả khi tâm trí hoặc khả năng giác quan và trí tuệ của một người bị tổn thương, thì họ vẫn là một chủ thể con người toàn vẹn, với các quyền thánh liêng và bất khả xâm phạm của mọi thụ tạo con người” (Thánh Gioan Phaolô II, Diễn văn trước những người tham gia Hội nghị chuyên đề “Phẩm giá và quyền của người khuyết tật”, 08/01/2004). Đây là cái nhìn của Thiên Chúa dành cho mỗi người. Vì vậy, việc Giáo hội đón tiếp và gần gũi những người khuyết tật là thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình.
Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh thêm rằng bảo vệ quyền con người của họ thôi thì chưa đủ, nhưng còn cần phải dấn thân để đáp ứng những nhu cầu hiện sinh của họ nữa về các chiều kích khác nhau, thể chất, tâm linh, xã hội và thiêng liêng. Bởi vì, mọi người nam người nữ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của họ, ngoài các quyền, họ còn có những nhu cầu sâu xa hơn, chẳng hạn như nhu cầu thuộc về, tương quan và nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Điều này cũng bao hàm việc xóa bỏ mọi phân biệt đối xử và đáp ứng một cách cụ thể nhu cầu của những người khiếm khuyết về thể chất và tinh thần để họ cảm thấy được công nhận và được tham gia.
Đức Thánh Cha diễn tả ước mong tất cả các cộng đoàn Kitô hữu là những nơi mà sự “thuộc về” và “hòa nhập” không còn là những từ được nói trong một số trường hợp, nhưng phải trở thành một mục tiêu của các hoạt động mục vụ thông thường. Đức Thánh Cha nói rằng ngài xúc động khi Chúa kể câu chuyện về người cha đã tổ chức tiệc cưới cho con trai mình và khách mời không đến. Ông đã gọi các đầy tớ và nói: “Hãy đi ra các ngã đường và mời hết mọi người: già, trẻ, bệnh tật, khoẻ mạnh, người tội lỗi, người không tội…. Tất cả mọi người, không loại trừ ai.” Do đó, Đức Thánh Cha ước mong Giáo hội là nhà của mọi người, không trừ một ai. (CSR_5162_2022).
Văn Yên, SJ - Vatican News