TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng của ĐTC: Chúa nhật III thường niên

Chủ nhật - 22/01/2023 19:39 | Tác giả bài viết: |   680
Lúc 9:30 sáng Chúa Nhật, 22/1, ĐTC đã chủ sự Thánh Lễ Chúa Nhật III thường niên, Chúa Nhật Lời Chúa, cùng với rất đông các tín hữu tham dự.
Bài giảng của ĐTC: Chúa nhật III thường niên

Bài giảng của ĐTC: Chúa nhật III thường niên, 22/01/2023

Lúc 9:30 sáng Chúa Nhật, 22/1, ĐTC đã chủ sự Thánh Lễ Chúa Nhật III thường niên, Chúa Nhật Lời Chúa, cùng với rất đông các tín hữu tham dự. Trong Thánh Lễ, ĐTC trao Thừa Tác vụ Đọc sách cho ba giáo dân và Thừa Tác vụ Giáo lý viên cho bảy người khác; những giáo dân này là những người Ý, Congo, Philippines, Mexico và xứ Wales.

Sau bài Tin Mừng và giới thiệu các ứng viên, ĐTC bắt đầu bài giảng:

Chúa Giêsu rời cuộc sống ẩn dật và âm thầm của Nagiarét để đến Caphácnaum, một thành phố nằm ven biển Galilê, một nơi giao nhau, ngã tư gặp gỡ của các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau. Sự cấp bách của việc loan báo Lời Chúa thôi thúc Người để Lời Chúa được mang đến cho tất cả mọi người. ĐTC nhấn mạnh: “chúng ta thấy trong Tin Mừng, Chúa mời gọi mọi người hoán cải và Người kêu gọi các môn đệ đầu tiên để các ông cũng lan truyền ánh sáng Lời Chúa cho người khác (x. Mt 4,12-23).” Do đó, Đức Thánh Cha đã khai triển ba ý này để giúp sống Chúa nhật Lời Chúa: thứ nhất là Lời Chúa dành cho mọi người, thứ hai là Lời Chúa mời gọi hoán cải, và thứ ba là Lời Chúa tạo nên những người loan báo.

Trước hết, Lời Chúa dành cho mọi người. Đức Thánh Cha nhận xét rằng Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu luôn luôn di chuyển và luôn trên đường đến với tha nhân. Không lúc nào trong cuộc đời công khai mà Người lại tỏ ra là một người thầy tĩnh tại, một thầy dạy ngồi trên ngai toà; ngược lại chúng ta thấy Người là một người lữ hành, đi từ làng này sang làng khác, gặp gỡ nhiều gương mặt với nhiều câu chuyện khác nhau. Đôi chân của Người là đôi chân của vị sứ giả loan báo Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa (x. Is 52:7-8).

Chúa Giêsu đã rao giảng tại miền Galilê của dân ngoại, vùng ven biển, bên kia sông Giođan, bản văn nói rằng “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm”, họ là những người dân ngoại, thuộc các vùng miền và các nền văn hóa khác nhau (xem Mt 4: 15 -16). Giờ đây họ cũng có thể nhìn thấy ánh sáng. Và như thế Chúa Giêsu “mở rộng biên cương”: Lời Chúa chữa lành và nâng đỡ không chỉ dành cho những người công chính của Israel, nhưng cho tất cả mọi người; Người muốn vươn tới tận những nơi xa xôi, Người muốn chữa lành bệnh nhân và cứu vớt những kẻ tội lỗi, Người muốn quy tụ những con chiên lạc và giải thoát những tâm hồn mệt mỏi và bị áp bức. Tóm lại, Chúa Giêsu “băng ra ngoài biên giới” để nói với chúng ta rằng lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây cũng là khía cạnh nền tảng đối với chúng tôi. Nó nhắc chúng ta rằng Lời Chúa là quà tặng dành cho mọi người và do đó chúng ta không bao giờ có thể giới hạn vùng hoạt động của Lời bởi vì, vượt trên mọi tính toán của chúng ta, Lời nẩy mầm một cách tự phát, bất ngờ và không thể đoán trước (xem Mc 4:26-28), bằng cách thức và thời gian mà Chúa Thánh Thần biết. Và nếu ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, kể cả những người xa cách và hư mất nhất, thì việc loan báo Lời Chúa phải trở thành sự cấp bách ưu tiên của cộng đoàn Giáo hội, như đã từng như vậy đối với Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha ước mong các Kitô hữu không gặp phải những điều tự mâu thuẫn: là “tuyên xưng một Thiên Chúa rộng lượng trong khi một Giáo hội hẹp hòi; rao giảng ơn cứu độ cho mọi người mà lại ngăn đường đón nhận nó; biết mình được kêu gọi để loan báo Nước Trời mà lại sao lãng Lời Chúa, phân tán vào rất nhiều hoạt động thứ yếu.” Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta hãy học nơi Chúa Giêsu biết đặt Lời Chúa ở trung tâm, mở ra với mọi người, làm nên những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa, vì biết rằng Lời Chúa không được kết tinh trong những công thức trừu tượng và tĩnh tại, nhưng tạo nên từ một lịch sử năng động bao gồm những con người và biến cố, lời nói và hành động, phát triển và căng thẳng”.

Kế đến, Đức Thánh Cha nhắc đến khía cạnh thứ hai: Lời Chúa, hướng đến mọi người và mời gọi hoán cải. Thật vậy, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại trong lời rao giảng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4:17). Điều này có nghĩa là việc Chúa đến gần không phải là trung lập, chẳng ảnh hưởng gì, nhưng sự hiện diện của Người không để cho mọi sự ở yên tại chỗ, với sự bình lặng. Ngược lại, Lời của Người làm chúng ta rung động, thúc giục chúng ta thay đổi và hoán cải: Lời ấy đặt chúng ta vào tình trạng khủng hoảng vì nó là “lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi […] và lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” (Dt 4:12). Đúng vậy, như một lưỡi gươm, Lời Chúa xuyên thấu cuộc sống, làm cho chúng ta phân biệt được những cảm xúc và suy nghĩ của con tim, nghĩa là làm cho chúng ta thấy đâu là ánh sáng của điều tốt lành cần thực hiện và đâu là bóng tối của những tật xấu và tội lỗi cần phải chiến đấu. Lời Chúa khi vào trong chúng ta, biến đổi tâm trí chúng ta; Lời thay đổi chúng ta, dẫn cuộc sống của chúng ta hướng về Chúa.

Đây là lời mời gọi của Chúa Giêsu: Thiên Chúa đã đến gần bạn, vì vậy hãy nhận biết sự hiện diện của Người, dành chỗ cho Lời Người và bạn sẽ thay đổi cái nhìn về cuộc sống. Đức Thánh Cha mời gọi: hãy đặt cuộc sống mình dưới sự hướng dẫn của Lời Chúa. Đây là con đường mà Công đồng đã chỉ cho chúng ta: mọi người, kể cả các Mục tử của Giáo hội, chúng ta đều ở dưới thẩm quyền của Lời Chúa. Không phải theo sự công chính, sở thích hay khuynh hướng của chúng ta, nhưng dưới Lời duy nhất, vốn uốn nắn chúng ta, hoán cải chúng ta và đòi chúng ta hiệp nhất trong Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô.

Với điều này, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người tự đặt câu hỏi: cuộc sống của tôi tìm thấy hướng đi từ đâu và định hướng đi đâu? Hướng đi đó đến từ nhiều lời mà tôi nghe hay từ Lời Chúa hướng dẫn và thanh tẩy tôi? Và những khía cạnh nào trong tôi đòi hỏi phải thay đổi và hoán cải?

Điểm cuối cùng Đức Thánh Cha đề cập đến là Lời Chúa làm cho chúng ta trở thành những người loan báo. Chúa Giêsu đi ngang qua bờ hồ Galilê và gọi Simon và Anrê, hai anh em làm nghề đánh cá. Người mời gọi họ đi theo bằng Lời của Người, nói với họ rằng Người sẽ biến họ thành “những kẻ lưới người” (Mt 4:19). Họ không còn chỉ là những chuyên gia về thuyền, lưới và cá, mà họ còn là những chuyên gia tìm kiếm người khác. Với việc chèo thuyền và đánh cá, họ đã học cách rời khỏi bờ và thả lưới ngoài khơi, cũng vậy, họ sẽ trở thành những tông đồ có khả năng chèo đến những vùng biển rộng lớn trên thế giới, gặp gỡ anh chị em và loan báo niềm vui của Tin Mừng. Đây là tính năng động của Lời: nó lôi kéo chúng ta vào “mạng lưới” tình yêu của Chúa Cha và làm cho chúng ta thành những tông đồ, những người có được ước muốn không cưỡng lại được, đó là đưa tất cả những người họ gặp lên con thuyền của Nước Trời.

Vì thế, hôm nay chúng ta cũng hãy để cho Lời đụng chạm đến chúng ta, mời gọi chúng ta trở thành những kẻ lưới người, cảm nhận được chính Chúa Giêsu mời gọi mỗi người loan báo Lời Người, làm chứng cho Lời Người trong các hoàn cảnh hàng ngày, sống Lời ấy trong công bằng và bác ái, để “làm cho Lời ấy trở thành xương thành thịt” khi đụng chạm đến da thịt của những người đau khổ. Đây là sứ mạng của chúng ta: trở thành những người tìm kiếm những ai lạc lối, những ai bị áp bức và thất vọng, để mang đến cho họ, không phải chính chúng ta, nhưng là niềm an ủi của Lời Chúa, lời loan báo rung động của Thiên Chúa, Đấng biến đổi cuộc sống; mang đến niềm vui khi biết rằng Người là Cha và ngỏ lời với từng người chúng ta rằng: “Anh chị em, Thiên Chúa đã trở nên gần gũi với anh chị em, hãy lắng nghe Người và trong Lời của Người, anh chị em sẽ tìm thấy một món quà kỳ diệu!”

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha gởi lời cảm ơn đến “những người làm việc để đảm bảo rằng Lời Chúa được đặt trở lại trung tâm, được chia sẻ và công bố.” Ngài cảm ơn những người nghiên cứu Lời Chúa và đào sâu sự phong phú của Lời. Đức Thánh Cha cũng cảm ơn các nhân viên mục vụ và tất cả những Kitô hữu dấn thân lắng nghe và truyền bá Lời Chúa, đặc biệt là các thừa tác viên đọc sách và giáo lý viên. Ngài cảm ơn tất cả những ai đã chấp nhận lời mời gọi của ngài khi mang theo mình cuốn sách Tin Mừng ở mọi nơi và đọc nó mỗi ngày. Và cuối cùng, Đức Thánh Cha gởi lời cảm ơn đặc biệt đến các phó tế và linh mục: xin cảm ơn anh em vì đã không để Dân thánh của Chúa thiếu dưỡng chất là Lời Chúa; cám ơn anh em đã dấn thân suy niệm, sống và công bố Lời Chúa; cảm ơn vì sự phục vụ và hy sinh của anh em. Đối với mọi người, Đức Thánh Cha ước mong niềm vui ngọt ngào khi loan báo Lời cứu độ trở thành niềm an ủi và phần thưởng của mỗi người.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây