Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng lạm dụng, dưới mọi hình thức, đặc biệt lạm dụng tính dục trẻ em là điều không thể chấp nhận được. Tuổi nhi đồng thay vì được phát triển lại bị lạm dụng, bị tổn thương. Có những nạn nhân, nỗi đau này không thể xoá nhoà trong cuộc đời, cảm thấy bị kẹt giữa sự sống và cái chết.
Vì lời chứng của những người sống sót được cho là những vết thương của thân mình Chúa Kitô là Giáo hội, Đức Thánh Cha mời gọi các thành viên của Uỷ ban Toà Thánh làm việc tận tuỵ và can đảm để cho mọi người biết đến các vết thương này, tìm kiếm những ai đang phải chịu đựng đau khổ và nhìn nhận họ là những bằng chứng đau khổ của Đấng Cứu Thế.
Đề cập đến Tông hiến mới Praedicate Evangelium, trong đó ở số 78 Đức Thánh Cha đã quyết định đưa Uỷ ban Toà Thánh về Bảo vệ Trẻ vị thành niên là một phần của Giáo triều, thuộc Bộ Giáo lý Đức tin. Ngài nói rằng có người nghĩ rằng ở vị trí này những người đang làm việc bảo vệ trẻ vị thành niên có thể gặp những rủi ro về tự do suy nghĩ và hành động, nhưng đây không phải là ý định của ngài. Vì vậy Đức Thánh Cha mời gọi các thành viên của Uỷ ban cảnh giác để điều này không xảy ra.
Đức Thánh Cha nói: “Tông hiến đánh dấu một khởi đầu mới. Nhiệm vụ của anh chị em là mở rộng sứ vụ trong thế giới. Để hoạt động bảo vệ và chăm sóc những ai bị lạm dụng trở thành chuẩn mực trong mọi lĩnh vực của đời sống Giáo hội. Sự cộng tác của anh chị em với Bộ Giáo lý Đức tin và các Bộ khác sẽ phải làm phong phú thêm công việc của anh chị em, Giáo triều và các Giáo hội địa phương”.
Cuối bài nói chuyện, Đức Thánh Cha bày tỏ niềm vui vì cho tới nay những dấn thân của Uỷ ban đã đem lại kết quả. Thực vậy, theo những phúc trình đáng tin cậy thì trong những năm gần đây, tỷ lệ lạm dụng của các giáo sĩ đã giảm. Ở điểm này, Đức Thánh Cha nói: “Tôi muốn anh chị em chuẩn bị cho tôi một phúc trình về những sáng kiến của Giáo hội trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương. Lúc đầu có thể khó, nhưng cần thiết vì chúng ta cần một phúc trình đáng tin cậy về những gì đang xảy ra và về những gì phải thay đổi để những người có thẩm quyền có thể hành động”.
Đức Thánh Cha còn nhắc nhở Uỷ ban phải quan tâm đến những vấn đề khác như chăm sóc sức khoẻ và mục vụ cho các nạn nhân, như thành lập trung tâm lắng nghe và gặp gỡ ở các Giáo hội địa phương do Hội đồng Giám mục đảm trách. Ở những nơi này, các nạn nhân và gia đình có thể được chào đón, lắng nghe, đồng hành trên con đường chữa lành và nhận được công lý. (CSR_1819_2022).
Ngọc Yến - Vatican News