Bài giáo lý của Đức Thánh Cha được gợi hứng từ sách Rút:
Bà Na-o-mi nói với hai con dâu: “Thôi, mỗi người chúng con hãy trở về nhà mẹ mình.” Nhưng Rút đáp: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó, và nơi đó con sẽ được chôn cất. Xin ĐỨC CHÚA phạt con thế này và thêm thế kia nữa, nếu con lìa xa mẹ mà không phải vì cái chết !” (Rút 1,8.16-17)
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
Anh chị em thân mến, xin chào và chào mừng anh chị em!
Hôm nay chúng ta tiếp tục suy tư về người già, về ông bà, về tuổi già. Những lời này tưởng chừng như thô ráp, nhưng không, những người già thật vĩ đại và đẹp đẽ. Và hôm nay chúng ta để mình được truyền cảm hứng từ sách Rút, một viên ngọc quý của Kinh Thánh. Dụ ngôn Rút làm sáng tỏ vẻ đẹp của mối liên kết gia đình: được tạo nên bởi mối quan hệ vợ chồng, nhưng còn vượt xa nó.
Đức Thánh Cha cho thấy tình yêu gia đình theo nghĩa rộng mang lại nhựa sống cho cả cộng đồng. Ngài nói rằng, so với sách Diễm Ca thì sách Rút giống như một cuốn khác của bộ tình yêu hôn nhân. Nó diễn tả mối liên kết giữa các thế hệ, họ hàng, và toàn thể gia đình. Tình yêu gia đình như thế có khả năng khơi lại hy vọng và tương lai của họ.
Đức Thánh Cha chỉ ra rằng, câu chuyện về Rút đối ngược với những lời tầm thường về mối tương quan gia đình tạo ra bởi hôn nhân, đặc biệt về mẹ chồng, về tương quan giữa mẹ chồng và nàng dâu. “Chính vì lý do này mà Lời Chúa trở nên quý giá. Sự soi sáng của đức tin giúp mở ra một chân trời chứng tá trái ngược với những định kiến chung nhất, một chân trời quý giá cho toàn thể cộng đồng nhân loại. Tôi mời anh chị em khám phá lại sách Rút! Đặc biệt trong việc suy niệm về tình yêu và trong việc dạy giáo lý về gia đình.”
Cuốn sách nhỏ này cũng chứa đựng một giáo huấn quý giá về giao ước của các thế hệ: là nơi tuổi trẻ chứng tỏ khả năng khôi phục lòng nhiệt huyết cho tuổi già; và tuổi già tái khám phá khả năng mở lại tương lai cho những người trẻ bị thương tích. Lúc đầu, bà Na-o-mi lớn tuổi, mặc dù cảm động trước tình cảm của hai con dâu, những phụ nữ góa chồng của hai người con trai của bà, nhưng bà bi quan về số phận của hai cô con dâu khi sống trong một dân tộc không phải của họ. Chính vì vậy, bà chân thành động viên các phụ nữ trở về với gia đình để làm lại cuộc đời – họ là những phụ nữ trẻ goá chồng. Bà nói, “Mẹ không thể làm gì được cho các con.” Đây dường như là một hành động của tình yêu: một người phụ nữ lớn tuổi, không chồng không con, nhất quyết yêu cầu con dâu bỏ rơi mình. Tuy nhiên, đó cũng là một kiểu cam chịu: không thể có tương lai cho những góa phụ ngoại kiều, nếu không có sự bảo vệ của chồng họ. Rút biết điều đó và đã từ chối lời đề nghị quảng đại này, không muốn về lại nhà mình. Mối liên kết được thiết lập đã được Thiên Chúa chúc phúc: Bà Na-o-mi không thể yêu cầu bị bỏ rơi. Lúc đầu, bà Na-o-mi tỏ ra cam chịu hơn là vui vẻ với đề nghị của mình: có lẽ bà nghĩ rằng mối ràng buộc lạ này sẽ làm trầm trọng thêm rủi ro cho cả hai người. Trong một số trường hợp, khuynh hướng bi quan của người già cần được chống lại bởi sức mạnh tình cảm của người trẻ.
Thực tế, bà Na-o-mi, cảm động trước sự tận tâm của Rút, thoát khỏi sự bi quan và thậm chí chủ động mở ra một tương lai mới cho Rút. Bà hướng dẫn và khuyến khích Rút, góa phụ của con trai bà, đi lấy một người chồng mới ở Israel. Ông Bô-át thể hiện sự cao quý của mình bằng cách bảo vệ Rút khỏi những người làm công của ông. Thật không may là nguy cơ bắt nạt vẫn xảy ra ngày nay.
Hôn ước mới của Rút được cử hành và thế giới được thanh bình trở lại. Những người phụ nữ Israel nói với bà Na-ô-mi rằng Rút, người ngoại quốc, đáng giá “hơn bảy đứa con trai” và cuộc hôn nhân đó sẽ là một “phúc lành của Chúa”. Bà Na-ô-mi, ở tuổi già của mình, sẽ biết đến niềm vui khi có phần trong thế hệ mới sinh ra. Hãy nhìn xem có bao nhiêu “phép lạ” đồng hành với sự biến đổi của người phụ nữ lớn tuổi này! Bà biến đổi trở thành người sẵn sàng, với tình yêu, cho tương lai của một thế hệ bị tổn thương bởi mất mát và có nguy cơ bị bỏ rơi. Dựa trên cơ sở xác suất được rút ra bởi các định kiếnthông thường, thì các điểm tạo nên câu chuyện lẽ ra phải tạo nên các vết nứt không thể vượt qua. Nhưng ngược lại, niềm tin và tình yêu cho phép chúng ta vượt qua chúng: mẹ chồng vượt qua sự ghen tị cho con trai của mình, để yêu thương mối dây ràng buộc mới của Rút; các phụ nữ Israel vượt qua sự ngờ vực với người nước ngoài; và sự dễ bị tổn thương của cô gái đơn thân, khi đối mặt với sức mạnh của nam giới, được giải hòa bằng một sợi dây yêu thương và tôn trọng.
Và tất cả những điều này xảy ra được là vì cô gái Rút đã kiên quyết trung thành với mối ràng buộc theo quan niệm sắc tộc và tôn giáo.
Đến đây, Đức Thánh Cha nói ứng khẩu: “Và tôi nói lại những gì đã nói lúc đầu, mẹ chồng ngày nay là một nhân vật thần thoại. Tôi không nói là chúng ta nghĩ mẹ chồng như quỷ sứ nhưng chúng ta luôn coi bà là một hình ảnh xấu. Nhưng mẹ chồng là mẹ của chồng bạn, mẹ vợ là mẹ của vợ bạn. Ngày nay chúng ta có cảm giác phổ biến rằng mẹ chồng, mẹ vợ càng xa càng tốt. Không! Bà là một người mẹ, là người lớn tuổi. Một trong những điều tuyệt vời nhất của người bà là được nhìn thấy những đứa cháu của mình, khi con cái có con, họ sống lại. Hãy nhìn lại mối quan hệ của bạn với mẹ chồng / mẹ vợ: đôi khi họ hơi đặc biệt, nhưng họ đã cho bạn tình mẫu tử của vợ / chồng bạn, họ đã cho bạn tất cả. Ít nhất bạn cần làm cho họ hạnh phúc, để họ tiếp tục hạnh phúc trong tuổi già. Và nếu họ có bất kỳ sai sót nào, bạn cần giúp họ sửa chữa… Và tôi cũng muốn nói với các bà mẹ chồng / mẹ vợ rằng: hãy cẩn thận với cái lưỡi, vì cái lưỡi là một trong những tội xấu nhất của các bà mẹ chồng / mẹ vợ, vậy nên hãy cẩn thận.”
Trở lại với chuyện Rút trong Kinh Thánh. Rút đã chấp nhận mẹ chồng và làm cho bà sống lại. Và bà Na-ô-mi lớn tuổi chủ động mở lại tương lai cho Rút, thay vì chỉ biết hưởng thụ sự đỡ nâng của cô. Nếu người trẻ mở lòng biết ơn những gì họ đã nhận được và người già chủ động khởi động lại tương lai của người trẻ, thì không gì có thể ngăn cản sự nở hoa các phúc lành của Thiên Chúa giữa các dân tộc!
Tôi khuyên những người trẻ nên nói chuyện với ông bà, người trẻ nói chuyện với người già, người già nói chuyện với người trẻ. Chúng ta phải thiết lập lại cây cầu này một cách mạnh mẽ, ở đó có một dòng chảy của ơn cứu độ, của hạnh phúc. Xin Chúa giúp chúng ta, bằng cách làm này, phát triển sự hòa thuận trong các gia đình, sự hòa thuận mang tính xây dựng đi từ người già đến người trẻ nhất, là cây cầu đẹp mà chúng ta phải gìn giữ và bảo vệ.
Vatican News