TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Truyền thông Vatican bảo vệ “chiến lược hoà bình”

Thứ năm - 28/04/2022 19:33 | Tác giả bài viết: |   1154
Ông Andrea Tornielli, Tổng biên tập Vatican News của Bộ Truyền thông, cho biết chiến lược truyền thông của Vatican về cuộc chiến ở Ucraina.
Truyền thông Vatican bảo vệ “chiến lược hoà bình”

Truyền thông Vatican bảo vệ “chiến lược hoà bình” do Đức Thánh Cha thúc đẩy

Ông Andrea Tornielli, Tổng biên tập Vatican News của Bộ Truyền thông, cho biết chiến lược truyền thông của Vatican về cuộc chiến ở Ucraina.

Từ khi Nga bắt đầu tấn công Ucraina vào ngày 24/02/2022, các phương tiện truyền thông của Toà Thánh đã được huy động mạnh mẽ để làm cho mọi người biết tình trạng đau khổ của người dân Ucraina. Đức Thánh Cha và Quốc vụ khanh Toà Thánh liên tục liên lạc với Mátxcơva để giữ cho cánh cửa luôn hoạt động như một người hoà giải. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Andrea Tornielli, Tổng biên tập Vatican News đã cho biết rõ hơn về hoạt động của truyền thông Vatican trong thời gian qua.

Trong thời gian qua, Vatican News và Báo Quan sát viên Roma đã cho đăng nhiều bài viết về chiến tranh ở Ucraina, tố cáo rõ ràng trách nhiệm của Nga, trong khi Đức Thánh Cha cũng lên án hành động này nhưng ít trực tiếp hơn. Bộ Truyền thông của Toà Thánh đã có những hướng dẫn cụ thể nào về các tin liên quan đến cuộc chiến ở Ucraina?

Qua các phương tiện truyền thông, các cơ quan Truyền thông Vatican đang cố gắng hỗ trợ những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha. Vì thế, ngay từ đầu, chúng tôi đã không đặt bên xâm lược và các nạn nhân ngang hàng nhau. Rõ ràng là có một quốc gia xâm lược và một quốc gia là nạn nhân của cuộc xâm lược. Và vì thế Vatican News và Báo Quan sát viên Roma đã cho đăng những bài viết về những gì đã xảy ra trong chiến tranh không phải là điều lạ.

Việc Đức Thánh Cha bị chỉ trích vì chưa bao giờ đề cập đến tên của Vladimir Putin là một cuộc đàm luận khác. Nhưng tôi muốn nhắc lại rằng trong lịch sử của những thập kỷ gần đây, các Giáo hoàng luôn tránh nhắc đến tên trong các bài phát biểu. Chúng tôi có thể chỉ ra thực tế là trong các sự kiện ở Kosovo năm 1999, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II không bao giờ nêu tên Milosevic trong các lời kêu gọi công khai. Và sau khi NATO bắt đầu ném bom, vào lễ Phục sinh 1999, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu mở các hành lang nhân đạo.

Tiếp nối các vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trên bình diện mục vụ. Ngài gần gũi với đau khổ của các nạn nhân, và tôi muốn nói rằng những lời nói và lời kêu gọi của Đức Thánh Cha tìm cách duy trì những gì ngài đã xác định trên chuyến bay trở về từ Malta, là “chiến lược hòa bình” chứ không phải “chiến lược chiến tranh”. Ngài cũng tìm cách giữ một tia hy vọng để giữ khả năng đàm phán với tất cả các bên. Và vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên ở đây. Không ai có thể nói rằng Đức Thánh Cha đã không tố cáo rõ ràng những gì đang xảy ra. Nếu bạn đọc kỹ các bài phát biểu, Đức Thánh Cha đã làm điều đó một cách rõ ràng.

Chúng ta có thể nói rằng “để đôi tay bị dơ”, khi đối mặt với những người chỉ trích và luôn giữ liên lạc với “kẻ xấu”, là một phần trong sứ vụ của một giáo hoàng, ngay cả khi nó có nghĩa là sống theo một hình thức “tử đạo trên phương tiện truyền thông” không?

Tôi không muốn nói đó là chủ đề của “đôi tay bị dơ”. Trên tất cả, giữ cho cánh cửa rộng mở là một thái độ của Tin Mừng. Chủ nghĩa hiện thực chính trị có nghĩa là biết cách thoát khỏi tình trạng này, và xác định loại tương lai hoà bình và chúng ta có thể xây dựng.

Đây không chỉ là một cuộc xung đột khu vực giữa Nga và Ucraina, nhưng là một cuộc xung đột mà sự leo thang có thể dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba. Do đó, đối thoại vẫn là vị trí thực tế nhất, không chỉ ở tầm mức ngôn sứ nhưng còn với tầm nhìn chính trị lâu dài, vì hành động của Đức Thánh Cha luôn được định hướng.

Đức Thánh Cha không ngại nói những gì đang xảy ra thực tế. Ngài nói chiến tranh là một “sự phạm thánh” và ngài đã sử dụng những lời rất mạnh mẽ. Nhưng ngài nhận thấy rằng có hai khả thể: hoặc là đạt được thỏa thuận ngừng bắn và một số hình thức đàm phán, hoặc là sự leo thang dẫn tất cả chúng ta đến một điều gì đó thậm chí còn đáng kinh hoàng hơn.

Đức Thượng phụ Mátxcơva, vẫn là người đối thoại của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã đưa ra những lời tuyên bố rất mạnh mẽ chống lại phương Tây. Truyền thông Vatican phản ứng thế nào trước điều này?

Rõ ràng, đó là những lời thể hiện một sự đồng điệu hoàn toàn, đồng nhất với các chính sách của Điện Kremlin. Không có cách nào khác để xác định chúng… Nhưng chúng ta biết rằng có những điều đang diễn ra trong Giáo hội Chính thống Nga ở Ucraina. Ví dụ, có một bản kiến nghị có chữ ký của hàng trăm linh mục và cả một số giám mục, phê bình Thượng phụ Matxcova. Vì vậy, đây là một thời điểm rất khó khăn trong Giáo hội Chính thống. Truyền thông Vatican đã đăng các bài viết về kiến nghị này yêu cầu Đức Thượng phụ thay đổi quan điểm.

Các chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Iraq và Cộng hòa Trung Phi đã cho thấy rằng ngài không sợ những chuyến đi được gọi là “bất khả thi”. Hiện có rất nhiều trông chờ chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Kiev. Quan điểm của truyền thông Vatican đối với dự án này là gì? Thực tế là giấc mơ này đang tự hình thành một dấu hiệu, hay Vatican đã chọn chờ đợi trước khi nói về nó vì lý do thận trọng về mặt ngoại giao?

Đức Thánh Cha đã nói rõ rằng đề xuất này đang được xem xét. Nếu truyền thông Vatican nói về một giấc mơ, nó sẽ tạo cảm giác rằng giấc mơ là hiện thực. Hiện tại, đó là một đề xuất đang được xem xét. Đức Thánh Cha đã nói rất rõ ràng rằng ngài sẵn sàng làm bất cứ điều gì “nếu các điều kiện phù hợp”. Vì vậy, chúng ta phải tự hỏi những “điều kiện” này là gì.

Tôi không tin rằng vấn đề quan trọng nhất, theo quan điểm của Đức Thánh Cha, là vấn đề an ninh. Rõ ràng là vấn đề này có, nhưng chúng tôi thấy rằng Đức Thánh Cha đã thực hiện những chuyến đi rất nguy hiểm đến Iraq và Cộng hòa Trung Phi, làm ngược lại lời khuyên của mọi người…

Nhưng tôi tin rằng trên hết, mối quan tâm của Đức Thánh Cha là biết liệu chuyến đi này có thể giúp chấm dứt chiến tranh một cách cụ thể hay không. Đâu là những điều kiện cho phép một chuyến đi như vậy mang lại một bước đi cụ thể, ổn định, hiệu quả, hướng tới hòa bình? Tôi tin rằng đây là câu hỏi cơ bản liên quan đến dự án này. Trong mọi trường hợp, đó sẽ là một cuộc viếng thăm vì hòa bình, thể hiện sự gần gũi với tất cả mọi người, với các Giáo hội. Nhưng trước khi xem xét các phương thức này, trước tiên chúng ta phải biết các điều kiện cho một chuyến đi có được đáp ứng hay không.

Chương trình tiếng Nga và tiếng Ucraina của Vatican News hoạt động như thế nào trong bối cảnh chiến tranh này?

Kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công của Nga, chúng tôi đã tổ chức các cuộc họp hàng ngày mở rộng, có sự tham gia của nhiều người hơn bình thường. Chúng tôi đã dành tiếng nói và không gian cho các đồng nghiệp của chúng tôi trong những chương trình nhỏ này, những người thường xuyên liên lạc với những người thân yêu của họ và với các Giáo hội địa phương.

Thật là tốt đẹp khi cử hành thứ Tư Lễ Tro với các chương trình của Vatican News: Thánh lễ được đồng tế tại bàn thờ bởi các linh mục phụ trách chương trình tiếng Nga và tiếng Ucraina. Có một giờ cầu nguyện đặc biệt, một khoảnh khắc rất đẹp.

Vì vậy, ở đây, tại toà nhà nơi có các văn phòng của Vatican News, khi cùng làm việc hàng ngày với các đồng nghiệp người Ucraina và Nga, cuộc chiến đã chạm đến chúng tôi và làm chúng tôi xúc động mạnh mẽ. Ngoài ra chúng tôi còn cử các phóng viên tháp tùng các hồng y đi gặp những người tị nạn Ucraina.

Tình liên đới giữa các chương trình này có cho phép Vatican News trở thành kênh tiếp sức hỗ trợ nhân đạo cho Ucraina không?

Có, đã có những thông báo, và chúng tôi đã tham gia vào cuộc quyên góp được tổ chức bởi Sở Từ thiện. Và thông qua sự kết nối cá nhân của một số đồng nghiệp, chúng tôi đã chuyển thông tin về những nỗ lực liên đới được tổ chức ở Roma, để hiểu chúng tôi có thể giúp đỡ như thế nào.

Có phải thảm trạng ở trung tâm châu Âu này đã dẫn đến việc tái khám phá tầm quan trọng của các chương trình các nước nhỏ của Vatican News, sau một thời gian đặt vấn đề trong bối cảnh cải cách truyền thông Vatican?

Vatican News có 51 ngôn ngữ. Mọi ngôn ngữ đều quan trọng; tất cả văn hóa đều quan trọng. Trong một dịp như thế này, chúng tôi càng thấy rõ hơn giá trị của sự đa ngôn ngữ của một cơ quan. Điều kiện cho phép chúng tôi vẫn tiếp tục như vậy, và điều này rất tốt đẹp khi truyền thông Vatican là như thế.

Người Nga và Ucraina đã có thể tham dự buổi cử hành Thống hối và thánh hiến Nga và Ucraina cho Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ. Mỗi ngày, chúng tôi tự hỏi làm thế nào để truyền thông theo “chiến lược hòa bình”. Các cơ quan truyền thông của Vatican là cầu nối và liên hệ trực tiếp với các quốc gia này.

Nhưng chúng tôi không cần đến cuộc chiến ở Ucraina để nhận ra tầm quan trọng của các chương trình này. Việc nhận thông tin bằng ngôn ngữ mà bạn hiểu rõ là một điều rất cần thiết: ví dụ: ở Ấn Độ, hầu như mọi nơi đều hiểu tiếng Anh, nhưng các chương trình phát sóng bằng tiếng Hindi hoặc Malayalam lại mang đến điều gì đó khác. Nó cho phép một số thính giả nhận tin tức về Giáo hoàng và Tòa Thánh bằng ngôn ngữ của trái tim họ, ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Nó khác biệt và có nhiều giá trị văn hóa. Vì vậy, đa ngôn ngữ vẫn là mục tiêu trọng tâm của truyền thông Vatican.

Ngọc Yến - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây