TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kết thúc Tuần Cầu nguyện cho sự hiệp nhất

Thứ ba - 25/01/2022 18:19 | Tác giả bài viết: |   759
Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi Cầu nguyện kết thúc Tuần Cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu.
Kết thúc Tuần Cầu nguyện cho sự hiệp nhất

ĐTC chủ sự buổi Cầu nguyện kết thúc Tuần Cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu

Lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ Ba, 25 tháng 1, tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi Cầu nguyện kết thúc Tuần Cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu. Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu theo gương các Đạo sĩ cùng nhau tìm kiếm và thờ phượng Chúa. Và ngài nhấn mạnh rằng, chúng ta chỉ có thể thực hiện được hành trình hiệp nhất này khi khiêm nhường, can đảm từ bỏ ý riêng, sống tình huynh đệ và kiên trì cầu nguyện.

Đại diện các cộng đoàn Giáo hội

Tham dự giờ cầu nguyện, có Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đổng Toà Thánh Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, một số Hồng y, giám mục, linh mục và tín hữu Công giáo, và các phái đoàn thuộc các Giáo hội và cộng đoàn Kitô khác nhau. Đặc biệt, hiện diện trong giờ cầu nguyện đại kết tại đền thờ thánh Phaolô có Đức tổng giám mục Polykarpos, đại diện Đức Thượng phụ Chính Thống giáo của Constantinople, và Đức giám mục Ian Ernest, đại diện cá nhân Đức tổng giám mục Anh giáo của Canterbury ở Roma, cũng như các sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, đang đào sâu kiến thức về Giáo hội Công giáo; các sinh viên Anh giáo của Học viện Nashotah ở Hoa Kỳ; các sinh viên Chính Thống giáo và Chính Thống Đông phương đang được nhận học bổng của Uỷ ban Cộng tác Văn hoá với các Giáo hội Chính Thống.

Trước khi bắt đầu cử hành giờ cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã đến trước mộ thánh Phaolô và cầu nguyện trong giây lát. 

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn các đại diện của các Cộng đoàn Kitô giáo hiện diện và cảm ơn tất cả đã đến cầu nguyện. Ngài mời gọi: “Chúng ta hãy đón nhận mong ước chân thành của Chúa Giêsu muốn chúng ta ‘nên một’ (Ga 17,21) và, với ơn của Người, chúng ta hãy tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn.”

3 chặng trên hành trình của các Đạo sĩ

Tiếp đến Đức Thánh Cha suy tư về 3 chặng trên hành trình của các Đạo sĩ, những người giúp cho các Kitô hữu trên hành trình hiệp nhất: từ phương Đông, đi qua Giêrusalem và cuối cùng đến Bêlem. Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu theo gương các Đạo sĩ cùng nhau tìm kiếm và thờ phượng Chúa. Và ngài nhấn mạnh rằng, chúng ta chỉ có thể thực hiện được hành trình hiệp nhất này khi khiêm nhường, can đảm từ bỏ ý riêng, sống tình huynh đệ và kiên trì cầu nguyện.

“Từ phương đông”: khao khát tìm kiếm Thiên Chúa

Đức Thánh Cha giải thích chặng thứ nhất trong hành trình của các Đạo sĩ như sau: Trước hết, các Đạo sĩ lên đường “từ phương đông” (Mt 2, 1), vì từ nơi đó họ nhìn thấy ngôi sao xuất hiện. Những nhà thông thái này không hài lòng với kiến thức và truyền thống của họ, nhưng họ mong muốn biết nhiều hơn nữa. Vì vậy, được thúc đẩy bởi niềm khắc khoải tìm kiếm Thiên Chúa, họ bắt đầu một cuộc hành trình đầy rủi ro.

Cùng bước đi trên mặt đất và hướng nhìn về trời cao

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng đi theo ngôi sao của Chúa Giê-su. Chúng ta đừng để mình bị phân tâm bởi ánh sáng chói lọi của thế gian, những vì sao lấp lánh nhưng đang rơi rụng. Chúng ta đừng chạy theo cách thức nhất thời, những thiên thạch vụt tắt; chúng ta đừng theo đuổi sự cám dỗ tỏa sáng bằng ánh sáng của chính mình, tức là khép mình trong nhóm của mình và tự phòng thủ. Chúng ta hãy ngước nhìn về Trời cao, gắn chặt ánh nhìn vào ngôi sao của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy theo Người, Tin Mừng của Người, lời Người mời gọi hiệp nhất, đừng lo lắng rằng hành trình để đạt đến sự hiệp nhất trọn vẹn sẽ lâu dài và vất vả thế nào. Chúng ta hãy mong muốn và cùng nhau bước đi, nâng đỡ nhau, như các Đạo sĩ đã làm. Truyền thống thường mô tả các ngài với những y phục khác nhau, đại diện cho các dân tộc khác nhau. Nơi họ chúng ta có thể thấy phản chiếu sự đa dạng của chúng ta, những truyền thống và kinh nghiệm Kitô giáo khác nhau, nhưng cả sự hiệp nhất của chúng ta, nảy sinh từ cùng một mong muốn: hướng lên Trời và cùng nhau bước đi trên mặt đất.

Con đường hiệp nhất

Phương Đông cũng khiến chúng ta liên tưởng đến những Ki-tô hữu sống ở nhiều vùng khác nhau bị tàn phá bởi chiến tranh và bạo lực. Hội đồng các Giáo hội Trung Đông đã chuẩn bị các tài liệu giúp cho Tuần Cầu nguyện này. Những anh chị em đó của chúng ta phải đối mặt với nhiều thử thách khó khăn, nhưng với chứng tá của họ, họ cho chúng ta niềm hy vọng: họ nhắc nhở chúng ta rằng ngôi sao của Đức Ki-tô đang chiếu sáng trong bóng tối và không lặn đi; Chúa từ trời cao đồng hành và khích lệ những bước đi của chúng ta. Xung quanh Người, trên Thiên đàng, nhiều vị tử đạo cùng nhau tỏa sáng, không phân biệt hệ phái đức tin: họ chỉ cho chúng ta một con đường chính xác trên trái đất, đó là con đường hiệp nhất!

Đến Giêrusalem: thực tế khắc nghiệt

Chặng thứ hai trên hành trình của các Đạo sĩ là đến Giêrusalem. Đức Thánh Cha giải thích: Từ phương đông, các Đạo sĩ đến Giêrusalem với lòng khao khát Thiên Chúa, họ nói: “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện và chúng tôi đến để thờ lạy Người” (c.2). Nhưng từ ước muốn hướng về Trời cao, họ bị đưa trở lại thực tế khắc nghiệt của trái đất: Tin Mừng nói rằng “Khi vua Hêrôđê nghe điều này, ông đã bị bối rối và tất cả thành Giêrusalem cùng với ông” (câu 3). Tại thành thánh, các Đạo sĩ thay vì nhìn thấy ánh sáng của ngôi sao phản chiếu, họ lại gặp phải sự phản kháng của các thế lực đen tối trên thế giới. Không chỉ có Vua Hêrôđê cảm thấy bị đe dọa bởi tin tức về một vương triều khác, không bị suy đồi bởi quyền lực thế gian: cả thành Giêrusalem đều bối rối trước lời loan báo của các Đạo sĩ.

Nỗi sợ hãi trong tâm hồn

Trên hành trình hướng tới sự hiệp nhất chúng ta cũng có thể dừng lại vì cùng một lý do đã khiến dân chúng tê liệt: sự bối rối, sợ hãi. Chính nỗi sợ hãi về sự mới lạ đã làm lung lay những thói quen và cảm giác an toàn của chúng ta; đó là nỗi sợ rằng những người khác sẽ làm mất đi những truyền thống và những khuôn mẫu lâu đời của tôi. Nhưng, tận gốc rễ, đó chính là nỗi sợ hãi đang ngự trị trong tâm hồn con người, điều mà Chúa Phục Sinh muốn giải thoát chúng ta. Chúng ta hãy để cho lời mời gọi của Người sau khi phục sinh vang lên trên hành trình hiệp nhất của chúng ta: “Đừng sợ” (Mt 28,5.10). Chúng ta đừng sợ đặt các anh em của mình lên trên nỗi sợ hãi của chúng ta! Chúa muốn chúng ta tin cậy lẫn nhau và cùng nhau bước đi, bất chấp những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, bất chấp sai lầm trong quá khứ và những vết thương lòng của nhau.

Cần Lời Chúa

Câu chuyện của các đạo sĩ cũng khuyến khích chúng ta. Tại Giêrusalem, nơi của sự thất vọng và chống đối, chính nơi đó, nơi mà con đường được hướng dẫn bởi Trời cao dường như phá vỡ những bức tường do con người dựng lên, họ khám phá ra con đường dẫn đến Bê-lem. Chính các thượng tế và kinh sư là những người đưa ra các chỉ dẫn, nghiên cứu Sách Thánh (x. Mt 2, 4). Các Đạo sĩ tìm thấy Chúa Giêsu không chỉ nhờ vào ngôi sao, khi đó đã biến mất; họ cần Lời Chúa. Các Ki-tô hữu chúng ta cũng không thể đến được với Chúa nếu không có Lời sống động và hiệu quả của Người (xem Kh 4,12). Nó đã được ban cho toàn thể Dân Chúa, để được mọi người cùng nhau đón nhận, cầu nguyện và suy niệm. Do đó, chúng ta hãy đến gần Chúa Giê-su qua Lời của Người, nhưng chúng ta cũng hãy đến gần anh em của mình qua Lời của Chúa Giê-su.

Đến Bê-lem: phủ phục và thờ lạy

Và chặng cuối cùng của các Đạo sĩ là Bê-lem. Đức Thánh Cha giải thích tiếp: Tại đó, họ vào nhà, phủ phục và thờ lạy Hài Nhi (x. Mt 2,11) Cuộc hành trình của họ kết thúc như thế: cùng nhau, trong cùng một nhà, trong thờ lạy. Do đó, các đạo sĩ loan báo trước về các môn đệ của Chúa Giêsu, những người tuy khác biệt nhưng hiệp nhất, ở cuối Tin Mừng, trên núi ở Galilê, họ đã phủ phục trước Đấng Phục Sinh (x. Mt 28,17). Vì vậy, họ trở thành một dấu chỉ ngôn sứ cho chúng ta, những người khao khát Chúa, những người bạn đồng hành trên khắp các nẻo đường của thế giới, những người tìm kiếm qua Sách Thánh về những dấu chỉ của Chúa trong lịch sử. Đối với chúng ta cũng vậy, sự hiệp nhất trọn vẹn, trong cùng một nhà, chỉ có thể đến nhờ sự thờ lạy Chúa. Anh chị em thân mến, giai đoạn quyết định của hành trình tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn đòi hỏi cầu nguyện kiên trì hơn, thờ phượng Thiên Chúa.

Lòng can đảm khiêm nhường

Các Đạo sĩ thực sự nhắc nhở chúng ta rằng để thờ phượng, cần phải thực hiện một bước: trước tiên phải cúi mình. Đây là cách để chúng ta cúi xuống, gạt bỏ sang một bên sự kiêu ngạo của chúng ta, chỉ để lại Chúa ở trung tâm. Đã bao nhiêu lần lòng kiêu hãnh là trở ngại thực sự cho sự hiệp thông! Các Đạo sĩ đã can đảm bỏ lại sự trọng vọng và danh tiếng ở quê nhà, để cúi mình trong ngôi nhà nhỏ nghèo nàn ở Bê-lem; nhờ thế họ đã khám phá ra “một niềm vui rất lớn” (Mt 2,10). Hãy hạ mình xuống, bỏ lại đàng sau một số điều, đơn giản hoá cuộc sống của chúng ta: chiều nay chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm này, lòng can đảm khiêm nhường, cách duy nhất để có thể thờ phượng Chúa trong cùng một ngôi nhà, xung quanh cùng một bàn thờ.

Những món quà được Chúa ban vì ích chung

Tại Bê-lem, sau khi phủ phục thờ lạy, các đạo sĩ mở kho tàng của họ và vàng, nhũ hương và mộc dược xuất hiện (xem câu 11). Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ sau khi cùng nhau cầu nguyện, chỉ trước mặt Thiên Chúa, dưới ánh sáng của Người, chúng ta mới thực sự nhận ra những kho báu mà mỗi người sở hữu. Nhưng chúng là báu vật thuộc về tất cả mọi người, được dâng tặng và chia sẻ. Thực ra, chúng là những món quà mà Chúa Thánh Linh ban vì công ích, cho việc xây dựng và hiệp nhất của dân Chúa. Và chúng ta nhận ra điều này bằng cách cầu nguyện, nhưng cũng bằng cách phục vụ: khi chúng ta trao tặng cho những người cần giúp đỡ là chúng ta dâng cho Chúa Giêsu, Đấng đã đồng hóa chính mình với những người nghèo khổ và ở bên lề (x. Mt 25,34-40); và Người liên kết chúng ta nên một.

Vàng, nhũ hương và mộc dược: dành chỗ trên hết cho Chúa, cầu nguyện và phục vụ Chúa nơi người nghèo

Cuối cùng, Đức Thánh Cha giải thích về những lễ vật của các đạo sĩ, những thứ tượng trưng cho những gì Chúa mong muốn nhận được từ chúng ta. Đức Thánh Cha nói: Vàng, kim loại quý giá nhất, phải được dâng cho Thiên Chúa, nghĩa là vị trí trên hết phải dành cho Chúa. Chúng ta cần chiêm ngắm Người chứ không phải ngắm nhìn chúng ta; theo ý muốn của Người chứ không phải ý của chúng ta; theo đường lối của Người, không phải cách thức của chúng ta. Nếu Chúa thực sự ở vị trí đầu tiên, thì những lựa chọn của chúng ta, ngay cả những lựa chọn của giáo hội, không còn có thể dựa trên tình hình chính trị của thế giới nữa, mà dựa trên mong muốn của Thiên Chúa. Còn có nhũ hương, nhắc đến tầm quan trọng của việc cầu nguyện, là hương thơm bay lên Thiên Chúa và được Người yêu thích (xem Tv 141,2). Chúng ta đừng mệt mỏi khi cầu nguyện cho nhau và với nhau. Cuối cùng, mộc dược, sẽ được dùng để tôn vinh thân xác Chúa Giêsu bị treo trên thập giá (x. Ga 19,39), nhắc chúng ta quan tâm đến thân xác đau khổ của Chúa, bị xé nát nơi những người nghèo. Chúng ta hãy phục vụ người thiếu thốn, cùng nhau phục vụ Chúa Giêsu đau khổ!

Trở về nhà “bằng một con đường khác”: Hoán cải

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời mời gọi: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy đón nhận những chỉ dẫn của các Đạo sĩ cho cuộc hành trình của chúng ta; và chúng ta hãy làm như họ, những người đã trở về nhà “bằng một con đường khác” (Mt 2,12). Đúng vậy, giống như Sao-lô trước khi gặp gỡ Đức Ki-tô, chúng ta cần phải thay đổi cách sống của mình, đảo ngược hướng đi của thói quen và đường lối của mình để tìm ra con đường mà Chúa chỉ cho chúng ta, con đường khiêm nhường, tình huynh đệ và thờ phượng. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự can đảm để thay đổi cách sống của chúng con, để hoán cải, để làm theo ý muốn của Chúa chứ không phải ý của chúng con; để cùng nhau tiến bước, hướng về Chúa, Đấng cùng với Thánh Linh của Ngài muốn biến chúng con nên một.

Hồng Thủy - Vatican News

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây