TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kinh Truyền Tin -Chúa nhật 10/10/2021

Chủ nhật - 10/10/2021 19:00 | Tác giả bài viết: |   853
Trưa Chúa Nhật 10/10, từ cửa sổ Dinh Tông Toà, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô.
Kinh Truyền Tin -Chúa nhật 10/10/2021

Kinh Truyền Tin (10/10): Tránh kiểu đức tin kiểu “thương mại”, nhưng trong tình yêu

Trưa Chúa Nhật 10/10, từ cửa sổ Dinh Tông Toà, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trời Roma bắt đầu chuyển lạnh với buổi trưa có một chút nắng ấm, rất đông người đã đến quảng trường thánh Phêrô từ sớm để chuẩn bị cho buổi đọc kinh. Cũng có nhiều người phải đứng trên đường Hoà Giải, không vào được quảng trường do số lượng người đến cùng lúc quá đông và không kịp qua các cửa an ninh.

Bài huấn dụ của ĐTC Phanxicô trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Phụng vụ hôm nay kể cho chúng ta về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một người “có nhiều của cải” (Mc 10,22) và người đã đi qua lịch sử như là “người thanh niên giàu có” (x. Mt 19,20-22). Sự thực, Phúc âm Máccô nói về anh như thế, mà không đề cập đến tên tuổi của anh, để gợi ý rằng tất cả chúng ta có thể nhìn thấy chính mình nơi người đó, như soi vào trong gương. Thật vậy, cuộc gặp gỡ của anh với Chúa Giêsu cho phép chúng ta làm một kiểm nghiệm đức tin của mình.

Người đó bắt đầu bằng một câu hỏi: “Tôi phải làm gì để có được sự sống đời đời?” (câu 17). Chúng ta lưu ý những động từ được sử dụng: phải làm gì – để có. Đây là kiểu tôn giáo của anh: một bổn phận, một việc phải làm; “Tôi làm điều gì đó để có lại được những gì tôi cần”. Nhưng đây là một mối quan hệ mua bán với Chúa, một sự trao đổi. Trái lại, đức tin không phải là một nghi thức máy móc và lạnh lùng, là một thứ “tôi phải làm”. Nhưng đức tin là một câu hỏi về tự do và tình yêu. Đây là bài kiểm nghiệm đầu tiên: đối với tôi đức tin là gì? Nếu đức tin chính yếu là nghĩa vụ hoặc một món hàng trao đổi, thì chúng ta đang lạc đường, bởi vì ơn cứu độ là một quà tặng chứ không phải nghĩa vụ, nó miễn phí và không thể mua được. Điều đầu tiên cần làm là loại bỏ kiểu đức tin thương mại và máy móc, điều này ám chỉ hình ảnh sai lầm về một Thiên Chúa tính toán và Thiên Chúa kiểm soát, chứ không phải là một người cha. Nhiều lần, trong cuộc sống chúng ta có thể sống tương quan đức tin kiểu “thương mại” này : tôi làm điều này vì Thiên Chúa cho tôi điều này.

Trong đoạn văn thứ hai, Chúa Giê-su giúp anh thanh niên đó bằng cách trao cho anh khuôn mặt thật của Thiên Chúa. Thật vậy, bản văn nói rằng: “Người nhìn anh và đem lòng yêu mến” (c.21). Đây là nơi đức tin được sinh ra và tái sinh: không phải từ bổn phận, không phải từ việc phải làm, mà là từ cái nhìn yêu thương được đón nhận. Vì vậy, cuộc sống Kitô hữu trở nên đẹp, nếu nó không dựa trên khả năng và các dự án của chúng ta, nhưng dựa trên cái nhìn của Thiên Chúa. Chúng ta tìm có được cái nhìn của Thiên Chúa nơi việc thờ phượng, để chính mình được tha thứ trong Bí tích Hoà giải hay đứng trước Thập giá. Tóm lại, hãy để mình được Người yêu mến.

Sau câu hỏi và cái nhìn, ở đoạn thứ ba và đoạn cuối, có một lời mời của Chúa Giê-su, Người nói: “Anh chỉ thiếu một điều”. Người thanh niên giàu có còn thiếu điều gì? Một món quà, một sự nhưng không: “Hãy đi và bán những gì mình có, chia cho người nghèo” (c. 21). Đây là những gì chúng ta có lẽ cũng đang thiếu. Thường thì chúng ta làm những điều tối thiểu không bỏ được, trong khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến chỗ càng nhiều càng tốt. Chúng ta hài lòng với các bổn phận - giới luật và một vài lời cầu nguyện - trong khi Thiên Chúa, Đấng ban sự sống, yêu cầu chúng ta trải mình ra với cuộc sống! Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể thấy rõ ràng bước chuyển này từ bổn phận đến món quà; Chúa Giêsu bắt đầu bằng việc ghi nhớ các điều răn: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp...” (c. 19), rồi đến đề nghị tích cực: “Hãy đi, hãy bán, hãy cho, hãy theo ta!” (x. c. 21). Đức tin không thể bị giới hạn bởi việc “không được”, bởi vì đời sống Kitô hữu là xin vâng của tình yêu.

Anh chị em thân mến, một đức tin không hồng ân và không sẵn lòng thì không trọn vẹn. Chúng ta có thể so sánh nó với một món ăn đủ loại và bổ dưỡng nhưng thiếu hương vị, hoặc một trận cầu chơi đẹp ít nhiều nhưng không bàn thắng. Đức tin không hồng ân, không sẵn lòng, không việc bác ái rốt cuộc làm buồn rầu: giống như người thanh niên dù được chính Chúa Giêsu nhìn và yêu mến, nhưng vẫn trở về  “buồn rầu” và “sa sầm nét mặt” (c. 22) . Ngày nay, chúng ta có thể tự hỏi: “Đức tin của tôi đang ở đâu? Tôi có sống đức tin đó như một điều máy móc, như một mối quan hệ bổn phận hay lợi ích với Thiên Chúa không? Tôi có nhớ nuôi dưỡng đức tin ấy bằng cách để cho Chúa Giê-su nhìn thấy và được Người yêu mến không? Và, khi được Người lôi cuốn, tôi có đáp trả bằng một sự sẵn lòng không?

Xin Đức Trinh Nữ Maria, người đã nói lời xin vâng hoàn toàn với Thiên Chúa, một lời xin vâng vô điều kiện, cho chúng ta tận hưởng vẻ đẹp của việc biến cuộc sống trở thành một món quà.

Văn Yên, SJ - Vatican News

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây