TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kinh Truyền Tin -Trưa Chúa Nhật 27/6

Chủ nhật - 27/06/2021 23:22 | Tác giả bài viết: |   725
Trưa Chúa Nhật 27/6, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô.

ĐTC Phanxicô (27/6): Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là thiếu tình yêu

Trưa Chúa Nhật 27/6, Đức Thánh Cha đã cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha có một bài huấn dụ ngắn dành cho các tín hữu dựa theo đoạn Tin Mừng theo thánh Maccô của Chúa Nhật XIII Thường Niên.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay trong bài Tin Mừng (x. Mc 5,21-43), Chúa Giêsu gặp hai hoàn cảnh bi thảm nhất của chúng ta, là cái chết và bệnh tật. Từ những hoàn cảnh này, Chúa Giêsu đã giải thoát hai người: một bé gái, đã chết trong lúc cha cô bé đến cầu xin Chúa Giê-su giúp đỡ; và một phụ nữ bị băng huyết nhiều năm. Chúa Giê-su để cho mình được đụng chạm trước nỗi đau và cái chết của chúng ta, và thực hiện hai dấu chỉ chữa lành để nói với chúng ta rằng chẳng phải đau khổ cũng chẳng phải cái chết có lời cuối cùng. Người cho chúng ta biết rằng chết không phải là hết. Người đã vượt thắng được kẻ thù này, là điều mà chúng ta không thể tự mình giải thoát.

Tuy nhiên, trong thời điểm này, lúc mà bệnh tật vẫn là tâm điểm của các bản tin, chúng ta chú ý đến một dấu chỉ khác, đó là sự chữa lành của người phụ nữ. Hơn cả vấn đề sức khỏe, điều làm tổn hại chị hơn cả là về mặt tình cảm: chị bị chảy máu, và do đó, theo tâm lý thời đó, chị bị coi là không thanh sạch. Chị bị gạt ra ngoài lề xã hội, chị không thể có những mối quan hệ ổn định, một người bạn đời, một gia đình và những mối quan hệ xã hội bình thường. Chị sống một mình, với một trái tim đầy vết thương. Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là gì? Ung thư? Lao phổi? Đại dịch? Không. Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là thiếu tình yêu, là không thể yêu. Chị phụ nữ tội nghiệp này bị bệnh băng huyết, nhưng hệ luỵ của nó là thiếu tình yêu, bởi vì không thể hoà vào xã hội với người khác. Và sự chữa lành quan trọng nhất là về tình cảm. Nhưng nhìn thấy nó như thế nào?

Câu chuyện về người phụ nữ không tên này, mà chúng ta đều có thể nhìn thấy nơi tất cả chúng ta, là một ví dụ. Bản văn nói rằng chị đã hết sức quan tâm đến tình trạng của mình, “bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, đến tán gia bại sản, mà bệnh vẫn không thuyên giảm, lại còn thêm nặng là khác” (câu 26). Đã bao nhiêu lần chúng ta tự ném mình vào những biện pháp khắc phục sai lầm để tự thỏa mãn sự thiếu thốn tình yêu của mình? Chúng ta nghĩ rằng thành công và tiền bạc làm cho chúng ta hạnh phúc, nhưng tình yêu không thể mua được. Chúng ta nương náu trong cái ảo, nhưng tình yêu lại cụ thể. Chúng ta không chấp nhận bản thân như mình là và chúng ta ẩn sau những thủ đoạn của bề ngoài, nhưng tình yêu không phải là hình thức bên ngoài. Chúng ta tìm kiếm giải pháp từ các đạo sư và pháp sư, rồi chỉ thấy mình hết tiền và không bình an, giống như người phụ nữ này. Cuối cùng, chị chọn Chúa Giê-su và chen mình vào giữa đám đông để chạm vào áo choàng của Người. Nghĩa là, người phụ nữ tìm cách tiếp xúc trực tiếp, thể lý với Chúa Giê-su. Trên tất cả, vào thời điểm này, chúng tôi đã hiểu được tầm quan trọng của sự tiếp xúc, các mối quan hệ. Điều này cũng đúng với Chúa Giêsu: đôi khi chúng ta bằng lòng với việc tuân giữ một số giới luật và lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện, nhưng Chúa chờ chúng ta gặp Người, mở lòng ra đón nhận Người, và giống như người phụ nữ, chạm vào áo choàng của Chúa để được chữa lành. Bởi vì, khi đi vào sự thân mật với Chúa Giêsu, chúng ta được chữa lành nơi tình cảm của mình.

Điều này cần đến Chúa Giêsu. Thật vậy, chúng ta đọc thấy rằng, mặc dù bị đám đông vây quanh, Người vẫn nhìn xung quanh để tìm xem ai đã chạm vào mình. Đó là cái nhìn của Chúa Giêsu: có rất nhiều người, nhưng Người vẫn tìm kiếm khuôn mặt và trái tim đầy lòng tin. Người không nhìn chung chung tất cả, nhưng nhìn vào con người. Người không dừng lại trước những vết thương và sai lầm của quá khứ, nhưng đi xa hơn những tội lỗi và định kiến. Tất cả chúng ta đều có một lịch sử, một bí mật của riêng mình, với những điều tồi tệ của lịch sử đời mình. Nhưng Chúa Giêsu nhìn vào chúng để chữa lành. Ngược lại, chúng ta thích nhìn vào những điều tồi tệ của người khác. Chúa Giêsu không dừng lại ở vẻ bề ngoài nhưng chạm đến trái tim. Và Người chữa lành cho chị, người bị mọi người từ chối. Người dịu dàng gọi chị là “này con” (câu 34) và ca ngợi đức tin của chị, khôi phục cho chị sự tự tin.

Anh chị em thân mến,

Hãy để Chúa Giêsu nhìn và chữa lành trái tim của bạn. Và nếu bạn đã kinh nghiệm được ánh mắt dịu dàng của Người dành cho bạn, thì hãy bắt chước Người, làm như Người. Hãy nhìn xung quanh bạn: bạn sẽ thấy rằng nhiều người sống bên cạnh bạn cảm thấy bị tổn thương và cô đơn, họ cần được yêu thương. Chúa Giêsu yêu cầu bạn một cái nhìn không chỉ dừng lại ở bề ngoài, nhưng đi vào trái tim; một cái nhìn không phán xét, nhưng chào đón. Vì chỉ có tình yêu mới hàn gắn cuộc sống. Xin Đức Mẹ, Đấng An ủi của những người đau khổ, giúp chúng ta có thể dịu dàng với những người bị thương nơi con tim, mà chúng ta gặp trên bước đường của mình. Không phán xét về những thực tại cá nhân, xã hội của người khác. Thiên Chúa yêu thương tất cả! Đừng phán xét, nhưng để mình sống với người khác và tìm cách để gần gũi họ bằng tình yêu.

Văn Yên, SJ - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây