TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC tiếp phái đoàn Constantinople

Thứ ba - 29/06/2021 00:21 | Tác giả bài viết: |   846
Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng “sự trao đổi phái đoàn hàng năm này giữa Giáo hội Roma và Giáo hội Constantinople” vào lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô

ĐTC tiếp phái đoàn của Toà Thượng phụ Chính Thống Constantinople

Trong cuộc gặp gỡ Phái đoàn của Toà Thượng phụ Constantinople do Đức tổng giám mục Emmanuel dẫn đầu, theo truyền thống, về Roma tham dự lễ hai thánh Phêrô và Phaolô, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự hiệp thông đang gia tăng giữa các Kitô hữu là một dấu chỉ hy vọng cho nhiều người, những người được khuyến khích cổ võ một tình huynh đệ đại đồng và sự hoà giải có khả năng chữa lành những vết thương quá khứ. Đây là con đường duy nhất dẫn đến bình minh của một tương lai hòa bình.

 

Ngỏ lời với phái đoàn, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng “sự trao đổi phái đoàn hàng năm này giữa Giáo hội Roma và Giáo hội Constantinople” vào lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô, “là một dấu hiệu của sự hiệp thông - thực tế, mặc dù chưa đầy đủ - mà chúng ta đã chia sẻ."

Cử hành ngày lễ trong bối cảnh đại dịch

Đức Thánh Cha nhắc rằng ngày lễ được cử hành trong bối cảnh thế giới đang phấn đấu vượt qua cơn đại dịch. Ngài nhấn mạnh rằng “chỉ có một điều nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng này, đó là nguy cơ chúng ta sẽ lãng phí nó, và không học được bài học mà nó dạy. Đó là một bài học về sự khiêm tốn, chỉ cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể sống lành mạnh trong một thế giới không lành mạnh, hoặc cứ tiếp tục sống như chúng ta đã từng sống mà không nhận ra điều gì sai trái.”

Phân biệt, phân định và sàng lọc

Do đó, các Kitô hữu chúng ta được mời gọi “suy tư một cách nghiêm túc về việc liệu chúng ta có muốn quay lại làm những gì chúng ta đã làm trước đây, như thể không có gì xảy ra, hay thay vào đó là chấp nhận thách thức của cuộc khủng hoảng này.” Đức Thánh Cha giải thích: “Khủng hoảng, như nghĩa gốc của từ này, luôn bao hàm sự phán xét, phân biệt giữa tốt và xấu… Tương tự như thế, cuộc khủng hoảng hiện tại kêu gọi chúng ta phân biệt, phân định và sàng lọc, trong mọi việc chúng ta làm, giữa những gì đang tồn tại và những gì đang qua đi.”

Như thánh Phaolô dạy, điều tồn tại mãi mãi chính là tình yêu. “Đức mến không bao giờ mất được” (1Cr 13,8). Đức Thánh Cha nhấn mạnh đây là một tình yêu cụ thể , theo gương mẫu của Chúa Giêsu. Đó là tình yêu “không tìm tư lợi, không nuôi hận thù, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả” (cc. 5.7). Trong bối cảnh của đại dịch, trên con đường tiến tới hiệp thông trọn vẹn, các Kitô hữu chúng ta tự hỏi chúng ta mong muốn tiến tới như thế nào. “Chúng ta có thể co cụm vào chính mình, tìm kiếm sự an toàn và hiệu quả cho riêng mình, hoặc chúng ta có thể cởi mở với người khác, điều này mang đến rủi ro nhưng cũng là hoa trái ân sủng mà Thiên Chúa đã hứa”.

Chứng tá

Đức Thánh Cha kêu gọi phá bỏ những định kiến cổ hủ và dứt khoát, vượt qua những sự ganh đua có hại. Ngài khẳng định: “Nếu không bỏ qua những khác biệt cần được giải quyết thông qua đối thoại bác ái và trung thực, chúng ta sẽ không thể bắt đầu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa các Giáo hội của chúng ta, được đánh dấu bằng cách bước lại gần nhau hơn, bằng cách mong muốn tiến những bước thực sự về phía trước, bằng cách thực sự chịu trách nhiệm về nhau hơn. Nếu chúng ta vâng theo Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa và là Đấng đem lại sự hài hòa cho sự đa dạng, thì Người sẽ mở đường cho một tình huynh đệ đổi mới.”

Truyền thống viếng thăm nhau của các phái đoàn

Thông cáo của Văn phòng Báo chí Tòa thánh giải thích rằng theo truyền thống trao đổi phái đoàn giữa Roma và Istanbul, phái đoàn của Tòa Thượng phụ Constantinople do Đức tổng giám mục Emmanuel của Canxedonia dẫn đầu đã đến Roma vào Chúa Nhật. Đức Giám mục Iosif, Tổng giám mục Chính thống giáo Hy Lạp của Buenos Aires, và Phó tế Barnabas Grigoriadis đã tháp tùng phái đoàn.

Cuộc trao đổi diễn ra hàng năm đánh dấu các ngày lễ tương ứng của các vị Thánh Bảo trợ của hai Giáo hội: ngày 29/6, lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô của Giáo hội Roma; và ngày 30/11, lễ Thánh Anrê của Giáo hội Istanbul.

Thông cáo cho biết thêm rằng phái đoàn đã được Đức Thánh Cha tiếp và sau đó, đã gặp gỡ Hội đồng Tòa Thánh cổ võ. Hiệp nhất Kitô hữu. Thứ Ba, 29/6, phái đoàn sẽ tham dự Thánh lễ trọng thể do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại đền thờ thánh Phêrô. (CSR_4680_2021).

Hồng Thủy - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây