TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

LỄ KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ DUY LINH

Thứ hai - 03/05/2021 06:00 |   1453
LỄ KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ DUY LINH

LỄ KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ DUY LINH


Từ 7giờ sáng ngày 28/10/2008, dưới ánh nắng ban mai êm dịu của những ngày cuối thu, từ trên dốc cao phía Bắc thành phố Buônmathuột, người ta có thể nhìn thấy dòng người đổ về thung lũng Suối Bà Hoàng, để “lên Đền”- Bên kia thung lũng, một ngôi thánh đường giáo họ vừa mới được hoàn thành, với tháp chuông vươn cao vút trên nền trời xanh thẳm, chung quanh thánh đường có những hàng cây tùng bách thẳng tắp. Những lá cây bên đường lung linh trước gió như đón chào quan khách. Những dải cờ đủ sắc màu giăng mắc đó đây, tiếng nhạc thánh ca từ những loa phóng thanh ngân vang xa càng làm cho lòng người thêm rộn rã. Bà con giáo họ rất hân hoan.

Đúng 9giờ đoàn rước ĐGM Giám quản tông tòa Phaolô Nguyễn Văn Hòa và trên 40 Linh mục thuộc giáo phận BMT tiến về tiền sảnh giáo đường trong tiếng nhạc hoành tráng của ban kèn đồng. ĐGM làm phép chuông và cắt băng khánh thành nhà thờ giáo họ Duy Linh. Sau nghi thức xông hương và làm phép bàn thờ và nhà thờ, cao điểm và quan trọng nhất vẩn là Thánh lễ đồng tế Tạ ơn Thiên Chúa.

Trong bài giảng, ĐGM đã ân cần nhắc nhở mọi Kitô hữu có nhiệm vụ chuyển ơn Cứu Độ và Tình yêu của Đức Kitô nhận từ nơi Thánh đường được cụ thể hóa đến những người chung quanh qua cuộc sống đời thường, lan tỏa đến mọi nơi, không phân biệt tôn giáo, vùng miền, và phải thực hiện trong sự hiệp nhất với Hội Thánh của Chúa Giêsu, trong Tinh thần là Đức Chúa Thánh Thần và Chân lý là Đức Kitô…

Tham dự thánh lễ còn có đại diện các dòng tu trong giáo phận, đại diện Tôn giáo bạn, đại diện Chính quyền các cấp và đông đảo bà con giáo dân xa gần. Buổi lễ diễn ra thật trang nghiêm, sốt sắng…


Theo kỷ yếu giáo phận Banmêthuột, từ năm 1948 thị xã Banmêthuột được mệnh danh là “Hoàng triều cương thổ” (Domaine de la couronne). Sở dĩ có biệt danh này là vì từ khi vua Bảo Đại lên ngôi, ngoài những lần sang Pháp để bàn quốc sự, khi trở về Việt Nam, vua thường ở Banmêthuột hơn là ở kinh đô Huế. Vì thế công chức và quân đội cùng gia đình của họ được đưa lên sống tại Banmêthuột. Ngoài ra, sau 1954 số người di cư đến đây lập nghiệp cũng khá nhiều…Vì thế năm 1962, trước khi giáo phận Banmêthuột được thành lập (1967), cha cố J.B Trần Thanh Ngoạn, Chính xứ giáo xứ Thánh Tâm, kiêm Hạt trưởng hạt Banmêthuột, đã thai nghén ý định lập một Họ đạo nằm bìa rừng phía Bắc của thị xã.- một thung lũng với dòng suối trong xanh hiền hòa lượn khúc, rất tiện lợi cho việc trồng trọt hoa màu. Nơi đây có một số gia đình công giáo di cư từ Bắc đến đây lập nghiệp. Họ là những nông dân cần cù, chân chất, quen lề thói quê cũ nên rất siêng năng kinh sách ở nhà thờ. Từ sáng sớm họ đến nhà thờ giáo xứ Thánh Tâm dự lễ, phải đi qua những đoạn đường đất đỏ, vượt một con dốc cao dài khoảng 01 cây số. Vào mùa đông, những luồng gió thổi mạnh cuốn theo bụi đất mù mịt, nhiều lúc phải quay người ngược chiều gió để bụi khỏi tạt vào mặt. Mùa mưa đường dốc trơn trượt như bôi mỡ, việc đi lại rất khó khăn. Thế mà họ vẫn siêng năng đi dự lễ mỗi buổi sớm. Đối với họ Thánh Thể là lương thực tinh thần không thể thiếu được.

Tuy rất mong muốn có nhà nguyện, nhưng vì cuộc sống của bà con giáo dân còn khó khăn nên mãi đến 1965, hai gia đình ông Micae Vũ Đình Cư và ông Đaminh Lê Văn Đạm dâng hiến phần đất hơn 3.500m2 làm mặt bằng, cha sở và 18 gia đình công giáo ở đây cùng một số ân nhân khác đã xây ngôi nhà nguyện 60m2 gồm 3 gian lợp tôn. Ngày 25/11/1965, cha JB.Trần Thanh Ngoạn đã dâng thánh lễ đầu tiên, bà con giáo dân vui mừng khôn xiết. Năm 1966, cha sở giúp thực hiện một nhà hội chung bằng gỗ Trong buổi họp đầu tiên, các gia trưởng đã nhất trí đặt tên là giáo họ Duy Linh ( duy nhất một Thần Linh), theo người công giáo Thần Linh đó chính là Thiên Chúa, Gioan thánh sử định nghĩa : “Thiên Chúa là Tình yêu”, vì thế trên mặt tiền nhà thờ Duy Linh có ghi hàng chữ THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU.

Đầu năm 1967, vì thời cuộc, cha Irênê Nguyễn Bình Tĩnh, nguyên chánh xứ giáo xứ Quảng Nhiêu, được Đức Giám mục Paul Seizt đưa về tạm trú tại nhà thờ Duy Linh. Tuy chỉ giúp trong thời gian ngắn, nhưng ngài rất quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của bà con giáo dân, nhờ đó giáo họ có ghế quỳ, chuông, trống và những đồ dùng phụng tự. Ngày 15/10/1967, cha Chính Trần Thanh Ngoạn đã chính thức lập bộ hộ tịch cho giáo họ Duy Linh - đứa con đầu lòng của giáo xứ Thánh Tâm, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng. Một số nữ tu dòng Nữ Vương Hòa Bình, được gởi đến, mở 2 lớp mẫu giáo và 01 lớp một, giúp các trẻ em về văn hóa và giáo lý. Cuối năm 1967, tình hình yên ổn, cha Nguyễn Bình Tĩnh trở về lại giáo xứ Quảng Nhiêu. Cho đến nay người giáo dân Duy Linh vẫn coi ngài như Cha Bổn sở của họ. Năm 1969, cha Giuse Trịnh Chính Trực, nguyên Quản xứ giáo xứ Thánh Tâm, xây thêm một phòng áo và 2 phòng giáo lý. Đời sống bà con giáo họ rất đạo đức, sống chan hòa yêu thương.

25 năm sau, năm 1994, qua gợi ý của ĐGM Giuse Trịnh Chính Trực, cộng đoàn tu viện Nữ Vương Hòa Bình chia sẻ cho giáo họ 1.500m2, nâng tổng diện tích hơn 5.000m2.

Sau 1975, nhờ sự quan tâm, nâng đỡ về mọi mặt của các đời cha quản xứ giáo xứ Thánh Tâm, đặc biệt là cha Antôn Vũ Thanh Lịch, nguyên quản xứ giáo xứ Thánh Tâm, và cha Đaminh Hà Duy Khâm, từ 18 gia đình công giáo (1965) đến nay đã tăng 265 gia đình với 1.250 nhân danh, nên ngôi nhà thờ cũ đã trở nên quá tải mặc dù đã mấy lần tu sửa.

Sau khi được sự đồng ý của giáo quyền và chính quyền, ngày 11/04/2007 giáo họ khởi công xây nhà thờ mới với diện tích 742m2, ĐGM Phaolô Nguyễn Văn Hòa cử hành nghi thức đặt Viên đá đầu tiên vào ngày 26/06/2007. Sau hơn 18 tháng thi công, cộng đoàn giáo họ Duy Linh đã có một ngôi thánh đường khang trang nằm trên sườn đồi cao, có núi Đức Mẹ lớn trong khuôn viên rộng rãi.Từ tiền đường nhà thờ người ta có thể nhìn thấy những vườn rau xanh tươi dưới chân đồi, tạo nên một khung cảnh yên tĩnh, thanh bình. Phóng tầm mắt qua thung lũng, nhìn lên đầu dốc là mặt sau của những dãy nhà xây đủ kiểu dáng san sát nhau của một khu thành phố ồn ào xe cộ. Tuy nhiên vẫn không làm mất vẻ trang nghiêm và thanh bình của ngôi thánh đường giáo họ Duy Linh . Có lẽ vì yêu thích vẻ thanh tịnh mà nhiều người từ nơi khác cũng đến đây dự lễ vào những chiều chủ nhật.
ANH THƯ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây