TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chủ Chăn GP Xuân Lộc - Tháng 11/2021

Chủ nhật - 31/10/2021 22:00 | Tác giả bài viết: Gm Gioan Đỗ Văn Ngân |   1415
Lời Chủ Chăn Gp. Xuân Lộc: ‘Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện’ (Lc 11:1)
Lời Chủ Chăn GP Xuân Lộc - Tháng 11/2021

Lời Chủ Chăn Giáo phận Xuân Lộc 

Tháng 11 – 2021

‘LẠY THẦY, XIN DẠY CHÚNG CON CẦU NGUYỆN’ (Lc 11: 1)

Quý Cha và Quý Tu sĩ mến,

Tại quảng trường Thánh Phêrô, ngày 21 tháng 3 năm 2007, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã trình bày cuộc đời Thánh Giustinô, Triết gia và vị Tử đạo, một Giáo phụ nổi bật thế kỷ thứ hai. Thánh nhân trải qua thời gian dài tìm kiếm chân lý, tìm hiểu nhiều trường phái triết học Hylạp khác nhau. Sau cùng, như chính Ngài thuật lại trong chương đầu của cuốn ‘Đối Thoại với Tryphon’, cuộc gặp gỡ với một nhân vật bí nhiệm truyền cho Ngài phương thế đạt ‘triết lý đích thực:

‘Một cụ già Ngài đã gặp trên bờ biển, khởi sự dẫn dắt ngài thấy rằng: về mặt con người, thật không thể thoả mãn được khát vọng hướng tới thần linh của ngài chỉ bằng sức lực riêng của mình. Và rồi người đó chỉ cho thấy những vị tiên tri xa xưa là những người ngài có thể tìm đến để tìm ra con đường đến với Thiên Chúa và ‘triết lý đích thực’. Lúc chuẩn bị ra đi, cụ già này thúc giục ngài hãy cầu nguyện để xin cho những cánh cổng ánh sáng được mở ra với ngài’.[1]

Tháng 11 về, ngay từ ngày đầu tháng, Giáo hội nâng lòng chúng ta về quê thật phúc thật: ‘Anh em là những người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa’ (Ep 2: 19)

Tháng 11 về, bên phần mộ và trước di ảnh các Tiền Nhân, theo làn hương quyện bay, chúng ta tưởng niệm:

‘Công cha ba năm tình thâm lai láng,
Nghĩa mẹ đậm đà chín tháng cưu mang.
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,
Biết lấy chi đền nghĩa khó khăn…’

 

Tháng 11 về khơi lên trong ta khát khao của các Tông đồ: Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện’ (Lc 11: 1)

1. Những tâm tư sâu lắng

a. Đôi dòng này đến tay Quý Cha và quý Tu sĩ vào lúc đại dịch Covid-19 tạm lắng, nhưng còn đọng lại những tấm lòng mục tử, những bàn tay nhân ái …nâng đỡ chăm sóc cộng đoàn dân Thiên Chúa…những gia đình lương dân túng thiếu…những bệnh nhân trong các bệnh viện dã chiến và những người trong các khu cách ly. Quý cha đã hết mình cho đoàn chiên, làm nên những cộng đoàn sinh động trong bác ái và tất cả chúng ta chứng kiến ơn Chúa ‘Vò bột không vơi, choé dầu không cạn’ (1V 17: 14), càng cho đi lại càng có thêm…

b. Trong một bệnh viện dã chiến, bác sĩ Giám đốc đã gọi các thiện nguyện viên đến khu vực quàn xác những người quá cố vì covid-19, được bọc trong những tấm nhựa thô sơ, tuy ông chưa chung niềm tin với chúng ta, ông đã xin thiện nguyện viên nguyện cầu cho họ…

c. Nếp sinh hoạt hiện đại, cuộc mưu sinh thời công nghiệp…nằm ngổn ngang trên con đường tìm đến sự thinh lặng và hồi tâm…Tình trạng bất an tinh thần do cuộc sống bị thúc đẩy bởi tốc độ của một xã hội công nghệ cao…Và tự đáy lòng, phận người luôn mang nỗi trống trải, khắc khoải tìm lẽ sống…

d. Những sự việc đang diễn ra ào ạt…khơi lên trong ta lòng khao khát của tông đồ xưa: ‘Lạy Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện…’ (Lc 11: 1)

2. Mạc khải về cầu nguyện

a. Ngày nay cuộc sống mở rộng, tiếp xúc đa phương đa chiều. Những quan hệ liên tôn được thiết lập, từ đó một số Kitô hữu muốn hội nhập những phương thức cầu nguyện của các tôn giáo bạn. Trong hoàn cảnh Giáo phận Xuân Lộc, nhiều khu vực chúng ta sống chung với anh chị em Phật giáo nên các dạng tu tập Thiền thường được nhắc đến…Có những người nồng nhiệt muốn hội nhập cái bên ngoài mà có lẽ chưa hiểu cho đủ điều sắp tiếp thu, chẳng hạn chưa phân biệt Yoga (một trong lục phái, liên hệ mật thiết với phái Samkhya, thời hậu Veđa, sau Upanisad) với Thiền (Thiền Tông, thế kỷ 6 sau Chúa Giáng Sinh, do sư tổ Bồ-đề Đạt-ma từ Ấn độ qua Trung Hoa, thuộc Phật giáo Đại Thừa), hay chưa hiểu quan niệm căn bản của Phật Giáo Đại Thừa: Trung Quán tông, Duy Thức tông…

b. Điều cơ bản cần xác nhận: Cầu nguyện luôn đi liền làm một với lòng tin của tôn giáo mình đón nhận. Giữa đạo Hinđu, đạo Phật so với đạo Công giáo, Thượng đế học, Nhân học và Cứu độ học… khác hẳn nhau.

c. Một Phật tử niệm Phật, hành thiền… mang trong lòng mục tiêu giáo lý nhà Phật. Một Kitô hữu cầu nguyện ấp ủ trong lòng tình yêu… trong sự thật về Thiên Chúa và sự thật của một người, được Thiên Chúa yêu thương tác thành bao bọc chở che. Đây là cuộc đối thoại riêng tư, thân mật, sâu xa giữa người ấy và Thiên Chúa. Đây là sự thông hiệp của thụ tạo vào Thiên Chúa Ba Ngôi, đặt nền tảng trên ‘Lời đem đến sự sống đời đời’ (Ga 6: 68), trên Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Giáo hội. Cầu nguyện đích thực là cuộc gặp gỡ giữa hai tự do, tự do vô hạn của Thiên Chúa và tự do hữu hạn của con người. Cầu nguyện đích thực vốn bao gồm nỗ lực hoán cải, là một ‘cái phi’, vươn lên từ ‘cái mình’ của tôi, tới ‘cái Ngài’ của Thiên Chúa mà Đấng ngàn trùng siêu việt vẫn không triệt tiêu ‘cái ngã’ của tôi.

d. Mạc khải về cầu nguyện đứng trên bốn trụ cột:

- Trước hết, qua sách Sáng Thế, mạc khải về cầu nguyện dựa trên nguồn cội và phẩm tính của con người: ‘Thiên Chúa đã phán: Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta, như hoạ ảnh của Ta’ (St 1: 26). Thực tại này hàm ẩn sâu xa khả năng, sự thông hiệp cùng Thiên Chúa và nghĩa lý của nguyện cầu. Thực tại cao cả này cũng nằm ở trung tâm mạc khải về tội nguyên tổ. Chính hình ảnh Thiên Chúa nơi con người do tội nguyên tổ làm bầm dập kéo theo nỗi khó khăn trong tương quan với Thiên Chúa khi cầu nguyện. Các Giáo phụ đã đặt cầu nguyện trên nền tảng con người là ‘hình ảnh, hoạ ảnh’ Thiên Chúa. Mục đích của cầu nguyện là càng ngày càng trở nên trong suốt với Thiên Chúa, được ‘biến đổi vào Thiên Chúa’, được ‘thần hoá’.

- Thứ hai, Giao ước Thiên Chúa ký kết với con người là nền tảng cầu nguyện. Đã diễn ra theo dòng lịch sử cứu độ, Giao ước thời Nôê, Abraham, Giacóp (Israel), Môsê …Qua Giao ước, Thiên Chúa nâng đoàn dân thành Dân được chọn, dân riêng của Thiên Chúa. Các Tiên tri rất nhiều lần, đã đánh thức dân về sự bất trung với Giao ước…từ tình huống này, nảy sinh nguyện cầu. Chính trong nguyện cầu, vừa mang chiều kích cá nhân vừa cộng đoàn… dân Chúa nhận thức mình tuỳ thuộc Thiên Chúa, mình cần tình yêu Thiên Chúa và cao rao những kỳ công và vinh quang Thiên Chúa… Trải qua hai cuộc lưu đày và những biến cố bi ai của lịch sử, những người còn trung thành cầu nguyện hướng lòng lên Đức Chúa làm thành ‘số nhỏ còn lại’ (le petit reste).

- Thứ bachiều kích Kitô. Với Tân Ước trong Máu Chúa Kitô, cầu nguyện là hoạt động cơ bản và trung tâm của Giáo hội. Đây là cộng đoàn những người thuộc về Chúa Kitô nhờ đã được Thánh Tẩy. Trong Chúa Kitô các tín hữu đến trước Chúa Cha, Đấng lắng nghe và đáp ứng những lời nguyện cầu. Giáo hội xác tín chúng ta là ‘con trong Đấng là Con’, thông hiệp cùng Chúa Cha (Ga 14-17), trong mối dây ‘yêu mến’ liên kết: ‘Chính Cha yêu các con bởi các con đã yêu Ta’ (Ga 16: 27)

- Thứ tư, chiều kích Thánh Thần. Thánh Gioan và Phaolô đưa ta vào chiều sâu của sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong nguyện cầu. Thánh Gioan chiêm ngắm Chúa Thánh Thần là Đấng Bầu cử, Đấng Bầu Chữa và Đấng Ủi An…luôn luôn ở cùng chúng ta: ‘Đấng Bầu Chữa, Thánh Thần Cha sẽ sai đến nhân danh Ta, chính Ngài sẽ dạy các con mọi sự, và sẽ nhắc cho các con nhớ lại mọi điều Ta đã nói với các con’ (Ga 14: 26)…’Đấng Bầu Chữa đến, Đấng Ta sẽ gởi đến từ nơi Cha, Thần Khí sự thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta’ (Ga 15: 26). Thánh Phaolô đưa chúng ta vào thực tại Chúa Thánh Thần ‘sống động’ trong chúng ta, dẫn ta thông hiệp cùng Chúa Cha, chuyển cầu giúp chúng ta bằng những than thở khôn tả ‘Abba’ như Chúa Giêsu: ‘Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa dẫn đưa, thì họ là con cái Thiên Chúa…Thần Khí của hàng nghĩa tử, nhờ đó ta kêu lên: ‘Abba, lạy Cha…’ đồng thừa tự với Đức Kitô, một khi ta cùng cam chịu khổ với Ngài, để rồi cùng chia phần vinh hiển với Ngài’ (Rm 8: 14. 15. 17)

3. Con đường Giêsu, ‘Đàng và sự thật, sự sống, chính là Ta!’ (Ga 14: 6)

a. Nội dung thiết yếu của cầu nguyện đi trong hướng đôi của chuyển động: Chính trong Chúa Thánh Thần mà Chúa Con đi vào trong thế gian để hoà giải thế gian với Chúa Cha, thì cũng trong cùng một chuyển động và trong cùng một Chúa Thánh Thần, Chúa Con nhập thể trở về với Chúa Cha, sau khi hoàn tất Thánh Ý Chúa Cha bằng bản thân hiện hữu hiến mình, mà đỉnh cao là hy tế Thập giá và Phục Sinh vinh hiển của Người.

b. Qua chuyển động đôi nàyChúa Giêsu, Thiên Chúa-Nhập Thể nổi bật lên vai trò chiếc cầu nối bắc ngang qua vực thẳm cách biệt ngàn trùng giữa Thiên Chúa và con người, là con đường vượt qua giữa đêm tối mịt mù của tội lỗi và chết chóc đến cùng Thiên Chúa. Đức Tin Giáo hội nhận biết nơi Người sự tự mạc khải dứt khoát của Thiên Chúa, mạc khải tình yêu thân tình thâm sâu nhất nơi Thiên Chúa, mạc khải tình yêu thiết tha dành cho con người bất chấp sự cách biệt ngàn trùng giữa Đấng tuyệt đối siêu việt với con người thân phận bấp bênh tro bụi.

c. Trên con đường ‘Giêsu’, nhân tính của Người giữ vai trò quan trọng, đáp ứng cấu trúc tiếp nhận tri thức của con người. Mắt thấy, tai nghe và trí lòng nghiệm được thực tại vô hình, thực tại siêu việt thiên linh. Thánh Têrêsa Avila bác bỏ mạnh mẽ cám dỗ của một số phương pháp không lấy nguồn từ Tin Mừng, những phương pháp này đề nghị loại bỏ nhân tính của Chúa Giêsu, để cho tâm trí trống ‘không’, nghiệm được cái ‘không’, thuận theo sự dìm mình một cách mơ hồ vào vực thẳm của thiên tính[2]Tôn sư Eckhart nói về sự chìm đắm ‘trong vực thẳm mơ hồ của thần tính là một nơi tối tăm mà Chúa Ba Ngôi không bao giờ chiếu sáng’[3]Không thể đồng hoá cái ‘không’ ấy với sự uy nghi của Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Giêsu Kitô. Thực là sai lầm khi sử dụng trào lưu ‘Thần học tiêu cực’ đến nỗi phủ nhận ‘không chỉ việc suy niệm những công trình cứu độ được Thiên Chúa hoàn tất trong lịch sử Cựu Ước và Tân Ước, nhưng cả chính ý tưởng về một Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là Tình Yêu. Khuynh hướng tìm sự hoà hợp chiêm niệm Kitô giáo với các phương thức tĩnh lự Đông phương cần được khảo sát kỹ lưỡng hầu tránh mối nguy hiểm rơi vào đạo hỗn hợp.[4]

d. Con đường Giêsu còn bao hàm ‘Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy, và chu toàn công việc của Người’ (Ga 4: 34). Ý Chúa Cha muốn Chúa Con trở nên Tin Mừng cho mọi người, mọi thời, mọi nơi, nhất là cho những tội nhân và những ‘người nghèo’…(Lc 4: 18). Tại núi Tabor, ý của Chúa Cha không những không xét tới khả năng ở lại trong ‘ba lều’, mà còn xác nhận cuộc khổ hình…mở ra ơn phục sinh, biểu lộ tình yêu của Chúa Cha cho Chúa Con và cho toàn nhân loại. Cầu nguyện chiêm niệm Kitô giáo, trên con đường Giêsu luôn đưa tới tình yêu tha nhân, tới hành động đón nhận thử thách, bởi vì một cách chính xác điều này đưa con người tới gần Thiên Chúa, giải đáp vấn nạn hóc búa muôn thuở về khổ đau và cái chết…

Quý Cha và quý Tu sĩ mến,

‘Khía cạnh cao quý nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi hiệp thông với Thiên Chúa. Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa’[5]… Thiên Chúa mở cho chúng ta cánh cửa cầu nguyện…

Hằng ngày, chúng ta vẫn nhủ lòng:

‘Thức dậy đi, hồn tôi hỡi,
thức dậy đi, hỡi đàn sắt đàn cầm,
tôi còn đánh thức cả bình minh’ (Tv 57: 9)

‘Một thụ tạo càng đến gần Thiên Chúa thì càng có lòng tôn kính lớn lao trước Nhan Thánh Chúa Ba Ngôi. Như thế người ta sẽ hiểu và sống lời lẽ của Thánh Augustinô:

Ngài có thể gọi tôi là bạn, tôi nhận ra mình là người tôi tớ’

và ở một khảo luận khác, thánh nhân nói:

‘Khi một người tự bảo rằng: tôi không xứng đáng được điều này, thì người ấy được đầy Chúa Thánh Thần , người tôi tớ đó đã nhận ra Chủ mình, và từ tôi tớ người ấy đã đáng trở nên bạn hữu’ (Quando autem nec ad hoc dignum se dicit, vere plenus Spritu Sancto erat, qui sic servus Dominum agnovit, et ex servo amicus fieri meruit)[6]

Mẹ Giáo hội dạy chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng nào…và tôi là ai…

Mẹ Giáo hội dạy chúng ta biết ai muốn nên lành nên thánh, muốn có hoa trái mục vụ…thì không thể xem nhẹ cầu nguyện…Tôi biết tôi cần Chúa…

Nguyện xin Chúa Ba Ngôi, qua sự chuyển cầu của Thánh Cả và Đức Trinh Mẫu Vô Nhiễm diễm phúc là những mẫu gương cầu nguyện và chu toàn Thánh Ý Chúa, khơi mãi lên trong ta lòng khao khát của các Tông đồ:

‘Lạy Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện’ (Lc 11: 1)

Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

Nguồn: giaophanxuanloc.net (29.10.2021)

 

 


[1] ĐTC Bênêđictô XVI, ‘Thánh Giustinô-Triết gia và vị Tử đạo’, dg. Lm Đaminh Phạm Ngọc Thuỷ, trg Bản Tin Giáo phận Xuân Lộc, tháng 10 năm 2021, trg 13-16.

[2] Thánh Gioan-Phaolô II, Bài giảng ngày 1 tháng 11 năm 1982.

[3] X. Thánh Bộ Giáo lý Đức Tin, Thư gởi các Giám mục Giáo hội Công giáo về một số khía cạnh của việc nguyện ngắm Kitô giáo, ngày 15 tháng 10 năm 1989, ghi chú 15, số 12,

[4] Ibid.

[5] GLHTCG s. 27

[6] Thánh Bộ Giáo lý Đức Tin, Thư gởi các Giám mục Giáo hội Công giáo về một số khía cạnh của việc nguyện ngắm Kitô giáo, ngày 15 tháng 10 năm 1989, ghi chú 36, số 31

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây