TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Thứ năm - 15/07/2021 22:06 | Tác giả bài viết: |   1447
Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 là một bước ngoặt trong triều đại Giáo hoàng của Đức Karol Woytjla - Gioan Phaolô II - và mở ra một giai đoạn mới cho các Ki-tô hữu
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết

Sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 là một bước ngoặt trong triều đại Giáo hoàng của Đức Karol Woytjla - Gioan Phaolô II - và mở ra một giai đoạn mới cho các Ki-tô hữu đã bị thử thách nặng nề từ hơn 70 năm dưới chế độ cộng sản.

Chiều ngày 18/6/2021, tại một hội thảo trực tuyến tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Roma, đã có buổi giới thiệu cuốn sách “Gioan Phaolô II và Giáo hội Công giáo ở Liên bang Xô Viết và các nước ra đời sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết”, được biên tập bởi nhà thần học và sử học Jan Mikrut, giáo sư tại Đại học Gregoriana, và được xuất bản bởi nhà xuất bản Gabrielli. Cuốn sách kể về câu chuyện của những năm đó, từ khi tổng bí thư Michail Gorbachev lên nắm quyền ở Mátxcơva cho đến các chuyến tông du của Đức Gioan Phaolô II tới các nước cộng hòa hậu Xô Viết. Giáo sư Mikrut đã có cuộc trò chuyện với Vatican News về đề tài này.

Tình hình của Giáo hội Công giáo ở Liên Xô

Trước hết về tình hình của người tín hữu Công giáo ở Liên Xô vào thời điểm chế độ cộng sản Xô Viết sụp đổ, giáo sư Mikrut cho biết: Tình hình của Giáo hội Công giáo ở Liên Xô mỗi nơi rất khác nhau và khó khăn nhất là sau năm 1945, khi các nước như Latvia, Lithuania, Estonia, Belarus và Ucraina được sáp nhập vào Liên bang Xô viết. Những lãnh thổ này có liên hệ lịch sử với Giáo hội Công giáo ở Ba Lan và văn hóa Ba Lan, và có một đời sống tôn giáo rất mãnh liệt, nhưng dần dần bị chính quyền Xô Viết bóp nghẹt.

Có thể nói, lãnh thổ của Liên Xô được chia thành ba dải tự do tôn giáo theo số lượng người Công giáo. Dải đầu tiên thuộc về các nước cộng hòa vùng Baltic - Lithuania, Latvia và Estonia - nơi Giáo hội có quyền tự do nhiều hơn so với phần còn lại của Liên Xô. Đặc biệt ở Lithuania có một cộng đồng Công giáo đông đảo và sống động. Ví dụ, ở Kaunas, vào thời điểm đó có một đại chủng viện được mở cửa. Một chủng viện khác ở Riga, thuộc Latvia, để đào tạo các linh mục tương lai trên khắp Liên Xô. Nhưng chúng ta đừng bị lừa dối vì điều này. Trước đây ở Kaunas có một số chủng viện với hàng trăm chủng sinh, nhưng vào thời Liên Xô chỉ còn từ 25-30. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Riga, nơi rất khó để có một chỗ trong chủng viện bởi vì chính quyền Xô Viết quyết định ai sẽ được nhận vào chủng viện.

Trong dải tự do tôn giáo thứ hai có các cộng đồng Công giáo mạnh mẽ như ở Belarus, Ucraina hoặc phần châu Âu của Nga. Ở đây, sau chiến tranh, ngay lập tức chủ nghĩa cộng sản gây nên những khó khăn và vào năm 1945, vị giám mục cuối cùng vẫn còn hiện diện trong các lãnh thổ này đã bị trục xuất. Những người Công giáo sau đó được chăm sóc bởi những nhóm nhỏ các linh mục; các ngài làm việc trong điều kiện rất khó khăn, vì để thực hiện bất kỳ công việc mục vụ nào họ cần có phép đặc biệt của chính quyền Xô Viết.

Phần còn lại của lãnh thổ Liên Xô thuộc về dải thứ ba, nơi các nhà thờ không được mở cửa và không có linh mục được chính thức cho phép, mặc dù có một vài vị đã thực hiện sứ mệnh của các ngài hết mức có thể và một cách âm thầm nhưng anh hùng.

Nối lại cuộc đối thoại với Nga

Với sự sụp đổ của Liên Xô và với các cuộc gặp gỡ giữa Đức Gioan-Phaolô II và tổng bí thư Mikhail Gorbachev, cuộc đối thoại với Nga được nối lại. Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã hành động để tái thiết Giáo hội trong thời hậu Xô Viết. Theo giáo sư Mikrut, tầm quan trọng của Đức Gioan-Phaolô II đối với Giáo hội ở Liên Xô được thể hiện qua các sáng kiến, tài liệu, thông điệp của ngài, nhưng cũng được thể hiện bằng các sự kiện với việc nối lại quan hệ ngoại giao giữa Vatican, Liên Xô và các nước.

Những hành động đầu tiên để tiến lại gần nhau là vào năm 1988, khi Giáo hội Chính Thống long trọng tổ chức lễ kỷ niệm một ngàn năm ngày rửa tội của vương quốc Kiev, một phái đoàn chính thức của Vatican cũng tham dự. Cùng năm, tổng bí thư Mikhail Gorbachev công bố cải cách trong đường hướng chính trị của ông. Một sự thay đổi mang tính lịch sử có liên quan đến chuyến thăm của Gorbachev tới Vatican vào ngày 1/12/1989. Đức Gioan Phaolô II đã rất xúc động trước chuyến viếng thăm này; ngài nhận thức rằng đây là một đại diện cấp cao của hệ thống Xô Viết, trong nhiều thập kỷ, theo một cách tinh tế, đã tổ chức bách hại Giáo và đời sống tôn giáo của tín hữu Công giáo trên lãnh thổ.

Trong dịp đó, ông Gorbachev tỏ ra sẵn sàng mở ra con đường cộng tác và vì vậy vào ngày 29/1/1990, một Sứ thần Tòa thánh đã được bổ nhiệm làm nhiệm vụ đặc biệt cạnh chính phủ Liên Xô. Đức tổng giám mục Francesco Colasuonno đã đến Mátxcơva vào ngày 6/5/1990. Ngài đã thăm Belarus, Ucraina, Lithuani, Latvia, các nước cộng hòa Trung Á và được đón tiếp cách hân hoan như là đại diện của Đức Giáo hoàng, và như thể Đức Giáo hoàng đang hiện diện. Đức Sứ thần cũng gặp một số giám mục vẫn còn ở Lithuani và Latvia, các linh mục hoạt động bí mật và bắt đầu đối thoại với Chính Thống giáo và sớm chuẩn bị việc bổ nhiệm các giám mục ở Lithuani, Latvia, Ucraina và các nước cộng hòa Xô Viết khác. Và sau đó là thảo luận về việc có thể thành lập hai giáo phận ở Nga - ở Mátxcơva và ở Novosibirsk - và cuối cùng vào ngày 10/5/1990, đại diện của Liên Xô tại Tòa thánh, Yury Karlov, đã được bổ nhiệm. Vào tháng 10, luật về tự do lương tâm và các tổ chức tôn giáo đã được thông qua ở Liên Xô; luật này cũng công nhận các tổ chức tôn giáo Công giáo.

Giấc mơ viếng thăm Nga

Giáo sư Mikrut cho biết, giấc mơ của Đức Gioan Phaolô II và các Giáo hoàng khác là và vẫn là, là có thể viếng thăm Nga. Đức Gioan Phaolô II đã không thể đến thăm Nga, nhưng ngài đã có thể đến thăm một số quốc gia trước đây thuộc Liên Xô. Ngài đã đến thăm Lithuani, Latvia và Estonia vào tháng 9/1993. Ngài đã đến Georgia vào năm 1999, thăm Ucraina vào năm 2001, Kazakhstan và Armenia cũng vào năm 2001, và sau đó là Azerbaijan vào năm 2002. Việc viếng thăm của Đức Giáo hoàng rất có ý nghĩa đối với những dân tộc này, sau nhiều thập kỷ bị đàn áp bởi chế độ Xô Viết, một hình thức có thể thể hiện tự do lương tâm và phẩm giá con người, bởi vì các dân tộc này theo truyền thống có liên hệ với đời sống tôn giáo. Trong số họ, những Ki-tô hữu cuối cùng đã có thể chứng tỏ đức tin của mình trước sự hiện diện của người kế vị thánh Phê-rô đã đến thăm họ. Đương nhiên, người ta cảm động trước phong cách của Đức Gioan Phaolô II, một người cầu nguyện, một người có "sự thu hút thiêng liêng" cả đối với nền văn hóa này, khác với văn hóa phương Tây nơi có sự hiện diện của chủ nghĩa duy vật. Thay vào đó, những dân tộc này, bị ngược đãi trong nhiều thập kỷ bởi các chương trình "vô thần hóa" khác nhau, đã có thể thể hiện niềm vui lớn khi trung thành với Phúc Âm và các nguyên tắc của Ki-tô giáo.

Vị Giáo hoàng hoạt động không mệt mỏi cho đại kết các Kitô hữu

Đức Gioan-Phaolô II đã thường xuyên nhắc lại, không chỉ trong những chuyến đi này, về các dân tộc đóng vai trò “cầu nối” giữa Đông và Tây. Ngài tiếp tục chính sách đại kết được các vị tiền nhiệm, đặc biệt là Đức Giáo hoàng Phaolô VI, thúc đẩy và cống hiến hết mình cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu. Ví dụ với thông điệp Slavorum Apostoli năm 1985, hoặc tông thư Orientale lumen năm 1995 và sau đó, một cách cụ thể, vào ngày 25/5/1995, với việc ban hành thông điệp Ut Unum Sint, đặc biệt đề cập đến mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính thống. Ngài đã chứng minh rằng Giáo Hội, với tư cách là một cộng đồng đức tin và một cộng đồng những người theo gương Chúa Giê-su, đang đi trên con đường đúng đắn hướng tới sự hiệp nhất của Kitô giáo.

Một dịp khác là Năm Thánh 2000, khi Đức Giáo hoàng mời các dân tộc châu Âu tham gia vào sự kiện này, không chỉ người Công giáo, mà còn cả các cộng đồng tôn giáo khác. Tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành và sau đó tại lễ tưởng niệm các nhân chứng đức tin của thế kỷ XX tại Đấu trường Colosseo, cũng có các đại diện của Giáo hội Chính Thống. Sau đó, có những cơ hội tái hợp khác. Chẳng hạn như chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II khi bắt đầu triều đại giáo hoàng năm 1979 với thượng phụ Constantinople Dimitrios, hay các cuộc gặp gỡ với Giáo hội Chính Thống tại Vatican năm 1987, năm 1991 tại Thượng hội đồng giám mục châu Âu. Và sau đó, vào năm 1994, Đức Thượng phụ giáo chủ của Constantinople Bartholomew I cũng có mặt trong nghi lễ ngắm Đàng Thánh giá. Năm 1999, Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Rumani, một quốc gia có đa số Chính thống giáo. Ngài đã đi vào lịch sử Giáo hội với tư cách là một vị Giáo hoàng hoạt động không mệt mỏi cho việc phát triển đại kết giữa các Kitô hữu.

Đau khổ của tín hữu Kazakhstan 

Trong số các chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II đến các nước hậu Xô Viết, chuyến thăm Kazakhstan năm 2001 là nổi bật nhất, cũng vì những đau khổ mà các Kitô hữu đã phải chịu đựng trong khu vực này. Tình hình ở Kazakhstan khác với các cộng đồng khác ở Trung Á. Ở Kazakhstan, tình hình có liên quan chặt chẽ với Chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc tấn công vào Ba Lan của Đức và Liên Xô gia tăng quyền lực của Liên Xô đối với lãnh thổ Ba Lan, khiến người dân phải di dời từ các lãnh thổ giáp biên giới sang Lãnh thổ Liên Xô. Người Liên Xô không muốn những khu vực này có dân cư của các nhóm bản địa và đã di dời hàng ngàn người đến Kazakhstan và Siberia. Họ không chỉ là người Ba Lan, mà còn là người Latvia, người Lithuani, người Belarus, người Ucraina và người Đức, từ nhiều thế kỷ đã sống trên lãnh thổ Nga, được nữ hoàng Catarina II mời đến làm việc trên những vùng đất được cung cấp cho họ để canh tác. Vì lý do này, đặc biệt là ở Kazakhstan, các Kitô hữu này đã bị trục xuất. Họ không có cơ hội sống sót vì những chuyến tàu chở họ dừng lại ở thảo nguyên và buộc họ phải xuống xe ở đó, mà không có bất kỳ hình thức hỗ trợ nào. Họ đã cố gắng xây dựng những ngôi làng đầu tiên và nhiều người chết vì đói và bệnh tật.

Đức Gioan Phaolô II biết rất rõ điều này, vì ngài có một số liên hệ với các linh mục làm việc trong các lãnh thổ này. Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và sự hình thành của các quốc gia mới cũng mang lại cho các Kitô hữu Công giáo cơ hội quay trở lại đất nước của họ. Vì lý do này, ngày 25/9/2001, ngày Đức Giáo Hoàng đến thăm đất nước, là một ngày rất quan trọng đối với những dân tộc này, những đã xa cội nguồn và lịch sử của họ. Đức Giáo hoàng biết rất rõ thảm kịch của hàng ngàn người Công giáo Ba Lan, Đức, Lithuani, Belarus, Latvia và ở Astana, ngài đã bày tỏ lòng tôn kính đặc biệt đối với hàng triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản bằng cách cầu nguyện tại tượng đài tưởng nhớ những người từ các vùng khác nhau của Châu Âu đã bị trục xuất khỏi nơi này. Trong chuyến đi này, Đức Giáo hoàng muốn nhắc nhở cả thế giới về thảm kịch này của những người Công giáo châu Âu được đưa đến đây và những nạn nhân của cuộc đàn áp tôn giáo. Ngài muốn tôn vinh những người này và nhờ các phương tiện truyền thông và các nhà báo, những vấn đề này đã được thế giới biết đến và hữu ích cho cộng đồng địa phương.

Hồng Thủy - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây