TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thư mục vụ Giáo phận Xuân Lộc

Thứ tư - 05/01/2022 18:35 | Tác giả bài viết: Gm Gioan Đỗ Văn Ngân |   993
Thư mục vụ Giáo phận Xuân Lộc tháng 01-2022: ‘Chúng tôi… ngắm vinh quang Người’ (Ga 1: 14)
Thư mục vụ Giáo phận Xuân Lộc

Thư mục vụ Giáo phận Xuân Lộc
Tháng 01-2022

‘CHÚNG TÔI… NGẮM VINH QUANG NGƯỜI’ (Ga 1: 14)

Không khí của ‘Lời’ trong Phụng vụ mùa Vọng khơi lên trong tâm trí ta nhiều viễn ảnh êm đềm mơ ước… và lòng ta rạo rực khi bài thánh ca bất hủ ‘Đêm Thánh Vô Cùng’, đã hơn hai trăm tuổi (1818-2021), được cất lên…[1]

‘Ðêm Thánh vô cùng

Giây phút tưng bừng

Ðất với Trời se chữ đồng

Ðêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ

Canh khuya Giáng Sinh trong chốn hang lừa

Ơn châu báu không bờ bến

Biết tìm kiếm của chi đền

Ôi Chúa thiên đàng

Cảm nếm cơ hàn…’

 

…Và như âm vang đến vô tận những bài thánh ca ‘Hang Bê Lem: Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…’[2],  ‘Cao cung lên’, ‘Mùa Đông Năm Ấy’[3]

Thời điểm này, khi đôi dòng tâm tình đến tay anh chị em, chúng ta đã cùng các Mục đồng được nghe Thiên Thần loan báo: ‘Này ta đem Tin Mừng cho các ngươi… hôm nay, đã sinh ra cho các ngươi vì Cứu Chúa’ (Lc 2: 10.11); đã cùng các Hiền sĩ theo ánh sao ‘Phục mình xuống bái yết Người’ (Mt 2: 11).

Trước máng cỏ chúng ta muốn thực lòng bái yết Người chứ không như những khách qua đường …Chúng ta muốn cùng với Giáo hội, qua các Thánh Tông đồ, giữ lại chút ánh sáng linh thiêng, làn hơi ấm thánh thiện…

Thánh sử Marcô đã viết trong câu đầu tiên: ‘Khởi nguyên Tin Mừng Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa’ (Mc 1: 1) và chủ đề ‘Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa’, được lặp lại trong phần cuối: ‘Viên bách quản đứng đối diện Ngài, thấy Ngài đã tắt thở như vậy, thì nói: Đích thật người này là Con Thiên Chúa’ (Mc 15: 39), làm khung nền chứng từ tác phẩm Tin Mừng của mình.

Thánh sử Matthêu đã viết trong chương đầu xác nhận: ‘Sự đã xẩy ra tất cả là để được nên trọn điều Chúa đã phán nhờ vị tiên tri nói rằng: Này, nữ trinh sẽ thụ thai và sinh con và người ta sẽ gọi tên Ngài là Emmanuel, dịch được là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi’ (Mt 1: 22.23) và chủ đề ‘ở cùng’, được lặp lại trong câu cuối cùng ‘Và này Ta sẽ ở với các ngươi mọi ngày cho đến tận thế’ (Mt 28: 20), làm khung nền cho chứng từ tác phẩm Tin Mừng của mình.

Vẫn trong nhãn quan Giáo hội nhận biết cả cuộc đời Chúa Giêsu xuyên qua mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta bước theo Thánh Gioan: ‘Chúng tôi… ngắm vinh quang Người’ (Ga 1: 14), và chủ đề ‘vinh quang’ được lặp lại cách trang trọng trong lời nguyện hiến tế: ‘Để chúng được ngắm vinh quang của Con, mà Cha đã ban cho Con’ (Ga 17: 24), phản ánh qua lời Chúa đã tự bạch:

‘Hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, nó mới sai hoa lắm quả’ ‘Ga 12: 24)

1. ‘Hạt lúa gieo ‘xuống đất’…’

Chúa Thánh Thần và lòng Tin vâng Thánh Ý Chúa Cha của Mẹ Maria đã gieo ‘Hạt lúa Giêsu’ xuống đất:

‘Đất’ của lịch sử. Những bản gia phả Chúa Giêsu đầy tràn ý nghĩa. Thánh Luca đặt Chúa Giêsu vào dòng lịch sử nhân loại, lên đến nguyên tổ Ađam và toàn nhân loại hiện hữu bởi Thiên Chúa (x. Lc 3: 23-38). Thánh Matthêu đặt Người vào dòng lịch sử cứu độ, Con Đavit, Con Abraham… Lịch sử cần được cứu, trải dài giữa những tổ phụ, tổ mẫu phẩm hạnh nhạt nhòa và giữa những biến cố đau thương: lưu đầy tha hương, đền thờ bị phá hủy… dân bất trung… Chúng tôn vinh Ta ‘Chỉ bằng lỗ miệng và ngoài môi… còn lòng chúng, chúng tách xa Ta’ (Is 29: 13)

‘Đất’ của lịch sử - siêu lịch sử. Thiên Chúa làm cho lịch sử trên đất thấm đẫm ‘siêu lịch sử’ của ‘Trời’. ‘Lúc khởi nguyên đã có Lời’. Tông đồ Chúa yêu muốn đi vào ‘Lời’ tạo thành của Thiên Chúa, ‘Lời’ Thiên Chúa phán dạy nơi các Tiên tri, ‘Lời’ siêu việt của Giao ước mới là ‘Lời Ánh Sáng - Sự Sống’. ‘Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng tôi…’ (Ga 1: 14)

2.  Hạt lúa ‘chết đi…’

Giêsu ‘làm người’ là đón nhận thân phận giới hạn của ‘người’, hiện hữu trong không gian, thời gian, ‘bị ném vào đời, trăn trở giằng co, cứ mãi tìm mình, hiện hữu để mà chết’ (M. Heidegger: ‘l’existence doit être concue comme être-pour-la-mort’)[4]

Giêsu ‘làm người’ là rơi vào cái gai chướng đối với cả người Hylạp lẫn Dothái. Người Hylạp xem nhẹ xác thân để đề cao tinh thần và người Dothái xem nhẹ xác thân để tôn vinh Thiên Chúa duy nhất, siêu việt.

Trước máng cỏ Chúa Hài Nhi, chúng ta chứng kiến tận mắt thân phận tự hạ đến ‘tự hủy’ (Kenosis) của Ngôi Lời Thiên Chúa. Lễ vật dâng của ba Hiền sĩ, vàng, nhũ hương, mộc dược, đã hàm ẩn Hy tế cứu chuộc. Từ tấm bé, Chúa Giêsu đã bị lùng bắt để bị tiêu diệt…Người bị kết án, bị ruồng bỏ không những bởi ‘thế gian’ mà còn bởi ‘người nhà’: ‘Người là sự sáng đích thật, sáng soi mọi người, Người đến trong thế gian, Người có trong thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, mà thế gian đã không biết Người. Người đã đến nơi nhà của Người, mà người nhà đã không tiếp nhận…’ (Ga 1: 9-11)

3. Hạt lúa ‘sai hoa lắm quả’

Mầu nhiệm nhập thể, hạt lúa gieo xuống đất, chết đi… mở ra chân trời hùng vĩ…

‘Thiên Chúa không ai thấy bao giờ…(Ga 1: 18). Tự năng lực lý trí, con người chỉ có thể nhận biết Thiên Chúa cách gián tiếp, chẳng hạn qua nguyên lý nhân quả, chứng kiến thành phẩm mà nhận ra tác giả… Nội thể Thiên Chúa không thể được nhận biết nguyên bằng sức người… có khoảng cách biệt nghìn trùng biểu tượng nơi những cặp song đối, hiểu theo phạm trù tông đồ Gioan: Bóng tối-Ánh Sáng (darkness-light); Bên dưới-bên trên (below-above); Xác thịt-Thánh Thần (flesh-Spirit)…

Để mở cửa mặc khải Thiên Chúa và tình yêu bao trùm cứu độ, nhất thiết phải bởi Chúa Giêsu‘Chúng tôi… ngắm vinh quang Người’ (Ga 1: 14) trên thập giá: ‘Philatô cho viết tấm biển và đặt trên khổ giá, đề rằng: Giêsu Nazaret, Vua Dothái. Tấm biển ấy nhiều người Dothái đã đọc, vì chỗ Đức Giêsu bị đóng đinh ở sát bên thành, và lại viết bằng các tiếng Hipri, Latinh và Hilạp’ (Ga 19: 19.20)… Toàn dân thiên hạ đã ‘ngắm’ và còn ‘ngắm’: ‘Một tên lính lấy đòng đâm cạnh sườn Người, và lập tức có máu và nước chảy ra…’ Sự kiện quá quan trọng đến nỗi tác giả tường thuật dùng lối diễn tả hiếm thấy: ‘Người trông thấy đã làm chứng, và chứng của người là chứng xác thực, và người biết là đã nói thật, ngõ hầu cả anh em nữa cũng tin…’ (Ga 19: 34.35)

Người phàm tự cổ chí kim, không ai thoát chết bao giờ, nay được thông dự vào ân phúc phục sinh… Người phàm được Thiên Chúa tạo thành, do bản tính, không phải là con cái Thiên Chúa, nay là con do được ‘sinh lại bởi Trên’ (Ga 3: 7) do lòng Chúa xót thương đã sẵn ‘từ thuở đầu’ và còn mãi về sau…

‘Chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Người, vinh quang như của Con Một tự nơi Cha, tràn đầy ơn nghĩa và sự thật’ (Ga 1: 14). Thuở xưa ông Môsê được Đức Chúa truyền lên núi nhận Bia Giao ước, chứng kiến vinh quang Thiên Chúa và được nhận lời mặc khải: ‘Thiên Chúa chạnh thương… đầy nhân nghĩa, tín thành’ (Xh 34: 6), nay Chúa Giêsu, mà mầu nhiệm nhập thể khai mào Giao ước mới, được thiết lập bằng hy tế Vượt Qua, làm nên Giao ước ‘đầy ơn nghĩa và sự thật’, hoàn hảo viên mãn.

+ Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

Nguồn: giaophanxuanloc.net (03.01.2022)


[1]Đêm Thánh Vô Cùng’ (tiếng Đức: ‘Stille Nacht’; tiếng Anh: ‘Silent Night’) là một trong những ca khúc Giáng sinh nổi tiếng, với phần lời gốc do linh mục Josef Mohr viết bằng tiếng Đức và phần giai điệu do nghệ sĩ organ Franz Xaver Gruber sáng tác năm 1818, cả hai đều là người Áo. Nhạc sĩ Hùng Lân đặt lời Việt. Liên Hiệp Quốc truy tặng di sản văn hóa thế giới.

[2] Nhạc sĩ Hải Linh sáng tác năm 1946.

[3] Nhạc sĩ Hoài Đức (Linh mục Lê Đức Triệu)

[4] Collection ‘Philosophie’ sous la direction de Francois Kinot, M. Heidegger, vol. 11, Edit. France Loisirs, 2002, pp 257-273

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây