TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thường huấn của các Linh mục -2013

Thứ tư - 05/05/2021 02:17 |   841
Thường huấn của các Linh mục -2013

Thường huấn của các Linh mục Giáo phận Ban Mê Thuột năm 2013 (1)

Như Văn phòng Toà Giám mục thông báo về Khóa Thường Huấn năm 2013, bắt đầu từ 16g00 thứ hai, ngày 22/7đến sáng thứ sáu ngày 26/7/2013. Có 125 linh mục trong Giáo phận hân hoan trở về qui tụ dưới mái Nhà Chung, để học hỏi đào sâu về Giáo lý và Thần học Đức tin. Đây cũng là dịp để anh em linh mục trong Giáo phận gặp gỡ, chia sẻ công việc mục vụ.

Ngày 23. 07. 2013
Buổi sáng ngày đầu tiên, cha Giuse Nguyễn Văn Am (SDB) diễn giảng đề tài (1) : Giáo Hội trong hành động của Vatican II : Hiển nhiên, những văn kiện của Vatican II luôn sống mãi với Giáo hội, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong đời sống Giáo hội hôm nay. Tuy nhiên, để có được những công trình đó, Vatican II đã được ấp ủ bởi những người môn đệ Chúa Kitô nỗ lực sống đức tin, cậy, mến của mình giữa những anh chị em của mình. Họ đã cố gắng lắng nghe được tiếng lòng thao thức của những con người đang mong chờ được giải thoát khỏi những trói buộc vật chất, văn hóa, tinh thần và thiêng liêng. Những người môn đệ ấy đã mang lấy Giáo hội trong tâm hồn của mình. Họ thuộc đủ mọi thành phần: những giáo dân nhiệt thành, những nhà thần học, những giám mục và Đức Gioan XXIII và Đức Phaolô VI. Họ đã sống cái căn cốt của Giáo hội: luôn luôn vâng phục sự thúc đẩy của Thần khí, trong khiêm nhường và hy vọng, trong chân thành và đối thoại. Bằng nhiều cách, họ bộc lộ một thiên tài của cõi lòng đầy ắp Chúa Giêsu và nhân loại được cứu chuộc.

Từ những kinh nghiệm này, họ đã cùng nhau chuyển thành những định hướng then chốt của Công đồng Vatican II. Do đó, để có thể hiểu và giải thích đúng Vatican II, chúng ta phải khởi sự lại từ Đức Kitô, nguồn mạch duy nhất cho đời sống tín hữu hôm nay. Trong ý nghĩa đó, Công đồng Vatican II không chỉ để lại một vài thay đổi trong một số lãnh vực phụng vụ hay giáo luật. Có những kết quả quan trọng hơn: một đà lực hướng tới sự thánh thiện của đông đảo các tín hữu hôm nay, một đà lực hướng tới một đức ái Kitô hữu mang những góc cạnh xã hội, chính trị, văn hóa và kinh tế.

LM. Giuse Nguyễn Văn Am


Cha Giuse Nguyễn Văn Am tiếp tục với đề tài (2) : Vài nét đặc trưng nơi diện mạo Đức Kitô theo Vatican II. Luận đề của đề tài có thể đúc kết lại như sau: Dù có những lúc con người hiện đại, và có khi ngay cả các tín hữu, như thể đã 'xua đuổi Đức Kitô' ra khỏi thế giới, thì Đức Kitô, như vị Mục Tử Nhân Lành, vẫn vui sướng ở giữa nhân loại. Người vẫn có đấy, trước cả khi con người ý thức về Người. Thật sự, Người là Mặc Khải chung cục của Thiên Chúa cho con người.
Tuy nhiên, Đức Kitô mặc khải chính mình như Đấng thật là con người và thật là Thiên Chúa. Mầu nhiệm nhập thể soi sáng cho những thực tại của đức tin, trong phụng vụ và Thánh kinh, trong Giáo hội và truyền giáo. Mầu nhiệm nhập thể cho các tín hữu xác tín rằng không thể tìm gặp Thiên Chúa bằng cách xa khỏi cõi nhân sinh. Trái lại, Thiên Chúa cho các tín hữu được ơn gặp gỡ Ngài giữa những thực tại nhân loại. Thiên Chúa muốn làm họ nên hình ảnh của Con Ngài, Đức Giêsu Kitô, "Đấng đam mê Thiên Chúa và đam mê con người".


Dựa vào nền tảng không lay chuyển đó, người tín hữu của Vatican II nhìn thấy Đức Kitô chính là chủ tể của lịch sử. Người điều khiển và hướng dẫn lịch sử con người. Dẫu vẫn còn đó những bất an, âu sầu, lo lắng và nước mắt trong lịch sử, thì cũng không kém có những niềm vui và thiện hảo, những vẻ đẹp và hy vọng, bởi vì Chúa Giêsu Kitô vẫn dẫn dắt con người đến cùng đích mà Thiên Chúa đã đặt định cho họ, nhờ sức mạnh Thánh Thần. Đức Kitô đáp ứng mọi niềm khao khát sâu thẳm của từng người và là tương lai của nhân loại.


Theo khuôn mẫu của Ngôi Lời nhập thể, giờ đây Giáo hội mục vụ chính là một Giáo hội biết đi từ những thực trạng của con người để tìm gặp Đức Chúa, có khả năng đọc những dấu chỉ thời đại để góp phần bé nhỏ của mình vào việc xây dựng Nước Chúa. Giáo hội sẽ phải luôn để ý đến não trạng của con người thời đại khi công bố Tin mừng của Đức Kitô. Bằng cách đó, Giáo hội có thể làm cho mình "hợp thời" với con người thời đại, có thể mang đến câu trả lời cho khát vọng thâm sâu của họ mà nhiều khi chính họ cũng không biết diễn tả ra sao. Giáo hội mục vụ sẽ luôn là Giáo hội cùng lữ hành với con người, như người anh em và như người tôi tớ. Giáo hội cống hiến cho con người cái kinh nghiệm tối hậu của mình về Thiên Chúa, như Đấng yêu thương nhân loại đến cùng.

Cha Antôn Hà Văn Minh

Tiếp đến, Linh mục Antôn Hà Văn Minh trình bày đề tài (I) : Phận vụ người giáo dân trong Giáo Hội (Thần học về dân Chúa theo Công đồng Vatican II): Theo Vatican II,  khi Giáo Hội nhận thức bổn phận tinh thần cũng như trần thế của mình, Giáo Hội cũng nhận ra nhiều vấn đề nảy sinh. Đặc biệt là vấn đề chỗ đứng của người giáo dân trong Giáo Hội (officium, Amt)…Đề tài này gồm :
1. Nhiệm vụ (officium) là gì ?
2. Người giáo dân là ai ?
3. Nhiệm vụ của giáo dân và nhiệm vụ của linh mục – Sự liên đới trong Giáo Hội.
4. Giáo Hội như là trách nhiệm mang tính tập thể giữa linh mục và giáo dân.
Các vấn nạn về người giáo dân trong Giáo Hội hôm nay không là vấn đề đơn giản, nó chạm tới tâm điểm của vấn đề Giáo Hội học. Nó là câu hỏi mang tầm vóc quan trọng liên hệ tới tín lý, mục vụ, ngay cả chính trị. Nó là vấn đề hiện hữu hay vô hiện hữu của Giáo Hội, hay nói cách khác, đó là vấn đề về sự tồn tại của Giáo Hội.
Buổi chiều, cha Antôn Hà Văn Minh tiếp tục với đề tài : Vai trò của người giáo dân hậu Công đồng Vatican II tại châu Á và Việt Nam. Đề tài gồm :
I. FABC IV đã trình bày hai điểm chính yếu
1. Nhiệm vụ người giáo dân trước những thách đố hôm nay tại Châu Á
- Người giáo dân phục vụ trong các lãnh vực đa dạng khác nhau
- Bổn phận người giáo dân trong gia đình

2. Khám phá sứ vụ của người giáo dân
-   Cùng với Đức Kitô, người giáo dân như là người giải phóng trong môi trường xã hội
- Sứ mạng truyền giáo của người giáo dân
- Canh tân về cơ cấu – Tinh thần hiệp thông, tính tập thể và đồng trách nhiệm
- Hoạt động tông đồ của người giáo dân
- Linh đạo giáo dân , FABC  IV nhấn mạnh đến linh đạo của người giáo dân.

II. Giáo Hội Việt Nam
1.  Thư chung 1980
2. Đại Hội Dân Chúa 2010
Trong thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 chỉ dân : “ Công đồng Vatican II đã mở đường cho sự tham gia đa dạng của giáo dân vào đời sống Giáo Hội, ngay cả trong việc đào tạo linh mục… Người giáo dân không mãi là những tín hữu chỉ biết lo toan phần rỗi cho riêng mình, nhưng biết tham gia “vào các sinh hoạt trong cộng đoàn với tất cả tinh thần trách nhiệm, không chấp nhận ‘độc tài’, nhưng cũng không đồng hóa ‘tham gia’ với ‘dân chủ cực đoan’, vì tất cả đều phải vâng phục Thiên Chúa, và cùng nhau hướng đến mục đích chung là xây dựng và phát triển cộng đoàn.
Để sự kỳ vọng này không trở thành vô vọng, có lẽ người giáo dân đang chờ đợi hàng giáo sĩ bắt đầu hành động, bằng việc phát huy cung cách lãnh đạo mang tính tham gia thay cho thái độ độc quyền và độc đoán, và khởi sự xây dựng các chương trình huấn luyện cho họ dựa trên nền tảng linh đạo của người giáo dân.

A.T. Ban VHTT - GP/ BMT

Lúc 8g00 sáng ngày 24. 07. 2013, linh mục Phanxicô Việt diễn giảng đề tài : Canh tân Giáo lý sau Công Đồng Vaticanô II (theo hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý 1997) – Giáo lý trong viễn tượng Loan báo Tin Mừng. Dựa vào “hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý”, và theo hình thức giản lược, ta có thể nhìn lại “khuôn mặt giáo lý được canh tân”, qua những nét sau :

1. Một định hướng căn bản mới trong viễn tượng loan báo TinMừng
2. Một nhận định mới về chủ thể và chủ đích của việc dạy giáo lý
3. Một cái nhìn mới về nội dung giáo lý.
4. Một viễn tượng mới về sư phạm giáo lý.
5. Sự quan tâm nổi bật đến nơi chốn và môi trường  mới cho việc dạy giáo lý.
6. Một dung mạo mới của người giáo lý viên và đào tạo giáo lý viên
7. Một ý nghĩa mới về việc dạy giáo lý trong Giáo Hội và xã hội.


Lời Chúa, Đức Tin và Giáo Hội, là ba thực tại mà Công Đồng  Vaticanô II đặc biệt quan tâm và tác động sâu xa trên việc dạy giáo lý, và :
1. Tại sao dạy giáo lý là một tác vụ Lời Chúa ?
2. Nếu rao giảng Lời Chúa là bản chất của việc dạy giáo lý, thì Lời Chúa định hình việc dạy giáo lý như thế nào ?
3. Và Lời Chúa có vai trò nào trong việc dạy giáo lý ?
4. Làm thế nào để Lời Chúa thành nền tảng cho việc dạy giáo lý ?
5. Việc dạy giáo lý dựa trên Lời Chúa có thể đem lại những hiệu quả nào?
6. Để được như thế, cần phải có điều kiện nào?

Lm. Phanxicô Việt & Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền diễn giải đề tài : Công Đồng Vaticanô II và nỗ lực canh tân việc dạy giáo lý : Công đồng không trực tiếp đề cập đến chủ đề giáo lý, nhưng đường hướng của Vatican II đã tác động sâu xa trong nỗ lực canh tân việc dạy giáo lý. Linh mục thuyết giảng trình bày qua 04 điểm:
1. Tình trạng thế giới và Giáo Hội thúc đẩy triệu tập Công Đồng
2. Đường hướng chính của Công Đồng : (Canh tân và Hòa giải với nhau trong Giáo Hội; với các Giáo Hội tách biệt; với trần gian)
3. Sự hiện diện của hai khuynh hướng khác biệt tại Công Đồng : (Lối nhìn khái niệm, lối nhìn hiện sinh)
4. Tác động của Công Đồng trong nỗ lực canh tân việc dạy giáo lý (qua các Văn kiện Công Đồng; các Văn kiện Giáo Hội).

Hàng loạt các văn kiện hướng dẫn việc dạy giáo lý và đào tạo giáo lý viên sau Vaticanô II cho thấy ảnh hưởng lớn lao của Công Đồng trong nỗ lực canh tân việc canh tân việc dạy giáo lý và đem lại cho nó một khuôn mặt mới . Việc đặt dạy giáo lý trong viễn tượng loan báo Tin Mừng hay trong sứ vụ chính yếu của Giáo Hội, cũng có nghĩa là định vị việc dạy giáo lý hay giáo dục đức tin ở tâm điểm của đời sống Giáo Hội, và coi việc này là thiết yếu để Giáo Hội sống sứ vụ của mình. Việc dạy giáo lý còn mang  tính loan báo Tin Mừng có nhiệm vụ đào tạo các thành viên trong giáo xứ, Giáo phận, thành cộng đoàn trưởng thành, năng động, đầy sức sống, có khả năng cổ vũ và phong phú hóa đời sống đức tin cũng như tinh thần và khả năng truyền giáo của tín hữu.

AT. Ban VHTT/GP.BMT

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây