TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tòa án Vatican xét xử vụ bê bối tài chính

Thứ ba - 06/07/2021 21:27 | Tác giả bài viết: |   876
Phiên xử đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27.7.
Tòa án Vatican xét xử vụ bê bối tài chính
TÒA ÁN VATICAN XÉT XỬ VỤ BÊ BỐI TÀI CHÍNH NGHIÊM TRỌNG

WHĐ (06.7.2021) – Vụ việc được đưa ra tòa sau khi kết thúc cuộc điều tra rất phức tạp do công tố viên Gian Piero Milano và hai thẩm phán Alessandro Diddi, Gianluca Perrone điều phối, để làm sáng tỏ sai phạm trong việc mua bán một tòa nhà sang trọng ở thủ đô London (Anh), gây thất thoát tài chính lớn cho Vatican.

Quá trình điều tra do lực lượng hiến binh Vatican thực hiện theo sự điều động của chỉ huy Gianluca Gauzzi Broccoletti, qua đó, đã thu thập một lượng lớn tài liệu, máy móc của các nghi phạm; cùng nguồn thông tin từ các nhân chứng. Theo thông cáo ngày 3.7 của Phòng Báo chí Tòa Thánh, Chủ tịch Tòa án Thành quốc Vatican, ông Giuseppe Pignatone, đã ra quyết định khởi tố 10 người theo yêu cầu của Phòng Kiểm sát. Phiên xử đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27.7.

Hàng loạt cáo buộc

Trong danh sách bị khởi tố lần này có nhiều người từng giữ vị trí quan trọng tại Vatican: Ông René Brülhart, cựu Chủ tịch Cơ quan Thông tin Tài chính của Tòa Thánh (AIF), bị cáo buộc lạm quyền; Đức ông Mauro Carlino, cựu thư ký của Phó Quốc vụ khanh, bị cáo buộc lạm quyền; ông Enrico Crasso, từng là người trung gian về quản lý các nguồn đầu tư của Phủ Quốc vụ khanh trong nhiều thập niên, bị cáo buộc biển thủ công quỹ, tham ô, chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, gian lận, lạm quyền…; ông Tommaso Di Ruzza, cựu Giám đốc AIF, bị cáo buộc biển thủ công quỹ, lạm quyền và vi phạm bí mật nghề nghiệp; bà Cecilia Marogna, người đã nhận những khoản tiền đáng kể từ Phủ Quốc vụ khanh để điều tra và thu thập tin tức, bị cáo buộc biển thủ công quỹ; bà Raffaele Mincione, người môi giới trong thương vụ Phủ Quốc vụ khanh mua tòa nhà ở London, và đã dùng khoản tiền từ Tòa Thánh để đầu cơ riêng, bị cáo buộc biển thủ công quỹ, gian lận, lạm quyền, rửa tiền; luật sư Nicola Squillace, có vai trò trong các cuộc đàm phán, bị cáo buộc gian lận, biển thủ công quỹ, rửa tiền; ông Fabrizio Tirabassi, cố vấn và nhân viên Phòng Hành chính thuộc Phủ Quốc vụ khanh, bị cáo buộc tham ô, chiếm đoạt tài sản, biển thủ công quỹ, gian lận và lạm quyền; ông Gianluigi Torzi, người môi giới nhằm giúp Tòa Thánh rút khỏi các quỹ đầu cơ của bà Raffaele Mincione, bị cáo buộc chiếm đoạt tài sản, biển thủ công quỹ, gian lận, rửa tiền.

Theo thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh, có nhiều yếu tố của vụ việc liên quan đến Đức Hồng y Angelo Becciu, nguyên Phó Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Do đó, ngài bị truy tố với các cáo buộc biển thủ công quỹ, lạm dụng chức vụ. Thông qua luật sư của mình, Đức Hồng y Becciu khẳng định là “nạn nhân của một âm mưu” nên đã trở thành tầm ngắm “chưa từng có” của truyền thông, nhưng nhờ vào đức tin, ngài sẽ “tìm được sức mạnh để mở cuộc chiến vì công lý”. Đức Hồng y kết luận: “Thời điểm làm sáng tỏ mọi việc đã đến gần, và Tòa sẽ có thể nhận ra sự dối trá trong các cáo buộc”.

Hai năm điều tra

Các cuộc điều tra được bắt đầu từ tháng 7.2019 sau khiếu nại của Viện Giáo vụ (còn gọi là Ngân hàng Vatican) và Phòng Tổng Kiểm toán. Việc thu thập tài liệu, chứng cứ cũng được ủy thác cho các cơ quan có thẩm quyền ở nhiều nước như Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Anh, Jersey, Luxembourg, Slovenia, Thụy Sĩ, đã giúp “đưa ra ánh sáng một mạng lưới quy mô về mối quan hệ giữa các thương nhân tài chính, đã dẫn đến sự thất thoát lớn về tài chính của Vatican, và ảnh hưởng đến cả những nguồn ngân sách dành cho các hoạt động bác ái của Đức Thánh Cha”, thông cáo cho biết. Và việc điều tra lần này “trực tiếp liên hệ” với cuộc cải cách của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm “minh bạch hóa và tổ chức lại hoạt động tài chính của Vatican”.

Một trong những trọng tâm của cuộc điều tra là việc đầu tư vào tòa nhà ở khu phố sang trọng trên đại lộ Sloane của thủ đô London, với tổng diện tích 17.000m2, bao gồm khoảng 50 căn hộ cao cấp. Khoản đầu tư đầu tiên được Phủ Quốc vụ khanh thực hiện vào năm 2014 thông qua Quỹ đầu tư Athena Capital Global Opportunities của bà Raffaele Mincione. Bà Mincione là do ông Enrico Ceasso giới thiệu để “hợp tác” với Vatican khi ông này đang là người chịu trách nhiệm quản lý nhiều quỹ thuộc Phủ Quốc vụ khanh. Cho đến trước khi “làm việc” với bà Mincione, Phủ Quốc vụ khanh chưa từng đầu tư vào các thương vụ tài chính phức tạp hay mạo hiểm, cũng chưa từng vay nợ để dùng đòn bẩy tài chính trong đầu tư, nên không hề có kinh nghiệm ở lãnh vực này. Thời điểm đó, Đức Hồng y Becciu là Phó Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Phủ Quốc vụ khanh đã vay 200 triệu USD của ngân hàng Crédit Suisse (Thụy Sĩ) để đầu tư vào quỹ của bà Mincione (trong đó, 100 triệu USD cho bất động sản - tức liên quan đến tòa nhà ở London).

Sự quản lý tài chính thiếu minh bạch đã làm 4 năm sau đó, Vatican quyết định ngưng mua toàn bộ tòa nhà ở London. Do tòa nhà này thời điểm ban đầu đã được định giá cao hơn nhiều so với giá trị thực nên khiến Vatican bị tổn thất một khoản đáng kể. Cụ thể, đến ngày 30.9.2018, các cổ phiếu đã mất 18 triệu euro so với giá trị đầu tư ban đầu, nhưng mức tổn thất tổng thể được đánh giá là lớn hơn rất nhiều.
Lan Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây