Trong số các tổ chức này có Phong trào Laudato si', Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới, năm giáo phận ở Ailen và hai giáo phận ở Canada.
Chào mừng "các tổ chức ngôn sứ" đang thoái vốn, cha Joshtrom Kureethadam, điều phối viên của phân bộ Sinh thái và Sáng tạo thuộc Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện nói: “Năm 2020, Vatican kêu gọi các tổ chức Công giáo thoái vốn khỏi các công ty nhiên liệu hóa thạch, do tác động tàn phá của chúng đối với môi trường. Tôi khuyến khích tất cả các tổ chức trên thế giới giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào những năng lượng nguy hại này bằng cách thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch”. Cha lưu ý: “Nếu chúng ta muốn đạt được hòa bình, chúng ta phải chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vì chúng đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay”.
Cũng liên quan đến việc bảo vệ môi trường của các tôn giáo, cách đây vài ngày, các giám mục châu Phi trong lúc tập hợp tại Hội nghị chuyên đề của Hội đồng Giám mục châu Phi và Madagascar (SECAM) đã ra tuyên bố kêu gọi các chính phủ thực hiện các biện pháp khẩn cấp và đầy tham vọng để bảo vệ sự đa dạng sinh học. Một trong những yêu cầu chính của lời kêu gọi là ngừng ngay việc xây dựng đường ống dẫn dầu thô Đông Phi (EACOP) đã được lên kế hoạch ở Uganda và Tanzania. Đường ống này sẽ khiến hơn 12.000 gia đình phải di dời.
Về mặt tài chính, Hội đồng các Giáo hội Kitô Thế giới vào tháng 6 năm ngoái đã kêu gọi "tài trợ có trách nhiệm cho khí hậu vì lợi ích của mọi người", bằng cách đảm bảo rằng qua quỹ hưu trí, ngân hàng hoặc bất kỳ dịch vụ tài chính nào khác, Hội đồng không ủng hộ việc tài trợ cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang huỷ hoại khí hậu.
Theo báo cáo về đầu tư vốn năm ngoái, các tổ chức tôn giáo chiếm hơn 35% cam kết thoái vốn trên toàn cầu, nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Sau mức khởi điểm là 50 triệu đô la vào năm 2014, hiện tại có hơn 1.500 tổ chức thuộc mọi lĩnh vực, với số vốn hoạt động hơn 40 tỷ đô la, đã đưa ra cam kết thoái vốn trên toàn thế giới.
Ngọc Yến - Vatican News