TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kinh Truyền Tin Chúa nhật 03/7/2022

Chủ nhật - 03/07/2022 19:22 | Tác giả bài viết: |   901
Chúa nhật 03/7/2022, Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông toà để đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Kinh Truyền Tin Chúa nhật 03/7/2022

ĐTC Phanxicô: Không có tình huynh đệ công cuộc loan báo Tin Mừng sẽ không tiến triển

Sau khi chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô cho cộng đoàn các tín hữu Congo ở Roma, vào lúc 12 giờ trưa Chúa nhật 03/7/2022, Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông toà để đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha tập trung vào câu Lời Chúa “Chúa chỉ định bảy mươi hai môn đệ và và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến”, để nhấn mạnh rằng công cuộc loan báo Tin Mừng cần chứng tá tình yêu huynh đệ của các môn đệ.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài huấn dụ như sau:

Các môn đệ được sai đi từng hai người một

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Tin Mừng phụng vụ Chúa nhật này chúng ta đọc thấy rằng “Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10,1). Các môn đệ được sai đi từng hai người một, không đi một mình. Từ cái nhìn thực tế, đi loan báo Tin Mừng từng hai người một dường như có nhiều bất lợi hơn là thuận lợi. Có nguy cơ là hai người không thuận thảo với nhau, có những nhịp độ khác nhau, trên hành trình nếu một người mệt mỏi hoặc bị đau thì người kia cũng buộc phải dừng lại. Trái lại, khi người ta đi một mình, dường như cuộc hành trình trở nên nhanh chóng và suôn sẻ hơn. Nhưng Chúa Giêsu không nghĩ như thế: Người không sai các môn đệ đi lẻ loi, nhưng sai các ông đi từng hai người một. Chúng ta hãy tự hỏi: tại sao Chúa lại chọn như vậy?

Chính đời sống của các môn đệ đã là sự loan báo Tin Mừng

Nhiệm vụ của các môn đệ là đi đến các làng và chuẩn bị cho dân chúng đón tiếp Chúa Giêsu; và những chỉ dẫn mà Chúa trao cho các ông không phải là những gì các ông phải nói, nhưng là cách họ phải là. Nghĩa là Chúa quan tâm đến việc làm chứng của các môn đệ hơn là những lời các ông nói. Thực tế, Chúa gọi các ông là những người thợ, nghĩa là các môn đệ được kêu gọi để làm việc, loan báo Tin mừng qua hành vi của các ông. Và hành động cụ thể đầu tiên mà các môn đệ thực hiện trong sứ vụ là ra đi từng hai người một. Các môn đệ không phải là “những người đánh trống tự do”, những người rao giảng không biết nhường lời cho người khác. Trước hết, chính đời sống của các môn đệ đã là sự loan báo Tin Mừng: các ông biết ở với nhau, tôn trọng nhau, không muốn tỏ ra mình có khả năng hơn người khác, cùng nhau quy chiếu về một Vị Thầy duy nhất.

Không có tình huynh đệ công cuộc loan báo Tin Mừng sẽ không tiến triển

Chúng ta có thể soạn thảo những kế hoạch mục vụ hoàn hảo, thực hiện tốt các dự án, tổ chức các dự án này đến từng chi tiết nhỏ; chúng ta có thể thu hút được đám đông và có nhiều phương tiện; nhưng nếu chúng ta không có tình huynh đệ, thì công cuộc loan báo Tin Mừng không tiến triển được. Lần kia, một nhà truyền giáo thuật lại việc đi đến châu Phi với một người anh em cùng dòng. Sau một thời gian, nhà truyền giáo tách ra khỏi người anh em này, dừng lại trong một ngôi làng, và ở đó nhà truyền giáo thành công trong một loạt các hoạt động xây dựng vì lợi ích cộng đồng. Tất cả đều thành công. Nhưng một ngày, nhà truyền giáo giật mình, nhận ra rằng cuộc đời của mình giống như một doanh nhân tài giỏi, luôn ở giữa công trường và với giấy tờ kế toán! Sau đó, nhà truyền giáo để lại quyền điều hành cho những người khác và đến với người anh em. Nhà truyền giáo hiểu như thế vì Chúa đã sai các môn đệ “từng hai người một”: sứ vụ loan báo Tin Mừng không dựa trên hoạt động cá nhân, nghĩa là trên “việc làm”, nhưng dựa tên chứng tá tình yêu huynh đệ, và cả qua những khó khăn của đời sống chung.

Tới đây chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào chúng ta có thể đem Tin Mừng đến với người khác? Chúng ta làm điều này với tinh thần và phong cách huynh đệ, hay theo tinh thần thế gian, với sự đối kháng, cạnh tranh và hiệu quả? Chúng ta hãy tự hỏi bản thân xem chúng ta có khả năng cộng tác, biết cùng nhau đưa ra quyết định, tôn trọng cách chân thành những ai ở bên cạnh và quan điểm của họ không? Trong thực tế, bằng cách này cuộc sống của người môn đệ thực sự đã là sự loan báo Vị Thầy cho người khác.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo hội dạy chúng ta biết chuẩn bị con đường cho Chúa với việc làm chứng cho tình huynh đệ.

Ngọc Yến - Vatican News

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây