TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Công Giáo Đức giữa cuộc khủng hoảng

Chủ nhật - 03/07/2022 20:19 | Tác giả bài viết: |   856
Dư luận Công Giáo tại Đức đang bị rúng động trong những ngày này. Những thống kê mới nhất cho thấy cộng đoàn Giáo Hội tại đây tiếp tục lâm vào tình trạng khủng hoảng nặng nề
Công Giáo Đức giữa cuộc khủng hoảng

Công Giáo Đức giữa cuộc khủng hoảng

Dư luận Công Giáo tại Đức đang bị rúng động trong những ngày này. Những thống kê mới nhất cho thấy cộng đoàn Giáo Hội tại đây tiếp tục lâm vào tình trạng khủng hoảng nặng nề và người ta chưa thấy tia sáng hy vọng nào chứng tỏ tình trạng này sẽ được vượt thắng.

Những con số mới nhất

Hôm 27/6/2022, viện thống kê quốc gia Đức và Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Đức công bố thông cáo cho biết: trong năm 2021 số tín hữu Công Giáo làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội đạt tới con số kỷ lục, gần 340 ngàn người (339.338), tức là tăng 26% so với năm 2020 trước đó (272.771). Nếu tính cả số người qua đời, thì trong năm 2021, Công Giáo Đức mất đi nửa triệu tín hữu.

Tổng cộng số tín hữu Công Giáo tại Đức hiện nay là hơn 21 triệu 600 ngàn người, tương đương với 26% dân số toàn quốc và là cộng đoàn Kitô đông nhất tại nước này. Cách đây 10 năm, 2011, số tín hữu Công Giáo tại Đức là 24 triệu 675 ngàn người.

Tình trạng Tin Lành tại Đức cũng không khá hơn. Theo thống kê công bố hồi tháng 3 năm nay, Tin Lành tại Đức trong năm 2021 có 19 triệu 720 ngàn tín hữu thuộc 20 Giáo Hội khác nhau, chiếm 23,7% dân số toàn quốc. Trong năm 2021, có 280 ngàn tín hữu Tin Lành làm đơn ra khỏi các Giáo Hội liên hệ, một con số kỷ lục từ trước đến nay.

Phản ứng

Đức Cha Georg Baetzing, Giám Mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Đức, bình luận rằng sự suy giảm trên đây là dấu hiệu một sự khủng hoảng sâu đậm của Giáo Hội Công Giáo tại Đức. Ngài nói: “Thật không phải là điều hay, đẹp khi nói về điều này… Tôi cảm thấy bị rúng động sâu đậm vì con số người ra khỏi Giáo Hội cực kỳ cao như vậy”.

Theo Đức Cha Baetzing, “Con đường Công nghị” của Công Giáo Đức là điều đúng, và Giáo Hội tại Đức tiếp tục tiến bước theo đường hướng con đường công nghị đã được đề ra. Qua “Con đường công nghị” này, Đức Cha Baetzing cùng với 2/3 các GM Đức, và Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức cổ võ cải tổ Giáo Hội sau những vụ Giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong những thập niên trước đây.

“Con đường công nghị” này muốn cải tổ trong 4 lãnh vực: thực thi quyền bính trong Giáo Hội, cụ thể là dân chủ hóa; vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, trong đó có việc cho phụ nữ chịu thánh chức, cải tổ luân lý tính dục của Giáo Hội cho hợp thời và sau cùng là thay đổi luật độc thân giáo sĩ. Khóa họp toàn thể của Công nghị có 230 đại biểu, đa số là giáo dân.

Theo Đức Cha Baetzing, phần lớn những người xin ra khỏi Giáo Hội là những người từ lâu không còn tiếp xúc hay liên hệ với giáo xứ của họ nữa và Đức Cha hy vọng nhờ con đường Công nghị, giáo dân sẽ xích lại gần hơn với các giáo xứ của họ.

Vấn đề đã có từ lâu

Thật ra vấn đề tín hữu Công Giáo và Tin Lành Đức làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội liên hệ đã có từ lâu và các vị lãnh đạo Giáo Hội cũng đã tìm những phương thế để lật ngược trào lưu này.

Nhiều người đã đưa ra những giải thích về nguyên nhân. Ví dụ Giáo sư Ulrich Riegel, thuộc đại học Riegen, cho rằng 2 lý do chính khiến các tín hữu đi tới quyết định xin ra khỏi Giáo Hội vì họ cảm thấy xa lạ, thiếu liên hệ với Giáo Hội. Đàng sau cảm tưởng đó có sự kiện họ cảm thấy Giáo Hội là một tổ chức quan tâm đến quyền lực và tinh quái. Họ cho rằng Giáo Hội không đáng tin vì có sự cách biệt giữa điều Giáo Hội dạy và đường lối cư xử của một vài vị lãnh đạo hoặc đại diện Giáo Hội, những vụ xì căng đan giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em. Nghĩa vụ phải đóng thuế cho Giáo Hội không phải là lý do chính, nhưng chỉ là một nhân tố đẩy mạnh trong một tiến trình gồm nhiều tác nhân khác nhau.

Nhưng theo một số nhà nghiên cứu khác, đối với nhiều tín hữu Tin Lành, nguyên nhân muốn tiết kiệm, xin ra khỏi Giáo Hội để khỏi phải trả tiền thuế cho Giáo Hội chiếm tới 71% các trường hợp rời Giáo Hội. Số tiền thuế này tương đương với 8 hoặc 9% thuế lợi tức đóng cho Nhà Nước. Khi không thuộc Giáo Hội hoặc tôn giáo nào thì đương sự không phải đóng thuế cho Giáo Hội hoặc tôn giáo của họ (Kathpress 10/3/2022)

Đức Cha Vorderholzer

Đứng trước lập trường của những người Công Giáo thuộc phe cấp tiến cho rằng để chặn đứng hoặc giảm bớt sự rời bỏ Giáo Hội, Giáo Hội cần phải tỏ ra cởi mở hơn, bãi bỏ luật độc thân giáo sĩ, cho phụ nữ đảm nhận tất cả các chức vụ trong Giáo Hội, như làm linh mục hoặc giám mục, cải tiến luân lý tính dục, chấp nhận hôn nhân đồng tính, cho những cặp ly dị tái hôn và lãnh nhận các bí tích, v.v. Đức Cha Rudolf Vorderholzer, giám mục giáo phận Regensburg ở miền nam Đức, cảnh giác các tín hữu đừng nuôi ảo tưởng như thế.

Cách đây 5 năm, trong bài giảng ngày 27/7/2017 tại Đền Thánh nữ Anna Schaeffer thuộc giáo phận Regensburg, Đức Cha kêu gọi các tín hữu đừng nghĩ rằng chỉ cần thay đổi một số cơ cấu và qui luật là giải quyết tình trạng sa sút của Giáo Hội Công Giáo tại đây.

Đức Cha nói: “như một phương dược để lật ngược những xu hướng giảm sút nói trên cũng như để bảo tồn tầm quan trọng của chúng ta, người ta liên tục khuyên chúng ta hãy ‘cởi mở và loại bỏ những tín điều bảo thủ cứng nhắc’. Trong trường hợp này, người ta khuyên chúng ta:

- hãy bãi bỏ luật độc thân của các linh mục;

- loại bỏ những trách vụ khác nhau và việc bổ nhiệm người nam và người nữ trong Giáo Hội, cũng như đón nhận phụ nữ vào trong sứ vụ tông đồ;

- chấp thuận yêu cầu bình đẳng hoàn toàn về luật pháp của những cặp đồng phái với hôn nhân;

- chấp nhận cho bất kỳ ai được rước lễ, v.v.

"Cũng như tôi, anh chị em biết rõ danh sách những đòi hỏi ấy.

"Anh chị em thân mến! Chúng ta sẽ thấy rõ bản chất của những lời khuyên ấy có vấn đề nếu chúng ta liếc qua thống kê về Giáo Hội Tin Lành Luther. Giả sử việc áp dụng những lời khuyên được kể trên đây thực sự là phương thế để cải tiến tình trạng Giáo Hội, thì nó phải được thấy rõ trong Giáo Hội Tin Lành Luther.

“Nhưng những con số thống kê về Giáo Hội Luther cho thấy gì? Nó cho thấy số người rời bỏ Giáo Hội Tin Lành đông hơn số tín hữu rời bỏ Công Giáo - và tiếp tục như thế từ nhiều năm rồi, ngoại trừ năm 2014, mặc dù trong Giáo Hội Tin Lành Luther tất cả những đòi hỏi nói trên đều được đáp ứng đầy đủ và tất cả những điều gọi là cản trở đối với Giáo Hội không còn nữa. Nhưng đại đa số quần chúng nói chung không biết đến điều đó, mặc dù những con số thống kê về hai Giáo Hội được công bố cùng một ngày. Phải chăng người ta cố tình không biết tới sự kiện ấy vì nó cho thấy sự yếu thế tỏ tường, sự vô lý và không có chất lượng của những lời 'khuyên bảo' gọi là tốt mà người ta muốn dành cho Giáo Hội Công Giáo?!

“Chúng ta phải nhìn rộng hơn trong toàn thể cuộc thảo luận. Các con số thống kê tỏ cho thấy có sự tục hóa đang lan rộng từ nhiều năm nay rồi, tín hữu không cảm thấy mình thuộc về Giáo Hội nữa, và sau cùng là suy yếu đức tin, không còn ý thức về Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta thiếu linh mục, nhưng đúng hơn, đó là một sự suy yếu cơ bản về đức tin. Tình trạng thiếu linh mục là một triệu chứng, giống như cơn sốt. Cơn sốt tự nó không phải là bệnh, nhưng nó cho thấy sự hiện diện của một tình trạng bị viêm. Tôi chắc chắn rằng cơn sốt thiếu linh mục cho thấy bệnh thiếu đức tin. Giáo Hội Tin Lành Luther từ lâu đã chịu tình trạng thiếu mục sư, có rất ít người trẻ học thần học và muốn dấn thân phục vụ Tin Mừng; mặc dù trong Giáo Hội này không có luật độc thân giáo sĩ, và các phụ nữ cũng có thể làm mục sư! Sự kiện này phải giúp chúng ta thấy rõ đâu là những lý do đích thực khiến cho Giáo Hội bị sa sút...”

Đức giám mục giáo phận Regensburg cũng nhắc nhở rằng: Chúng ta đừng quan tâm nhiều tới con số và thống kê. Điều phải làm cho chúng ta quan tâm là Tin Mừng có thể thắp sáng môi trường của chúng ta, qua đời sống đức tin của chúng ta. Hễ nơi nào chúng ta làm lu mờ Tin Mừng vì thiếu quan tâm, thiếu tình thương, vì sự cứng cỏi, thì chúng ta được kêu gọi hoán cải và dành nhiều chỗ hơn cho Chúa.

Thay vì liên tục thay đổi cơ cấu, đặc biệt các cơ cấu bí tích của Giáo Hội, thay vì làm tan loãng sứ điệp Tin Mừng và thay vì công bố một sứ điệp không còn yêu sách của Chúa Giêsu, công cuộc loan báo Tin Mừng được kêu gọi làm cho xã hội được tràn đầy Thánh Linh của Chúa Giêsu. Và bước tiến đầu tiên, quan trọng nhất trên con đường này là hằng ngày cố gắng nên thánh, hằng ngày lắng nghe Lời Chúa và sẵn sàng bắt đầu cuộc cải tổ Giáo Hội bằng chính bản thân. Cuộc cải tổ là: canh tân đức tin, tái lập hình ảnh Chúa Kitô được ghi vào lòng chúng ta trong bí tích Rửa tội và Thêm sức. Nơi nào điều này được bảo đảm cho chúng ta trong lòng thương xót của Thiên Chúa, nơi nào chúng ta thành công như vậy, thì chúng ta sẽ làm cho con người thời đại chúng ta tái tò mò về đức tin đang nâng đỡ chúng ta. Và khi ấy chúng ta cũng có thể giải thích về niềm hy vọng nơi chúng ta.”

Giuse Trần Đức Anh, O.P

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây