TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình

Thứ tư - 29/12/2021 02:24 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Huỳnh Thế Vinh |   1334
Mạng xã hội (Social Network) là một trong những phương tiện truyền thông mới (New Media) tác động đến đời sống con người, đặc biệt là người trẻ.
Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình

ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH TRƯỚC NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TỪ MẠNG XÃ HỘI


Dẫn nhập

Mạng xã hội (Social Network) là một trong những phương tiện truyền thông mới (New Media) tác động đến đời sống con người, đặc biệt là người trẻ. Nó là phương thức giao tiếp mới trong xã hội, nơi đó, không chỉ các nhà báo chuyên nghiệp như trước đây mà tất cả mọi người đều có thể chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức của mình qua bài viết, hình ảnh, âm thanh, và video... đến bất kỳ ai, bất kỳ nhóm xã hội nào, và ở mọi nơi, trong mọi lúc. Với mạng xã hội, mọi người từ chỗ chỉ biết nhận thông tin, đã trở thành những nhà sản xuất, những kênh truyền thông xã hội. Họ nắm trong tay một phương tiện có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống thể lý, luân lý và tâm linh của người khác, cũng như của chính mình. Được nắm giữ kho tàng mạc khải và đức tin[1], Giáo hội có sứ mạng chỉ cho nhân loại, đặc biệt là người trẻ, thấy giá trị đích thực của mạng xã hội trong ánh sáng của Tin Mừng, đồng thời đưa ra những đường hướng mục vụ thích hợp để giúp họ đạt đến giá trị đó.

Vì được sinh ra và lớn lên trong sự phát triển của mạng xã hội, thế hệ Z[2] - thế hệ người trẻ mới nhất của nhân loại chúng ta - mang nhiều đặc tính xuất phát từ tác động của mạng xã hội. Những người trẻ thế hệ mới này đang cần những phương thức đồng hành mới, như “rượu mới” cần có “bầu da mới” vậy. Vì “không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư” (Mc 2,22).

Được gợi hứng từ chủ đề mục vụ của Giáo hội Việt Nam năm 2021, bài viết này xin được nói đến việc “đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình trước những cơ hội và thách thức từ mạng xã hội”.

I. MỘT NHU CẦU ĐỐI VỚI GIÁO HỘI VIỆT NAM

Trên thế giới, số lượng người dùng mạng xã hội tính đến tháng 01 năm 2021 đạt hơn 4,2 tỷ người dùng, chiếm khoảng 53% tổng dân số toàn cầu. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần. Facebook vẫn là nền tảng mạng xã hội được nhiều người truy cập nhất với hơn 2,7 tỷ người dùng tích cực, tiếp theo là YouTube (2,2 tỷ), WhatsApp (2 tỷ), Facebook Messenger (1,3 tỷ), WeChat (1,2 tỷ), Instagram (1,158 tỷ), TikTok (0,689 tỷ),...[3] Có tới 86% người trẻ từ 18 đến 29 tuổi sử dụng Facebook và là thành phần chiếm đa số người dùng mạng xã hội này.[4] Một người dùng mạng xã hội thường có trung bình 9 tài khoản khác nhau và dành ra trung bình mỗi ngày 2 giờ 24 phút trên mạng xã hội, tăng hơn 1 giờ đồng hồ so với năm 2015.[5]

Những số liệu thống kê này cho thấy: Mạng xã hội trở thành một “lục địa mới”[6], với hơn nửa dân số thế giới tham gia mà đa số là người trẻ, và thời gian họ hoạt động trên đó mỗi ngày một lâu hơn. Đây đúng là một lục địa bao la đang cần rất nhiều mục tử đến đồng hành và chăm sóc. Thật vậy, nhu cầu đối với Giáo hội hiện nay là “làm thế nào để các mạng xã hội mang lại lợi ích từ sự tham gia đầy đủ của những người tin, những người khao khát chia sẻ sứ điệp của Đức Kitô và giá trị của phẩm giá con người vốn được giáo huấn của Đức Kitô khích lệ. Các tín hữu ngày càng nhận thức rằng nếu Tin Mừng không được phổ biến cả trong những môi trường kỹ thuật số, thì có thể sẽ vắng bóng trong kinh nghiệm của nhiều người, những người vốn coi không gian này là điều quan trọng. Môi trường kỹ thuật số không phải là một thế giới song song hay chỉ là một thế giới ảo, nhưng là thành phần của thực tại thường nhật của nhiều người, nhất là của giới trẻ”.[7]

Và nhu cầu đó lại càng tăng lên khi xem xét thực trạng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. Việt Nam là nước có số lượng người dùng mạng xã hội cao hơn mức trung bình thế giới. Dân số Việt Nam hiện nay là 97.980.706, đứng thứ 15 thế giới[8], nhưng số lượng người dùng Facebook tại Việt Nam thì vươn lên 8 bậc, đứng thứ 7 thế giới với hơn 69 triệu người, chiếm 70,1% toàn bộ dân số.[9] Đó là chưa kể đến số lượng người dùng các mạng xã hội nổi tiếng khác như Zalo, YouTube, Tiktok,... Với số lượng người dùng lớn như vậy, trong các gia đình Việt Nam, từ ông bà, cha mẹ, cho đến trẻ em, hầu hết mọi người đều có tài khoản mạng xã hội để nối kết và đăng tải các sự kiện lớn nhỏ trong đời sống mỗi người. Trong đó, người trẻ hoạt động tích cực nhất. Theo thống kê, đa số người dùng Facebook tại Việt Nam có độ tuổi còn khá trẻ từ 18 - 34 tuổi (chiếm hơn 23 triệu người).[10] Đặc biệt, thời gian người Việt sử dụng mạng xã hội cũng nhiều hơn mức trung bình thế giới. Theo một nghiên cứu của Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, trung bình một ngày, người Việt Nam bỏ ra khoảng 6 giờ 53 phút để lướt Web nếu dùng máy vi tính cá nhân và Tablet; 2 giờ 33 phút nếu dùng điện thoại di động; và dành 2 giờ 39 phút cho mạng xã hội, nhiều hơn mức trung bình của thế giới 15 phút.[11]

Với số lượng và thời gian sử dụng nhiều như vậy, mạng xã hội đang ngày đêm tác động mạnh đến người trẻ Việt Nam. Họ đang cần được đồng hành trước những cơ hội và thách thức từ mạng xã hội.

II. NHỮNG CƠ HỘI

1. Thực trạng

Mạng xã hội là món quà Thiên Chúa[12] ban cho các gia đình ngày nay. Nhờ mạng xã hội, các thành viên trong gia đình được hưởng hầu như vô tận các cơ hội về thông tin, giáo dục, phổ biến văn hóa và cả phát triển đời sống thiêng liêng nữa; đây là những cơ may vượt xa các điều mà những gia đình thời trước có thể có.[13]

Việt Nam là nước có tỷ lệ người trẻ di dân cao (61,8% trong tổng số người di dân tại Việt Nam là người trẻ từ 20-39 tuổi).[14] Nhờ mạng xã hội, những người trẻ này có thể kết nối dễ dàng với gia đình tại quê nhà. Các thành viên trong gia đình, dù sống xa nhau, nhưng vẫn cảm thấy gần gũi qua các cuộc trò chuyện, liên lạc với nhau. Nhờ sự liên lạc thường xuyên này, rất nhiều khó khăn trong gia đình được giải quyết.[15]

Trong đời sống gia đình, với khả năng chia sẻ địa điểm và gắn thẻ, các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ cho nhau những địa điểm yêu thích, những khoảnh khắc đẹp trong các chuyến du lịch và trong cuộc sống. Mạng xã hội trở thành nơi lưu giữ những kỷ niệm vui vẻ và yêu thương trong gia đình.

Trên mạng xã hội, người dùng thường bày tỏ sở thích, quan niệm sống và thái độ của mình. Nhờ mạng xã hội mà các bậc cha mẹ hiểu được những gì con cái họ đang làm và thích lam... Ngược lại, con cái cũng hiểu được những quan tâm, lo lắng của cha mẹ đối với mình.

Nếu cả cha mẹ và con cái đều xem các bài đăng giống nhau và theo dõi cùng một chủ đề trên mạng xã hội, thì họ có thể thảo luận về nó. Mặt khác, họ cũng có thể chia sẻ cho nhau những kiến thức bổ ích trong cuộc sống.[16]

Mạng xã hội có khả năng giáo dục cao. Nó giúp “phát huy sự tôn trọng và yêu mến gia đình, làm sáng tỏ những nguyện vọng và các quyền của gia đình, cũng như trình bày tất cả vẻ đẹp của gia đình”.[17]

Cách riêng đối với người trẻ, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã viết trong Tông huấn Christus Vivit: “Internet và các mạng xã hội đã tạo ra một cách thức mới để truyền thông và thiết lập tương quan, đó là nơi giới trẻ dành rất nhiều thời gian và gặp gỡ nhau dễ dàng”.[18]

Nói tóm lại, “nếu sử dụng tốt, mạng xã hội là phương tiện rất hữu ích để củng cố đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng, cung cấp thông tin về mục vụ xã hội, trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống hiệp thông và loan báo Tin Mừng”.[19]

2. Phương thức đồng hành

Trước những cơ hội to lớn do mạng xã hội đem lại, các bậc cha mẹ nên tin tưởng và giúp phát huy khả năng sử dụng mạng xã hội của người trẻ hiện nay - thế hệ Z.

Người trẻ thế hệ Z sinh ra trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2015. Hầu hết các thành viên của thế hệ Z là con của những người thuộc thế hệ X (những người sinh khoảng từ 1965-1980). So với thế hệ Y (hay còn gọi là thế hệ thiên niên kỷ mới - Millennials, sinh khoảng từ 1981- 1996), thế hệ Z chịu tác động nhiều hơn bởi mạng xã hội.[20] Người trẻ thế hệ Z còn được gọi là cư dân bản địa kỹ thuật số (digital native) vì được sinh ra và phát triển khi các phương tiện truyền thông xã hội đã phủ khắp thế giới. Công nghệ truyền thông xã hội là yếu tố trung tâm của bản sắc thế hệ Z. Họ luôn sống với Internet và điện thoại thông minh.[21] Chính vì thế, họ rất có khả năng trong việc sử dụng mạng xã hội và các thiết bị công nghệ thông tin.

Trong việc đồng hành với người trẻ, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có hướng dẫn: “Thay vì áp đặt lên người trẻ một chương trình có sẵn, cần phải đồng hành và lắng nghe các bạn trẻ, giúp họ khám phá những khả năng và các đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban, và tạo điều kiện thích hợp để người trẻ phát huy những khả năng đó”.[22]

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tin tưởng vào khả năng công nghệ của người trẻ. Ngài mời gọi các mục tử và các bậc cha mẹ cũng hãy tin tưởng như vậy. Trong Tông huấn Christus Vivit, ngài viết: “Tôi tin tưởng nơi người trẻ, chính họ biết cách nào là tốt nhất để quy tụ lại với nhau. Họ biết cách tổ chức các sự kiện lễ hội, các hội thao, cũng như cách loan báo Tin Mừng qua các mạng xã hội, qua các tin nhắn, các bài hát, video và những phương tiện truyền thông khác. Chỉ cần khuyến khích họ và tạo một khoảng không tự do để họ có thể hăng hái Phúc âm hóa những người trẻ khác ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh”.[23]

Trong thực tế, cha mẹ không nên ngăn cấm con cái mình dùng mạng xã hội, mà nên có kế hoạch quản lý cách dùng mạng xã hội của chúng sao cho phù hợp ngay từ nhỏ. Nếu bị ngăn cấm tiếp xúc với mạng xã hội, thì người trẻ sẽ bị cô lập với chúng bạn, tâm lý và cảm xúc sẽ không được phát triển lành mạnh. Trường hợp của em Đào Văn Tài, học sinh lớp 12 ở Vĩnh Phúc là một ví dụ. Em vốn là một học sinh ngoan hiền, có ước mơ thi vào trường Cảnh sát nhân dân. Nhưng vì cha mẹ ngăn cấm quá mức trong việc sử dụng tiền và các thiết bị di động, nên em ức chế vì thua kém bạn bè. Bị dồn nén trong thời gian dài, em đã bốc đồng đi giết người cướp của để có tiền mua điện thoại di động như chúng bạn.[24] Hơn nữa, nếu không được tiếp xúc với mạng xã hội, người trẻ sẽ phải chịu thiệt thòi nhiều về kiến thức, kỹ năng, và sẽ gặp khó khăn trong công việc vốn đang được công nghệ hóa.[25] Và với sự phát triển bùng nổ của kỹ thuật công nghệ như hiện nay thì việc ngăn cấm người trẻ tiếp cận với mạng xã hội là điều không thể.

Thay vì bị ngăn cản, người trẻ nên được cha mẹ đồng hành và khuyến khích để hướng đến những lợi ích và tận dụng sự phát triển của mạng xã hội. Họ cần được đồng hành và trợ giúp trong việc tạo ra những trang Fanpage, những nhóm, những kênh YouTube bổ ích... Về điểm này, chúng ta có một mẫu gương tuyệt vời. Đó là Chân phước Carlo Acutis.[26] Thánh nhân đã tận dụng khả năng của mình để lập nên một trang web sưu tập những phép lạ Thánh Thể trên thế giới.[27] Mục đích của Chân phước Carlo khi lập trang web này là để lôi kéo mọi người, giúp họ tin, yêu và sùng kính Thánh Thể.

Chân phước Carlo Acutis đã làm được, các bạn trẻ Công giáo khác cũng có thể làm được, đặc biệt trong thời đại ngày nay, việc tạo lập một kênh truyền thông xã hội không khó khăn gì. Điều các bạn trẻ cần: Đó là một ý tưởng, một sự nhiệt huyết, cùng với sự đồng hành và hướng dẫn của những người có trách nhiệm, đặc biệt là các bậc cha mẹ.

III. NHỮNG THÁCH THỨC

Trong Thư chung năm 2019 gửi cho các tín hữu Việt Nam, đặc biệt là cho các bạn trẻ, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cảnh báo: “Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ”.[28]

Trong một tài liệu do ba trăm bạn trẻ trên khắp thế giới soạn thảo trước khi diễn ra Thượng Hội đồng Giám mục về người trẻ năm 2018, các bạn trẻ đã chỉ ra ba tác động tiêu cực quan trọng của mạng xã hội đối với người trẻ, đó là: Sự phi nhân của những mối tương quan trên mạng; sự nhận thức méo mó về tính dục con người; và sự cô đơn mặc dù họ vẫn ở trong gia đình.[29]

1. Sự phi nhân

Những mối tương quan trên mạng có thể trở thành phi nhân. Nổi bật nhất là tình trạng bắt nạt qua mạng. Bắt nạt qua mạng xảy ra khi bất cứ một cá nhân nào bị đe dọa, xâm hại, làm nhục, làm xấu hổ hoặc bị tra tấn tinh thần qua tin nhắn, mạng Internet, các trang mạng xã hội và qua các thiết bị điện tử.[30] Thống kê trên thế giới cho thấy trong giới trẻ, cứ bốn người thì có một người (tức 25%) liên quan đến các vụ bắt nạt qua mạng.[31] Tại Việt Nam thì tình hình nghiêm trọng hơn. Theo kết quả nghiên cứu được công bố vào ngày 14/9/2020,[32] thì có tới 54% thanh thiếu niên Việt Nam dùng mạng cho biết họ từng có liên quan đến một vụ bắt nạt qua mạng, 21% cho biết họ từng là nạn nhân.[33]

Tin giả và việc bóp méo sự thật gây hại và phá vỡ các tương quan và các cuộc gặp gỡ đích thực giữa người với người. Tin giả ngày càng nhiều với những mục đích khác nhau: quảng cáo, câu view, chính trị, hạ nhân phẩm người khác... Nghiên cứu cho thấy, tin giả lan truyền nhanh hơn tin thật, và được đăng tải nhiều hơn. Kết quả nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ đăng trên tạp chí Science (Khoa học) cho biết: tin giả được đăng lại nhiều hơn 70% so với tin thật; tin thật mất thời gian lâu hơn 6 lần so với tin giả để đến với 1.500 người dùng mạng; tin thật ít khi có trên 1.000 lượt chia sẻ, trong khi không ít tin giả có tới 100.000 lượt chia sẻ.[34]

Sự chia rẽ và kích động bạo lực trong các nhóm trong mạng xã hội cũng là vấn đề quan tâm. Những cộng đồng mạng xã hội ngày nay thường đặt nền tảng trên sự đối lập với người khác, với những người bên ngoài nhóm. Do đó, những nhóm này thường gây ra sự chia rẽ hơn là hợp nhất, chúng làm nảy sinh sự hoài nghi và tạo ra những định kiến về sắc tộc, tình dục, tôn giáo, tầng lớp xã hội, và nhiều thứ khác. thường dẫn đến việc kích động hận thù.[35]

Đức Giáo hoàng Phanxicô kết luận: “Không gian mạng khiến mắt chúng ta trở thành mù trước tình trạng dễ tổn thương của người khác”.[36]

2. Sự nhận thức méo mó

Trong các phương tiện truyền thông xã hội, gia đình và đời sống gia đình lại quá thường bị mô tả một cách méo mó. Sự bất trung, hoạt động tính dục ngoài hôn nhân, và sự thiếu vắng một quan điểm luân lý và thiêng liêng về giao ước hôn nhân, tất cả những điều tiêu cực này được mô tả cách bừa bãi; thêm vào đó, sự ly dị, ngừa thai, phá thai và đồng tính luyến ái, đôi khi được ủng hộ cách tích cực. Những lập trường này, cổ võ những yếu tố đối nghịch với hôn nhân và gia đình, gây thiệt hại cho công ích của xã hội.[37]

Theo Business Insider, có 25 triệu web đen trên khắp thế giới, chiếm 12% tổng số trang web, nhưng chiếm tới 30% tổng lưu lượng trên Internet. Đây là những con số khổng lồ.[38] Tạp chí Time có một bài viết cho thấy thế hệ thanh thiếu niên ngày nay truy cập thường xuyên vào phim khiêu dâm trên mạng Internet. Phần lớn giới trẻ bắt đầu xem hình ảnh khiêu dâm ở tuổi 11; khoảng 107 triệu lượt truy cập hằng tháng vào các trang mạng dành cho người lớn ở Hoa Kỳ; 12 triệu giờ mỗi ngày trên toàn cầu được dành cho việc xem những hình ảnh khiêu dâm.[39]

Vấn đề này tác động mạnh đến người trẻ thế hệ Z, bởi vì họ là những người kết nối Internet liên tục và không giới hạn. Nội dung khiêu dâm trên Internet tràn lan và luôn sẵn sàng trong tay của họ. Họ cũng liên tục phải đối mặt với sự tràn ngập thông tin từ mọi nguồn khiến họ khó phân tích, phân biệt đâu là điều tốt dành cho họ. Thế hệ này sống chìm đắm trong một mạng lưới các ý tưởng và đạo đức khác nhau mà họ không có đủ thời gian và sự trưởng thành cần thiết để suy xét về chúng và đưa ra phản ứng thích hợp.[40] Do đó, sự nhận thức méo mó về giới tính và tính dục đang tăng cao nơi thế hệ Z.[41]

Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng khẳng định: Các vấn đề như khiêu dâm trên mạng làm méo mó nhận thức của người trẻ về tính dục con người. Công nghệ được dùng theo cách này tạo ra một thực tế ảo song song, không màng đến phẩm giá con người.[42]

3. Sự cô đơn

Các chuyên gia khi tiến hành nghiên cứu khảo sát tác động của Facebook tới tâm lý người dùng ở Việt Nam năm 2017 đã phát hiện ra một kết quả đáng chú ý, gây kinh ngạc: “Càng nhiều bạn trên Facebook, người Việt càng thấy cô đơn, bất mãn”.[43] Theo Tiến sĩ Trần Thành Nam, trưởng Ban nghiên cứu Internet và cuộc sống, thì “thời gian trung bình hằng ngày truy nhập vào Facebook càng nhiều, lòng tự trọng của người dùng càng thấp. Mức độ gắn bó với Facebook càng chặt chẽ, mức độ cô đơn càng tăng”.[44]

Theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, mạng xã hội là một cơ hội để thúc đẩy sự gặp gỡ với những người khác, nhưng nó cũng có thể làm tăng sự tự cô lập bản thân.[45] Việc chìm đắm trong thế giới ảo dễ dàng đưa tới một kiểu “di cư kỹ thuật số”, nghĩa là xa rời gia đình cũng như các giá trị văn hóa và tôn giáo. Thái độ này đẩy nhiều người vào một thế giới cô đơn và tự dò dẫm, đến mức họ cảm thấy mất gốc mặc dù trong thực tế họ vẫn ở chỗ đó.[46]

4. Phương thức đồng hành

Trước những thách thức của mạng xã hội, Giáo hội nhìn thấy vai trò quan trọng của gia đình.

a. Gia đình là môi trường tuyệt vời để người trẻ học cách truyền thông đích thực

Trước thách thức về tính phi nhân của mạng xã hội: gian dối, bắt nạt, chia rẽ, bạo lực,... thì gia đình là nơi người trẻ học được cách truyền thông đích thực: thành thật, yêu thương và nâng đỡ nhau. Đức Giáo hoàng Phanxicô giải thích: “Trong gia đình, chúng ta được học biết cưu mang và nâng đỡ nhau, biết nhận ra ý nghĩa được biểu lộ nơi khuôn mặt và những khoảnh khắc im lặng, biết cùng cười và cùng khóc với những người chưa đón nhận nhau nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhau. Điều này giúp chúng ta rất nhiều trong việc hiểu được ý nghĩa của truyền thông là nhìn nhận và tạo nên sự gần gũi”.[47] Đặc biệt, nơi gia đình người trẻ học được sự tha thứ, một yếu tố quan trọng trong tiến trình truyền thông. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Hơn bất cứ nơi nào khác, gia đình là nơi hằng ngày chúng ta trải nghiệm những giới hạn của chính mình và của những người khác, những vấn đề lớn nhỏ trong việc chung sống an bình với những người khác. Không có gia đình nào là hoàn hảo. Chúng ta không nên sợ những bất toàn, yếu đuối hay cả những xung khắc, nhưng hãy học cách đối phó với những điều ấy một cách xây dựng. Vì thế gia đình - nơi chúng ta vẫn yêu thương nhau dù có những giới hạn và tội lỗi - trở thành một trường học của sự tha thứ. Chính tha thứ là một tiến trình truyền thông... Nếu một đứa trẻ đã học được nơi gia đình cách lắng nghe người khác, phát biểu cách tôn trọng và bày tỏ quan điểm của mình mà không phủ nhận người khác, đứa trẻ đó sẽ trở thành người xây dựng đối thoại và hòa giải trong xã hội”.[48]

Như vậy, để giúp con cái mình nhận biết được cách thức truyền thông đích thực, điều trước tiên, cha mẹ cần xây dựng tổ ấm gia đình mình. Gia đình là môi trường đầu tiên để người trẻ học cách hòa nhập vào xã hội, bởi vì đó là nơi đầu tiên họ học biết đặt mình đối diện với người khác, để lắng nghe, để chia sẻ, để chịu đựng, để tôn trọng, để giúp đỡ, để chung sống. Trong khung cảnh gia đình, người trẻ học để làm sống lại sự gần gũi, quan tâm lẫn nhau, chào hỏi nhau. Nơi đó, người trẻ phá vỡ vòng vây ích kỉ nguy khốn để nhận ra rằng họ đang sống cùng những người khác, với những người khác, những người xứng đáng với sự quan tâm, tử tế và tình cảm của họ.[49]

b. Cha mẹ trở nên tấm gương cho con mình trong việc sử dụng mạng xã hội

Những bậc làm cha mẹ nên nêu gương tốt cho con cái qua việc chính họ cũng thận trọng và biết phân biệt chọn lựa trong việc sử dụng mạng xã hội.[50] Trong thực tế, không ít bậc cha mẹ cũng nghiện mạng xã hội[51], và sử dụng mạng xã hội chưa phù hợp như: để chế giễu người khác, bình luận chê bai hay có những nhận xét tiêu cực gây chia rẽ, bạo lực... Cách sử dụng mạng xã hội của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến con cái. Nếu cha mẹ chưa sử dụng đúng thì làm sao dạy được con cái? Ngược lại, nếu cha mẹ thường chia sẻ những lời hay ý đẹp, những hình ảnh vui tươi trên trang cá nhân của mình thì con cái họ cũng sẽ học tập và làm theo.[52]

Sẽ thật hữu ích nếu các bậc cha mẹ liên kết được với nhau để tạo ra những nhóm, Fanpage, diễn đàn để cùng chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và thảo luận về việc sử dụng mạng xã hội, cũng như cách giáo dục con cái sử dụng mạng xã hội.[53]

c. Cha mẹ là người đầu tiên và quan trọng nhất dạy dỗ con cái trước tác động lệch lạc của mạng xã hội về giới tính và gia đình[54]

Cha mẹ là người định hướng và giúp cho con cái hiểu giá trị đích thực của tính dục[55] và hôn nhân[56]. Để làm được điều này, Tông huấn Amoris Laetitia đã đưa ra vài lưu ý:

- Cha mẹ nên cung cấp thông tin về giới tính cho con cái nhưng thông tin phải đến đúng thời điểm theo cách thức phù hợp với lứa tuổi.

- Cha mẹ nên giúp con cái gìn giữ một cảm thức e thẹn.

- Cha mẹ dạy cho con cái biết về các biểu hiện khác nhau của tình yêu, về việc chăm sóc lẫn nhau, về sự dịu dàng tôn trọng nhau, về việc truyền thông giàu ý nghĩa.[57]

Đối với những người trẻ đã trở thành nạn nhân của những ham muốn dục vọng vô trật tự do mạng xã hội gây ra, các bậc cha mẹ cần giúp người trẻ vượt qua bằng cách:

- Tập nhân đức và tính tự chủ.

- Luyện ý hướng trong sạch.

- Giữ gìn cái nhìn trong sạch bên ngoài và trong lòng

- Kiểm soát được các giác quan và trí tưởng tượng

- Khước từ mọi vui thú trong những tư tưởng không trong sạch

- Và chuyên tâm cầu nguyện.[58]

d. Dành nhiều thời gian với con cái là yếu tố quan trọng giúp con cái vượt qua sự cô đơn do mạng xã hội gây ra

Điều này thật sự cần thiết đối với những người trẻ thế hệ Z, vì họ là những người đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ cơn khủng hoảng đời sống gia đình mỗi ngày một tăng từ hai thập niên qua. Họ là con của những gia đình ly tán (tỷ lệ đang tăng cao tại Việt Nam)[59] và là con của những cha mẹ phải làm việc xa và luôn bận rộn với công việc, không có thời gian và năng lượng để chăm sóc gia đình.[60]

Gia đình là nơi người trẻ tìm thấy niềm vui của sự gặp gỡ trực tiếp. Theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, khác với các cuộc gặp gỡ trên mạng xã hội, gia đình là nơi đem lại niềm vui của sự gặp gỡ ở mức độ thân thiết nhất, gặp gỡ bằng xương thịt, được sinh động bởi thân xác, con tim, đôi mắt, ánh nhìn, và hơi thở của nhau.[61] Nếu một gia đình sử dụng mạng xã hội để kết nối với nhau, để rồi gặp nhau ở bàn ăn và nhìn vào mắt nhau, thì mạng xã hội là một tài nguyên quý giá. Nếu mạng xã hội trở thành một cơ hội để chia sẻ những câu chuyện và những kinh nghiệm về cái đẹp hay đau khổ, để rồi các thành viên trong gia đình cùng nhau cầu nguyện và cùng nhau tìm kiếm điều tốt đẹp để siết chặt tình thân, thì mạng xã hội là một tài nguyên hữu ích.[62]

Lời kết

Vai trò của các bậc cha mẹ trong việc đồng hành với người trẻ trước những cơ hội và thách thức của mạng xã hội là rất quan trọng. Nó có tính quyết định đối với sự trưởng thành về mặt nhân bản và tâm linh của người trẻ. Thế nhưng, hầu hết các bậc cha mẹ đều gặp khó khăn khi thực hiện vai trò này.[63] Khi thấy con cái gặp những tác động nguy hiểm từ mạng xã hội thì họ rất lo lắng. Họ muốn giúp đỡ, nhưng nhìn lại khả năng của mình thì họ không đủ tự tin vì còn thiếu kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức... Kiến thức ở đây bao gồm nhiều lĩnh vực như truyền thông, tâm lý lứa tuổi, giáo dục con cái, và đặc biệt là giáo huấn của giáo hội. Ở đây, một cánh đồng mục vụ mới đang được mở ra đối với các mục tử và các cộng đoàn giáo xứ. Các bậc cha mẹ đang rất cần được hỗ trợ trong vai trò khó khăn này. Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi các vị mục tử đừng vô cảm trước những khủng hoảng của người trẻ, nhưng hãy biết khóc với các bậc cha mẹ và giúp họ vượt qua khó khăn.[64]

Lm. Phêrô Huỳnh Thế Vinh 
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 125 (Tháng 7 & 8 năm 2021)

WHĐ (29.12.2021)

 


[1] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông hiến “Kho tàng Đức Tin”, 1992

[2] Người trẻ thế hệ Z bao gồm những người sinh khoảng từ 1997 đến 2015, xem tại https://www.kasasa.com/articles/generations/gen-x-gen-y-gen-z, truy cập ngày 26/4/2021

[3] Worldwide digital population, Tháng 01/2021, tại https://www.statista.com/statistics/617136/digital-population-worldwide/, truy cập ngày 26/4/2021

[4] Karin Olafson và Tony Tran, 100+ Social Media Demographics, ngày 27/01/2021 tại https://blog.hootsuite.com/social-media-demographics/, truy cập ngày 26/4/2021

[5] Worldwide digital population, Tháng 01/2021, tại https://www.statista.com/statistics/617136/digital-population-worldwide/, truy cập ngày 26/4/2021

[6] Theo cách nói của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI trong Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2009

[7] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2013

[8] Nguồn: https://danso.org/viet-nam/, truy cập ngày 26/4/2021

[9] Hải Ninh, Số liệu thống kê: Việt Nam có 69.280.000 người sử dụng Facebook, tại https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin/so-lieu-thong-ke-viet-nam-co-69-280-000- nguoi-su-dung-facebook-700013.html, truy cập ngày 26/4/2021

[10] Hải Ninh, Số liệu thống kê: Việt Nam có 69.280.000 người sử dụng Facebook, tại https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin/so-lieu-thong-ke-viet-nam-co-69-280- 000-nguoi-su-dung-facebook-700013.html, truy cập ngày 26/4/2021

[11] Hải Văn, Đẩy mạnh thông tin chính thống để “miễn dịch” với thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội, ngày 04/12/2021, tại https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin/day-manh-thong-tin-chinh-thong-de-mien-dich-voi-thong-tin-xuyen-tac-tren- mang-xa-hoi-702166.html, truy cập ngày 26/4/2021

[12] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2014

[13] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2004

[14] Thông cáo báo chí kết quả nghiên cứu chuyên sâu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/12/thong-cao-bao-chi-ket-qua-nghien-cuu-chuyen-sau-tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-nam-2019/  truy cập ngày 28/4/2021

[15] X. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của tình yêu - Amoris Laetitia, Bản dịch của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 278.

[16] Anisha Nair, The Effects of Social Media on Family and Marriage, ngày 06/3/20219, tại https://parenting.firstcry.com/articles/magazine-effects-of- social-media-on-family-and-marriage/, truy cập ngày 28/4/2021

[17] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2008

[18] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô đang sống - Christus Vivit, số 87

[19] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung 2019, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hdgm-vn-thu-chung-35356, truy cập ngày 28/4/2021

[20] Kasasa, Boomers, Gen X, Gen Y, and Gen Z Explained, 2021, tại https://www.kasasa.com/articles/generations/gen-x-gen-y-gen-z, truy cập ngày 28/4/2021

[21] Clay Halton, Digital Native, 2021, tại https://www.investopedia.com/terms/d/digital-native.asp, truy cập ngày 28/4/2021

[22] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung 2019, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hdgm-vn-thu-chung-35356, truy cập ngày 28/4/2021

[23] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống - Christus Vivit, số 210

[24] Văn Chung, Cần tiền mua điện thoại, cậu học sinh lớp 12 gây ra thảm án, tại https://tienphong.vn/can-tien-mua-dien-thoai-cau-hs-lop-12-gay-ra-tham-an- post574150.tpo

[25] X. Th.S Nguyễn Thị Vân Anh, Vai trò của nhà trường và gia đình đối với hành vi sử dụng mạng xã hội của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Nha Trang - Khánh Hòa, tại http://ukh.edu.vn/gioi-thieu/Khoa/khoa-ly-luan-co-ban/chi- tiet-khoa-ly-luan-co-ban/id/2334/Vai-tro-cua-nha-truong-va-gia-dinh-doi-voi- hanh-vi-su-dung-mang-xa-hoi-cua-hoc-sinh-THPT-tren-dia-ban-thanh-pho- Nha-Trang---Khanh-Hoa, truy cập ngày 28/4/2021

[26] Sr. Têrêsa Lê Thị Ngọc Lễ, Chân Phước Carlo Acutis, linh đạo nên thánh dễ dàng cho người trẻ thời 4.0, và 5.0 sắp tới, Bản tin Hiệp Thông/ HĐGMVN, số 123 (tháng 3 & 4 năm 2021)

[27] Trang web: http://www.miracolieucaristici.org/en/liste/list.html, truy cập ngày 28/4/2021

[28] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung 2019, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hdgm-vn-thu-chung-35356, truy cập ngày 29/4/2021

[29] X. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống - Christus Vivit, số 90

[30] Khánh Linh, Vấn nạn bắt nạt qua mạng (cyberbullying) và những điều cần lưu ý, tại https://beautifulmindvn.com/2017/01/09/van-nan-bat-nat-qua-mang- cyberbullying-va-nhung-dieu-can-luu-y/, truy cập ngày 29/4/2021

[31] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2019

[32] Jacqueline Beauchere, Microsoft study shows bullying remains an issue with 4 in 10 teens involved; adults, too, ngày 14/9/2020, tại https://blogs.microsoft.com/on-the-issues/2020/09/14/microsoft-online-bullying-study-covid-19/, truy cập ngày 29/4/2021

[34] Trần Quang Vinh, Luật An ninh mạng: Tin giả... trách nhiệm thật, ngày 29/01/2021, https://bnews.vn/luat-an-ninh-mang-tin-gia-trach-nhiem-that/111852.html, truy cập ngày 29/4/2021

[35] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2019

[36] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô đang sống - Christus Vivit, số 90

[37] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2004

[38] Ictnews, Các nước quản lý truy cập web khiêu dâm như thế nào?, năm 2019, tại https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/cac-nuoc-quan-ly-truy-cap-web- khieu-dam-nhu-the-nao-38401.html, truy cập ngày 29/4/2021

[39] BS. Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà, Giới trẻ và văn hóa khiêu dâm - tình dục qua mạng Internet: Một nhận định trên phương diện xã hội và luân lý Công giáo, tại https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/gioi-tre-va-van-hoa-khieu- dam-tinh-duc-qua-mang-internet-39916, truy cập ngày 29/4/2021

[40] Octavio Esqueda, What Every Church Needs to Know About Generation Z, năm 2018, tại https://www.biola.edu/blogs/talbot-magazine/2018/what-every- church-needs-to-know-about-generation-z, truy cập ngày 29/4/2021

[41] Octavio Esqueda, What Every Church Needs to Know About Generation Z, năm 2018, tại https://www.biola.edu/blogs/talbot-magazine/2018/what-every- church-needs-to-know-about-generation-z, truy cập ngày 29/4/2021

[42] X. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô đang sống - Christus Vivit, số 90

[43] Tuấn Anh, Càng nhiều bạn Facebook, người Việt càng thấy cô đơn, bất mãn, ngày 07/09/2017, tại https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/cong-dong-mang/cang-nhieu-ban-facebook-nguoi-viet-cang-thay-co-don-bat-man-397294.html, truy cập ngày 29/4/2021

[44] Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Càng nhiều bạn bè trên Facebook càng không hài lòng với cuộc sống, ngày 07/09/2021, tại https://doanhnhansaigon.vn/thoi- su-quoc-te/cang-nhieu-ban-be-tren-facebook-cang-khong-hai-long-voi-cuoc- song-1079891.html, truy cập ngày 29/4/2021

[45] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2019

[46] X. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô đang sống - Christus Vivit, số 90

[47] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2015

[48] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2015

[49] X. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của tình yêu - Amoris Laetitia, Bản dịch của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 76

[50] X. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2004

[51] Song Liễu, Gia đình và hệ lụy của việc lạm dụng mạng xã hội, ngày 21/11/2020, tại http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202011/gia-dinh-va- he-luy-cua-viec-lam-dung-mang-xa-hoi-3031632/index.htm, truy cập ngày 29/4/2021

[52] X. Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Vai trò của nhà trường và gia đình đối với hành vi sử dụng mạng xã hội của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Nha Trang - Khánh Hòa, tại http://ukh.edu.vn/gioi-thieu/Khoa/khoa-ly-luan-co-ban/chi-tiet-khoa-ly-luan-co-ban/id/2334/Vai-tro-cua-nha-truong-va-gia-dinh-doi-voi-hanh-vi-su-dung-mang-xa-hoi-cua-hoc-sinh-THPT-tren-dia-ban-thanh-pho-Nha-Trang---Khanh-Hoa, truy cập ngày 29/4/2021

[53] X. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2004

[54] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2004

[55] X. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô đang sống - Christus Vivit, số 261

[56] X. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của tình yêu – Amoris Laetitia, Bản dịch của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, chương 5

[57] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Niềm vui của tình yêu - Amoris Laetitia, Bản dịch của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 281-283

[58] X. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2520

[59] X. Anh Kiệt, Ly hôn ở giới trẻ ngày nay và những hệ lụy đi kèm, năm 2020, tại https://thanhgiong.vn/ly-hon-o-gioi-tre-ngay-nay-va-nhung-he-luy-di-kem- 42279.html, truy cập ngày 30/4/2021

[60] X. Phạm Ngọc Anh, Làm sao khi bố mẹ khan hiếm thời gian cho trẻ?, năm 2016, tại https://afamily.vn/lam-sao-khi-bo-me-khan-hiem-thoi-gian-cho- tre-20160722113620528.chn, truy cập ngày 30/4/2021

[61] X. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2019

[62] X. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2019

[63] Octavio Esqueda, What Every Church Needs to Know About Generation Z, ngày 14/11/2018, tại https://www.biola.edu/blogs/talbot-magazine/2018/what- every-church-needs-to-know-about-generation-z, truy cập ngày 30/4/2021

[64] X. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Chúa Kitô đang sống - Christus Vivit, số 75  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây