Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ hai - 17/07/2023 21:09 |
2314
Cây thập giá ngược là biểu tượng cổ xưa về cuộc đóng đinh của Thánh Phêrô. Truyền thống kể rằng khi Thánh Phêrô chịu tử đạo, ngài đã xin được đóng đinh lộn ngược đầu xuống đất vì cho rằng mình không xứng đáng bị đóng đinh theo cách Đức Giêsu đã phải chịu.
CÂY THẬP GIÁ NGƯỢC CÓ Ý NGHĨA GÌ?
Hector Molina
WGPQN (17.07.2023) - Cây thập giá[1] ngược là biểu tượng cổ xưa về cuộc đóng đinh của Thánh Phêrô. Truyền thống kể rằng khi Thánh Phêrô chịu tử đạo, ngài đã xin được đóng đinh lộn ngược đầu xuống đất vì cho rằng mình không xứng đáng bị đóng đinh theo cách Đức Giêsu đã phải chịu.
Nhiều người chống Công giáo cho rằng Giáo hoàng là Phản Kitô, và bằng chứng điển hình là biểu tượng cây thập giá ngược của Giáo hoàng, thập giá ngược là của ma quỷ. Vì thế, họ lập luận rằng Giáo hoàng là liên minh của ma quỷ. Sự thật như thế này.
Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Đức Giêsu nói Phêrô phải chết cách nào:
“Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy” (Ga 21, 18-19).
“Anh sẽ phải dang tay ra”. Trong thế giới cổ đại – đặc biệt là theo truyền thống Kitô giáo – “dang tay ra” là nói đến cuộc đóng đinh. “Hãy theo Thầy” là báo trước sự bắt chước gương vâng phục của Đức Kitô “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8). Người mục tử thủ lãnh sẽ phải theo vị Mục tử Nhân lành đến cả cách chết như thế nào. Vào thời Thánh Gioan viết Tin Mừng thì cuộc tử đạo của Thánh Phêrô đã xảy ra rồi, thế nên ngài chết như thế nào thì cũng đã được các độc giả nhìn nhận.
Chúng ta có thể truy vết chứng từ về cuộc tử đạo của Thánh Phêrô nơi các tác giả Kitô giáo sơ thời, gồm có Origen, Eusêbiô thành Caesarea, Thánh Clementê thành Roma, Thánh Ignatiô thành Antiokia, Thánh Irênê, và Tertullianô.
Trong De Præscriptione 36 (khoảng năm 200 Công nguyên), Tertullianô viết:
Nếu bạn ở gần Ý, bạn có Rôma, nơi quyền lực từng nằm trong tầm tay. Thật may mắn biết bao cho Giáo hội này, nơi mà các Tông đồ tuôn đổ toàn bộ giáo huấn của mình ra với máu, nơi mà Thánh Phêrô đã mô phỏng Cuộc Thương Khó của Chúa, nơi mà Thánh Phaolô đã đội triều thiên với cái chết của Thánh Gioan (Tẩy giả).
Trong Scorpiace 15 (khoảng năm 204 Công nguyên), ngài lại viết về cuộc tử đạo của Thánh Phêrô:
Và nếu người tà giáo đặt niềm tin của mình vào một ghi nhận công khai, thì kho lưu trữ của đế quốc (Rôma) sẽ lên tiếng, như những viên đá thành Giêrusalem. Chúng ta đọc cuộc đời của các vị Cæsar: Tại Rôma, Nêrô là người đầu tiên nhuộm máu đức tin đang nổi lên. Sau đó, Phêrô bị người khác thắt lưng, khi ngài bị buộc chặt vào cây thập giá. Và rồi Phaolô được khai sinh với quyền công dân Rôma, ngài sinh ra một lần nữa ở Rôma nhờ cuộc tử đạo.
Trong cuốn Lịch sử Giáo hội (khoảng năm 325 Công nguyên), Eusêbiô thành Caesarea viết:
Phêrô xuất hiện để rao giảng tại Pontus, Galatia, Bithynia, Cappadocia, và Á châu cho người Do Thái tản mác. Cuối cùng, ngài đã đến Rôma, chịu đóng đinh lộn đầu xuống đất vì đã xin được chết theo cách này …. Những sự kiện này được Origen thuật lại trong cuốn thứ ba trong bộ sách Chú giải về Sáng thế ký (III.1).
Khi công khai tuyên bố mình là kẻ đầu tiên trong số những thù địch chính của Thiên Chúa, [Hoàng đế Nêrô] đã tàn sát các tông đồ. Do đó, người ta ghi nhận rằng Phaolô đã bị chặt đầu ở ngay Rôma, còn Phêrô cũng bị đóng đinh dưới thời Nêrô. Tường thuật về Phêrô và Phaolô được chứng minh với sự kiện là tên của họ vẫn được lưu giữ trong nghĩa trang của nơi đó cho đến ngày nay (II.25.5). Do cách thức mà ngài bị đóng đinh, Giáo hội đã dùng cây thập giá lộn ngược (không có xác [corpus] trên đó, vì vậy không phải là cây thánh giá) để chỉ Phêrô chứ không phải Đức Kitô. Là người kế vị Thánh Phêrô, Giáo hoàng sử dụng biểu tượng thập giá lộn ngược như một lời nhắc nhở mang tính biểu tượng về lòng khiêm nhường và cuộc tử đạo anh dũng của Thánh Phêrô. Không giống như một cây “thánh giá lộn ngược”, tìm cách lật và đảo ngược ý nghĩa của nó, chẳng có gì là ma quỷ về một cây “thập giá lộn ngược”.
[1]Có sự khác biệt giữa “cross” (thập giá) và “crucifix” (thánh giá). Theo Rufolf Distelberger, Western Decorative Arts (National Gallery of Art 1993), tr. 15: ““crucifix” (thánh giá) xuất phát từ tiếng Latinh là cruci fixus, có nghĩa là [một người] được gắn vào thập giá (cross), và là cây thập giá với hình ảnh Đức Giêsu trên đó, phân biệt với cây thập giá trơn. Còn hình tượng Đức Giêsu trên thập giá trong tiếng Anh gọi là corpus (từ tiếng Latinh có nghĩa là thân xác)”. Vì thế, chúng tôi dịch “cross” là thập giá, “crucifix” là thánh giá, theo tác giả Stêphanô Huỳnh Trụ, Tìm hiểu từ vựng Công giáo, Nxb Tôn Giáo, 2021, mục từ “Thánh giá, thập giá, …”, trang 568-573. “Thập giá” (cross), tiếng Hán là 十架 (thập là mười, giá là khuôn treo) có nghĩa là mười cái khuôn treo, chứ không có nghĩa là cái giá hình chữ thập. Đúng ra, phải gọi là “thập tự giá” 十字架 (thập là mười, tự là chữ, giá là khuôn treo), có nghĩa là cái giá có hình chữ thập. Tuy nhiên, thuật từ “thập giá” thay cho “thập tự giá” đã có từ lâu và sử dụng quá phổ biến nên đã trở thành thuật ngữ chuyên biệt của Kitô giáo. “Thánh giá” (crucifix), tiếng Hán là 聖架 (thánh là thuộc về Thiên Chúa, giá là khuôn treo), nghĩa là khuôn được thánh hiến. Đúng ra, phải gọi là “thập tự thánh giá”, nhưng “thánh giá” là từ phổ biến nên trở thành thuật ngữ Kitô giáo. Từ “thánh giá” cũng có lợi điểm là không cần phải tranh cãi cái giá đóng đinh Chúa có hình dáng gì.
[1]Có sự khác biệt giữa “cross” (thập giá) và “crucifix” (thánh giá). Theo Rufolf Distelberger, Western Decorative Arts (National Gallery of Art 1993), tr. 15: ““crucifix” (thánh giá) xuất phát từ tiếng Latinh là cruci fixus, có nghĩa là [một người] được gắn vào thập giá (cross), và là cây thập giá với hình ảnh Đức Giêsu trên đó, phân biệt với cây thập giá trơn. Còn hình tượng Đức Giêsu trên thập giá trong tiếng Anh gọi là corpus (từ tiếng Latinh có nghĩa là thân xác)”. Vì thế, chúng tôi dịch “cross” là thập giá, “crucifix” là thánh giá, theo tác giả Stêphanô Huỳnh Trụ, Tìm hiểu từ vựng Công giáo, Nxb Tôn Giáo, 2021, mục từ “Thánh giá, thập giá, …”, trang 568-573. “Thập giá” (cross), tiếng Hán là 十架 (thập là mười, giá là khuôn treo) có nghĩa là mười cái khuôn treo, chứ không có nghĩa là cái giá hình chữ thập. Đúng ra, phải gọi là “thập tự giá” 十字架 (thập là mười, tự là chữ, giá là khuôn treo), có nghĩa là cái giá có hình chữ thập. Tuy nhiên, thuật từ “thập giá” thay cho “thập tự giá” đã có từ lâu và sử dụng quá phổ biến nên đã trở thành thuật ngữ chuyên biệt của Kitô giáo. “Thánh giá” (crucifix), tiếng Hán là 聖架 (thánh là thuộc về Thiên Chúa, giá là khuôn treo), nghĩa là khuôn được thánh hiến. Đúng ra, phải gọi là “thập tự thánh giá”, nhưng “thánh giá” là từ phổ biến nên trở thành thuật ngữ Kitô giáo. Từ “thánh giá” cũng có lợi điểm là không cần phải tranh cãi cái giá đóng đinh Chúa có hình dáng gì.