TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Dạy con dùng tiền lì xì hợp lý

Thứ sáu - 28/05/2021 04:14 |   925
Dạy con dùng tiền lì xì hợp lý

Dạy con dùng tiền lì xì hợp lý

Tôi bất ngờ khi nghe cậu con trai 10 tuổi phàn nàn: “Sắp Tết rồi đó mẹ. Con hy vọng năm nay sẽ khá hơn năm trước. Chỉ sợ, càng lớn tiền lì xì càng ít, chán ghê”. Hình như nó quên mất những gì liên quan đến Tết, chỉ nhớ mỗi tiền “lì xì”.

Cách đây vài năm, cậu đã trả lại bao lì xì của ông bà nội tặng với lý do đơn giản: “Con không cần tiền”. Rồi thắc mắc: “Sao con không xin mà ông bà lại cho con tiền hả mẹ?”. Tôi thích sự ngây thơ của con, và chợt giật mình lo lắng. Phải chăng tiền lì xì đang là một điều đáng lo ngại khi dạy con?

Tiền mừng tuổi được bỏ vào những chiếc bao lì xì màu đỏ, được người lớn cho trẻ bằng thái độ trân trọng với lời nhắn nhủ ân cần. Cho tiền lì xì, nhận tiền mừng tuổi là một phong tục của người Việt, thể hiện sự quan tâm và niềm vui khi một năm mới tới. Nhưng với những đứa trẻ, tiền mừng tuổi không đơn giản thế. Đôi lúc trẻ đi chúc Tết mọi người chỉ để nhận “lì xì”. Không phải những đứa trẻ biết tiêu tiền, có nhu cầu tiêu tiền mới thích tiền mừng tuổi. Có những đứa trẻ chưa hề biết giá trị của đồng tiền nhưng cũng háo hức với bao lì xì.

Mỗi đứa trẻ đón nhận tiền mừng tuổi với một thái độ khác nhau. Đứa trịnh trọng, trang nghiêm, đứa hững hờ, đứa vồ vập… Có đứa trẻ nhận bao lì xì và bóc xem luôn tại chỗ. Có đứa rút tiền đếm và thể hiện ngay cảm xúc của mình. Thỉnh thoảng có đứa nhận xong rồi vứt lăn lóc vì mải chơi, chúng không quan tâm tiền nhiều hay ít.

Dù ít hay nhiều, tiền mừng tuổi vẫn cần được đón nhận trân trọng và biết sử dụng hợp lý. Những đồng tiền là lời chúc tốt đẹp, là ghi nhận những thành tích của trẻ trong năm qua. Những đồng tiền mang một ý nghĩa của sự quan tâm và là truyền thống, phong tục của người Việt. Bố mẹ hãy cho con biết, tiền lì xì không còn là trị giá vật chất, mà chủ yếu là giá trị tinh thần. Vì vậy, tiền mừng tuổi cần được sử dụng sao cho có ý nghĩa.

Trẻ có thể dùng tiền lì xì để phục vụ cho nhu cầu bản thân, mua sách vở hay đồ dùng học tập mà mình đang cần. Nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cả năm mong đến Tết để có tiền mừng tuổi. Chúng tính toán, chắt chiu, đắn đo khi mua những thứ mình mơ ước. Cũng có đứa dành để nộp học phí. Ngược lại, một số trẻ thì thích tiêu hoang, nghĩ rằng tiền mừng tuổi không phải là tiền của bố mẹ, không phải mồ hôi nước mắt của ai nên “xả láng” vô tội vạ: chơi bài, cá cược, chơi game và mua những thứ đồ chơi vô bổ.

Một số trẻ lại giữ khư khư tiền mừng tuổi, không dám tiêu, coi như của riêng và không cho ai đụng đến. Có tiền, giữ tiền, chúng phải lo lắng, căng thẳng vì sợ mất. Tiền khiến cho chúng trở nên khó chịu, ky bo. Chúng trở thành người coi tiền là quan trọng và tiền đã “làm khổ” trẻ.

Để trẻ cảm thấy vui vẻ và hiểu được ý nghĩa của những đồng tiền mừng tuổi, bố mẹ hãy cùng con lên kế hoạch chi tiêu. Nhiều bố mẹ vì sợ con làm mất tiền hoặc sử dụng lung tung nên “tịch thu” ngay sau Tết. Vì không được giải thích, không để trẻ tự nguyện nên trẻ ấm ức và miễn cưỡng đưa tiền. Chúng thường xuyên kể lể với mọi người và luôn hình dung đó là một khoản tiền rất lớn. Chúng không được cầm tiền theo ý muốn và không bao giờ có cơ hội để biết cách sử dụng những đồng tiền sao cho hợp lý.

Tiền lì xì là tiền “có lộc”, bố mẹ có thể hướng dẫn cho con dùng tiền để giúp đỡ người khác. Có thể dùng để ủng hộ đồng bào bão lụt, gây quỹ từ thiện hay giúp đỡ những trường hợp khó khăn. Trẻ sẽ thấy tự hào về những đóng góp của mình. Trẻ biết quan tâm chia sẻ với người khác. Trẻ được “san sẻ” lộc may mắn của mình.

Nhiều gia đình cùng nhau “góp gió thành bão”, cho trẻ cùng các thành viên trong gia đình góp tiền để mua một đồ vật dùng chung. Mỗi một lần sử dụng, trẻ lại thấy có công sức của mình. Có thể mua cây cảnh trang trí trong nhà, mua một bức tranh hay một cái quạt điện. Thậm chí cả nhà cùng nuôi con heo đất, đến cuối năm mổ heo lấy tiền sơn sửa lại nhà. Dù tiền mừng tuổi của trẻ không nhiều, nhưng trẻ sẽ thấy ngôi nhà chung ấm cúng hơn, đẹp hơn và đầy ắp tình thương yêu đoàn kết.

Tiền là một phương tiện để duy trì cuộc sống, là thước đo giá trị của sản phẩm và đôi lúc “bị” làm thước đo của lòng người. Bố mẹ hãy giúp con biết ý nghĩa của những đồng tiền và tạo cơ hội để trẻ biết sử dụng đồng tiền hợp lý.

Đặng Hà An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây