TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Giêsu, người thật việc thật

Thứ hai - 16/10/2023 19:53 | Tác giả bài viết: Văn Nghĩa, CRM |   574
Ở trường đại học, có lần con nghe thầy nói ông Giêsu chỉ là nhân vật bịa đặt. Hơn nữa, cuốn Kinh Thánh nói về ông Giêsu, nhưng chỉ do người khác ghi lại. Con biết vì thành kiến nào đó thầy mới nói vậy phải không ạ?
Đức Giêsu, người thật việc thật

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 104: ĐỨC GIÊSU, NGƯỜI THẬT VIỆC THẬT

Hỏi: Ở trường đại học, có lần con nghe thầy nói ông Giêsu chỉ là nhân vật bịa đặt. Hơn nữa, cuốn Kinh Thánh nói về ông Giêsu, nhưng chỉ do người khác ghi lại. Con biết vì thành kiến nào đó thầy mới nói vậy phải không ạ? 

Trả lời:

Bạn đã nói đúng, Đức Giêsu, đối tượng niềm tin của hơn hai tỉ Kitô hữu, bao gồm cả các bậc vĩ nhân, triết gia, khoa học gia, văn sĩ, thi sĩ hàng đầu thế giới, chắc chắn không phải là do hư cấu hay tưởng tượng ra, kiểu như một số nhân vật trong truyền thuyết, hay như những nhân vật huyền thoại trong các tín ngưỡng dân gian. Đức Giêsu là một con người cụ thể, đã sống trong một môi trường cụ thể và đã trải qua một hành trình cuộc đời trong một khoảng thời gian gian cụ thể, dù rằng Người là một thực tại siêu vượt trên tự nhiên. Sự xuất hiện của Đức Giêsu trong lịch sử nhân loại là điều đã được minh chứng bởi đông đảo các môn đệ và đã hình thành nên một tôn giáo lớn trên thế giới. Ngoài ra, nhiều sử gia cũng đã để lại cho chúng ta những tư liệu lịch sử đáng tin cậy, giúp chúng ta khẳng định sự hiện diện thực sự của Người. Chúng ta cùng tìm hiểu qua những tài liệu lịch sử ấy:

1. Sử liệu Rôma

Thời Đức Giêsu, vùng đất Palestine quê hương của Người đang chịu ách thống trị của đế quốc Rôma. Chính vì mối liên quan này mà trong kho sử liệu của Rôma, người ta tìm được một số tài liệu nói về Người.

Tài liệu thứ nhất là của ông Plinius, tổng trấn vùng Tiểu Á. Vào khoảng năm 112, trong một bản báo cáo gửi lên hoàng đế Trajano, ông đã đề cập đến người Kitô hữu, rằng tuy họ chẳng có làm điều gì rối loạn trật tự cả, nhưng họ rất đông, đến độ các đền thờ thần không còn ai lui tới nữa. “Họ quen tụ họp vào một ngày nhất định, trước khi mặt trời mọc, và ca bài chúc vinh Đức Kitô mà họ thờ như là Thiên Chúa của họ[1]. Những thông tin ngắn ngủi vừa rồi có lẽ chưa làm bạn hài lòng, nhưng dù sao cũng gián tiếp cho chúng ta biết về tầm ảnh hưởng của Đức Giêsu trong xã hội lúc bấy giờ.

Tài liệu thứ hai là quyển “Sử biên niên” của sử gia Cornelius Tacitus, xuất bản khoảng năm 115-120, trong đó có thuật lại việc hoàng đế Neron ngông cuồng thiêu rụi thành phố Rôma vào năm 64. Việc làm tàn ác này đã gây ra không biết bao nhiêu đau thương mất mát cho dân chúng. Để tránh cơn phẫn nộ của dân, nhà vua trút lỗi cho các Kitô hữu, cho rằng chính họ mới là những người gây ra tai họa thảm khốc ấy. Giải thích về lai lịch của các Kitô hữu, sử gia Cornelius Tacitus viết như sau:

Danh xưng Kitô hữu bắt nguồn từ Kitô. Ông này đã bị tổng trấn Phongxiô Philatô kết án khổ hình dưới thời hoàng đế Tibêriô (14-34). Thế nhưng bọn mê tín ấy, đã bị dẹp yên một thời gian ngắn, lại bành trướng không những bên Giuđêa, nơi xuất phát của nó, mà ngay cả tại Rôma này[2]

Các sử gia Rôma nói trên đều không phải là Kitô hữu, họ chỉ là những người sống vào thời Kitô giáo bắt đầu phát triển và lan rộng, khoảng 20 năm sau khi Đức Giêsu về trời, và họ ghi nhận những sự kiện có thật ở trước mắt họ một cách khách quan. Theo họ, Đức Giêsu Kitô là người mà ai nấy đều biết là có thật.

2. Sử liệu Do Thái

Gần gũi hơn với Đức Giêsu là các sử gia bản địa Do Thái. Tại đây, người ta tìm được hai tài liệu nói về Đức Giêsu.

Tài liệu thứ nhất là sách “Lịch sử Do Thái” của sử gia Josephus Flavius, xuất bản khoảng năm 93-94, kể lại lịch sử của dân tộc từ lúc lập quốc cho tới cuộc kháng chiến chống Rôma. Trong tác phẩm này, Đức Giêsu được nhắc tới hai lần. Lần thứ nhất là đoạn văn viết ở quyển 18 như sau:

Hồi đó có một người khôn ngoan, nếu có thể gọi được là một con người. Thực vậy, ông ta làm được nhiều việc kỳ diệu, thầy dạy cho những ai vui lòng tiếp nhận chân lý. Ông ta đã thu hút được nhiều người Do Thái và thậm chí cả những người Hy Lạp nữa. Ông là Đấng Kitô. Một vài thủ lãnh của chúng tôi đã đi tố cáo ông ta với quan Phongxiô Philatô, và quan đã xử tử trên thập tự. Tuy vậy, số những kẻ đã mộ mến ông ta từ đầu vẫn tiếp tục. Vào ngày thứ ba, ông ta đã hiện về với họ như còn đang sống. Các Ngôn sứ đã nói trước về điều này rồi và còn rất nhiều điều lạ kỳ khác nữa. Hiện nay vẫn còn nhiều người theo ông ta, gọi là các Kitô hữu[3]

Đoạn thứ hai là đoạn văn rất ngắn, nói về cuộc tử đạo của thánh Giacôbê, người anh em của Đức Giêsu, và là thủ lĩnh cộng đoàn Giêrusalem:

(Ananus) tụ họp Sanhédrin của các nhà thẩm phán và cho điệu Giacôbê, người anh em họ của Ông Giêsu, thường được gọi là Đức Kitô, và vài người khác ra trước mặt họ và sau khi kết án là những người này đã vi phạm Lề Luật, ông đã giao họ cho người ta ném đá đến chết[4].  

Tài liệu thứ hai là bộ sách Talmud, sách chú giải Kinh Thánh do các giáo sĩ Do thái viết khoảng sau năm 70. Đây là sách thể hiện sự căm ghét của Do Thái giáo đối với Kitô giáo. Sách này tìm cách bôi nhọ vị sáng lập tôn giáo mới. Chẳng hạn các tác giả cho rằng, ông Giêsu đã sang Ai Cập học nghề ma thuật, và trở về quê hương hành nghề đó; và cũng vì vậy mà ông ta bị bắt và bị kết án tử hình trên thập tự.  

Dù là sách bôi nhọ Đức Giêsu, nhưng rõ ràng sách này đã không phủ nhận sự hiện hữu của Người cũng như những phép lạ Người làm, họ chỉ gán những phép lạ ấy cho việc phù phép mà Người “học được ở Ai Cập”. Việc gán ghép này không có gì là lạ.

Sau này vào thế kỷ XX, nhiều người say mê những chuyện huyền bí phương Đông cũng đã cho rằng Đức Giêsu từng lưu ngụ tại Ấn độ hoặc Tây Tạng để luyện tập những phương pháp thần bí hầu đạt tới sự hiểu biết cao vời và làm được những phép lạ. Tiêu biểu trong số đó là cuốn sách mang tên “Quãng đời chưa được biết đến của Chúa Kitô” của nhà báo người Nga Nicolas Notovitch, xuất bản năm 1894. Ông dựa vào khoảng trống của Đức Giêsu trong các sách Tin Mừng, tức từ năm 13 tuổi đến năm 29 tuổi, là khoảng thời gian Đức Giêsu không được các Tin Mừng nhắc đến. Nhờ thế ông đã vẽ vời ra câu chuyện rằng khoảng thời gian đó Đức Giêsu đã đến sống ở Ấn độ và khu vực Himalaya để nghiên cứu Phật pháp và đã được các học giả Vệ Đà truyền dạy cho…

Ta thấy cách mà nhà báo Nicolas Notovitch viết cũng chính là cách mà sách Talmud đã viết, cho rằng Đức Giêsu đã sang Ai Cập học pháp thuật phù thủy ở đó, rồi trở về Israel mới có thể làm được nhiều phép thuật như thế. Thực ra, sách Tin Mừng Luca đã cho biết rõ là Đức Giêsu chẳng đi đâu cả:

Sau đó (sự việc Đức Giêsu ở lại trong Đền Thờ năm 12 tuổi), Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta. (Lc 2,51-52).

3. Các nguồn sử liệu Kitô giáo

Sử liệu về Đức Giêsu trong Kitô giáo thì hết sức dồi dào, đó là các ghi chép về cuộc đời của Người trong bốn quyển Tin Mừng và các sách trong bộ Tân Ước nói chung. Người ta có thể đặt ra nghi vấn về tính trung thực của các sách Tin Mừng. Tuy nhiên các nhà phê bình cũng phải công nhận rằng trong các tác phẩm cổ thời, nhất là các tác giả ngoại giáo, không có bản văn nào có giá trị sánh bằng.

Chúng ta hoàn toàn có thể tin vào các tác giả Tin Mừng, vì tính trung thực của các sách ấy. Các tác giả là những chứng nhân tai nghe mắt thấy cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, họ là các Tông đồ hay những cộng tác viên của các vị ấy. Ta hãy đọc qua phần lời ngỏ của Tin Mừng Luca để thấy điều đó:

Thưa ngài Thêôphilô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta... Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc. (Lc 1,1-4).

Hơn nữa, chúng ta tin tính trung thực của các sách ấy bởi vì đó là chứng cứ của những con người đạo đức và họ chỉ muốn xác nhận sự thật về những gì đã xảy ra. Họ thành thực đến mức không che đậy những gì đáng xấu hổ của họ. Họ kể về sự dốt nát, chậm hiểu giáo lý của họ đến nỗi Đức Kitô nhiều lần phải khiển trách họ. Họ kể về sự nhát đảm sợ sệt của họ trong cuộc khổ nạn của Thầy mình: trốn chạy bỏ mặc thầy chịu kết án oan, chịu hành hình và chết đau thương. Họ cũng kể lại luôn việc ông Phêrô, vị thủ lãnh của họ hứa sẵn sàng chết với Thầy nhưng rồi đã thất hứa, chối bỏ Thầy đến ba lần…

Chúng ta tin vào tính trung thực của các sách Tin Mừng, bởi vì tuy nhiều tác giả cùng viết, trong những hoàn cảnh khác biệt, mỗi người theo cách thức riêng, mỗi người tùy theo hoàn cảnh của các cộng đoàn họ phục vụ mà có những giải thích thêm. Tuy nhiên, về đại thể, các tác phẩm ấy rất tương đồng với nhau, chỉ khác biệt ở những chi tiết nhỏ và ở văn phong mỗi tác giả.

Cần hiểu thêm rằng các tác giả Tin Mừng không có ý viết tiểu sử của Đức Giêsu theo như phương pháp của chúng ta ngày nay. Các ngài chỉ muốn thuật lại những việc Người đã làm, những lời Người đã dạy dỗ vì ơn Cứu độ cho con người. Còn những điều khác, như mốc thời gian chẳng hạn, không được chú trọng cho lắm. Do đó, mà chúng ta không biết được chính xác Đức Giêsu sinh vào ngày nào, chỉ nói là ở thời vua Hêrôđê. Sau này, phụng vụ Giáo hội mừng sinh nhật của Người vào ngày 25 tháng 12 để thế vào ngày lễ kính Mặt Trời của dân Rôma. Dù vậy, đây vẫn là biến cố lịch sử, một sự kiện đã khai mạc kỷ nguyên mới cho lịch sử loài người, đã trở thành trung tâm điểm của lịch sử của nhân loại, tất cả các biến cố khác đều quy chiếu vào đó, nghĩa là dựa vào đó mà tính: trước Chúa Giáng sinh hay sau Chúa giáng sinh (vì tránh né, người ta quen gọi là trước công nguyên và sau công nguyên).

Tuy nhiên, qua các sách Tin Mừng mà chúng ta có thể thấy được bối cảnh lịch sử và cách sống của người Do Thái đương thời, nhất là những chỉ dẫn chính xác về địa lý liên quan đến cuộc đời của Đức Giêsu, chẳng hạn: Bethlehem là nơi sinh của Đức Giêsu, một làng nhỏ thuộc miền nam Do Thái; Nazareth là nơi định cư của gia đình Đức Giêsu, do đó mà người ta gọi Đức Giêsu là người Nazareth…

***

Bạn thân mến, với những tư liệu lịch sử trên đây, cùng với những suy luận xác đáng, mong là niềm tin của bạn được củng cố thêm lên, và luôn xác định rằng: Đức Giêsu là một người thật, một nhân vật lịch sử, chứ không phải là một nhân vật hư cấu do trí óc tưởng tượng viển vông của con người. Xin mượn lời Đức giáo hoàng Bênêdictô XVI làm lời tạm kết cho chủ đề của chúng ta:

Ngay cả khi ta chỉ dùng những tiêu chuẩn lịch sử đã được công nhận để xét, thì sự hiện hữu của Đức Giêsu đã quá rõ và đầy đủ, đến nỗi ta không còn nghi ngờ gì nữa về nhân vật lịch sử này. Những gì được truyền tụng về Người khác hẳn với những gì có thể tạo ra hay tưởng tượng ra… Vì vậy, theo tôi, việc hoài nghi về sự hiện hữu của Đức Giêsu là chuyện thiếu đứng đắn[5]

Tóm lại, Đức Giêsu là người thật việc thật, một nhân vật lịch sử, đã xuất hiện trong không gian và thời gian. Điều đó thật là hiển nhiên. Tuy nhiên sự thật không phải chỉ có thế. Đức Giêsu còn là một thực tại siêu vượt trên tự nhiên, siêu vượt trên lịch sử.

Văn Nghĩa, CRM
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

WHĐ (16.10.2023)

 

 

 

 

[1] Phan Tấn Thành, Về Nguồn, quyển 1, Nhà sách Đức Bà Hòa Bình, tr 28.

[2] Như trên, tr 29.

[3] Nguyễn Văn Trinh, Kitô học, Nhà sách Đức Bà Hòa Bình, 2011, tr 73.

[4] Như trên, tr.74

[5] Joseph Ratzinger, Thiên Chúa và trần thế, Phạm Hồng Lam, Dg, Nxb Tôn Giáo, 2011, tr 202.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây