TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giáo dân xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô

Thứ ba - 15/08/2023 02:02 | Tác giả bài viết: Nữ tu Thùy Trang, DHM |   1159
Là giáo dân, nhiều khi con chẳng biết phải đóng góp cho Giáo hội như thế nào. Xin cho con biết những con đường để cùng xây dựng Giáo hội?

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 97: GIÁO DÂN XÂY DỰNG NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ
 

vn150823a

 

Hỏi: Là giáo dân, nhiều khi con chẳng biết phải đóng góp cho Giáo hội như thế nào. Xin cho con biết những con đường để cùng xây dựng Giáo hội?

Trả lời:

Là giáo dân???

Bạn chắc chắn mình thuộc về thành phần đông đảo nhất trong Giáo hội. Bạn là nền tảng và lý do cho sự hiện hữu của các ơn gọi khác trong Giáo hội!

Phẩm trật Giáo hội. Theo dòng lịch sử phát triển của Giáo hội, phương pháp quản trị theo hình tháp của đế quốc Roma đã được ứng dụng để quản trị Giáo hội. Nhóm “giáo sĩ” với nhiều cấp bậc khác nhau nhưng chiếm tỉ lệ ít, lại được đặt làm thầy dạy, người dẫn đường, nhà quản trị… do họ hiến đời mình để chuyên lo những việc phục vụ và quản trị cộng đồng.

Tu sĩ. Họ là những người tuyên khấn Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục trong một hội dòng chính thức. Họ không thuộc về hàng giáo sĩ theo phẩm trật Giáo hội, nhưng thuộc vào phẩm trật ân sủng. Họ thường được đào tạo bài bản về tôn giáo và theo đuổi đời sống thánh thiện trong một linh đạo và một loại hình hoạt động tông đồ cụ thể. Do vậy, họ vẫn đóng một vai trò nổi bật trong dòng lịch sử Giáo hội nói chung.

Giáo dân. Hiến chế Lumen Gentium định nghĩa giáo dân là “tất cả những Kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo hội công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình.” (LG 31)

Cảm giác tự ti của giáo dân. Sự chênh lệch về địa vị và giáo dục tôn giáo trong nhiều thế kỷ đã tạo nên khoảng cách thực sự giữa giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Giáo sĩ/tu sĩ phải chủ động khởi xướng và điều hành mọi sự! Giáo dân thụ động nghe theo, ì ạch và nặng nề. Giáo sĩ/tu sĩ than phiền về sự bất hợp tác của giáo dân, còn giáo dân cảm thấy mình thấp kém, không được tôn trọng…

Phẩm giá Kitô hữu

Truyền thống Do thái giáo đã nối kết rất nhiều nhóm dân tộc “nô lệ” vào đại gia đình 12 chi tộc Israel trong biến cố xuất hành khỏi Ai Cập, và nhận Abraham làm ông tổ chung. Thời Tân ước, đức tin vào Đức Kitô đã xóa bỏ ranh giới: “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3, 28). Thánh Phaolô diễn tả tầm quan trọng của từng thành phần trong Giáo hội như những chi thể của một thân thể, và ân huệ riêng Chúa ban là vì lợi ích của cộng đoàn (x. 1Cr 12). Thánh Phêrô viết: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng” (1Pr 2, 5). Khi thiết lập nhóm phó tế, thánh Phêrô giải thích về nhiệm vụ chứ không phải về quyền hành (x. Cv 6, 1-6).

Khoảng tối trong việc điều hành của Giáo hội thời Trung cổ đã góp phần phân hóa giai cấp giữa các Kitô hữu. Phải chờ đến Công đồng Vatican II (1962-1968) mới có sự tái xác lập lại vị trí của thành phần đông đảo nhất là các kitô hữu giáo dân như vị thế của họ trong thời Giáo hội sơ khai. Hiến chế Lumen Gentium, một tài liệu Công Đồng, đã thay đổi khái niệm phẩm trật Giáo hội bằng hạn từ ‘Dân Thiên Chúa’ (x. chương 2). Dù vai trò Giám mục vẫn được đề cao (x. chương 3) nhưng nhiệm vụ và vị thế của tín hữu giáo dân rất được chú trọng (x. chương 4).

Quả thế, phẩm giá chúng ta là như nhau vì đều dựa trên ơn gọi căn bản là Kitô hữu qua phép Thánh Tẩy. Thánh Giám mục Augustinô (354 - 430) từng nói: “Cho anh em tôi là giám mục, cùng với anh em tôi là kitô hữu”. Như thế, giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ hay bất cứ phẩm vị nào trong Giáo hội chỉ khác nhau về cách thức làm chứng cho Chúa Kitô qua đời sống của mình trong gia đình và làm việc giữa đời, thánh hiến cho Thiên Chúa qua lời khấn dòng, hay cử hành tác vụ thánh. Ngoài nghĩa vụ chuyên biệt này, tất cả những điều khác có thể hoán đổi cho nhau, chỉ cần bạn có đủ trình độ chuyên môn và đức tin vững chắc.

Tại nhiều nước, giáo dân đứng ở vị trí giáo sư thần học, và giáo sĩ, tu sĩ ngồi ở vị trí học trò là chuyện bình thường. Tại cơ quan đầu não của Giáo hội là Vatican, trong những năm gần đây đã có những chuyển biến lớn trong việc bổ nhiệm nhân sự là giáo dân, thậm chí ở vị trí các bộ trưởng. Điển hình như bà Barbara Jatta làm giám đốc Bảo tàng Vatican từ năm 2016; bà Gabriella Gambino và Linda Ghisoni, hai phụ nữ có gia đình và có con, làm thứ trưởng bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống từ năm 2017; ông Paolo Ruffini làm Bộ trưởng Bộ Truyền thông Tòa thánh từ năm 2018, bà Francesca Di Giovanni đã trở thành thứ trưởng trong bộ Ngoại giao Tòa Thánh từ tháng Giêng năm 2020.

Kitô hữu giáo dân đóng góp xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô

Về sứ mạng cụ thể của Kitô hữu giáo dân, hiến chế Lumen Gentium viết: “Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Ðó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo Thánh Ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ” (LG 31).

Các hiệp hội giáo dân. Nhằm được hướng dẫn và nâng đỡ nhau sống chứng tá cho Chúa giữa đời, có những hiệp hội, đoàn thể, phong trào giáo dân, và các dòng ba (dựa vào linh đạo của một dòng tu) được thành lập trong Giáo hội.

Con đường nên thánh của bạn mang tên linh đạo giáo dân. Trong Tông huấn Vui mừng và hân hoan (Gaudete et Exultate, 2018), Đức giáo hoàng Phanxicô viết: “Để nên thánh, không nhất thiết cứ phải là giám mục, linh mục, hay tu sĩ.” (GE 14).

Nói cách đơn giản, bạn thuộc thành phần đông đảo nhất trong lòng Giáo hội. Bạn hiện diện giữa thế giới và tự sáng tạo con đường nên thánh cho chính mình ngay giữa lòng thế giới, ngang qua những bổn phận trần thế của mình, khi làm mọi sự để vinh danh Chúa, cứu rỗi linh hồn mình và mưu ích cho tha nhân. Như thế, bạn có thể sống chứng tá ở bất cứ môi trường nào, và qua ngành nghề chuyên môn của mình, cách riêng lẻ hay theo hiệp hội.

Bạn ơi, hãy tích cực tự đào tạo mình và tham gia vào các khóa đào tạo để bạn tự tin bước vào Giáo hội theo mô hình “bàn tròn”, chứ không phải “hình tháp”. Mong sao bạn sẽ là nhân tố tích cực góp phần xây dựng mô hình này trong tương quan giáo sĩ – tu sĩ – giáo dân ở Việt Nam. Cũng mong sao các giáo sĩ và tu sĩ tích cực góp phần vào quá trình chuyển hóa này qua việc đào tạo tín hữu giáo dân.

Hãy tự tin rằng khi bạn nghĩ, nói, làm bất cứ điều gì để vinh danh Chúa là bạn đang góp phần vào việc xây dựng Giáo hội – nhiệm thể Chúa Kitô, bạn nhé!

Nữ tu Thùy Trang, DHM
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)
WHĐ (14.08.2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây