TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giáo sĩ trị và lòng thương xót mục vụ

Chủ nhật - 17/07/2022 19:48 | Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính |   1008
Tinh thần giáo sĩ trị và mục vụ lòng thương xót, cả hai đều là cách thể hiện quyền bính nhưng một đàng là tiêu cực còn đàng kia là tích cực.
Giáo sĩ trị và lòng thương xót mục vụ

GIÁO SĨ TRỊ VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT MỤC VỤ

Mục lục

1. Tinh thần giáo sĩ trị.

       1.1. Nhận diện tính giáo sĩ trị.

       1.2. “Lấy ra khỏi đàn” để phục vụ

2. Lòng thương xót mục vụ

       2.1. Lòng thương xót và chức linh mục

       2.2. Nói không với bí tích thứ 8: bí tích “thuế quan mục vụ”

3. Từ “Tôi” sang “Chúng Ta”

NHƯ MỘT LỜI KẾT

 

WGPQN (17.07.2022) - Trong bài giảng lễ phong chức ngày 25 tháng Tư 2021 tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô nói với các tân linh mục rằng: “Các con sẽ là những mục tử giống như Đức Kitô. Đây là điều Ngài muốn nơi các con, những chủ chăn của dân thánh trung thành của Chúa. Những chủ chăn đi với dân Chúa: đôi khi đi trước, lúc thì đi giữa hoặc đi sau, nhưng luôn ở đó với dân Chúa…. Không ai trong các con học hành để trở thành một linh mục. Các con học các khoa học của Giáo Hội vì Giáo Hội đòi buộc thế. Nhưng các con được chọn lựa, được lấy ra từ dân Chúa…. Đừng đánh mất trực giác về dân Chúa … Hãy là những linh mục của dân Chúa chứ đừng là cán bộ Nhà nước!…. Phong cách của Thiên Chúa là lòng thương cảm và sự dịu dàng. Đừng đóng cửa lòng mình lại trước những vấn đề…. Nếu các con có được phong cách của Thiên Chúa – sự gần gũi, lòng thương cảm và sự dịu dàng – thì không phải sợ gì hết, mọi sự sẽ tốt đẹp!” Ngài kể rằng ngài bị đánh động khi nghe câu chuyện về một linh mục có tài quản trị giáo xứ. Khi vị linh mục ấy khám phá ra một nhân viên lớn tuổi làm việc trong giáo xứ phạm phải sai lầm, ngài đã trách mắng ông nặng nề, sa thải ông. Kết cục là ông già ấy đã chết. Đức thánh cha suy tư: “Con người này được thụ phong như một linh mục và kết thúc như một doanh nhân tàn nhẫn”.[1]

Tinh thần giáo sĩ trị và mục vụ lòng thương xót, cả hai đều là cách thể hiện quyền bính nhưng một đàng là tiêu cực còn đàng kia là tích cực.

1. Tinh thần giáo sĩ trị

1.1. Nhận diện tính giáo sĩ trị

Đức Phanxicô định nghĩa nó như là: “một cách hiểu sai lệch về quyền bính trong Giáo Hội”. Tinh thần giáo sĩ trị nhắm đến các linh mục nhiều hơn. Nó là cách mà các linh mục nhìn nhận về chính mình cũng như cách mà giáo dân xử sự với các linh mục, xem linh mục như một siêu nhân, tin mù quáng vào ông. Thư Đức Phanxicô gởi Dân Chúa, ngày 20 tháng 8 năm 2018: “mỗi người đã được rửa tội cần thấy mình dự phần vào sự thay đổi trong Giáo hội và xã hội mà chúng ta đang rất cần [...]. Không thể nghĩ đến hoạt động của chúng ta sẽ biến chuyển nếu mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội không tham gia tích cực. Quả thật, bất cứ khi nào chúng ta cố gắng sắp xếp lại, buộc phải im lặng, hoặc làm ngơ, hoặc thu gọn Dân Chúa vào nhóm nhỏ những người ưu tú, rốt cuộc, chúng ta đang tạo ra những cộng đoàn, các dự án, những cách tiếp cận thần học, những linh đạo và cấu trúc không có gốc rễ, ký ức, diện mạo, thể xác, và cuối cùng, không có sự sống.[2] Điều này được thể hiện rõ rệt qua cách hiểu sai lệch về quyền bính trong Giáo hội, một điều phổ biến nơi nhiều cộng đoàn đã xảy ra việc lạm dụng tình dục và lạm dụng quyền bính và lương tâm. Như vậy chính là trường hợp mang tinh thần giáo sĩ trị, một cách tiếp cận “không chỉ xóa bỏ nét đặc trưng của người Kitô hữu, mà còn đưa đến việc làm sút giảm và coi thường ân sủng bí tích Rửa tội đã được Chúa Thánh Thần đặt vào cõi lòng mọi người chúng ta”.[3] Chủ nghĩa giáo sĩ, dù nơi các linh mục hoặc giáo dân, đều cứa vào thân mình Giáo hội, đều dung dưỡng và giúp sức cho sự xấu xa tội lỗi, vốn chúng ta đang lên án, lại tiếp tục tồn tại. Nói “không” với lạm dụng là cương quyết nói “không” với mọi hình thức giáo sĩ trị”.

 Khi tại thế, Đức Giêsu không thiết lập Giáo Hội hay phẩm trật mà chỉ rao giảng về Nước Chúa đã đến ở đây và bây giờ cũng như làm chứng về điều đó bằng lời nói và hành động. Tinh thần giáo sĩ trị không là ý muốn của Đức Giêsu, vậy thì nó xuất phát do đâu?

“Giáo sĩ trị xuất phát từ nhãn quan độc đoán và ưu tuyển về ơn gọi, giải thích sứ vụ nhận được như là quyền lực để thi hành hơn là một sự phục vụ quảng đại và tự do được trao ban. Điều này làm cho chúng ta tin rằng mình thuộc một nhóm có tất cả mọi câu trả lời và không cần nghe hay học gì nữa”.[4] Các linh mục thực thi một ơn gọi đặc biệt, một nhiệm vụ đặc biệt, thế nhưng nhiệm vụ ấy thuộc về toàn thể Giáo Hội chứ không tách riêng ra và đứng bên trên như một ông chủ. “Thiếu ý thức thuộc về đoàn dân trung thành của Thiên Chúa như những người phục vụ chứ không phải như những ông chủ, có thể đưa chúng ta đến một trong những cám dỗ nguy hiểm nhất cho tầm với truyền giáo mà chúng ta được kêu gọi để thăng tiến: tinh thần giáo sĩ trị, kết thúc với bức biếm họa về ơn gọi mà chúng ta lãnh nhận.… Giáo dân không phải là người làm công hay nhân viên của chúng ta. Họ không phải nói lại như vẹt những điều chúng ta nói. Tinh thần giáo sĩ trị, không thúc đẩy được nhiều sự đóng góp, làm tắt dần ngọn lửa ngôn sứ mà toàn thể giáo hội được kêu gọi làm chứng nhân. Tinh thần giáo sĩ trị quên rằng tính hữu hình và tính bí tích của Giáo Hội thuộc về đoàn dân trung thành của Thiên Chúa (cf. Lumen Gentium, số 9-14), chứ không chỉ một số người được chọn và được khai sáng”.[5]

Cha Kenneth W. Schmidt, biện hộ viên cho Sứ vụ linh mục của Giáo phận Kalamazoo, Michigan, trong bài viết “Some Thoughts on Clericalism: An examination of behaviors and traits may help priests become ‘less clerical’” (Vài suy tư về những hành vi và đặc điểm có thể giúp các linh mục ‘ít giáo sĩ trị hơn’), đã phân tích và kê ra những đặc tính của tinh thần giáo sĩ trị như sau.

Đặc biệt (Special): Cảm giác xem mình là độc nhất, khác người; điều này có thể bắt nguồn từ sự thay đổi bản thể (ontological change) với bí tích Truyền chức. Thấy mình đặc biệt là cảm giác về tầm quan trọng, tầm cao và sự kỳ vọng rằng mình phải được đối xử khác thường, rằng mình được “Thiên Chúa kêu gọi” nhưng quên đi rằng mọi Kitô hữu khác cũng được kêu gọi. Ông ấy cần được thán phục và lôi kéo mọi sự chú ý về mình. Ở bên trên (Above): Là người đặc biệt có thể được diễn tả trong thái độ hay niềm tin rằng linh mục là tốt hơn hay bên trên người khác, ngạo mạn hay kiêu hãnh (thiếu đức khiêm nhường), xưng hô thiếu chuẩn với người khác, đặc biệt là người lớn tuổi. Ông có khuynh hướng đưa ra những xét đoán khắt khe, huênh hoang và thiếu lòng thương xót. Ông tìm kiếm sự vinh danh và kính trọng mà không xét đến hành vi thiếu tôn trọng người khác hay đôi khi mang tính lập dị của mình. Có đặc ân (Favored): Một cảm giác về đặc quyền, thấy mình xứng đáng được ưu đãi, được đối xử đặc biệt như một đặc ân. Một linh mục thấy mình được miễn trừ và các luật lệ không áp dụng cho mình. Tách biệt (Apart): Xem mình tách biệt, để riêng ra, không kết nối với dân Chúa (như người biệt phái chăng?). Ông thiếu sự thông cảm và thường nông cạn trong những hoàn cảnh khó khăn. Hậu quả là có những sự liên hệ xấu, ngay cả với các linh mục khác. Quyền lực (Power): Xem chức linh mục như là phương tiện để thi hành quyền lực, thống trị và khai thác người khác cho ý muốn và nhu cầu của mình. Ông sử dụng nhiều quyền bính hơn cái quyền mình có, cai trị và độc đoán hơn là dạy bảo và khuyên nhủ. Một linh mục như vậy có thể xem lừa dối là điều có thể chấp nhận được để theo đuổi mục đích của mình và có thể sử dụng áp lực, sự sợ hãi, đe dọa để hành động. Khi không đạt được điều mình muốn hay điều ông tin là của mình, ông có thể trả thù hay phạt những ai cản trở mình. Lơ là bổn phận (Lack of Accountability): Việc thi hành quyền lực cá nhân và giáo sĩ dường như đi đôi với niềm tin rằng mình không cần phải chịu trách nhiệm với ai. Ông tin rằng mình không phải bị khiển trách gì vì mình là linh mục và không chịu trách nhiệm hay mang hậu quả vì hành vi có hại của mình. Không cần bất kỳ khóa thường huấn nào sau chủng viện vì được truyền chức là có tất cả những điều cần thiết. Ông chỉ làm những điều tối thiểu trong sứ vụ linh mục. Tự quy (Self-Focus): Giáo sĩ cốt lõi là tự quy, quy ngã. Những vấn đề được đóng khung trong các câu hỏi như: “Điều này ảnh hưởng đến tôi như thế nào?” hay “Điều đó có lợi gì cho tôi?”. Không ngạc nhiên lắm khi tinh thần giáo sĩ trị thường được đánh dấu bằng tham vọng cá nhân. Giáo dân có thể thấy mình bị lạm dụng và bị thao túng vì linh mục chỉ quan tâm đến mình hơn là những người mà ông được thụ phong để phục vụ. Đầu óc cơ cấu (Institutional Mind-set): chú trọng vào Giáo Hội hơn là Đức Kitô, họ là những giáo hội viên trung thành hơn là những môn đệ trung thành, chú trọng vào cơ cấu giáo hội hơn là những người ở trong đó. Họ thường dựa vào việc trích dẫn luật hơn là biện phân cùng với Chúa Thánh Thần. Họ được xem như là người “của giáo hội” (churchy) chỉ nhắm đến những luật lệ, tước hiệu, ba bổn phận của giáo hội hơn là sứ vụ, “cuộc sống thực” hay những gì quan trọng hoặc cần thiết cho giáo dân, những người được trao ban cho họ để chăm sóc. Họ quên rằng mình được “lấy ra khỏi đàn” để phục vụ.

1.2. “Lấy ra khỏi đàn” để phục vụ.

Trong chuyến tông du đến Mozambique, ngày 5 tháng Chín 2019, Đức thánh cha Phanxicô đã gặp gỡ một nhóm các cha dòng Tên và chia sẻ: “Giáo sĩ trị thật sự là điều suy đồi trong Giáo Hội. Người mục tử phải có khả năng đi trước đàn để chỉ đường, ở giữa đàn để nhìn xem điều gì xảy ra trong đó, và cũng là ở cuối đàn để chắc chắn rằng không con nào bị bỏ lại. Trái lại, tinh thần giáo sĩ trị đòi người mục tử cứ đi đầu đàn, vạch đường và phạt dứt phép thông công những con đi lệch ra khỏi đàn. Nói ngắn gọn, nó rất nghịch lại với điều Đức Giêsu đã làm. Tinh thần giáo sĩ trị chỉ biết kết án, chia rẽ, đánh đập, và khinh thường dân Chúa”.[6] Các linh mục phải cẩn thận về mối liên hệ giữa mình với dân Chúa và đừng bao giờ quên rằng mình cũng ở trong đàn nhưng được chiếu cố “lấy đi khỏi đàn” để phục vụ. Trong một lần huấn đức cho các chủng sinh, Đức Phanxicô cũng nói: “Giống như ngôn sứ Amos, người không bao giờ quên rằng mình được “lấy ra khỏi đàn”, các linh mục cũng phải nhớ mình được lấy đi từ đâu bởi vì khi quên điều đó thì chúng ta rơi vào tinh thần giáo sĩ trị. Đừng quên mẹ bạn, cha bạn, ông bà của bạn, ngôi làng, sự nghèo khó, những khó khăn của gia đình: Chúa đã lấy bạn ra từ đấy, từ dân Chúa. Vì với điều này, với ký ức này, bạn sẽ biết nói với dân Chúa như thế nào, phục vụ như thế nào”.

Xét theo ngôn ngữ Kinh Thánh, nội hàm của sứ vụ linh mục mang ý nghĩa phục vụ theo nghĩa “người tôi tớ” (doulos). Đã đến lúc cần phải để sang một bên câu chuyện về quyền năng (như potestas, munera, …) để nói đến một ngôn ngữ đậm chất Kinh Thánh về sự phục vụ, sứ vụ và tính tôi tớ (servanthood). Các bài đọc trong các lễ nghi phong chức (giám mục, linh mục, phó tế) đều cho chúng ta ý thức về cách nói tôi tớ tính này. Các từ vựng đều có nguồn gốc từ giáo huấn của chính Đức Kitô. Hãy nhớ lại cảnh hai môn đệ của Ngài là anh em nhà Dêbêđê (trong Tin Mừng Matthêô là mẹ của họ) đến xin được đặt vào những vị trí đặc biệt (trước sự bất bình của mười môn đệ khác), Đức Giêsu trả lời:  “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn [megas] giữa anh em thì phải làm người phục vụ [diakonos], anh em; ai muốn làm đầu [protos] anh em thì phải làm đầy tớ [doulos] mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ [diakonēthēnai], nhưng là để phục vụ [diakonēsai], và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,42-45; cf. Mt 20,25-28). Không nên bỏ qua nội hàm của ngôn ngữ trong bản văn này. Từ “người phục vụ” (diakonos) song hành với một từ mà theo nghĩa đen có nghĩa là “người tôi tớ” (doulos), người có bổn phận phục vụ ông chủ. Đây là một từ hàm ý bổn phận bắt buộc chứ không phải là một sự phục vụ tùy chọn. Động từ “phục vụ” hay “được phục vụ” là từ diakoneō, được sử dụng để nói về người chăm sóc thật sự cho người khác, cũng như trong danh từ diakonos. Không có từ nào hàm ý ân huệ hay vinh dự bẩm sinh. Và tất cả chúng ta thường trích dẫn đoạn này cách hăng hái và gật gù như là có hiểu biết mà không biết đến hàm ý của nó. Thánh Phaolô cũng chia sẻ ngữ vựng tương tự, nhấn mạnh rằng mình là tôi tớ Đức Kitô (cf. Rm 1,1; Gl 1,10) và là người phục vụ kẻ khác (1 Tx 2,7-12).[7]

2. Lòng thương xót mục vụ

2.1. Lòng thương xót và chức linh mục.

Lòng thương xót và chức linh mục có tách biệt nhau không? Thật thú vị khi thấy rằng, trái ngược lại với những ý niệm hiện đại của chúng ta, không gì trong Kinh Thánh trực tiếp nối kết lòng thương xót với chức linh mục. Thật ra có vài lý do. Trước hết, “những linh mục” duy nhất tách biệt với Đức Giêsu, vị Thượng Tế cao trọng và đời đời, (cf. Dt 4,14), là các tư tế của Cựu Ước. Họ hầu như gắn liền với phụng tự, và hành vi của họ không gắn liền với lòng thương xót. Hơn nữa, họ chú tâm giữ gìn vinh dự, sự tinh sạch và thẩm quyền đối với công việc phụng tự hoặc ở các đền thánh hay đền thờ Giêrusalem. Hầu hết Kinh Thánh nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa mà con người được mời gọi để bắt chước. Thế nhưng vẫn có những phương tiện khác để chuyển tải lòng thương xót của Thiên Chúa, cụ thể là các ngôn sứ. Nhiều ngôn sứ mặc dù khắc khe lên án sự thất bại dai dẳng của dân Israel như là dân của giao ước song vẫn luôn nhấn mạnh Thiên Chúa cực kỳ đầy lòng thương xót. Đây là sứ điệp mà họ được truyền để phổ biến. Hôsê và Giêrêmia nhắc lại lòng thương xót của Chúa vươn đến người tội lỗi nhất trong dân. Nói theo thần học, sứ vụ linh mục là thông phần vào ba sứ vụ ngôn sứ, tư tế và mục tử của Đức Giêsu. Lòng thương xót không gì khác hơn là sự thông phần vào sứ vụ ngôn sứ của Đức Kitô, đồng thời cũng là sứ vụ kêu gọi dân Chúa thống hối và nhận lãnh lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đối với Tân Ước, tình trạng có khác. Vì chỉ mình Đức Giêsu Kitô là linh mục chân thật duy nhất, và Ngài trực tiếp gắn liền với lòng thương xót và thương cảm (cf. Dt 4,15-16), nên ta có thể nói rằng tất cả những người chia sẻ trong chức linh mục duy nhất của Ngài đều được mời gọi hiện thân những hành động thương xót của Ngài. Tất cả những ai theo Đức Kitô đều được mời gọi tỏ lòng thương xót, nhưng hiển nhiên là lời mời gọi này có tầm quan trọng lớn hơn đối với những người được kêu gọi đến sứ vụ được phong chức. Có thể khẳng định rằng làm một linh mục thương xót không phải là một tùy chọn. Nó là một phần trong ơn gọi của linh mục. Chúng ta không phải là những người ném viên đá đầu tiên mà là người công bố rằng chúng ta không lên án tội nhân, như Đức Giêsu đã làm (Ga  8,7-11).

"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng" (Mt 11, 28-30), đây chính là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa mà chỉ mình Đức Giêsu mới có thể mạc khải và thể hiện lòng thương xót này cách đầy đủ vì là Ngài là người Con giống với Cha mình. Lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện trong khi Đức Giêsu thực hiện sứ mạng cứu thế. "Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (Mt 12, 18-21). Stanley Hauerwas[8] đã làm sáng tỏ ý nghĩa của nhiệm vụ cứu thế theo Tin Mừng Matthêô: “Sự thực hiện nhiệm vụ này của Ngài buộc dân Israel xét lại Đấng Cứu Thế nào sẽ đến, vì đây là một ông vua từ chối cai trị bằng sức mạnh, đây là một tư tế sẽ bị hy sinh, và đây là một ngôn sứ không ‘cãi vã hay kêu to’. Hơn nữa, khi Ngài thực hiện trọn vẹn những nhiệm vụ này thì niềm hy vọng được mang đến cho Dân ngoại, công lý được toàn thắng”. Trong khi Matthêô bỏ đi sấm ngôn của Isaia rằng “Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu” (Is 42,4), ông đã giữ lại lời hứa “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,20). R.T. Rance nối kết điều này với hình ảnh lòng thương xót của Đức Giêsu: “Cây lau được dùng để đo và để đỡ, vì thế một khi nó mất đi sự ngay thẳng vì bị cong hay gãy, nó không còn sử dụng được nữa. Một dây vải được dùng làm tim đèn, nếu nó còn bốc khói nghĩa là nó đang có nguy cơ tiêu rụi. Theo suy nghĩ thông thường thì cả hai nên được thay thế…. Hình ảnh như vậy diễn tả một ý muốn bất thường là khích lệ người bị tổn hại hay tổn thương … Người tôi tớ sẽ không nhanh chóng kết án hay loại bỏ đi những người này … Ở đây, Matthêô tìm thấy một hình ảnh xa hơn nữa về một Đức Giêsu hiền hậu và khiêm nhường hiến dâng một ách êm ái và một gánh nhẹ nhàng, người ban tặng chỗ nghỉ ngơi cho những ai cực nhọc và gánh nặng”.[9] Đây là những hình ảnh mà những thừa tác viên của Tin Mừng lòng thương xót được mời gọi bước theo, như Đức Phanxicô đã khẳng định: “Điều quan trọng là làm sao hội nhập hết mọi người, phải giúp mỗi người tìm ra cách thế riêng để tham dự vào cộng đoàn Hội thánh, để họ cảm thấy mình được chạm đến bởi một lòng thương xót “vô cùng đại lượng, vô điều kiện và vô cầu”. Không ai có thể bị kết án mãi mãi, bởi vì đó không phải là lối suy nghĩ của Tin mừng! Tôi không chỉ muốn nói đến những người đã ly dị và đang sống một sự kết hợp mới, nhưng nói với mọi người, đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào”[10]

Đồng Hành, Biện Phân và Hội Nhập Sự Yếu Đuối”, đây là tiêu đề sáu đoạn cuối của chương 8 Tông huấn Amoris Laetitia, cân bằng trách nhiệm về lý tưởng với nhìn nhận về sự bất toàn. Đức Phanxicô khẳng định rằng: “Khi đề xuất với tín hữu lý tưởng trọn vẹn của Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội, các mục tử của Giáo Hội cũng phải giúp họ cư xử với những người yếu đuối một cách cảm thương, tránh làm bực mình hay phán đoán khắc nghiệt hoặc hấp tấp thái quá”.[11] Tin Mừng Matthêô khẳng định về sự hoàn thiện của lề luật: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (5,18). Tuy nhiên, nếu cứ giải thích điều này cách duy luật, thì nó sẽ có nguy cơ loại bỏ con người. Khi ta chấp nhận dòng chữ như thế này, tức là cứ luật mà làm, nó sẽ liên quan đến một thái độ kết án, loại bỏ con người ra khỏi cộng đoàn, một hành động hoàn toàn bị Đức Phanxicô từ chối. Một tiếp cận như thế sẽ kết thúc cho bất kỳ quan điểm nào về lòng thương xót mục vụ. Tin Mừng Matthêô và những lời của Đức Phanxicô nhắm đến “một khuôn khổ và một khung cảnh giúp ta tránh thứ luân lý có tính bàn giấy lạnh lùng trong việc xử lý các vấn đề nhạy cảm hơn” (Amoris Laetitia, số 312).[12]

Mặc dù Tông huấn Evangelium Gaudium của Đức Phanxicô không bàn chi tiết đến lòng thương xót hay sự thâm sâu thần học của nó, nhưng đã đề cập đến lòng thương xót đến 32 lần. Ở đây nhấn mạnh đến mục vụ nhiều hơn, chú trọng đến ba khía cạnh: lòng thương xót trong công việc rao giảng Tin Mừng, trong thi hành bí tích và trong việc phục vụ người nghèo trong thế giới. Đức Phanxicô nhìn thấy sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội bắt nguồn từ trong “ước muốn vô tận chứng tỏ lòng thương xót” (số 24) và Giáo Hội được kêu gọi là “nơi trao ban lòng thương xót cách tự do” (số 114). Điều này có nghĩa là phải tìm cách làm cho bí tích Hòa giải đặc biệt là “nơi gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa” chứ không phải là “phòng tra tấn” (số 44). Về “lòng thương xót đối với người nghèo”, giọng điệu của Đức giáo hoàng trở nên khẩn cấp: lòng thương xót trong Kinh Thánh thật “rõ ràng và trực tiếp”, thế sao chúng ta lại có thể “làm phức tạp lên một điều đã quá đơn giản đến thế” (số 194).[13]

2.2. Nói không với bí tích thứ 8: bí tích “thuế quan mục vụ”.

Đức Phanxicô cảnh báo rằng khi chú trọng đến nghi thức, thủ tục hơn là nhu cầu thiêng liêng, người ta đang muốn thiết lập bí tích thứ tám là bí tích “thuế quan mục vụ” (pastoral customs). Trong một bài giảng ngày 25 tháng Năm 2013 nhân đoạn Tin Mừng Marcô 10 nói về câu chuyện Đức Giêsu khiển trách các tông đồ vì đã đuổi những người đưa trẻ em đến để Ngài chúc lành. Đức Giêsu tức giận vì các môn đệ “muốn ngăn chặn” điều đó.  Đức thánh cha nhận xét: “Đức tin của dân Chúa là một đức tin đơn sơ, một đức tin không có nhiều thần học nhưng có một thần học nội tâm không sai lạc, vì có Chúa Thánh Thần ở bên trong. Dân thánh Chúa không sai lạc trong vấn đề niềm tin (Lumen Gentium). Nếu bạn muốn biết Đức Maria là ai thì hãy đi đến với nhà thần học. Ông ấy sẽ nói cho bạn biết Đức Maria thật sự là ai. Nhưng nếu bạn muốn biết yêu Đức Maria như thế nào thì hãy đến với dân Chúa để được dạy dỗ tốt hơn. Dân Chúa luôn luôn đòi hỏi một điều gì đó gần hơn với Đức Giêsu, đôi khi họ có chút cố chấp trong điều này, nhưng đây là sự cố chấp của người tin. Tôi nhớ có một lần có một lần dự lễ bổn mạng tại một nhà thờ ngoài thành phố Salta, có một bà khiêm tốn xin một linh mục chúc lành. Vị linh mục đáp: “Được, thế nhưng bà đã sự chúc lành của thánh lễ rồi và rồi giải thích toàn bộ thần học về sự chúc lành trong Giáo Hội”. Bà ấy nói: “Vâng, thưa cha, cám ơn cha”. Rồi khi linh mục ấy quay đi, bà đến với một linh mục khác và nói: “Xin cha chúc lành cho con!” Tất cả những lời giải thích không ghi tạc gì trong bà vì bà có một nhu cầu khác: nhu cầu được Thiên Chúa chạm đến. Đó là đức tin mà ta luôn tìm kiếm, đức tin mang đến Chúa Thánh Thần. Chúng ta phải tạo điều kiện cho nó, làm nó mạnh lên và giúp nó tăng trưởng”. Cũng vậy, Đức Phanxicô nhắc đến câu chuyện người mù thành Giêricô bị các môn đệ la mắng vì ông la lên với Chúa: “Lạy Đức Giêsu, con vua Đavít, xin thương xót tôi!” Họ muốn ông đừng có la. Họ muốn bảo ông rằng: “Ông không được la lên như vậy. Thủ tục không cho phép điều đó!” nhưng ông la to hơn, vì sao? Vì ông tin vào Đức Giêsu! Đức thánh cha nói tiếp: “Luôn luôn có sự cám dỗ là mình nắm quyền sở hữu Thiên Chúa!” Và rồi ngài kể tiếp câu chuyện khác về một bà mẹ đơn thân đến nhà thờ xin rửa tội cho con. Cô thư ký nói: “Không được vì chị không kết hôn!” Nhưng hãy xem! Cô ấy đã có can đảm mang bào thai và giữ con lại, điều gì xảy ra vậy? Một cánh cửa đóng kín! Và một khi chúng ta có thái độ này, chúng ta không làm điều tốt cho dân Chúa, một đoàn dân mà Đức Giêsu chỉ lập ra bảy bí tích, nhưng với thái độ này là chúng ta đang lập ra bí tích thứ tám: bí tích của thuế quan mục vụ! Giáo Hội là “cánh cửa mở” chứ không phải là một “cửa khẩu thuế quan”! Những câu chuyện của Đức Phanxicô cần được các linh mục làm mục vụ suy tư nhiều hơn trong một Giáo Hội đang đề cao tính hiệp hành.

3. Từ “Tôi” sang “Chúng Ta”

Giáo Hội hiệp hành là một Giáo Hội đi từ Tôi, ngôi thứ nhất số ít, sang Chúng Ta, ngôi thứ nhất số nhiều. Đây là cách sống và hành động (modus vivendi et operandi), từ “độc hành” sang “hiệp hành” mà Giáo Hội chuẩn bị cho các thành viên của mình chia sẻ trách nhiệm, phát triển các ơn đặc sủng và sứ vụ, nới rộng các biên giới tình yêu huynh đệ. Trong Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô xác định 4 nguyên tắc chính của tính hiệp hành: 1) “thời gian lớn hơn không gian”; 2) “hiệp nhất thắng vượt xung đột”; 3) “thực tế quan trọng hơn ý tưởng” và 4) “toàn thể lớn hơn một phần”.

Ý nghĩa sâu lắng của tính hiệp hành (synodality)[14] nằm trong giới từ syn: cùng nhau, là hoa trái và là điều kiện cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng yêu thích sự hiệp nhất và hài hòa. Đi cùng nhau là một thực tại riêng của đời sống con người mà ta thấy biểu hiện rất rõ không chỉ trong các nhân vật Cựu Ước, nhưng đặc biệt là Đức Giêsu, Đấng đã thi hành sứ vụ của mình bằng cách đi cùng với những người đồng hành của riêng mình và tất cả những ai chờ đợi lời hằng sống từ Ngài. Khi đi cùng với các môn đệ về làng Emmaus, Đức Giêsu tiếp cận họ, lắng nghe những nỗi u buồn và thất vọng của họ. Giáo Hội là dân Chúa đi cùng nhau (syn-odos) và vì thế hiệp hành là chiều kích cấu thành của Giáo Hội. “Giáo Hội hiệp hành là Giáo Hội lắng nghe, ý thức lắng nghe (listening) hơn là nghe (hearing).[15] Lắng nghe nhau để mỗi người học hỏi được một điều gì đó. Các tín hữu, Giám mục đoàn, Giám mục Rôma: mỗi bên phải lắng nghe nhau; và tất cả lắng nghe Chúa Thánh Thần là “Thần Chân Lý” (Ga 14, 17) để biết Ngài “nói gì với các giáo hội” (Kh 2, 7).[16]

Một số người cho rằng một Giáo Hội nhỏ hơn, chỉ với một ít giáo dân trung thành, thì sẽ tốt hơn một Giáo Hội phổ quát chào đón mọi người. Một giám mục nói rằng ý tưởng đó giống như chào đón một con tàu đang chìm. Quan niệm này thường được lập đi lập lại trong số những người Công giáo bảo thủ. Hoặc chúng ta cũng nghe từ những người ngán ngẫm với những vấn đề mà họ thấy trong Giáo Hội, họ cho rằng bỏ đi những nghi thức và giáo sĩ thì sẽ “rửa sạch” được Giáo Hội. Thế nhưng mọi người đã được rửa tội cần sự khẳng định và hỗ trợ của cộng đoàn đức tin để “lớn lên trong Đức Kitô” – gồm cả những người có sứ vụ được truyền chức cách đặc biệt để phục vụ cho sức khỏe và sự thịnh vượng của cộng đoàn Giáo Hội. Cũng vậy, những người dấn thân vào sứ vụ được truyền chức cũng cần một nền văn hóa giáo sĩ mà, khi phục vụ Giáo Hội cách đúng đáng, họ có thể hy sinh mạng sống mình (sáp nhập Đức Kitô với đời sống của họ) để phục vụ. Một Giáo Hội không bao gồm, đang chìm hay một cộng đoàn ít giáo sĩ hơn, không người đứng đầu – không thái cực nào mà Đức Giêsu mong muốn. Một thay thế khác tốt hơn cho những thái cực này đó là tính “hiệp hành” (synodality), một từ yêu thích của Đức thánh cha Phanxicô lấy lại những bước đi có thể đưa Giáo Hội trở về với lối sống và sự điều hành mà Công đồng  Vatican II khuyên răn. Trong khi kêu gọi chấm dứt tinh thần giáo sĩ trị và những yếu tố phát sinh ra nó, Đức Phanxicô kêu gọi sự chấp nhận rộng rãi tính hiệp hành như là cách thức hoạt động của Giáo Hội từ trên xuống dưới – từ giáo triều cho đến giáo xứ, giám mục cho đến giáo dân, bao gồm mọi phẩm trật và giáo sĩ trong đó. Gần đây, nhà báo Michael Sean Winters đã giải thích về quan niệm này:[17] “Tính hiệp hành là cái gì đó vượt xa cơ cấu. Nó là lắng nghe nhau. Tính hiệp hành đòi hỏi chúng ta không tìm cách “thắng” (win) một lập luận về điều mà Giáo Hội nên làm cho bằng chúng ta cùng nhau tìm kiếm sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và cùng nhau tiến về phía trước, luôn luôn cùng nhau … Tính hiệp hành vượt xa một cách quyết định khác. Nó là đặt sang một bên những cách thức trẻ con để trở thành những môn đệ trưởng thành. Nó đưa ra phía trước cái nhãn quan và giáo hội học của Công đồng Vatican II và quan trọng hơn nữa là của các Tin Mừng”.

Đức Phanxicô mường tượng ra một tính hiệp hành bao gồm những thay đổi cấu trúc lớn trong các tiến trình của Giáo Hội, bắt đầu từ Công đồng Vatican II, đưa giáo dân –nam và nữ - vào trong những vai trò quan trọng. Ngài gặp nhiều chống đối trong nỗ lực này và hẳn nhiên nó sẽ mất nhiều thời gian cho nỗ lực phá đổ bức tường thống trị của giáo phẩm và ảnh hưởng đến văn hóa thống trị của giáo sĩ. Những thay đổi lâu dài cũng đòi hỏi sự hỗ trợ của tất cả những người đã được rửa tội – giáo sĩ và đặc biệt là giáo dân – nếu Giáo Hội muốn duy trì những nỗ lực như thế hơn là trở về với một cấu trúc giáo hội loại bỏ những đóng góp có ý nghĩa của tất cả những người đã được rửa tội.[18]

Chỉ có trong và qua Đức Giêsu, Thiên Chúa Phục Sinh, thì người được rửa tội mới trở thành tư tế cũng như ngôn sứ và vương đế. Nhưng một số người rửa tội được “tư tế hóa” và họ được phong chức là để sống, bắt chước và đồng hóa với Đức Kitô chứ không phải để bị biến dạng vì căn bệnh giáo sĩ trị. Mọi người là anh em và “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu, mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,5.4).

NHƯ MỘT LỜI KẾT

Aristotle đã nói chí lý rằng “nhân đức nằm giữa hai thái cực”, trong khi chúng ta không nên đặt người có chức thánh lên bệ thờ, hay chính người có chức thánh tự cho mình khác biệt, thì cũng không nên đẩy họ xuống vực sâu với tinh thần chống giáo sĩ (anti-clericalism). Chúng ta không nên phỉ báng ơn gọi linh mục hay những ai trong đó. Đức Giêsu không chối cãi rằng các tông đồ có thẩm quyền trên người khác; đúng hơn Ngài đã dạy bảo và cho họ thấy rằng có thẩm quyền là để phục vụ. Nó giống như cha mẹ mướn bảo mẫu và đặt người đó có trách nhiệm chăm sóc con cái họ. Cô bảo mẫu không được giao quyền trên con cái họ để cô có thể cho chúng đi ngủ sớm hầu mình có thời giờ thảnh thơi xem phim. Từ thời Thánh giáo hoàng Grêgôriô Cả, các giáo hoàng đều lấy danh hiệu servus servorum Dei, “tôi tớ các tôi tớ của Thiên Chúa”. Thánh Phêrô là tông đồ trưởng của Đức Giêsu và là Giáo hoàng đầu tiên, dù ngài bị Đức Giêsu trách mắng nhiều lần về sự thiếu hiểu biết và sau này còn xung khắc với Thánh Phaolô về cách cư xử “cuốn theo chiều gió” của mình với cộng đoàn dân Chúa, nhưng cuối cùng cũng ngộ ra một điều là quyền bính được trao ban của mình không phải để thống trị: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,3).

(Khóa thường huấn linh mục trẻ Giáo phận Qui Nhơn, ngày 11/7/2022)

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn: gpquinhon.org (17.07.2022)

 

 

[1] L’Osservatore Romano,  Friday, 30 April 2021, số 18, tr. 8.

[2] Thư gửi Dân Lữ Hành của Thiên Chúa tại Chile (31 tháng Năm 2018).

[3] Thư gửi Đức hồng y Marc Ouellet, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về châu Mỹ Latinh (19 tháng Ba 2016).

[4] Đức Phanxicô, Diễn văn khai mạc Thượng hội đồng Giám mục về giới trẻ, ngày 3 tháng 10 năm 2018.

[5] Đức Phanxicô gặp gỡ các giám mục Chile trong chuyến tông du Chile, 16 tháng 1 năm 2018.

[6] Antonio Spadaro, SJ, “The Sovereignty of the People of God”: The pontiff meets the Jesuits of Mozambique and Madagascar, La Civiltà Cattolica, En. Ed. Vol. 3, no. 9, art. 10, 2019: 10.32009/22072446.1909.10

[7] Xem Ronald D. Witherup, “Reflections on clericalism in the priesthood”, Priest, Jan. 2020, Vol. 76, Issue 1, tr.25-31.

[8] Stanley HauerwasMatthew, London: SCM Press, 2006, tr. 121.

[9] R.T. FranceThe Gospel of Matthew, Eerdmans, Cambridge, U.K., 2007, tr. 472-3.

[10] Amoris Laetitia, số 297.

[11] Amoris Laetitia, số 308.

[12] Kevin O'Gorman, “Mercy in the Year of Matthew”, trong The Furrow, Vol. 68, No. 2 (February 2017), tr. 112-113.

[13] Michael Paul Gallagher, “The Quality of Mercy”, trong The Furrow, Vol. 66, No. 5 (May 2015), tr. 250.

[14] “Synodality”, “Synod” có gốc là từ Hy Lạp σύνοδος là từ ghép của σῠν (với) +‎ ὁδός (con đường). Nguyên âm υ (chữ hoa viết là Y, chữ thường viết υ) gọi là “ypsilon” trong tiếng Hy Lạp, và được phiên âm là /y/ theo phiên âm quốc tế (International Phonetic Alphabet). Vì thế, σύνοδος được phiên âm thành synodos. Cách phiên âm này được gọi là “transcription”, một cách chuyển các mẫu tự từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác chú trọng đến cách phát âm của ngôn ngữ đích. Một ví dụ khác, φυσικός phiên âm thành physicosυ thành y, để từ đó biến thành “physique” trong tiếng Pháp hay “physics” trong tiếng Anh. Nếu υ trong các nguyên âm đôi (diphthongs), chẳng hạn ευ, thì phiên âm không đổi: εὐχαριστια phiên âm thành eucharistia, và từ đó biến thành “eucharistie” trong tiếng Pháp và “eucharist” trong tiếng Anh. Cách phiên âm này được nhiều người lựa chọn và được sử dụng rộng rãi. Ngoài ra, từ σύνοδος cũng được phiên thành sunodos, là một cách khác mà ta gọi là chuyển tự (transliteration), không quan tâm đến phát âm của ngôn ngữ đích, ít được sử dụng. Đó là sự khác biệt giữa phiên âm (transcription) và chuyển tự (transliteration). Một ví dụ rõ ràng hơn để ta thấy sự khác biệt và sự thuận tiện hay bất tiện giữa hai cách chuyển đổi này. Chẳng hạn từ Ả Rập كتب  có nghĩa là “sách”, khi được phiên âm thì sẽ là "kataba", nhưng chuyển tự thì là "ktb". Nhìn từ "kataba", nhiều người nhận ra từ gốc trong tiếng Ả Rập, còn "ktb" thì cũng khó biết nó là từ gì nếu không nằm trong mạch văn và nếu không có thêm từ gốc đi kèm.

[15] cf. EG 171.

[16] Đức Phanxicô, Diễn văn kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng hội đồng Giám mục, , 17 tháng 10 năm 2015.

[17] Michael Sean Winters, “Distinctly Catholic” column, National Catholic Reporter, March 13, 2019.

[18] Confronting the Systemic Dysfunction of Clericalism, Association of U.S. Catholic Priests National Assembly, June 2019, tr. 26-7

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây