BÀI 04
Giáo Dục Nhân Bản – TẬP NGHĨ TỐT, NÓI TỐT VÀ LÀM TỐT CHO NHAU
1. LỜI CHÚA: Chúa Giê-su phán: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy. Và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy” (Mt 7,1-2).
2. CÂU CHUYỆN: TÀO THÁO GIẾT NGƯỜI.
Trong Tam Quốc Chí có thuật lại câu chuyện Tào Tháo do xét đoán sai, đã gây hậu quả nghiêm trọng là sát hại cả gia đình vị ân nhân đã cứu giúp mình trong lúc nguy khốn như sau:
Một lần kia, sau khi hành thích viên tướng quốc Đổng Trác bất thành, Tào Tháo cùng một người bạn thân đã chạy trốn ra khỏi thành đô trong tình trạng bị triều đình dán cáo thị khắp nơi, ban thưởng 1000 lượng vàng cho ai bắt được Tào Tháo. Khi chạy đến một khu rừng vắng thì trời đã tối, hai người bị đói lả kiệt sức. Bấy giờ Tào Tháo liền tìm đến nhà một người thân quen tên Lã Bá Xa ở gần đó để xin tá túc. Ông này dù biết Tào Tháo đang bị quan quân truy đuổi, nhưng sẵn lòng đón hai người vào nhà và còn sai gia nhân mổ heo làm tiệc đãi khách quý.
Trong khi chủ nhà ngồi xe ra ngoài chợ mua rượu thì Tào Tháo và người bạn nằm nghỉ trong phòng khách. Ông ta bỗng chột dạ khi nghe thấy tiếng mài dao, rồi tiếng gia nhân hè nhau: “Trói nó lại”. Rồi có tiếng hỏi: “Giết nhỏ hay lớn”, và tiếng kia đáp: “Giết lớn”. Tào Tháo tưởng gia chủ đang sai gia nhân đến giết mình để báo quan lãnh thưởng, ông ta liền rút gươm và ra ngoài giết hết mọi người trong nhà. Sau khi đã chém giết, Tào Tháo đi xuống nhà bếp kiểm tra tìm kẻ sống sót, thì nhìn thấy một con heo lớn đang bị trói, bên cạnh là con dao đã được mài sắc, thì mới biết mình lầm: Thì ra, gia nhân trong nhà đang hè nhau bắt con heo lớn giết thịt để thết đãi mình. Nhưng do tính đa nghi xét đoán sai nên đã vội ra tay giết oan cho cả nhà vị ân nhân của mình. Rồi hai người liền vội vã bỏ đi trước khi chủ nhà về tới. Dọc đường gặp chủ nhân đang từ chợ mang vò rượu về, Tào Tháo liền giết luôn vị ân nhân để trừ hậu hoạn.
Chính do thói suy nghĩ hồ đồ dẫn đến xét đoán sai nên Tào Tháo đã phạm phải tội ác vô cùng nghiêm trọng không thể sửa chữa được, là ra tay giết hại cả gia đình vị ân nhân giúp đỡ mình.
3. SUY NIỆM:
Một trong những thói xấu mà chúng ta cần phải cấp thời sửa đổi là thói hay xét đoán ý trái cho người khác. Vậy thế nào là xét đoán? Người ta có thường xét đoán đúng không? Tại sao? Ta cần làm gì để tránh xét đoán oan sai cho kẻ khác?
1) Thế nào là xét đoán? “Xét” là cứu xét bao gồm mấy việc: quan sát sự kiện, tìm hiểu nguyên nhân và kết luận đúng sai. “Đoán” là phỏng đoán và thiếu chính xác. Vậy xét đoán là những kết luận được rút từ sự phỏng đoán chứ không dựa trên các sự kiện khách quan, rồi kết án theo cảm tính “yêu nên tốt ghét nên xấu”, nên thường dẫn đến kết luận oan sai và hành động cho người khác.
2) Phân biệt hai cách xét đoán đúng và sai:
- Xét đoán đúng: Thực ra xét đoán nói chung là một việc tốt, là biểu hiện trí thông minh của một người. Một nhà lãnh đạo cần phải có khả năng phán đoán chính xác khi biết nhìn xa trông rộng, để thấy được hậu quả sẽ xảy ra và tìm cách khắc phục, hầu công việc ngày một ổn định. Hơn nũa phán đoán tốt còn cần để duy trì an ninh trật tự xã hội. Chẳng hạn khi một vụ án cướp của giết người xảy ra, công an hình sự được điều đến phá án. Điều tra viên trước hết phải cách ly hiện trường để thu thập dấu vết kẻ thủ ác để lại, rồi tiếp tục phỏng vấn thêm các đối tượng liên quan để tìm thêm chứng cớ. Tiếp đến sẽ dùng phương pháp nghiệp vụ loại dần các nghi can để xác định kẻ thủ ác là ai. Để phán đoán chính xác, điều tra viên phải dựa trên bằng chứng khách quan, rồi còn phải có trình độ nghiệp vụ cao mới hy vọng sớm phá án được.
- Xét đoán sai: Tuy nhiên trong thực tế đời thường, chúng ta lại hay xét đoán theo cảm tính chủ quan của mình, hoặc dựa trên thành kiến có sẵn về người khác để kết án họ hơn là dựa trên các bằng chứng khách quan. Kết quả là chúng ta thường xét đoán sai đến 70-80 phần trăm sự việc. Ngay những điều nhìn thấy tận mắt mà nhiều người vẫn xét đoán sai như người ta thường nói: ”Nhìn cò ra quạ ! “, “Thấy vậy mà không phải vậy”… phương chi nếu chỉ dựa trên dư luận lời đồn hoặc tệ hơn lại dựa vào các bằng chứng ngụy tạo do kẻ thủ ác cố tình đưa ra thì sẽ khó tránh khỏi sự xét đoán hồ đồ và kết án oan sai cho người vô tội.
3) Cần tránh xét đoán ý trái cho người khác:
- Sự phức tạp của các hành vi nhân linh: Con người ngoài hành động bên ngoài người ta có thể nhìn thấy, còn có phần tinh thần là động lực hành động, làm cho tội ác có thể được giảm khinh hay thậm chí vô tội. Do đó chúng ta cần phải thận trọng khi xét đoán hoặc kết án kẻ khác. Vì thế Đức Giê-su đã dạy các môn đệ về thói xấu này như sau : “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7,1).
- Tránh xét đoán ý trái: Ai trong chúng ta cũng phải thừa nhận mình đã nhiều lần xét đoán ý trái cho kẻ khác, nhất là những kẻ mình không ưa, như người đời thường nói “Không ưa dưa có dòi!” và “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”… Muốn xét đoán tha nhân đúng đắn, chúng ta cần tránh thành kiến, cần lắng nghe nhiều phía và nhất là phải dựa trên các bằng chứng xác thực hơn chỉ dựa vào những lời tố cáo vô căn cứ. Muốn xét đoán đúng cần phải theo trình tự tố tụng như tại tòa án: Đầu tiên quan tòa sẽ nghe công tố viên trình bày diễn tiến tội phạm để buộc tội bên bị. Tiếp đến luật sư bên bị bào chữa bị can và luật sư bên nguyên sẽ phản bác với sự trợ giúp của các nhân chứng. Sau khi nghe hai bên đối đáp, bồi thẩm đoàn sẽ họp kín để định tội, rồi quan tòa sẽ nhân danh luật pháp đọc lời tuyên án bị cáo là vô tội hay có tội và mức độ chịu hình phạt nặng nhẹ ra sao… Vậy khi xét đoán tha nhân chúng ta có theo các trình tự trên hay không? Ngay cả tòa án dù làm việc nghiêm túc như vậy, mà nhiều khi vẫn bị sai lầm khi đưa ra những bản án bất công và kết án oan sai cho người vô tội. Do đó thánh Gia-cô-bê khuyên tín hữu: “Chỉ có một Đấng ra Lề Luật vả xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thóat và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?” (Gc 4,12b).
4) Chúng ta phải làm gì?
- Tiên trách kỷ hậu trách nhân: Mỗi khi mắc phải một sai lầm, chúng ta thường hay đổ lỗi cho người khác. Chẳng hạn khi trong gia đình có đứa con phạm tội ăn cắp hoặc trốn học đi chơi, ông bố thường hay đổ lỗi cho bà vợ đã quá nuông chiều con khiến nó sinh hư. Hầu như xã hội cũng đồng quan điểm qua câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà!”. Tuy nhiên trong trường hợp này, lẽ ra ông bố phải tự trách mình: “Tội quy vu trưởng” để nhận ra phần lỗi của mình: “Lỗi tại tôi, vì tôi đã không chu tòan trách nhiệm quan tâm giáo dục con cái. Tôi đã vô trách nhiệm khi phó mặc việc dạy dỗ con cho vợ, dù biết rõ khả năng giới hạn của vợ mình”.
- Cần phải nhìn lại mình trước: Nhiều người thích soi mói và hay lên mặt thầy đời sửa lỗi anh em, đang khi chính bản thân lại đầy những khuyết điểm như người xưa dạy: “Chân mình những lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Đối với hạng người này, Đức Giê-su đã có lời dạy như sau: “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình! trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được” (Mt 7,3-5).
- Phải biết đối xử bao dung: Đức Giê-su muốn chúng ta đối xử bao dung nhân từ với tha nhân noi gương Thiên Chúa trên trời như sau: "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha “ (Lc 6,36-37).
- Tập nghĩ tốt và làm trạng sư bào chữa cho anh em: Sở dĩ chúng ta hay xét đoán ý trái cho kẻ khác vì chính chúng ta là kẻ xấu. Có người đã nêu ra nhận xét chí lý như sau: “Nếu bạn hay xét đoán ý trái cho tha nhân về một tội gì thì đó là dấu chứng tỏ bạn đang mắc phải thói xấu ấy”. Thực vậy, một người có thói dâm ô tục tĩu, sẽ luôn nhìn và xét đoán người khác dưới lăng kính này: Khi thấy đôi bạn trẻ nam nữ chở nhau trên xe hai bánh là đã vội “suy bụng ta ra bụng người” và cho rằng hai người đang chở nhau đến khách sạn để tình tự!!! Đang khi thực ra họ đang cùng nhau đi làm công tác bác ái thăm viếng người già neo đơn... Do đó, mỗi người chúng ta phải tập nghĩ tốt cho người khác. Khi nghe một người nói xấu về người thứ ba, chúng ta phải làm trạng sư biện hộ cho kẻ bị nói xấu. Làm như vậy là chúng ta sẽ phần nào chặn được dư luận xấu ngay từ trứng nước, sẽ làm cho kẻ hay nghĩ xấu bị mất hứng, để không tiếp tục nói hành kẻ vắng mặt với người khác.
- Phải năng cầu xin ơn Chúa: Hành vi xét đoán tha nhân là một việc khó và tế nhị cần phải có ơn Chúa giúp, nên thánh Au-gút-ti-nô đã luôn cầu xin với Chúa: “Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”. Đây cũng phải là lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta. Chúng ta xin cho mình được biết Chúa để thấy lòng quảng đại yêu thương vô biên của Chúa; Và cũng xin Chúa cho biết mình để ý thức về sự yếu đuối, bất toàn của mình. Nhờ đó chúng ta sẽ đối xử rộng lượng với lỗi lầm của người khác như Đức Giê-su đã dạy: “Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Lc 6,38).
4. SINH HOẠT: Hãy cho biết bạn có cảm tưởng thế nào khi bị kẻ khác nghĩ xấu và kết án oan sai cho mình?
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin giúp chúng con tránh hồ đồ khi xét đoán tha nhân. Con xin lỗi Chúa vì nhiều lần con đã xét đoán ý trái và kết án bất công cho những kẻ con không ưa. Xin cho con biết luôn bình tĩnh trong mọi tình huống, và tập xét đoán ý tốt cho tha nhân, tập bênh vực chữa lỗi cho kẻ đang bị xét đoán oan sai. Nhờ đó chúng con sẽ được Chúa thương xét xử khoan dung trước tòa phán xét sau này. - AMEN
LM ĐAN VINH – HHTM
“Một ngọn nến có thể thắp sáng cho hàng ngàn ngọn nến khác mà vẫn không bị tàn nhanh hơn. Cũng vậy, hạnh phúc không thể bị vơi khi mang ra chia sẻ.”
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn