TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời mời gọi nên thánh

Thứ bảy - 29/05/2021 22:59 | Tác giả bài viết: Thiên Triệu |   1382
Lời mời gọi nên thánh

Lời mời gọi nên thánh

Ngày 11.7.2013, Đức giáo hoàng Phanxicô đã ký Sắc lệnh tuyên thánh hai vị giáo hoàng: Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Việc tuyên thánh cho Đức Chân phước Gioan Phaolô II là điều mọi người dự đoán từ trước. Các thành viên của Bộ Tuyên Thánh đã nhóm họp từ trước mùa hè để xem xét về phép lạ chữa lành một phụ nữ, phép lạ thứ hai nhờ lời chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô II, cũng là bước cuối cùng trong tiến trình tuyên thánh. Tuy nhiên, người ta hơi ngỡ ngàng về quyết định tuyên thánh cho Đức Gioan XXIII. Ngài được Đức Gioan Phaolô II nâng lên hàng Chân phước vào tháng 9 năm 2000, và theo quy luật, phải có phép lạ thứ hai sau khi được tuyên phong Chân phước thì mới được nâng lên hàng Hiển thánh. Trong 13 năm qua, đã có một số phép lạ được coi là nhờ lời chuyển cầu của Đức Gioan XXIII, nhưng không có phép lạ nào được Bộ Tuyên Thánh chính thức nhìn nhận. Trong trường hợp này, Đức giáo hoàng đương nhiệm có quyền đưa ra quyết định, và ngài đã quyết định tuyên thánh cho Đức Chân phước Gioan XXIII sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Tuyên Thánh và các vị hữu trách.

Hai vị giáo hoàng của hậu bán thế kỷ XX được tuyên thánh, sự kiện này làm nổi bật tầm quan trọng của sự thánh thiện trong việc lãnh đạo tôn giáo. Nói đến Đức Gioan XXIII, người ta thường đề cao ngài là vị giáo hoàng đã triệu tập Công đồng Vatican II để canh tân Giáo Hội và đáp ứng nhu cầu của thời đại. Nói đến Đức Gioan Phaolô II, người ta lại đề cao vì dấu ấn để lại trên lịch sử thế giới, nhất là sự sụp đổ của khối Cộng sản Đông Âu.

Tuy nhiên, khi quyết định tuyên thánh hai vị giáo hoàng này, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chỉ cho mọi người thấy đâu là điều chính yếu và cốt lõi nơi bản thân các ngài cũng như trong triều đại giáo hoàng của các ngài: đó chính là sự thánh thiện, nghĩa là thuộc về Chúa là Đấng Thánh, được thể hiện qua việc lắng nghe tiếng Chúa và làm theo thánh ý Chúa, chứ không theo những tính toán khôn ngoan của thế gian.

Chắc chắn đây là bài học lớn cho những nhà lãnh đạo trong Hội Thánh. Khi đặt thánh Phêrô làm Đá nền Hội Thánh, Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Con là Đá, trên Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Khi trao nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên, Chúa Giêsu lại nói với Phêrô: “Anh hãy chăm sóc đoàn chiên của Thầy” (Ga 21,17). Hội Thánh là của Chúa, đoàn chiên là của Chúa chứ không phải của Phêrô hoặc bất cứ ai khác. Vì thế, đòi hỏi thiết yếu của nhà lãnh đạo trong Hội Thánh là “yêu mến Thầy” (Ga 21,16), thuộc về Chúa, lắng nghe và làm theo thánh ý Chúa chứ không dựa trên sự khôn ngoan nhân loại. Thánh thiện đích thực là ở đó và là lời mời gọi liên lỉ cho tất cả những ai được trao phó nhiệm vụ lãnh đạo trong Hội Thánh.

Không chỉ cho các nhà lãnh đạo, sự kiện này còn là lời mời gọi cho mọi thành phần Dân Chúa. Cho đến nay, Tòa Thánh chưa công bố ngày giờ cử hành lễ tuyên thánh cho hai vị giáo hoàng, nhưng rất có thể ngày lễ này sẽ diễn ra vào tháng 12 hơn là vào tháng 10 như nhiều người dự đoán. Dù lễ tuyên thánh được cử hành vào dịp nào thì vẫn ở trong mối liên kết chặt chẽ với Năm Đức Tin, và điều này thật ý nghĩa vì làm nổi bật mục đích của hành trình đức tin là nên thánh. Trong Năm Đức Tin, các tín hữu trên toàn thế giới được kêu gọi, nhắc nhở và khuyến khích tuyên xưng, cử hành, sống đức tin. Nhưng tất cả những nỗ lực ấy đều nhằm đến mục đích kêu gọi và thúc đẩy mọi người nên thánh. Nếu quên mục đích này, e rằng người Kitô hữu sẽ biến Đạo Kitô thành một hệ thống tư tưởng hơn là sự gặp gỡ Thiên Chúa, hoặc biến Đạo thành lễ hội bốn mùa thay đổi chứ không phải là sự hiệp thông với Đấng mình tin, hoặc biến Hội Thánh thành một cơ quan làm việc từ thiện như các tổ chức phi chính phủ (NGO) không hơn không kém. Chân dung hai vị giáo hoàng được tuyên thánh gắn với Năm Đức Tin là lời nhắc nhở thường xuyên cho tất cả chúng ta về điểm tới của đời sống Kitô hữu đích thực.

Tạ ơn Chúa trong nhiều thập niên qua đã ban cho Hội Thánh những vị giáo hoàng thánh thiện. Không chỉ là hai vị giáo hoàng sắp được tuyên thánh nhưng cả hai vị giáo hoàng còn đang sống giữa chúng ta: Đức Bênêđictô XVI thể hiện mầu nhiệm hủy mình ra không (kenosis) của Chúa Giêsu cách đặc biệt qua quyết định từ nhiệm của ngài, Đức Phanxicô với dung mạo hiền lành và khiêm nhường của Thầy Chí Thánh, Đấng kêu gọi các môn đệ “học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Được các vị lãnh đạo thánh thiện như thế hướng dẫn, chúng ta vững tâm “bước theo Thầy” (Ga 21,19).

Thiên Triệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây