TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Một Gia đình gương mẫu

Thứ sáu - 28/05/2021 23:14 | Tác giả bài viết: Lm Trịnh Ngọc Danh |   985
Một Gia đình gương mẫu

MỘT GIA ĐÌNH GƯƠNG MẪU

Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong cuốn "Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng” có kể câu chuyện “Hai vợ chồng câm” như sau:

Anh câm, chị cũng câm, thế mà vẫn tìm hiểu nhau và đi đến hôn nhân như mọi người khác! Chẳng những thế, gia đình hai anh chị còn là một gia đình làm ăn khấm khá và có được sáu người con. Xóm giềng thấy thế, ai cũng khen và mừng cho gia đình anh chị câm: “Câm cũng khổ mà cũng hay, khỏi có lời qua tiếng lại cũng chẳng phải nghe tiếng nặng tiếng nhẹ, bớt được nhiều vụ va chạm  xích mích.”

Ai có ngờ đâu, con người có thật lắm cách để bày tỏ tình cảm của mình! Vợ chồng câm mà vẫn cơm không lành, canh không ngọt. Cả hai cùng đưa nhau ra toà ly dị. Thiên hạ hiếu kỳ lại được dịp đi xem. Tòa cho họ ly dị và quyết định phân đôi đàn con, mỗi người phải nuôi ba đứa; cứ mỗi tháng, hai bên phải gặp nhau một lần để cho con cái thăm bố mẹ và anh chị em thăm nhau.

Thế nhưng vẫn không xuôi, lại đưa nhau ra toà lần nữa, vì mấy lần gặp nhau, cả hai vợ chồng vẫn có chuyện xích mích trong lúc con cái thì tíu tít vui vẻ. Tòa xử: “Từ nay, ba tháng mới được gặp nhau một lần”.

Được một thời gian, gia đình câm ấy lại dắt nhau ra toà! Vì vợ chồng câm vẫn tiếp tục gây sự. Tòa án phải đi đến giải pháp cuối cùng: “Từ đây, con đi thăm mẹ và anh chị em thì bố không được đi theo và ngược lại con đi thăm bố và anh chị em thì mẹ phải ở nhà.” Chừng đó mới yên được!

Ngày nay cuộc sống hôn nhân gia đình đang gặp nhiều khủng hoảng. Phong trào ly dị, ly thân đang gia tăng.

Nếu chỉ vì một nhan sắc “chim sa cá lặn” bên ngoài, vì danh vọng, bạc tiền, vì một “nụ cười có hàm răng đen”, mà tương tư, mà

      “Mình về mình nhớ ta chăng?

      Ta về ta nhớ hàm răng mình cười

      Năm  quan mua lấy miệng cười

      Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen

      Răng đen ai nhuộm cho mình

      Cho răng nàng đẹp cho tình anh say” (Ca dao)

thì rồi sẽ ra sao khi những nhan sắc ấy sẽ đến ngày tàn tạ, khi giàu sang phú quí không phải là cứu cánh cuộc đời… để rồi phải đôi ngã chia xa:

      “Có tiền, vợ vợ chồng chồng

       Hết tiền, hết của, chồng Đông vợ Đoài. (Ca dao)

hay nếu tình yêu chỉ được nhìn một phía: vì tôi không yêu người ấy nữa hay vì người ấy không yêu tôi nữa thì rốt cuộc cũng sẽ dẫn đến chia ly như Thế Lữ đã ngậm ngùi trong “Giây phút chạnh lòng”:

       “Anh đi đường anh, tôi đường tôi

       Tình nghiã đôi ta có thế thôi

       Đã quyết không mong sum họp mãi

       Bận lòng chia nửa lúc chia phôi?”

Nếu chỉ nhìn bên ngoài để chê quả ấu đen đủi thì làm sao biết được bên trong quả ấu là ngọt bùi!

       “Thân em như củ ấu gai

       Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

       Ai ơi, nếm thử mà xem

       Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.” (Ca dao)

Gia đình là một “tiểu xã hội”, là một “ Hội thánh nhỏ” gồm có ba thành phần: cha-mẹ-con.  Để cho “tiểu xã hội” hay “Hội thánh nhỏ” ấy phát triển và lớn mạnh trong xã hội lớn hay Hội thánh lớn, các thành viên trong gia đình phải chu toàn những bổn phận theo địa vị của mình như lời Thánh Phaolô đã khuyên nhủ các tín hữu Côlossê: “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm, sợ sệt”

Đối với vợ chồng, để có thủy chung

       “Trăm năm ước nguyện chung tình

       Trên trời dưới đất có mình có ta”. (Ca dao)

thì “Trên hết mọi sự, hãy có đức yêu thương”. Đức yêu thương được thể hiện qua những tâm tình: từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, tha thứ cho nhau, học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau, tất cả mọi chuyện chúng ta làm trong lời nói, và hành động đều hướng về danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Ngưới mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. Yêu thương là giây ràng buộc điều toàn thiện.

Chỉ khi nào vợ chống sống với nhau bằng những tâm tình mà thánh Phaolô nêu trên thì mới có tình yêu đích thực, mới:

       “Râu tôm nấu với ruột bầu

       Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon.” (Ca dao)

hay cùng nhau sát cánh như:

    “ Vợ chồng như đôi cu cu

       Chồng thì đi trước, vợ gật gù theo sau”. ( Ca dao )

Cũng như Thiên Chúa, vì yêu thương loài người, nên Ngài đã tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả, chấp nhận tất cả và hy sinh tất cả chỉ vì yêu.

Yêu thương đòi hỏi chúng ta hy sinh chính bản thân mình vì người mình yêu, tha thứ, chấp nhận những thiếu sót của người mình yêu.

Trong tình yêu gia đình, cả hai đã nên một, thì cũng đòi hỏi cả hai phải có trách nhiệm với nhau. Không phục tùng chồng thì cũng không phục tùng chính bản thân mình, đay nghiến vợ mình thì cũng đay nghiến mình; và còn một trách nhiệm quan trọng hơn nữa đó là trách nhiệm trong việc giáo dục con cái, những sản phẩm của tình yêu mang lại: “Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm, sợ sệt”

Còn với thành phần thứ ba trong “Hội thánh nhỏ” là ai? Là con cái.

Với kẻ làm con, Thánh Phaolô cũng đã căn dặn: “Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa”; Và sách Huấn ca cũng đã dạy: “Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ. Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi còn sống…”

Vừa được thụ phong Giám mục, Đức Cha Sartô (sau này là thánh Giáo Hoàng Piô X) liền ghé về nhà thăm mẹ. Ngài để tay lên bàn trước mặt người mẹ già nghèo khó và khoe: “Mẹ xem đây này, chiếc nhẫn Giám mục mới của con”.

Bà cố đưa bàn tay nhăn nheo của mình đặt trên tay con và bảo: “Nếu không có chiếc nhẫn cưới nghèo nàn của mẹ đây thì làm sao có chiếc nhẫn giám mục của con ngày hôm nay được!”

Nhìn vào thực tế của Gia dình Nagiarét, chúng ta thấy gì? Chẳng phải là một gia đình khá giả hay quyền thế gì, nhưng là một mái ấm gia đình khó nghèo, bình thường như bao gia đình bình thường khác, có khi còn khó khăn hơn: cũng có lúc không cửa không nhà, cũng có lúc phải phiêu bạt đây đó… Nhưng trong mái nhà Nagiarét, có niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa, có những giây phút kết hợp cầu nguyện, có tình yêu mặn nồng tin tưởng lẫn nhau…

Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái, củng cố quyền lợi của người mẹ trên đàn con. Ngài đã suy tôn người cha nơi Thánh Giuse và củng cố quyền lợi của người mẹ nơi Mẹ Maria.

Lm Trịnh Ngọc Danh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây