Phỏng vấn người được trao giải thưởng Ratzinger 2022 về Phục Sinh
Là một trong những thần học gia trẻ được đánh giá cao trong bối cảnh Âu châu hiện nay, bà Isabella Bruckner đang giảng dạy môn “Tư tưởng và hình thức của tâm linh” tại Đại học Giáo hoàng Thánh Anselmo ở Roma.
Thưa giáo sư Bruckner, chúng tôi cảm nhận rằng tình trạng tục hóa đang gia tăng cùng với sự bất mãn với Kitô giáo trong thế giới phương Tây phụ thuộc phần lớn vào thực tế là con người đương đại khó tin vào sự sống lại từ cái chết. Hoặc có lẽ Giáo hội và thần học khó khăn trong việc phủ nhận điều này để phù hợp với sự phát triển của tư tưởng khoa học. Có phải điều này là do thiếu việc loan báo Tin Mừng theo “kerygma” ban đầu không?
Chắc chắn đây là vấn đề trọng tâm của thần học nền tảng. Và không phải từ hôm nay, nếu chúng ta nhớ đến sự kiện Thánh Phaolô đã thất bại tại Areopagus trong việc loan báo sự Phục sinh của Chúa Kitô cho người Athen, như đã được kể lại cho chúng ta trong chương 17 của Công vụ Tông đồ. Nhưng ngày nay hoàn cảnh đã khác và phức tạp hơn vì viễn cảnh mà các ngành khoa học đưa ra rất rộng lớn, trong mọi ngành, và điều này đòi hỏi một định hướng mạnh mẽ hơn bao giờ hết về tính liên ngành. Việc tìm kiếm những câu trả lời thỏa đáng chỉ trong ngành của chính mình không còn hiệu quả nữa. Ví dụ: đối với tôi, dường như chúng ta không còn khả năng - và tôi không chỉ nói về những người có đức tin - trong việc phát triển một nền triết học thực sự về bản chất. Và rõ ràng câu hỏi về sự Phục sinh nằm trong một câu hỏi tổng quát hơn về bản chất. Do đó, một ngôn ngữ thống nhất cũng bị thiếu. Ví dụ, có thời người ta nói về vật lý cách chung; ngày nay một nhà vật lý thiên văn gặp khó khăn khi kết nối với một nhà vật lý nghiên cứu về nguyên tử hoặc với một học giả lượng tử. Tất cả các ngôn ngữ đều rất chuyên biệt và rất khó để tìm được một ngôn ngữ chung. Nền triết học nào có khả năng kết hợp sinh học, hóa học, vật lý, tâm lý học và nói chung mọi thứ tác động đến con người vào một bộ từ vựng chung? Tôi tin rằng khó khăn này cũng liên quan đến thần học ngày nay. Sự rộng lớn của ý thức và khoa học của chúng ta cần phải tìm thấy một chân trời, một sự tổng hợp chung. Như đã có thể trong thời Trung cổ. Vì vậy, tôi nghĩ, để trả lời câu hỏi của bạn về sự phục sinh, ngay cả thần học cũng không thể tránh khỏi sự cần thiết phải giao thoa với các ngành khoa học tự nhiên và nhân văn khác. Một sự giao thoa cần thiết, nhưng vẫn bấp bênh vì ngay cả trong các khoa học tự nhiên cũng không thể đưa ra một lời dứt khoát về sự phục sinh. Cuối cùng, nhiều lý thuyết hiện tại, chẳng hạn như khả năng chỉ ra sự thường hằng của tồn tại trong nhiều chiều không-thời gian của vũ trụ, vẫn nằm trong lĩnh vực giả thuyết. Theo một nghĩa nào đó, nếu bạn hỏi tôi, họ cũng là đối tượng của đức tin. Nhưng tôi tin rằng điều quan trọng là phải chứng tỏ rằng thực tế không kết thúc ở những gì chúng ta thấy hoặc trải nghiệm. Trong vấn đề này, ngoài những điều chắc chắn bất khả thi, các khoa học tự nhiên có thể đóng một vai trò quan trọng, dù chỉ vì chúng truyền cảm hứng cho sự sáng tạo liên quan đến những câu trả lời có thể mà thần học phải biết đón nhận và cân nhắc.
Như vậy theo giáo sư, khoa học còn có thể đóng góp vào việc đưa ra, nếu không phải là lý chứng, tính hợp lý của khả thể sự phục sinh?
Ở một nghĩa nào đó tôi nói là có. Là thần học gia, nhưng cũng là một người có đức tin, tôi có thể nói rằng lý thuyết về sự đa nguyên của vũ trụ không giải thích một cách hợp lý cho tôi về sự phục sinh, nhưng nó cho tôi thấy rằng ngay cả vũ trụ, cũng như Thiên Chúa, vẫn còn xa vời với sự hiểu biết của tôi. Điều này có nghĩa là nhiệm vụ của chúng ta là luôn mở ra. Mở ra cho sự ngạc nhiên rằng có khả thể phục sinh chúng ta, ngay cả khi không thể kiểm chứng được.
Chắc chắn, ngoài việc tiếp thu những kỹ năng khoa học cao nhất ngày nay, điều tạo ra sự lo lắng của con người đương thời là chính sự đối diện trực tiếp với trải nghiệm về cái chết. Khi bạn đứng trước một thân xác bất động, giả thuyết về một sức sống mới dường như khó có thể xảy ra với giác quan của chúng ta.
Cái chết chắc chắn là điều chúng ta không thể hiểu được. Người mà chúng ta yêu quý đã không còn nữa. Sự phong phú sâu xa của người đó không còn nữa. Ở chính giữa mỗi bàn thờ đều có một thánh tích. Đó là dấu vết của một cuộc đời. Theo một cách nào đó, nó cũng đề cập đến sự trống rỗng của cái chết. Cuối cùng, cái chết là thầy dạy vĩ đại của cuộc sống. Trong lịch sử nhân loại chưa từng có một dân tộc, một quốc gia hay một thế hệ nào không tin rằng có một điều gì đó vượt trên cái chết. Tôn giáo, như một trải nghiệm của con người, được sinh ra như một phản ứng trước nỗi lo lắng về sự hữu hạn. Kitô giáo được hiểu như một cuộc gặp gỡ với ngôi vị sống động của Thiên Chúa, theo quan điểm này, (Kitô giáo) khác biết với các tôn giáo. Mặt khác, ngay trong Do Thái giáo của Cựu Ước, sự sống sau khi chết rất ít chi tiết: Sheol vẫn là một khái niệm mù mờ và mơ hồ, chủ yếu là để phân biệt với khát vọng rất tưởng tượng về thế giới bên kia của các dân tộc lân cận. Điều thú vị là trong cuốn sách thứ hai của Macabê ở chương 7 có đề cập đến Thiên Chúa, Đấng người ta sẽ gặp, cũng chính là Thiên Chúa của tạo dựng. Thiên Chúa, Đấng đã tạo nên thế giới này, rõ ràng cũng có thể tạo nên một sự tồn tại mới.
Giáo sư có cho rằng trong mục vụ, việc loan báo “kerygma” về sự phục sinh, một cách nào đó, vẫn chưa được nhấn mạnh và giải thích đầy đủ cho dân Chúa không?
Có lẽ chúng ta cũng nên tự hỏi kerygma về sự phục sinh có phải là trung tâm của toàn bộ kinh nghiệm Tin Mừng hay không, có phải là đặc điểm thiết yếu trong cuộc đời Chúa Giêsu hay không. Ví dụ, chủ đề về sự phán xét của Thiên Chúa hiện diện nhiều hơn trong bài giảng của Người. Chủ đề về phục sinh được khai triển bởi các tông đồ trong các bản văn tiếp theo, nhưng trong những lời Chúa Giêsu thì chủ đề về sự phán xét của Thiên Chúa lại cấp bách, và trên hết là chủ đề về Nước Thiên Chúa.
Điều này giải thích tại sao trong nhận thức chung, Kitô giáo được coi là một hệ thống các chuẩn mực đạo đức hơn là một cánh cửa dẫn đến đời sống vĩnh cửu.
Có lẽ chúng ta đã quên rằng chủ đề phán xét phải luôn được đọc trong cái nhìn của sự tha thứ. Chúng ta đã không thể truyền đạt một cách thích đáng rằng sự tha thứ là ân sủng thực sự vĩ đại, nhận thức rằng tất cả chúng ta đều cần sự tha thứ vì sự yếu đuối thuộc về bản tính con người.
Có một sự nhạy cảm khác, một cách tiếp cận khác đối với mầu nhiệm sự chết giữa người nam và người nữ. Phái nữ có vẻ dễ phục hồi hơn.
Tôi chưa bao giờ nghiên cứu khía cạnh tâm lý xã hội này, nhưng đúng thế, đối với tôi nó có vẻ là một nhận xét thuyết phục. Có lẽ việc người nữ tạo ra sự sống sẽ củng cố một hệ thống “miễn dịch”, và khi đó người nữ luôn quan tâm đến người khác hơn là bản thân mình.
Làm thế nào Giáo hội ngày nay có thể suy nghĩ lại việc chăm sóc mục vụ về sự sống, cái chết và về sự Phục sinh?
Loan báo Tin Mừng như tin mừng của tự do, của tự do đích thực. Nghĩa là giải thích rằng cái chết không làm cho chúng ta sợ sự sống. Tôi đang nói về nỗi sợ hãi thường xuyên, ám ảnh, hiện hữu. Có lẽ một chút mỉa mai sẽ giúp phá hủy đi sức mạnh mà chúng ta gán cho cái chết; tôi nghĩ đến Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Côrintô đã châm biếm cái chết một cách mỉa mai: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1Cr 15, 55). Và hãy giữ cho mình một tinh thần mở ra cho sự ngạc nhiên trước những điều không có sự hiểu biết trước. Suy cho cùng, ngay cả các khoa học tự nhiên cũng luôn khơi dậy trong chúng ta sự ngạc nhiên, mặc dù không thể nói một lời dứt khoát về mầu nhiệm sự chết và sự sống. Giới hạn của chúng - tức là giới hạn của thân phận con người đã tạo ra chúng - không thể loại trừ sự phục sinh. Cuối cùng, chính chúng cũng tiến tới một mức độ đức tin: sự sống lại không thể được chứng minh nhưng cũng không thể bị phủ nhận.
Một câu hỏi cuối cùng. Theo giáo sư, phải chăng việc con người ngày nay có xu hướng không vun trồng hy vọng vào sự sống lại cũng vì họ dửng dưng với “sự sống lại trong thân xác” vào ngày tận thế?
Sự sống lại của thân xác vẫn là một trong những câu hỏi khó nhất trong thần học. Ngày nay, nhờ khoa học tự nhiên, chúng ta có được sự hiểu biết mới về thể chất, về cơ thể. Đó là một chủ đề đã được tái diễn xuyên suốt lịch sử Giáo hội và thần học. Ý nghĩa được quy cho vật chất đã diễn tả các lớp nghĩa khác nhau. Tôi thích cách tiếp cận được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sử dụng trong cẩm nang về cánh chung học của ngài, trong đó ngài khẳng định rằng phải có hy vọng ngay cả đối với các nguyên tử cấu thành nên chúng ta; ngay cả đối với các nguyên tử cũng hiện hữu lòng thương xót. Ở đây chúng ta quay trở lại cuộc thảo luận về Thiên Chúa sáng tạo, Người là Thiên Chúa tạo dựng lúc khởi đầu và lúc kết thúc (nếu những tham chiếu thời gian này có ý nghĩa). Mặt khác, ngày nay chúng ta biết rằng các tế bào của chúng ta trung bình bảy năm tự tái tạo một lần. Chúng ta phải luôn nhớ rằng cơ thể của chúng ta sống trong mối quan hệ với người khác, nó nhận được dấu vết của người khác và đến lượt nó, nó lại trao ban cho người khác. Sự phục sinh trong thân xác trước hết nói với chúng ta rằng chúng ta phải hoà điệu với thế giới này, nơi chào đón chúng ta như những tinh thần nhập thể.
Vatican News
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn