TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thánh Lễ Hiển Linh do Đức Thánh Cha chủ sự

Chủ nhật - 07/01/2024 02:21 | Tác giả bài viết: |   386
Lúc 10 giờ sáng ngày 6/1, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ Chúa Hiển Linh với khoảng 6 ngàn tín hữu tại Đền thờ thánh Phêrô.
Thánh Lễ Hiển Linh do Đức Thánh Cha chủ sự

Thánh Lễ Hiển Linh do Đức Thánh Cha chủ sự tại đền thờ thánh Phêrô

Lúc 10 giờ sáng ngày 6/1, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ Chúa Hiển Linh với khoảng 6 ngàn tín hữu tại Đền thờ thánh Phêrô. Trước thánh lễ, Đức Thánh Cha đến chào các nữ đan sĩ Biển Đức người Argentina vừa đến đan viện Mater Ecclesiae trong nội thành Vatican hôm thứ Tư 3/1.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Các Đạo sĩ lên đường tìm kiếm vị Vua mới sinh. Họ là hình ảnh của các dân tộc trên hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, của những khách ngoại kiều hiện đang được dẫn lên núi của Chúa (x. Is 56,6-7), của những người ở xa nay có thể nghe được lời loan báo ơn cứu độ (x. Is 33.13), của tất cả những người lạc lối nghe được tiếng gọi thân thiện. Bởi vì giờ đây, nơi xác thể của Hài nhi Bêlem, vinh quang của Chúa đã được tỏ hiện cho mọi người (xem Is 40,5) và “mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,6). Đó là cuộc hành hương trong bản tính nhân loại của mỗi người chúng ta, từ xa đến gần.

Các Đạo sĩ có đôi mắt hướng lên trời, nhưng đôi chân họ bước đi trên mặt đất và trái tim của họ phủ phục tôn thờ.

Mắt hướng lên trời

Trước hết, các Đạo sĩ hướng mắt nhìn lên trời. Họ sống trong nỗi hoài niệm về sự vô hạn và ánh nhìn của họ bị thu hút bởi các vì sao trên trời. Họ không sống chỉ để nhìn vào những ngón chân của mình, thu mình lại, là tù nhân của chân trời trần thế, lê bước trong sự cam chịu hay phàn nàn. Họ ngẩng đầu lên để chờ đợi một ánh sáng soi rọi ý nghĩa cuộc đời họ, một ơn cứu độ đến từ trên cao. Và như thế, họ nhìn thấy một ngôi sao nổi bật, sáng hơn tất cả, thu hút họ và dẫn họ lên đường. Đây là chìa khóa mở ra ý nghĩa thực sự của sự hiện hữu của chúng ta: nếu chúng ta sống bị nhốt trong phạm vi chật hẹp của những thứ trần thế, nếu chúng ta bước đi với cái đầu cúi xuống những thất bại và hối tiếc của chúng ta, nếu chúng ta tham vọng của cải và an ủi trần thế, những thứ nay còn mai mất, ngược lại với những người tìm kiếm ánh sáng và tình yêu, thì cuộc sống của chúng ta sẽ lụi tàn. Các Đạo sĩ, những người ngoại quốc và chưa gặp Chúa Giêsu, dạy chúng ta nhìn lên, hướng mắt lên trời, ngước mắt nhìn lên những ngọn núi, nơi sự giúp đỡ sẽ đến với chúng ta, bởi vì sự trợ giúp của chúng ta đến từ Chúa ( xem Tv 121,1-2).

Anh chị em thân mến, hãy hướng mắt nhìn trời! Chúng ta cũng cần nhìn lên cao để học cách nhìn thực tại từ trên cao. Chúng ta cần cái nhìn lên cao trong hành trình cuộc sống, được đồng hành bởi tình bạn với Chúa, bởi tình yêu của Người nâng đỡ chúng ta, bởi ánh sáng Lời Người hướng dẫn chúng ta như một vì sao trong đêm. Chúng ta cần cái nhìn lên cao trong hành trình đức tin, để nó không bị thu gọn vào một loạt các thực hành tôn giáo hay thói quen bên ngoài, nhưng trở thành ngọn lửa bùng cháy bên trong chúng ta và khiến chúng ta trở thành những người say mê tìm kiếm khuôn mặt của Chúa và trở thành nhân chứng Tin Mừng của Người. Chúng ta cần cái nhìn lên cao trong Giáo hội, nơi thay vì chia rẽ dựa trên những ý tưởng riêng, chúng ta được mời gọi đặt Thiên Chúa trở lại trung tâm. Chúng ta cần cái nhìn lên cao để từ bỏ những hệ tư tưởng về giáo hội, để tìm ra ý nghĩa của Mẹ Thánh Giáo hội. Không được có tập quán giáo hội, hệ tư tưởng giáo hội! Nhưng là ơn gọi Giáo hội. Chúa, chứ không phải ý tưởng hay dự án của chúng ta, là trung tâm. Chúng ta hãy bắt đầu lại từ Thiên Chúa, chúng ta hãy tìm kiếm nơi Người lòng can đảm không dừng lại trước những khó khăn, tìm thấy sức mạnh để vượt qua những trở ngại, niềm vui sống trong sự hiệp thông và hòa hợp.

Đôi chân bước đi trên mặt đất

Các Đạo sĩ không chỉ nhìn ngôi sao, nhìn những thứ trên cao mà còn có đôi chân bước đi trên mặt đất. Họ tiến về Giêrusalem và hỏi: “Vua dân Do Thái mới sinh ở đâu? Chúng tôi thấy ngôi sao của Người xuất hiện và chúng tôi đến thờ bái Người” (Mt 2,2). Cần nhớ một điều là: đôi chân gắn liền với sự chiêm niệm. Ngôi sao chiếu sáng trên bầu trời đưa họ trở lại hành trình của những con đường trên mặt đất; khi ngước nhìn lên, họ được thúc đẩy bước thấp xuống; khi tìm kiếm Thiên Chúa, họ được sai đi tìm Thiên Chúa nơi con người, nơi Hài Nhi nằm trong máng cỏ, bởi vì Thiên Chúa, Đấng vô cùng lớn lao, đã mặc khải chính Người nơi trẻ thơ bé nhỏ này. Cần có sự khôn ngoan, cần có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để hiểu được cả sự vĩ đại và nhỏ bé nơi sự tỏ mình của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, đôi chân bước đi trên mặt đất! Ân sủng đức tin không được ban cho chúng ta để chỉ nhìn lên trời cao (x. Cv 1:11), nhưng để bước đi trên những con đường của thế giới với tư cách là những chứng nhân của Tin Mừng; Chúa Giêsu, ánh sáng chiếu soi cuộc đời chúng ta, không chỉ được ban để an ủi chúng ta trong đêm tối, nhưng để mở ra những tia sáng trong bóng tối dày đặc đang bao trùm nhiều hoàn cảnh xã hội; Thiên Chúa đến viếng thăm chúng ta, chúng ta tìm kiếm Người, không bằng cách gắn chặt với một lý thuyết tôn giáo đẹp đẽ nào đó, nhưng bằng cách để mình bước đi trên hành trình, tìm kiếm những dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Người trong thực tế hàng ngày và trên hết, bằng cách gặp gỡ và đụng chạm đến da thịt của anh chị em chúng ta. Việc chiêm ngắm Thiên Chúa thì tốt đẹp, nhưng nó chỉ mang lại hoa trái nếu chúng ta chấp nhận mạo hiểm: mạo hiểm phục vụ là mang lấy Thiên Chúa. Các đạo sĩ tìm kiếm Thiên Chúa vĩ đại và tìm thấy một Hài Nhi. Điều này rất quan trọng: gặp gỡ Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, trên những khuôn mặt chúng ta gặp hằng ngày, đặc biệt là những khuôn mặt của những người nghèo nhất. Thật vậy, các Đạo sĩ dạy chúng ta rằng cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa luôn mở ra cho chúng ta một niềm hy vọng lớn lao hơn, khiến chúng ta thay đổi lối sống và biến đổi thế giới; Đức Bênêđíctô XVI đã quả quyết: “Nếu thiếu niềm hy vọng đích thực, người ta tìm kiếm hạnh phúc trong cơn say, trong sự dư thừa, trong sự thái quá, và người ta hủy hoại chính mình và thế giới. […] Vì lý do này, cần có những người có niềm hy vọng lớn lao và do đó có nhiều lòng can đảm. Lòng can đảm của các Đạo sĩ, những người đã thực hiện một cuộc hành trình dài bước theo một ngôi sao, và là những người biết quỳ gối trước Hài Nhi và dâng lên Người những điều quý giá nhất của họ” (Bài giảng ngày 6 tháng 1 năm 2008).

Trái tim phủ phục tôn thờ

Cuối cùng, các đạo sĩ có trái tim phủ phục tôn thờ. Họ nhìn ngôi sao trên bầu trời, nhưng họ không nương mình trong một sự tôn thờ tách biệt khỏi trái đất; họ bước trên đường, nhưng không như kiểu du ngoạn không đích đến. Họ đến Bêlem và khi nhìn thấy Hài Nhi, “họ sấp mình xuống và thờ lạy Người” (Mt 2:11). Sau đó, họ mở kho báu và dâng cho Người vàng, nhũ hương và mộc dược. “Với những món quà bí nhiệm này, họ cho biết họ tôn thờ ai: với vàng, họ tuyên bố rằng Người là Vua, với trầm hương rằng Người là Thiên Chúa, với mộc dược rằng Người mang thân phận phải chết” (Thánh Grêgôriô Cả, Bài giảng lễ Hiển Linh, 6). Một vị vua đến để phục vụ chúng ta, một vị Thiên Chúa đã trở thành con người. Đối diện với mầu nhiệm này, chúng ta được kêu gọi cúi mình và quỳ gối để tôn thờ: tôn thờ Thiên Chúa đến trong sự nhỏ bé, Đấng ngự trong cuộc sống bình thường trong gia đình chúng ta, Đấng chết vì tình yêu. Vị Thiên Chúa, “khi tỏ mình trên bầu trời bao la với những dấu hiệu của các vì sao, đã để cho mình được tìm thấy […] trong một nơi trú ẩn chật hẹp; yếu đuối trong xác thể của một trẻ thơ, được quấn trong tả sơ sinh, được tôn thờ bởi các đạo sĩ và sợ hãi trước những kẻ ác” (Thánh Augustino, Các diễn văn, 200). Anh chị em thân mến, chúng ta đã mất đi thói quen thờ lạy, chúng ta đã mất đi khả năng mà sự thờ phượng mang lại cho chúng ta. Chúng ta hãy khám phá lại hương vị của việc cầu nguyện tôn thờ. Chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa của chúng ta và chúng ta tôn thờ. Hôm nay các Đạo sĩ mời gọi chúng ta tôn thờ: Ngày nay, chúng ta đang thiếu sự tôn thờ.

Anh chị em thân mến, như các đạo sĩ, chúng ta hãy ngước nhìn lên trời, chúng ta hãy lên đường tìm kiếm Chúa, hãy cúi lòng mình để tôn thờ. Hãy nhìn lên trời, tiếp tục cuộc hành trình và thờ phượng. Và chúng ta cầu xin ơn không bao giờ mất đi lòng can đảm: lòng can đảm để trở thành người tìm kiếm Thiên Chúa, những con người của hy vọng, những người biết mơ dám can đảm nhìn lên trời, lòng can đảm kiên trì bước đi trên các nẻo đường thế giới với sự khó nhọc của hành trình thật sự và can đảm tôn thờ, can đảm nhìn lên Chúa, Đấng soi sáng mọi người. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng này, trên hết là ân sủng biết cách tôn thờ.

Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây