TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng Lễ viếng ĐC Giuse Trịnh Chính Trực

Thứ tư - 22/09/2021 18:30 | Tác giả bài viết: Lm. Giacôbê Phạm Xuân Lương |   1064
“Thiên Chúa giàu lòng xót thương” (Ep 2, 4)
Bài giảng Lễ viếng ĐC Giuse Trịnh Chính Trực

BÀI CHIA SẺ TIN MỪNG [Ga 12, 23 – 28]
TRONG THÁNH LỄ KÍNH VIẾNG ĐỨC CHA CỐ GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC
NHÀ NGUYỆN TÒA GIÁM MỤC BAN MÊ THUỘT – 25.09.2011


Kính thưa quý cha, quý tu sĩ, quý ông bà anh chị em.

Chúa vừa gọi về với Chúa: Đức cha Giuse Trịnh Chính Trực, nguyên Giám mục Giáo phận. Toàn thể giáo phận đang “để tang” với tâm tình “thương tiếc” Đức cha. Giờ đây, cộng đoàn chúng ta đang cùng với Đức cha cử hành Thánh lễ, xin phó thác Đức cha cho lòng Chúa thương xót. Chúng con xin cùng với Đức cha tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân giám mục, một thánh chức cao trọng, một sứ vụ thánh thiêng, Thiên Chúa đã tuyển chọn và thánh hiến Đức cha trở nên đấng kế vị các thánh Tông đồ để phục vụ Dân Thiên Chúa.

Với 86 năm cuộc đời làm con Chúa tại thế, đặc biệt, 57 năm linh mục, 30 năm giám mục, Đức cha đã để lại cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận nhà rất nhiều ấn tượng tốt đẹp và những bài học lớn của một vị mục tử tốt lành, thánh thiện. Chúng ta tự hào về gương sáng nhân đức và danh thơm tiếng tốt trong cuộc sống của Đức cha chúng ta.

Trong Thánh lễ kính viếng Đức cha, con xin phép chia sẻ một vài cảm nghiệm rất chân thành, và con tin rằng đó cũng là cảm nghiệm chung của rất nhiều người đối với Đức cha rất đáng kính yêu.

+ Người ta có thể gọi Đức cha Giuse là giám mục của khó nghèo

Không ai phủ nhận điều đó, cực kỳ bình dị, đơn giản chất phác. Khó nghèo trong y phục, chẳng hạn, với chiếc áo sơ mi vô cùng giản dị, chiếc áo chùng thâm đơn sơ đậm nét văn hoá Việt. Khó nghèo trong đồ dùng, kể cả điện thoại cũng không! Và không kể hết được ở đây. Tóm lại, khó nghèo trong mọi sự, tất cả là của chung, dường như vô sản, thanh bần và siêu thoát; Đời sống Đức cha phản ánh thật rõ nét đời sống khó nghèo – lao động của Đức Kitô, Đức cha như là đồng hình đồng dạng với Đấng đã sinh nghèo, sống nghèo, chết nghèo. Đối với Đức cha: “Chúa là tất cả! Chúa là gia nghiệp!” chẳng còn gì hơn để khát khao chiếm hữu, có Chúa là có tất cả! Thế là quá dư dật và mãn nguyện. Chúng ta tin tưởng và hy vọng Thiên Chúa trọng thưởng cho ngài được hưởng mối phúc thứ nhất của tám mối phúc thật. “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).

+ Người ta có thể gọi Đức cha cố Giuse là giám mục của “Lao Động và Cầu Nguyện”.

Dù rất bận rộn với trăm công ngàn việc của một Giám mục Giáo phận, nhưng dường như không thể tính được tổng số thời giờ lao động làm vườn của Đức cha hơn 25 năm từ 1979 tại thửa đất Nhà Chung Tòa Giám Mục này. Bởi lẽ, cầu nguyện chính là hoạt động hiệu quả nhất để Chúa hành động và làm chủ tất cả nhờ quyền năng Thánh Thần. Âm thầm lặng lẽ hiến tế trong lao động; sáng sáng, chiều chiều, ngày ngày, tháng tháng, năm năm, đắp đổi nối tiếp, một mực cần cù, chuyên chăm lao động, lao động có định hướng theo linh đạo “lao động – cầu nguyện” của thánh Bênêđictô, của thánh cả Giuse – bổn mạng của Đức cha. Những giọt mồ hôi, những hy sinh vất vả hoà lẫn kinh nguyện sâu lắng hăng say đã trở thành dấu chỉ của đời sống chiêm niệm - nhiệm hiệp với Thiên Chúa. Bao giờ cũng thế, sau buổi lao động là một mình trước Thánh Thể nhà nguyện tòa giám mục để hiến dâng tất cả.

Đó là dấu ấn của tình yêu bất diệt, là sứ điệp không chữ không lời truyền thông cho mọi người nên thánh trong lao động và cầu nguyện.

+ Người ta có thể gọi Đức cha Giuse là giám mục của lòng thương xót

Từ cảm nhận sâu sắc về lòng thương xót của Thiên Chúa, đức cha đã chọn châm ngôn giám mục với câu Kinh Thánh: “Thiên Chúa giàu lòng xót thương” (Ep 2, 4) – Câu Kinh Thánh này cũng chính là chủ đề bài khảo luận thần học được xuất bản nhân dịp ngài thụ phong linh mục – 31.05.1954.

Phát xuất từ đó, ngài quan tâm đến mọi người, đặc biệt, đối với người nghèo. Với trí thông minh sâu sắc, với tầm nhìn bao quát chuẩn xác cho hiện tại và tương lai, Đức cha đã định hướng một chương trình hành động mang tính vĩ mô và thực tiễn nhằm phát triển toàn diện về căn bản của đời sống kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống Giáo Hội, thành lập các giáo điểm, xây dựng đời sống cộng đoàn cơ bản cho một tương lai tươi sáng.

Công trình và công trạng của Đức cha Giuse đang tồn tại trên khắp mọi miền giáo phận. Tất cả vì đoàn chiên, mong sao cho mọi người được sống dồi dào cả đời này và đời sau. Một vị mục tử giám mục “giàu lòng thương xót” giữa một cộng đồng xã hội nghèo khổ và thiếu thốn trăm bề sau biến cố 1975.

+ Và người ta có thể gọi Đức cha Giuse bằng một chuỗi những phẩm chất cao quý khác: lãnh đạo như một người cha khôn ngoan - nhân hậu. Linh mục đoàn hiệp nhất với Đức cha, từ vâng phục siêu nhiên trong phẩm trật Hội Thánh đến cảm phục, kính trọng và yêu mến. Thông minh mà khiêm tốn, thẳng thắn mà vui tươi, cương quyết mà hiền hậu… Tất cả như biểu hiện một đời sống thanh tịnh và khiết tịnh cả bề trong bề ngoài. Rất mực đạo đức - chính trực. Nếu tên là người thì quả là chính xác: Một linh mục giàu chất linh mục, một giám mục giàu chất giám mục. Một cuộc sống như thế là thành công vĩ đại trong kế đồ cứu độ của Thiên Chúa.

Đó là kết quả đến từ định luật tự hủy của Tin Mừng, cũng chính là định luật của sự sống vinh quang vĩnh cửu. Hạt lúa mì rơi xuống đất có chết đi mới sinh nhiều bông hạt!”. Thánh giá cuối đời từ cơn đau và bệnh tật là đỉnh cao của mầu nhiệm hiến tế, hiệp thông với Chúa Kitô hiến tế - phục sinh, để rồi, giờ đây, Đức cha vui sướng thưa với Chúa: “Mọi sự đã hoàn tất”.

Trọng kính Đức cha.

Hiện diện bên Đức cha trong giây phút đầy cảm xúc yêu thương này, chúng con xin tri ân cảm tạ Đức cha, chúng con xin phó thác đức cha cho “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” trong niềm hy vọng Đức cha đang ở bên Chúa muôn đời. Xin Đức cha bầu cử cùng Chúa và chúc lành cho Giáo phận và cho tất cả chúng con. Chúng con nguyện noi gương nhân lành – thánh thiện của Đức cha, và hiệp thông huyền nhiệm với Đức cha trong hiến tế thánh lễ và kinh nguyện hằng ngày. Rất kính trọng và yêu mến. Vọng về cánh chung, mong ngày hạnh ngộ với Đức cha, viên mãn hoan lạc Nước Trời. - Amen –

Lm. Giacôbê Phạm Xuân Lương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây