TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Một đời để sống

Thứ hai - 20/09/2021 18:58 | Tác giả bài viết: Thùy Trang, DHM |   1287
Là người trẻ, con chẳng hiểu thế nào là sống có ý nghĩa. Trong khi đó, con nghe nhiều người nói ý nghĩa cuộc sống là điều quan trọng. Vậy làm sao đạt được điều ấy?
Một đời để sống

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 21: MỘT ĐỜI ĐỂ SỐNG

Câu hỏi:

Là người trẻ, con chẳng hiểu thế nào là sống có ý nghĩa. Trong khi đó, con nghe nhiều người nói ý nghĩa cuộc sống là điều quan trọng. Vậy làm sao đạt được điều ấy?

Trả lời:

Mình rất thích một bài hát cực ngắn, dù không rõ tác giả là ai. Mình thích hát nó và tập cho người khác hát. Mình cũng không nhớ tên nên tự đặt cho nó là “Sống cho xứng đáng”. Có tìm hỏi Google mà chú cũng không tìm được! Xin được ký âm lại và gởi tặng để mọi người có thể cùng hát. (Xem bản nhạc ở cuối bài).

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đã viết ca khúc Ước gì và được nhiều ca sĩ thời danh biểu diễn. Trong nhiều điều ước, điều ao ước nhất là “ước gì cho thời gian trở lại” để sửa lại những lỗi lầm đã gây ra giận hờn đến mức đổ vỡ mối tương quan! Đó luôn là một điều ước không tưởng. Thế mà đôi khi ta còn ước giá như có lần thứ hai để sống!

Giá mà…

Người than thân trách phận thích chữ “giá mà”. Họ thích nhìn lại quá khứ để tiếc nuối cho những gì mình có thể sống tốt hơn nhưng đã bỏ lỡ cơ hội. Đang độ tuổi thiếu niên thì lại muốn trở về tuổi thơ. Đang độ tuổi vào đời thì lại ước gì ta vẫn là học sinh áo trắng mộng mơ. Cứ thế, bạn tiếc mãi cho những gì đã qua và vẫn còn dang dở. Mong rằng bạn không đợi đến tuổi già để phải tiếc một đời – để cứ giá mà, giá mà…

Cơ hội là duy nhất?

Bạn từng nghe những lời khuyên này: “có chí làm quan, có gan làm giàu”, hay phải biết “chớp thời cơ”, hoặc “vận may không đến hai lần”. Bạn chần chừ vì chưa đo lường được hết phần thắng và rủi ro của cơ hội đó, một lần nữa cơ hội lại vụt mất. Bạn sợ mất cơ hội nên phải cố chụp giựt cho bằng được. Kết quả là sống kiểu “ăn vội ở thì”, “mì ăn liền” thiếu suy xét và giẫm đạp lên nhau để dành cơ hội; thậm chí còn nghĩ rằng đó là cách để “hãy là chính mình”!

Người ta nói đến “60 năm cuộc đời”, hay chúc nhau “trăm năm hạnh phúc”, hoặc than thở kiểu Cao Bá Quát trong bài thơ Chén rượu tiêu sầu:

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
Cảnh phù du trông thấy đã nực cười.
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo
.”

Trong niềm tin Kitô giáo, được sinh ra trên cõi đời này là một ân huệ nền tảng, như trong Kinh Cám Ơn ta đọc: “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng để con không (hư vô/không có) đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người…” Thiên Chúa muốn bạn một lần được sinh ra để sống đời đời trong hạnh phúc với Ngài. Ngược lại, nếu “một đời để sống” đó đã không sống cho đáng sống thì hậu quả là đau khổ đời đời!

Vậy ra việc xác định mục tiêu cuộc đời và đạt đến nó một cách có ý nghĩa quả là quá quan trọng, dù bạn có đang nhận biết và chấp nhận niềm tin Kitô giáo hay không. Xin cùng với bạn tìm hiểu hai vấn đề quan trọng này.

Mục tiêu cuộc đời

Là người trẻ, bạn nghe đầy tai hai chữ “định hướng”: định hướng nghề nghiệp, định hướng tương lai, định hướng cuộc đời, định hướng ơn gọi… Xin đừng vì nghe nhiều mà nhàm tai, vì không có định hướng thì giống như con tàu giữa biển khơi mà không có bánh lái!

Hãy mường tượng cuộc đời bạn lênh đênh như một con tàu giữa biển khơi, và duy mình bạn vừa là thuyền trưởng, hoa tiêu, thủy thủ, kỹ thuật viên, và động cơ trên chiếc thuyền đó.

Bạn biết rằng chiếc thuyền sẽ đưa bạn đến nơi cần đến, chứ không phải là nơi định cư suốt đời. Muốn điều khiển chiếc thuyền đời mình đi đến đích, như một hoa tiêu, bạn cần xác định và dựa vào một “ngọn hải đăng”; sau đó dùng “la bàn” để định hướng nơi mình cần đến; cuối cùng mới dùng bánh lái điều khiển mọi khả năng của mình để đi đến đó.

Trước hết là “hải đăng”. Hãy duyệt xét xem đâu là hệ thống giá trị bạn đang dựa vào để xây dựng lý tưởng đời mình và xét duyệt cuộc sống mình. Có Đấng nào bạn cậy dựa vào để phóng mục tiêu đời mình vào tận đời đời không?

Kế đến dùng “la bàn” để xác định đích bạn muốn đến hay mục tiêu cuộc đời. Có các mức độ mục tiêu cuộc đời khác nhau. Có những mục tiêu chỉ giới hạn trong một giai đoạn cuộc đời. Có những mục tiêu chỉ giới hạn trong một đời người. Có những mục tiêu chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu bản thân và những người thân thuộc. Có những mục tiêu tìm kiếm và xây dựng hạnh phúc cho tha nhân. Có những mục tiêu giới hạn cho an sinh con người. Có những mục tiêu lại vươn tới sự hài hòa và quân bình cho cả một hệ thống sinh thái. Có những mục tiêu vươn đến hạnh phúc đời đời và vươn đến chính Thiên Chúa. Vân vân và vân vân...

Ngoài việc xác định mức độ của mục tiêu cuộc đời, bạn còn cần học kỹ năng sử dụng “la bàn” để xác định mục tiêu cuộc đời là các kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng và kinh nghiệm phân định khôn ngoan – thần khí – thiêng liêng, kinh nghiệm thiêng liêng... Hãy tận dụng các cơ hội để được huấn luyện mình trong chiều sâu, hiểu biết xã hội và xây dựng mối tương quan cá vị với Thiên Chúa. Việc chữa lành các tổn thương quá khứ sẽ giúp bạn tự do hoạch định đời mình trong tầm nhìn yêu thương của Chúa. Một mục tiêu cuộc đời tốt sẽ giúp bạn phát triển toàn diện từ văn–trí–đức–thể–mỹ–tâm linh (nhân văn/tông đồ – tri thức – đức hạnh – thể lực – thẩm mỹ – tâm linh).

Cuối cùng là việc điều khiển bánh lái con thuyền, tức là quy hướng mọi khả năng của mình vào việc thực hiện mục tiêu tốt lành bạn đã đề ra cho đời mình. Nếu bạn đã có một mục tiêu tốt lành cho đời mình, chắc chắn bạn đang sống tích cực từng giây phút được ban cho, ngay cả khi mọi sự bị ngừng lại như trong đại dịch Corona vừa qua.

Sống có ý nghĩa

Cách thức bạn tiến tới mục tiêu tốt lành của đời mình chính là cách bạn đang sống có ý nghĩa. Khi biết sống có ý nghĩa từng giờ, từng ngày tháng năm, từng giai đoạn cuộc đời thì bạn sẽ đạt được ý nghĩa cuộc sống. Khi bạn sống đời mình cách có ý nghĩa, bạn cũng mang lại ý nghĩa sống cho người khác.

Trong tập tự truyện nhỏ với tựa đề Năm chiếc bánh và hai con cá (1997), với một ngôn ngữ dành cho người trẻ, ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận đã tóm tắt “bí kíp” đời mình thành bảy điểm, trong đó, điểm đầu tiên là Sống giây phút hiện tại. Mời bạn lướt qua đôi nét để quyết định sống có ý nghĩa từng giây phút đời mình từ hôm nay.

Ngay trong đêm bị bắt, ngồi trong xe thùng bị chở đi, một ánh sáng đã đến với Ngài: “Tôi sẽ không chờ đợi (tức ngày được trả tự do). Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương”.

Nhưng làm sao để thực hiện được điều đó, một ánh sáng khác đến với Ngài: “Con hãy bắt chước thánh Phaolô. Khi ngài ở tù, không hoạt động tông đồ được, ngài đã viết thư cho các giáo đoàn. Ðơn giản vậy mà con đi tìm đâu cho xa?” Kết quả là chúng ta có cả 1001 câu suy gẫm, đúc kết ngắn gọn Ngài viết cho chính mình và cho con dân Ngài mọi thời.

Ngài nói với các bạn trẻ đang nghe Ngài:

Làm sao yêu thương đến cao độ như thế trong mỗi phút hiện tại? Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi. Dẹp bỏ những gì là phụ thuộc, tập trung cả tâm hồn cho những gì là chính yếu. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định phải là „đẹp nhất” của đời tôi. Tôi phải dành cho mỗi người tình yêu của tôi, nụ cười của tôi: tôi phải lo sợ đánh mất một giây phút nào trong đời mình vì đã sống không ý nghĩa.

Chúc các bạn sống có ý nghĩa và thành toàn đời mình!


Thùy Trang, DHM
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
WHĐ (20.9.2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây